LUIGI GALVANI (1737 - 1798)
Ông là thầy thuốc và nhà vật lý người Italia, Galvani nghiên cứu về hiện tượng điện trong các mô động vật. Các khám phá của ông đã dẫn đến việc phát minh ra pin Volta (Xem Volta), một nguồn phát dòng điện một chiều.
Theo yêu cầu của cha, Galvani đã theo học ngành y. Năm 1762, ông nhận luận án Tiến sĩ y học; sau đó được cử làm giảng viên phẫu thuật học ở Đại học Bologne và Giáo sư sản khoa ở Viện Kỹ thuật và Khoa học (Institute of Arts and Sciences). Cùng năm 1762, ông lấy Lucia là cô con gái độc nhất của Giáo sư Gabazzi ở Viện Hàn Lâm Khoa học Bologne mà sau đó vào năm 1772 ông trở thành Chủ tịch.
Những nghiên cứu lúc đầu của Galvani là về giải phẫu học so sánh, song có khuynh hướng sinh lý học. Chính nhờ theo hướng này mà sau đấy ông đã có khám phá lớn trong lĩnh vực điện. Sau khi máy phát tĩnh điện dụng cụ dùng để tạo ra tia lửa điện và chai Leyden (dụng cụ dùng để tích trữ tĩnh điện) ra đời, ông bắt đầu tiến hành những thí nghiệm về kích thích bắp cơ bàng điện. Năm 1786, ông đã phát hiện ra sự co cơ ở ếch khi chạm một cái kẹp vào các dây thần kinh của nó trong lúc có bão điện. Qua những thí nghiệm, sau đấy đã chứng minh rằng sự co cơ đúng là có liên quan với tác dụng điện, song điều này xảy ra ngay cả khi không có bão điện hay máy phát tĩnh điện ở bên cạnh mà chỉ cần có sự tiếp xúc bằng kim loại giữa bắp cơ đùi ếch và các sợi thần kinh dẫn tới chúng. Như vậy có nghĩa là, một hệ gồm một cung kim loại nối hai mô với nhau có vai trò của một máy phát tĩnh điện. Khám phá này Galvani công bố năm 1791 trong khảo luận De Viribus Electricitatis in Motu Musculari Commentarius (Bàn về tác dụng điện đối với sự vận động của cơ).
Qua thí nghiệm của mình, ông cho rằng trong các mô động vật có chứa một lực ''bẩm sinh'' trước đó không ai biết mà ông gọi là “điện động vật” (animal electricity) một dạng của điện bên cạnh dạng "tự nhiên" được sản sinh chẳng hạn khi có chớp và dạng "nhân tạo" được tạo ra bằng ma sát (tĩnh điện chẳng hạn). Ông còn cho rằng, não là cơ quan quan trọng nhất từ đó tiết ra ''chất lỏng điện'' và các dây thần kinh là những dây dẫn đưa chất lỏng tới các cơ kích thích sự hoạt động của chúng. Các đồng nghiệp của Galvani nói chung tán thành ý kiến của ông, nhưng Alessandro Volta (Xem VOLTA). Giáo sư vật lý ở Đại học Pavia, thì không nghĩ như vậy. Theo Volta, nguồn của kích thích là ở sự tiếp xúc do các kim loại khác nhau, và ông gọi điện được sản ra là “điện kim loại”.
Cuộc tranh cãi giữa Galvani và Volta không hề dẫn đến sự thù ghét giữa hai người. Chính Volta đã đưa ra từ “Galvanism” (chỉ sự nghiên cứu về dòng điện qua các chất điện phân) và nói rằng, công trình của Galvani: "chứa đựng một trong những khám phá đẹp đẽ nhất và bất ngờ nhất”. Sự thực Galvani và Volta mỗi người đều có chỗ đúng và chỗ sai của mình. Galvani đúng khi nói rằng, sự co cơ là do kích thích điện; nhưng sai khi cho rằng, kích thích đó là “điện động vật”. Volta đúng khi phủ nhận sự tồn tại của “điện động vật”, nhưng sai khi nói rằng mọi hiệu ứng điện sinh lý đều cần đến hai kim loại khác nhau để tạo ra dòng điện. "Điện động vật” như nói ở trên tuy không tồn tại nhưng "điện sinh vật'' (bioelectric forces) là một điều có thực. Galvani là người đầu tiên đã chỉ ra điều này khi ông chứng minh rằng cơ bị co lại khi nó chạm vào cơ trần của một con ếch bằng dây thần kinh của một con ếch khác (trình bày trong phụ lục của một cuốn sách vô danh xuất bản năm 1794).
Những năm cuối đời của Galvani, có nhiều chuyện đau buồn. Năm 1790, người vợ suốt đời tận tụy với chồng và là người bạn đồng hành của ông đã qua đời. Hai người đã không có con cái gì, ở tuổi 47. Do không chịu tuyên thệ trung thành với nước Cộng hòa Cisalpine do Napoléon tạo dựng, ông bị loại khỏi trường Đại học và mất lương. Rất đau buồn, ông quay về sống tại căn nhà nơi ông đã sinh ra. Nhưng sau đó không lâu, chính quyền đã rút bỏ quyết định của mình, phục hồi chức vụ Giáo sư cho ông; nhưng vào lúc ấy, ông qua đời, thọ 61 tuổi, giữa lúc thế giới đang ở ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng về điện vĩ đại.
Khám phá của Galvani đã dẫn đến khám phá của Volta về nguồn điện, mở đầu kỷ nguyên năng lượng điện trong lịch sử nền văn minh của nhân loại. Khám phá của Galvani còn mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới: Điện sinh lý học.