JOSEPH LOUIS LAGRANGE
(1736 - 1813)
Laerange sinh ngày 25-1-1736 tại Turin (Italia), mất ngày 10-4-1813 tại Paris (Pháp). Ông được xem là một trong những thiên tài toán học lớn nhất trong lịch sử toán học; đồng thời cũng là một nhân vật đặc sắc trong thời đại ông, một thời đại đầy xáo động về mọi mặt: chính trị, văn hoá, xã hội.
Năm 1754, mới 18 tuổi. Lagrange được mời dạy toán học cho Trường pháo binh Turin và đã bắt đầu trao đổi thư từ với những nhà toán học lỗi lạc nhất thời ấy. Ông kết bạn với D'Alembert (1717 - 1783) một nhà toán học đồng thời là nhà văn, nhà trường lỗi lạc của nước Pháp thế kỷ XVIII. Ông đã đứng ra tổ chức một hội khoa học, sau này trở thành Viện Hàn Lâm khoa học Turin. Năm 1769, ông nhận lời mời sang Berlin thay Euler phụ trách các bài giảng về toán học tại Viện Hàn tâm khoa học Berlin. Năm 1772, ông được bầu làm Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn Lâm khoa học Paris. Năm ấy ông 36 tuổi.
Mười lăm năm sau, năm 1787 khi đã 51 tuổi, Lagrange rời nước Đức sang Pháp. Hai năm sau, năm 1789, Cách mạng Dân chủ Tư sản Pháp bùng nổ. Chính phủ cách mạng đã ra lệnh trục xuất tất cả những người nước ngoài nhưng đã không áp dụng lệnh này đối với ông mà ngược lại, ông đã được cử làm Chủ tịch ủy ban phụ trách cải tổ hệ thống đo lường sang hệ thập phân.
Những người khởi xướng và lãnh đạo cuộc Đại Cách mạng Dân chủ Tư sản pháp chịu ảnh hưởng sâu sắc của các triết gia bách khoa thế kỷ XVIII hết sức coi trọng việc phát triển giáo dục và khoa học. Một loạt trường Đại học nổi tiếng ngày nay vẫn là trường Đại học hàng đầu của nước Pháp đã được thành lập như trường Đại học Bách Khoa (28-9-1794), trường Cao đẳng Sư phạm (30-10-1794), Viện Quốc gia về công nghệ (10-10-1794), trường Đại học về ngôn ngữ phương Đông (tháng 12-1794). Những trường này được gọi là ''trường Đại học năm III”, tức là năm thứ 3 sau ngày thành lập chính thể Cộng hòa lần thứ nhất (22-9-1792).
Ngay sau khi trường Đại học Bách khoa Paris được thành lập, Lagrange được cử làm Giáo sư trường này, sau lại được cử kiêm làm Giáo sư trường Cao đẳng Sư phạm.
Sau khi lên ngôi Hoàng đế vào năm 1804, Napoléon rất trọng dụng Lagrange, phong ông là Hầu tước và Thượng nghị sĩ.
Lagrange đã có những cống hiến to lớn cho sự phát triển của toán học. Ngoài những phát minh lớn trong lĩnh vực cơ học giải tích và lý thuyết hàm giải tích, ông còn có những đóng góp qúy báu vào lý thuyết số, tính toán biến thiên, phương pháp giải phương trình bất định hai ẩn số bằng phân số liên tục, v.v… Các tác phẩm chủ yếu của ông là: Cơ học giải tích, (1788), Lý thuyết hàm giải tích (1797), Bài giảng về phép tính hàm số (1806), Phương pháp giải các phương trình số (1806), v.v…
GS.- TSKH. ĐINH NGỌC LÂN