GEORGES CUVIER NHÀ CỐ SINH VẬT HỌC (1769 - 1832)
Georges Cuvier sinh năm 1769 ở Montbéleard thành phố thuộc về đất Công tước Wurtemberg. Gia đình ông có nguồn gốc từ một làng ở Núi Jura (Juyra). Sau khi học ở Hàn Lâm Viện Suttgart, ông rời thành phố này vào năm 1788 và trở thành gia sư trong một gia đình ở tỉnh Normandie nước Pháp. Năm 1795, ông phụ trách việc giảng dạy môn giải phẫu học so sánh. Năm 1799, ông dạy môn vạn vật học ở một trường trung học. Năm 1802, ông trở thành Giáo sư ở Vườn Thực vật. Năm 1803, ông được đề bạt làm thư ký vĩnh viễn của Hàn Lâm Viện Khoa học đối với các khoa học vật lý và tự nhiên. Năm 1808, ông vào Hội đồng của trường Đại học. Rồi ông trở thành cố vấn của Nhà nước, quan Chưởng ấn của Nha Học chính, năm 1831, là Công khanh của nước Pháp. Ông thuộc về 3 Viện Hàn Lâm của nước Pháp: Viện Hàn Lâm Pháp, Viện Hàn Lâm khoa học, và Viện Hàn Lâm đăng ký các phát minh.
Cuvier đã biến môn giải phẫu so sánh thành một khoa học. Năm 1817, ông xuất bản cuốn Giới động vật phát triển theo tổ chức của nó. Năm 1828 - 1831, ông xuất bản tác phẩm lớn Vạn vật học các loài cá.
Ông đọc báo cáo của mình tại Viện Quốc gia về Những loài voi hóa thạch so sánh với các loài đang sống. Năm 1812, được xuất bản lần thứ nhất cuốn: Nghiên cứu về các xương hóa thạch ở đó người ta lập lại được các đặc điểm của nhiều động vật mà các cuộc tiến hóa trên địa cầu đã hủy diệt chúng. Từ năm 1821 đến 1824, sách này được xuất bản lần thứ hai; năm 1825, xuất bản lần thứ ba, kèm theo diễn văn về những cuộc cách mạng trên bề mặt Trái đất và về những thay đổi mà chúng gây ra cho giới động vật. Khó mà có thể tìm được một bộ xương hóa thạch đầy đủ của một loài thú. Do đó, phải từ một bộ xương, có khi một mảnh xương dựng lại toàn bộ con vật. Thí dụ từ hình dạng của răng, người ta có thể suy ra hình dạng của chân, của hàm, của ruột. Sau đây là một giai thoại nhân dịp việc phát hiện một con vật thuộc bộ có túi trong thạch cao ở Montmartre. Răng nó giống răng của loài thú túi có đuôi quăn, ông đã đoán trước là xương chậu phải mang các xương của thú có túi.
Quả nhiên khi đào đá ông đã phát hiện ra xương chậu, người ta có thể thấy ở đó xương của các loài thú có túi.
Về cổ sinh vật học, Cuvier đã nhận thấy 4 thế hệ động vật đã lần lượt xuất hiện. Lớp đầu tiên gồm có cá và bò sát Cổ đại. Lớp thứ hai đặc trưng bởi các con Palaeotherium và Anoplotherium di tích còn lại trong thạch cao ở Paris. Lớp thứ ba gồm các con voi răng mấu, các con voi mamút, trâu nước, tê giác. Thời kỳ cuối cùng loài người mới xuất hiện.
GS. VŨ VĂN CHUYÊN