Tài liệu: Nikolai Ivanovich Lobasevxki (1792 - 1856)

Tài liệu
Nikolai Ivanovich Lobasevxki (1792 - 1856)

Nội dung

NIKOLAI IVANOVICH LOBASEVXKI (1792 - 1856)

 

Nikolai Ivanovich Lobasevxki sinh năm 1792 tại thành phố Gorki ngày nay, trong một gia đình công chức nhỏ, nghèo khó và thiếu thốn. Tuy thế, lớn lên cậu bé Lobasevxki đã biết khắc phục khó khăn và tranh thủ học tập có kết quả.

Mười lăm tuổi, Lobasevxki bước vào trường Đại học Kazan và từ đó cả cuộc đời hoạt động khoa học của ông gắn liền với trường Đại học này: 20 tuổi tốt nghiệp Đại học được giữ lại trường làm ''trợ lý'', 22 tuổi làm phụ giảng, 24 tuổi làm Hiệu trưởng trường Đại học này.

Cống hiến to lớn cho toán học của Lobasevxki là ông đã xây dựng được một hình học khác với hình học của Ecuclide và sau này mang tên ông. Trong khoảng hơn 2.000 năm, rất nhiều nhà toán học xuất sắc đã tìm cách chứng minh tiên đề về đường thẳng song song của Eulide nhưng không đi đến một kết quả nào. Lobasevxki đã kết thúc các việc tìm kiếm trên. Ông khẳng định rằng, không thể chứng minh được tiên đề đó nhờ các tiên đề còn lại của Euclide. Ông đưa ra một tiên đề khác: ''Trong mặt phẳng, qua một điểm ở ngoài một đường thẳng cho trước có ít nhất hai đường thẳng không cắt đường thẳng đã cho''. Xuất phát từ tiên đề này, ông xây dựng môn hình học của mình. Trong hình học đó, tổng các góc trong của một tam giác luôn bé hơn hai góc vuông, không có các khái niệm về hình đồng dạng, hình vuông, hình chữ nhật v.v...

Ông nghĩ rằng có thể có nhiều thứ hình học khác nhau. Trên mặt phẳng có hình học Euclide, trên mặt cầu có hình học cầu, trên mặt trụ có hình học trụ... Một mệnh đề nào đó là chân lý trong hình học này có thể không còn là chân lý trong hình học khác. Ví dụ khái niệm đường thẳng trong hình học Euclide đem áp dụng lên mặt cầu thì ta được một đường tròn, trong hình học Euclide thì tổng các góc trong của một tam giác là hai góc vuông, nhưng nếu vẽ một tam giác lên mặt cầu thì tổng các góc trong lại lớn hơn hai góc vuông.

Tư tưởng và phát minh của Lobaseyxki tạo nên một chuyển biến cách mạng lớn trong hình học, triết học và hiện nay là cơ sở của nhiều lý thuyết mới, quan trọng của vật lý và thiên văn học. Người ta đã ví Lobasevxki như Copemicus trong thiên văn học, như Christophe Colomb trong địa lý học. Tuy nhiên, khi ông còn sống không một ai hiểu nổi những phát minh của ông. Các nhà Bác học cùng thời kẻ thì tỏ vẻ dửng dưng, người thì phản đối; thậm chí có người lợi dụng quyền thế nhà Vua cấm đoán, đe dọa. Mặc dù vậy, ông vẫn tiếp tục công bố các công trình của mình và đấu tranh cho sự thắng lợi của những tư tưởng tiến bộ đó cho đến trọn đời.

Giai đoạn cuối của cuộc đời Lobasevxki thật là buồn thảm. Cái chết đã đến nhà nhiều lần để cướp đi các con của ông, những khó khăn về kinh tế cộng với những đau thương về tinh thần mà cả cuộc đời ông phải gánh chịu đã làm cho giác mạc của ông bị hỏng. Mặc dù bị mù lòa, nhưng nhà Bác học chưa được công nhận ấy vẫn tiếp tục đọc những tư tưởng và phát minh của mình cho học trò chép lại. Ông mất ngày 24 tháng 2 năm 1856, thọ 64 tuổi. Khoảng 15 năm sau, thế giới mới biết đến tên tuổi và thiên tài toán học của ông với lòng kính phục vô bờ.

NGÔ ĐẠT TỨ




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390116922212500/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận