Tài liệu: Niels Henrik Abel (1802 - 1829)

Tài liệu
Niels Henrik Abel (1802 - 1829)

Nội dung

NIELS HENRIK ABEL (1802 - 1829)

 

Niels Henrik Abel, người Nauy, sinh ngày 5 tháng 8 năm 1802. Cha của Abel là một mục sư, có học thức cao. Tài năng của Abel phát triển khá nhanh. Bắt đầu từ khi 16 tuổi, Abel đã tự học và nghiền ngẫm các tác phẩm lớn của các bậc thầy như Newton, Euler và Lagrange với cách nhìn sâu sắc. Abel đã phát hiện ra những thiếu sót trong lý luận của các bậc tiền bối và đã dành thiều thời gian để chính xác hóa những phần thiếu chặt chẽ. Chính theo phương hướng đó, Abel đã chứng minh thành công Định lý nhị thức tổng quát mà Newton và Euler mới giải quyết trong trường hợp đặc biệt.

Cha của Abel mất năm Abel mới 18 tuổi. Gánh nặng gia đình với bảy miệng ăn đã đặt lên vai của Abel. Anh đã phải dạy trẻ lấy tiền nuôi sống gia đình. Tuy gia đình túng bấn nhưng Abel không hề phàn nàn, trái lại rất yêu đời, say sưa làm việc, học tập và nghiên cứu. Trong những năm khó khăn nhất của đời mình, Abel đã may mắn gặp được một ông thầy rất tốt là Holmboe và sau hai người trở thành bạn thân thiết. Holmboe đã tạo mọi điều kiện vật chất và tinh thần giúp Abel theo đuổi sự nghiệp vì sớm nhìn thấy thiên tài của Abel. Nhờ sự gợi ý của Holmboe mà Abel đã đọc những tác phẩm cổ đến thuộc loại khó nhất kể cả cuốn Nghiên cứu số học của Gauss. Cũng nhờ Holmboe mà một số công trình nghiên cứu của Abel được gửi đến tay các nhà toán học có uy tín hồi đó.

Năm 19 tuổi, Abel đã có cao vọng tìm lời giải bằng căn thức của phương trình đại số bậc năm tổng quát. Nhưng về sau, chính Abel đã tự phát hiện được sai lầm trong lý luận của mình và đã viết được một luận văn nổi tiếng để chứng minh rằng phương trình đại số bậc năm tổng quát không thể giải được bằng căn thức.

Năm 23 tuổi, Abel được Chính phủ nâng cấp học bổng cho sang nghiên cứu ở nước ngoài, chủ yếu là ở Đức và ở Pháp là cũng trong thời gian đó, Abel đã hứa hôn với một thiếu nữ tên là Gelly Kemp.

Nhà toán học Đức Gauss (Gauxơ) có nhận được công trình của Abel về phương trình đại số bậc năm. Nhưng ông ta không đọc mà đem xếp lại một xó vì hồi đó bài toán này giống như bài toán “cầu phương hình tròn”; đã làm tốn bao nhiêu giấy mực, thời giờ và công sức mà chẳng đi đến kết quả gì. Gauss cứ đinh ninh là Abel đã làm công việc như dã tràng xe cát. Thật là đáng tiếc! Ở Đức, Abel có một người bạn rất tốt là Gelle. Hai người đã giúp đỡ nhau rất nhiều trong nghiên cứu toán học. Gelle đã xuất bản các công trình của Abel trên tạp chí của mình và hay dẫn Abel đi chơi để giới thiệu với các giới khoa học ở Đức.

Abel sang Pháp với hoài bão có dịp tiếp xúc với Legendre, Cauchy và một số nhà khoa học có tên tuổi khác. Nhưng khi sang đó, Abel chỉ được đón tiếp bằng những nụ cười hoặc lời chào lịch sự. Abel có gửi đến Viện Hàn Lâm khoa học Pháp một luận văn về: tính chất tổng quát của một lớp rất rộng các hàm siêu việt, một công trình nghiên cứu to lớn về giải tích toán học mà Hermite đã đánh giá là nó đã nêu lên đề tài cho các thế hệ đến 500 năm sau. Legendre và Cauchy có trách nhiệm giới thiệu với Viện Hàn Lâm. Nhưng ông già 76 tuổi Legendre thì chê là viết mờ quá khó đọc, còn Cauchy thì bận việc riêng, xếp xó; mãi đến khi lãnh sự quán Nauy vận động tìm lại bản thảo của công trình thì Cauchy mới giới thiệu ở Viện Hàn Lâm, một năm sau khi Abel qua đời.

Abel mất ngày 6 tháng 4 năm 1829. Hai ngày sau người ta nhận được thư của Gelle báo rằng ông ta vận động thành công để Abel được giữ chức Giáo sư toán học tại trường Đại học Berlin. . . Và một năm sau (1830), Viện Hàn Lâm khoa học Pháp đã tặng Abel giải toán học lớn với ý định đền bù xứng đáng công lao của Abel đối với toán học. Nhưng tiếc thay tác giả không còn nữa!




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390117687681250/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận