JUSTUS LIEBIG (1803 - 1873)
Justus Liebig sinh năm 1803, trong một gia đình dược sĩ mà thời ấy đã là dược sĩ thì đều tự tay pha chế lấy thuốc men. Vì thế, ngay từ thuở nhỏ, Liebig đã có địp tiếp xúc với phòng thí nghiệm hóa học. Từ năm 21 tuổi, Liebig đã được phong Giáo sư ở trường Đại học Giessen. Năm 1825, ông tổ chức một phòng thực nghiệm về hóa học được trang bị tốt nhất lúc bấy giờ. Nó đã thu hút nhiều nhà Bác học nổi tiếng như A.Kekule, A.Wurtz, N.N.Zinin... đến làm việc. Ông rất chú trọng đào tạo sinh viên về thực hành.
Những công trình nghiên cứu về bản chất và tính chất các chất hữu cơ, những cải tiến phương pháp phân tích các chất này do Liebig tiến hành có ý nghĩa to lớn đến sự phát triển hóa học.
Năm 1838, Liebig đề ra những luận điểm cơ bản của thuyết về gốc trong hóa hữu cơ và bằng thuyết đó ông đã tổng hợp được nhiều hợp chất mới (Benzaldehyt, các Ancaloit, Axetaldehyt, cloroform... và nhiều chất khác có ứng dụng trong kỹ thuật và y tế).
Liebig nghiên cứu các điều kiện để thực hiện các phản ứng hữu cơ dưới tác dụng của một vài kim loại (trước hết là platin). Năm 1839, ông nêu ra một trong những thuyết đầu tiên về xúc tác với những khái niệm hết sức rõ ràng, mà vài chục năm sau, các nhà hóa học mới chứng minh được là đúng đắn. Trên cơ sở lý thuyết xúc tác, Liebig đã xem các quá trình quan trọng nhất trong thiên nhiên - lên men và thối rữa - là những phản ứng được xúc tiến dưới tác dụng của các xúc tác sinh học là enzym. Từ những tư tưởng đầu tiên này của nhà Bác học và sau nó trở thành cơ sở cho các nghiên cứu hóa sinh.
Liebig là người đầu tiên xác định được các nguyên tố dinh dưỡng của thực vật là Nitơ, Photpho, Kali và những chất khoáng khác. Năm 1840, ông xuất bản cuốn sách Hóa học áp dụng vào nông nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành bộ môn nông hóa học mà ông được coi như người sáng lập. Ông đã cho những chỉ dẫn về cách tăng thu hoạch cây trồng, bằng cách bón phân khoáng cho đất khiến ngày nay ngành sản xuất phân hóa học đã trở thành một ngành công nghiệp lớn mạnh.
Người ta khó mà hình dung những công trình đồ sộ như vậy mà một con người có thể làm nổi. Song sự lao động quá sức ấy đã làm ông rất mệt mỏi. Ông mất vào ngày 18-4-1873.
KS. NGUYỄN QUỐC TÍN