Tài liệu: Gregor Johann Mendel (Menđel)

Tài liệu
Gregor Johann Mendel (Menđel)

Nội dung

GREGOR JOHANN MENDEL (MENĐEL)

 

a - Thân thế:

Mendel sinh ngày 27 tháng 7 - 1822, trong một gia đình nông dân tại vùng Môravi nghèo ở Áo. Ông thừa hưởng của bố mẹ lòng say mê và tác phong nghiêm túc, chính xác trong công việc.

G.J.Mendel

 
Năm 18 tuổi, Mendel tốt nghiệp trung học vào hoại “xuất sắc” và được Nhà Thờ cử đi học triết học, nhưng 3 năm sau, khi 21 tuổi ông bỏ dở việc học vì quá nghèo và xin vào làm ở tu viện (tháng 10 năm 1843). Năm 1847, Mendel được Nhà Thờ phong làm giáo sĩ, và 2 năm sau, được đề cử dạy toán và tiếng Hy Lạp tại tu viện. Đến năm 1851, Mendel trở lại học toán, lý, hóa, động vật học và thực vật học trường Đại học Tổng hợp Thủ đô tại Viên. Bốn năm sau, Mendel tốt nghiệp và quay trở về sống trong tu viện Brơno suốt 14 năm (Brơno trước đây thuộc nước Tiệp Khắc), kết hợp dạy học ở trường Cao đẳng thực hành của thành phố.

 

Suốt 8 năm liền (1856 - 1863), Mendel đã tiến hành các thí nghiệm lai giống đậu Hà Lan Pisum sativum trong vườn trường tu viện. Năm 1879 Menđel được cử làm trưởng tu viện. Sau một thời gian, phần do bận rộn, phần vì thị lực kém dần, ông thôi làm nghiên cứu. Ngày 6 tháng Giêng 1884, Mendel mất, thọ 62 tuổi.

B - Sự nghiệp:

            “Con nào chẳng giống mẹ cha,

            Cháu nào lại chẳng giống bà giống ông?”

Đây là một câu hỏi đã từng ám ảnh trí tuệ con người từ xa xưa.

Cuối thế kỷ thứ XVII, người ta đoán có lẽ con đã sẵn có trong trứng của mẹ, dưới dạng ''một con đường tí hon'' (homunculus). Sau những thí nghiệm trên ếch của Xpalan Zani, người ta lại đổi sang đoán “người tí hon” nằm bó gối sẵn trong đầu các tinh trùng của cha, mẹ chỉ nuôi chúng lớn lên thành người.

Mendel là người đầu tiên đã phát hiện ra các quy luật di truyền. Có 3 nhân tố đã giúp ông thành công trong lĩnh vực mà những người khác đã thất bại.

1. Mendel rất giỏi toán và môn thống kê xác suất, nhờ đó mà đã đảm bảo việc tổ chức thí nghiệm theo mô hình toán học chặt chẽ, và với số lượng lớn.

2. Mendel đã không hấp tấp, nóng vội lao ngay vào thực hành mà đã dành nhiều năm làm thử, để chọn đối tượng và chọn tính trạng cần theo dõi. Cụ thể, Mendel đã chọn cây đậu Hà Lan, vốn được trồng phổ biến khắp Châu Âu, nó lại ít đổi thay về ngoại hình: Cây to lại sinh cây to, cây hoa trắng lại sinh cây hoa trắng…

Bảy cặp tính trạng được ông chọn cũng phản ánh tính bền vững đó: hạt trơn - hạt nhăn; hạt vàng - hạt lục; hoa đỏ hoa trắng; hoa mọc ở trên ngọn - hoa mọc ở nách lá; hoa cuống đài, hoa cuống ngắn; quả trơn - quả thắt nhiều eo; quả lục - quả vàng.

Điều tình cờ may mắn là trong 7 cặp tính trạng trên, đã có tới 6 cặp tính trạng nằm trên 6 nhiễm sắc thể khác nhau, nhờ đó mà tránh ''nhập nhằng'' khi kết luận (như sau này, thuyết nhiễm sắc thể và gien đã làm sáng tỏ).

3. Cây đậu Hà Lan tình cờ có cấu tạo hoa đặc biệt, che chở cho phấn các nhị không vương vãi ra ngoài, do đó mà khi cần, để hoa tự thụ phấn hay lấy phấn hoa này, thụ phấn chéo cho hoa khác, đều dễ dàng và bảo đảm, cho biết chính xác cây bố, cây mẹ. Chính nhờ 3 thuận lợi đó, nên sau 8 năm nghiên cứu cần cù, nhẫn nại và khoa học, Mendel mới đúc kết được kết quả thành 3 quy luật cơ bản của di truyền học.

1. Định luật tính trội: Cơ thể lai ở thế hệ con cái F1 (Filia generation 1) chỉ biểu hiện tính trạng của 1 bên bố hay mẹ P (Parental generation).

2. Định luật phân ly tính trạng: Khi cây F1 tự thụ phấn hay thụ phấn chéo, thì ở F2 sẽ được những cây mang tính “trội” và những cây mang tính ''lặn", theo tỷ lệ 3T + 1L.

3. Định luật về sự phân ly độc lập của các cặp tính trạng: Khi lai 2 cây thuần chủng, khác nhau về hai hoặc nhiều cặp tính trạng tương phản, thì sự di truyền của cặp tính trạng này không phụ thuộc vào sự di truyền của cặp tính trạng kia.

Năm 1865, Mendel trình bày kết quả thực nghiệm tại Hội Tự Nhiên học thành phố Brơno. Năm 1866 báo cáo được in trong tập kỷ yếu của Hội dưới nhan đề: ''Một số thực nghiệm lai thực vật”, (gồm 50 trang).

Cả báo cáo và bài báo đều chìm trong sự thờ ơ ghẻ lạnh chung, vì các giả thuyết về di truyền đương thời thì vô cùng rối rắm trong khi thí nghiệm của ông lại ''giản dị quá"! Mãi tới năm 1900, 35 năm sau khi công trình của Mendel được công bố và 6 năm sau khi ông qua đời, do ngẫu nhiên, 3 nhà khoa học của 3 nước bỗng cùng một lúc và độc lập với nhau ''tái phát hiện” các quy luật của Mendel:

- Hugo de Vries (1848 - 1933), ở Hà Lan.

- Carl Correns (1864 - 1933), ở Đức.

- Erich Tschermak (1871 - 1962), ở Áo.

Dù sao, loài người ngày nay vẫn xem năm 1866 là "mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của ngành Di truyền học'', và Mendel là ''ông tổ'' của ngành đó.

GS. LÊ QUANG LONG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390124644400000/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận