Tài liệu: Alfred Nobel (1833 - 1896)

Tài liệu
Alfred Nobel (1833 - 1896)

Nội dung

ALFRED NOBEL (1833 - 1896)

 

Ngày 27 tháng 11 năm 1895, tại câu lạc bộ Thụy Điển ở Paris, trước mặt những người làm chứng, Kỹ sư và là nhà kinh doanh Alfred Nobel đã ký một di chúc không bình thường. Việc đó xảy ra trước khi ông qua đời 378 ngày. Trong di chúc có đoạn viết:

"Toàn bộ tài sản của tôi để lại sau khi bán đi cần được phân phối như sau: Những người thực hiện di chúc phải làm cho tiền vốn trở thành những chứng khoán và lập thành quỹ. Lãi của quỹ dùng làm phần thưởng cho những người trong năm qua đã đem lại nhiều lợi ích nhất cho loài  người. Số tiền cần được chia thành năm phần bằng nhau: một phần dành cho người có sáng chế hoặc phát minh quan trọng nhất trong lĩnh vực vật lý, phần thứ hai trong hóa học, phần thứ ba trong sinh lý học và y học, phần thứ tư cho người tạo ra sản phẩm văn học nổi tiếng nhất, phần thứ năm cho người có công đóng góp lớn nhất trong sự nghiệp đoàn kết các dân tộc xoá bỏ chế độ nô lệ hoặc làm giảm số quân của các quân đội và giúp tiến hành các Đại hội hòa bình. Giải thưởng cho các nhà vật lý và hóa học do Viện Hàn Lâm khoa học Thụy Điển xét duyệt, giải thưởng về sinh lý học và y học do trường Đại học Caroline ở Stockholm xét duyệt, giải thưởng cho các chiến sĩ hoà bình do một hội đồng năm người do Viện Na Uy bầu ra xét duyệt. Tôi đặc biệt mong muốn rằng khi xét duyệt, về văn học do Viện Hàn Lâm ở Stockholm xét duyệt, giải thưởng không nên quan tâm đến nguồn gốc dân tộc của người được xét, sao cho giải được tặng cho những người xứng đáng nhất, không phụ thuộc vào việc họ có phải là người vùng Scandinavie hay không. . .''.

Nobel để lại gần 70 triệu cuaron Thụy Điển. Từ năm 1901, lãi của món tiền đó hằng năm được dùng để thưởng cho các nhà vật lý, hóa học, sinh lý học, y học, các nhà văn và các chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình. Mặc dù phải chi giải và nhiều chi phí khác, quỹ Nobel vẫn không ngừng tăng lên. Hiện nay, quỹ đó khoảng 200 triệu cuaron Thụy Điển. Vì vậy hằng năm số tiền của giải thưởng Nobel cũng tăng lên. Năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển lập thêm  giải Nobel thứ sáu: giải về kinh tế. Qua 80 năm tồn tại của giải Nobel, 500 người được nhận phần thưởng. Nobel không phải là người duy nhất di chúc lại bạc triệu của mình phục vụ khoa học, văn học và hòa bình. Chúng ta chỉ cần nhớ lại di chúc của A.Canơgi và Gi.Đ.Rôcophelơ dành cho mục đích khoa học, hay di chúc của nhà vật lý (quang học) và là nhà tư bản người Đức E.Abơ. Điều đặc biệt của giải Nobel là ở chỗ số vốn để lại lớn tới mức khó tin, và nhất là trong mối mâu thuẫn lạ kỳ của lời di chúc “yêu hòa bình” với nhân cách “gây chiến” của A.Nobel. Mâu thuẫn đó làm nảy sinh vấn đề “tấn bi kịch” của Nobel và cho tới nay vẫn chưa được lý giải. Cội nguồn của nó cần phải tìm kiếm trong toàn bộ cuộc đời và hoạt động của nhà sáng chế nổi tiếng này...

Thiên tài tự học

Mở đầu dòng họ A.Nobel là một điền chỗ và là một nhạc sĩ tài ba người Thụy Điển Pêde Ôlúpxon. Ông sinh ở tỉnh Nôbêliôy miền Nam Thụy Điển và vì vậy khi vào học trường Đại học Tổng hợp Úpxan năm 1682, ông đã tự gọi mình là Pêtơrút Ôlai Nôbêliút. Cuộc hôn nhân của ông với Venđêla Rútbéc, con gái viên Hiệu trưởng trường Đại học đó, đã khai sinh ra dòng họ A.Nobel. Ông nội của Alfred là Imanuen Nôbêliút (1757 - 1839) khi phục vụ trong quân đội với tư cách là Bác sĩ quân y đã đổi họ của mình thành A.Nobel. Người con trai cả của ông là Imanuen Nobel (1801 - 1872) cưới cô Carolina Anđrieta Anxen (1803 - 1889) và trở thành bố của bốn người con trai: Rôbe (1829 - 1896), Lutvich (1831 - 1888), Alfred (1833 - 1896) và ÊMin Ôxca (1343 - 1864), trong đó 3 người con trai lớn sinh ở Stockholm, còn người con út sinh ở Petersbourg.

Theo những nhà chép sử thì bố Alfred là người khác thường, một "thiền tài không được học tập''. Ông viết không thạo, không biết ngoại ngữ, hầu như toàn bộ kiến thức của ông là do tự học mà có. Mặc dù vậy đầu óc ông vẫn đầy những ý đồ và kế hoạch mơ mộng. Ba năm làm thủy thủ trên tàu thủy, sau làm thợ phụ, ông tốt nghiệp trường cơ khí ở Stockholm và đến năm 25 tuổi trở thành kiến trúc sư. Tuy nhiên, hoạt động trong lĩnh vực này của ông, kể cả việc sáng chế cũng như việc lãnh đạo một nhà máy cao su, đều không đem lại kết quả; và đến năm 1833, ông bị vỡ nợ. Sau những cố gắng không thành đạt trong lĩnh vực kỹ thuật, để tránh bị ngồi tù vì nợ quá nhiều, năm 1837 Imanuen Nobel đã đến Peterbourg theo thỏa thuận với Chính phủ Nga hoàng, 5 năm sau, cả gia đình ông cũng chuyển đến đó.

Thời gian đầu, A. Nobel rất thành công trong việc mở các xưởng cơ khí, xưởng đúc. Khi chiến tranh Crưm bắt đầu, với tư cách một chủ xưởng giàu kinh nghiệm, ông nhận được những đơn đặt hàng quân sự: nghiên cứu thủy lôi, chế tạo tàu biển, sản xuất bánh tàu hỏa, búa máy v.v. . . Công việc triển khai ồ ạt, nhất là trong lĩnh vực sản xuất mìn. Đến nay người ta vẫn còn giữ được công trình của A.Nobel ''Hệ thống phòng thủ dưới nước dành cho các bến phà và hải cảng không có công sự”. Cranstát, thành Xvêaboóc ở Phần Lan, cảng Rêven ở Estonia đều đã được trang bị thủy lôi sản xuất theo thiết kế của ông. Năm 1853, A. Nobel được Nga hoàng tặng huy chương vàng, một phần thưởng hiếm có đối với người ngoại quốc. Tuy nhiên, sau chiến tranh, đơn đặt hàng không còn và ông lại bị phá sản. Hãng ''Nobel và các con'' do Nobel bố cùng với Rôbe và Lútvich chủ trì với hơn 1.000 công nhân bị tan rã. Chán nản và thất vọng, A. Nobel cùng vợ và con trai út trở về Stockholm vào năm 1859. Lúc này ông cũng nghèo xơ xác như 22 năm trước khi phải rời Tổ quốc. Còn ba người con lớn không quay về Thụy Điển. Tuy bị thất bại nặng nề nhưng người bố, với nghị lực và trí óc phong phú, lại đặt hy vọng vào ngành công nghiệp, và lần này ông hoạt động với sự trợ giúp của người con thứ ba là Alfred.

Alfred Nobel sinh ngày 21 tháng 11 năm 1833. Cũng như cha, trong thời niên thiếu cậu chẳng được học hành gì thêm ngoài thời gian bọc tại Trường trung học Iacốv ở Stockholm từ mùa Thu năm 1841 đến mùa Xuân năm 1842. Alfred chưa tốt nghiệp Đại học, tuy vậy trong những năm còn trẻ cậu vẫn hơn hẳn các bạn cùng lứa về trí tuệ cũng như trình độ hiểu biết đặc biệt là về ngoại ngữ. Năm 1849, 16 tuổi A. Nobel quyết định đi du lịch châu Âu và châu Mỹ trong hai năm để học hỏi thêm; phần lớn thời gian ở Paris, anh nghiên cứu hóa học trong phòng thí nghiệm của nhà hóa học Pháp danh tiếng Giuyn Polu (1807 - 1867), đồng thời hồi phục sức khỏe vốn ốm yếu của mình.

19 tuổi Alfred vào làm tại nhà máy của bố ở Petersbourg (Nga) cho tới năm 1859.

Tiếng nổ có sức công phá lớn

Ở Thụy điển chỉ có vài người có lên tuổi lừng danh thế giới hơn so với Alfred Nobel. Sự nổi tiếng của Nobel không chỉ nhờ bản di chúc khác thường mà trước hết là do hoạt động kỹ thuật và nghiên cứu của ông kết hợp với mánh lới làm ăn hiếm có của một nhà kinh doanh. Việc này biến ông thành một trong những người giàu nhất thế giới.

Tâm lý học và công nghệ học của sự sáng tạo ở con người A.Nobel là gì? Tại sao lại chính là ông, từ  chỗ là người tự học hoàn toàn, hầu như không có vốn liếng để mở đầu cho sự nghiệp của mình, không được kế tục những truyền thống cơ bản của bất kỳ trường phái khoa học hay kỹ thuật nào, chỉ bắt đầu từ số “0” mà đã trở thành người có tầm cỡ nhất trong nghiên cứu và sản xuất chất nổ?

Năm 1847, tại phòng thí nghiệm của Pơlu, Giáo sư hóa học Italia là Axcanio Xôvbero (1812 - 1888) lần đầu tiên thu được nitroglixerin bằng cách cho hỗn hợp axit nitric và axit sunfuric (tỉ lệ 1/2) tác dụng lên glixerin (theo các tài liệu khác thì những người đầu tiên chế được nitroglixerin là Ô.Xbanbéc kết hợp với tướng Italia A.Xốpbero làm việc ở Thụy Điển và Đại uý quân đội Thụy Điển Xtaphơ). Tuy vậy, đối với công nghiệp, chất nổ này còn phải 16 - 18 năm sau mới sử dụng được: lý do chính là nitroglixerin quá nhạy khi va đập hoặc ma sát. Rất nhiều nhà khoa học của thế giới tìm cách khống chế ''con thú điên'' này là A. Nobel từ những năm 1850 - 1851,  khi còn làm ở phòng thí nghiệm của Pơlu dường như đã suy nghĩ về cách tiếp cận với nó.

Tháng 5 năm 1862 ở Petersbourg, Alfred Nobel khởi công những thí nghiệm đầu tiên với nitrogliexrin. Ông cho chất nhờn này vào ống nghiệm, hàn lại thật kín rồi cho vào một ống kim loại bên trong lèn chặt một chất bột đen, nối với dây cháy chậm và đốt. Một tiếng nổ long trời lở đất vang lên...

Tiếp tục khảo nghiệm, A. Nobel cho nitroglixerin vào một ống kim loại hàn lại rồi đặt vào một ống thép hình trụ dài 50mm chứa đầy bột đen là có nối với dây cháy chậm. Cơ cấu đó sau này được đặt tên là "ngòi nổ A.Nobel”. Đây là phát minh đầu tiên trong bốn phát minh lớn nhất của ông.

Cũng trong những năm đó, hợp lực với bố và các anh trai, Alfred xây dựng hai nhà máy sản xuất nitroglixerin một ở Hêlenboóc (ngoại ô Stockholm) và ở Criumen (ngoại ô Hambua). Việc sản xuất cũng như ứng dụng nitroglixerin phát triển nhanh chóng. "Ngòi nổ A. Nobel” được ứng dụng trong xây dựng hầm mỏ, đường sắt, đào núi. Năm 1864, kỹ thuật này được dùng cho việc đặt đường ngầm dưới Đảo Xtôđeman của Stockholm, khi ở Thủ đô người  ta xây đựng tuyến đường sắt chính phía Bắc; vào cuối những năm 1860, nó được sử dụng trong công trình xây dựng đường sắt từ Tambốv đi Kazolôv, v.v…

Mối nguy hiểm đến bất ngờ

các nước, “bệnh dịch các vụ nổ” bắt đầu liên tiếp xảy ra kéo theo hàng trăm nạn nhân. Một trong các vụ nổ như vậy ở nhà máy Hêlenbooc ngày 3 tháng 9 năm 1864 đã gây đau khổ cho chính nhà phát minh. Trong số người thiệt mạng có cả em trai Alfred là EMin - Ôxca và cả bạn thân của ông là nhà hóa học Khetxman. Nguyên nhân vụ nổ tới nay vẫn chưa rõ.

Trước cái chết của em trai, Alfred kinh hoàng, nhưng khát khao nghiên cứu và sản xuất đã thắng đau khổ. Được nhà triệu phú Đ.U Xmít giúp đỡ, mùa Thu năm 1864, ông cùng với bố thiết tập hãng "Nitroglixerin A.G", và năm sau đã xây dựng một nhà máy nhỏ ở vùng Vinleviken gần Thủ đô Stockholm. Sau vụ nổ ở Helenboóc, chính quyền cho phép Nobel chỉ được tiến hành thí nghiệm một mình trên chiếc thuyền buồm ở hồ Mialaren, không được lấy thêm người giúp việc nào khác.  

Vừa mở rộng sản xuất nitroglixerin vừa xây dựng thêm các nhà máy mới, Alfred vừa tiếp tục tìm kiếm các khả năng làm cho chết giết người này thêm những tính chất kỳ lạ khác. Sự kiên trì đã dẫn đến thành công. Ngày 7 tháng 5 năm 1867, A. Nobel nhận bằng sáng chế số 1345 ở Anh về phương pháp sản xuất "kiesengua đinamit” gọi tắt là “guađinamit” hay “đinamit”(lấy từ chữ Hy Lạp "diunamis'' nghĩa là “sức mạnh”. “Kiesengua-đinamit” là chất có chứa từ 30 đến 70% nitroglixerin, còn lại là kiesengua làm chất độn. Đây là sáng chế lớn thứ hai của A. Nobel.

Ngày 13 tháng 9 năm đó, đinamit được nhận đăng ký sáng chế ở Thụy Điển rồi ở nhiều nước tư bản lớn khác, đặt nền móng cho công nghiệp sản xuất thuốc nổ của A. Nobel trong tương lai.

Về sức công phá, đinamit chỉ kém nitroglixerin nguyên chất một chút, nhưng lại tuyệt đối an toàn khi bảo quản và vận chuyển.

Năm 1867, hai người Thụy Điển là I. Nobin và I.Onxon cũng được cấp bằng sáng chế về một chất nổ mạnh nữa là ''thuốc súng amoniac'' (là hỗn hợp than với diêm có chứa amoniac). Nobel bèn mua bằng sáng chế đó là kìm hãm chất nổ này trong nhiều năm bằng cách đưa đinamit của mình lên vị trí hàng đầu. Ông chuyển sang làm ăn sinh sống ở Đức, xây được 23 nhà máy chế tạo đinamit. Nobel cũng cho xây thêm nhiều nhà máy sản xuất nitroglixerin và đinamit ở các nước khác nữa. Nhu cầu chất nổ mới đòi hỏi tăng sản xuất nhanh chóng phải mở rộng. Alfred Nobel giàu lên không phải từng ngày mà là từng giờ. Sản lượng đinamit của thế giới từ chỗ 11 tấn/năm trong năm 1867 đã vọt lên tới 3120 tấn/năm trong năm 1874...

Năm 1863, Imànuen và Alfred Nobel được tặng giải thưởng Letextetốv của Viện Hàn Lâm khoa học Thụy Điển. Đó là phần thưởng khoa học duy nhất của A. Nobel, "giải thưởng Nobel'' của ông và ông suốt đời tự hào vì nó.

Từ năm 1875, Altred Nobel sống ở Paris. Tại đây, cũng như ở Xevran là ngoại ô Paris ông xây một phòng thí nghiệm hóa học và cũng trong năm 1875 tại đó đưa ra sáng chế thứ ba trong những sáng chế lớn nhất của mình và lần này không phải tranh chấp với ai cả, đó là ''đinamit keo hóa agelatin hóa''. A. Nobel đã làm hòa tan 7% colođi (nitroxeluza) với 93% nitroglixerin trong khi đun nóng cho tới khi thu được một thứ bột nhão dính giống như gelatin, được gọi là ''gelatin nổ'', “đinamit cao su” hay “keo funminat”. Sau đó chất này được hoàn thiện bằng nhiều chất phụ gia khác.

Sáng chế thứ tư và là sáng chế lớn nhất của A.Nobel là chất nổ không khói “balitit” hay còn gọi là “thuốc nổ Nobel” được cấp bằng sáng chế năm 1887. Thuốc nổ này thu được bằng cách hoà tan piroxilin cùng một tỷ lệ với nitroglixerin. Khi hai nhà vật lý nổi tiếng G.Điua và Alfred Nobel (dưới danh nghĩa hãng CORDIT của Anh) nhận bằng sáng chế về hỗn hợp nitroglixerin và piroxilin có thêm vadơlin thì A. Nobel bắt đầu một vụ kiện kéo dài; tuy nhiên trong vụ kiện đó ông đã thất bại.

Từ năm 1890, A. Nobel sống trong biệt thự ở Xan Rêmô (Italia), nơi ông có một phòng thí nghiệm thuộc hạng nhất. Vào những năm cuối đời, ông có ý định trở về Tổ quốc; ông mua một căn nhà ở Bôphot và gần đó - ở Biécbon - cho xây một phòng thí nghiệm còn hiện đại hơn nữa, gần như một nhà máy vậy.

Đến cuối đời Nobel đã nhận được 350 bằng sáng chế, phần lớn trong số này được áp dụng tại nhiều cơ sở sản xuất của ông: 93 nhà máy sản xuất đinamit, nitroglixerin, thuốc nổ không khói (thuốc nổ balitit), “keo fun minat” và nhiều loại chất nổ khác. Vốn của ông được đầu tư cho các xí nghiệp của hơn 20 nước. Lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất năm 1898 là 66,5 ngàn tấn, đem lại lợi nhuận 100 triệu cuaron Thụy Điển. Phần lớn của cải khổng lồ của Nobel thu được từ Pháp, Đức, Thụy Điển và Nga.

Sau năm 1896, sáng chế của Nobel được phát hiện càng nhiều. Không những ông quan tâm đến các loại chất nổ mà còn quan tâm đến việc ứng dụng vào các mục đích quân sự: lựu đạn, mìn, thủy lôi đạn dược, vũ khí, v.v...

Lời khẳng định cho rằng dường như Nobel chỉ nghiên cứu các giải pháp khoa học, kỹ thuật mà không dính líu gì đến việc ứng dụng chất nổ trong thực tiễn là không có căn cứ. Phần lớn tài sản của ông được xây dựng nên nhờ sự tham gia vào các xí nghiệp liên quan tới cuộc chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, song song với việc kinh doanh làm giàu, ông còn nghiên cứu các môn khoa học: điện hoá học, quang học, chế tạo máy, vật lý và y học. Ông thiết kế bộ hãm phanh tự động và các nồi hơi an toàn, cố gắng chế tạo các chất thay thế da và cao su, nghiên cứu cả sợi tơ nhân tạo và nitroglixerin.

Mọi việc dường như đều ổn cả, cứ việc phồn thịnh đi! Nhưng rồi nhà trùm tư bản công nghiệp đó đã đắm chìm trong suy tư về ý nghĩa con người. Ông đã sống đúng đắn chưa, đã sử dụng tài năng của mình đúng chỗ chưa? Tại sao mọi người đều sợ hãi tên tuổi ông, sợ hãi những thí nghiệm của ông? Tại sao và tại sao…? Thêm vào đó là bài cáo phó độc địa nhất về cái chết của Lútvích, người đã bị người ta làm lẫn lộn từ “ông Vua đinamit” sang “nhà buôn bán tử thần”. Bi kịch chăng? Làm gì với của cải bây giờ? Để lại cho họ hàng ư? Không! Toàn bộ tài sản phải dành cho các nhà khoa học, các nhà sáng chế, các nhà văn và các nhà tổ chức hội nghị hòa bình. Hãy để cho thế giới biết rằng Alfred Nobel đã chuộc lại lỗi lầm của mình trước loài người.

A. Nobel qua đời lúc hai giờ sáng ngày 10 tháng 12 năm 1896 trong biệt thự của ông ở Xan Rêmô; thế là ông không kịp trở về Tổ quốc. Bình đựng hài cốt của ông được chôn cất ở Stockholm ngày 29 tháng 12.

Tư cách và tính cách của A. Nobel được phản ánh thật đầy đủ trong biệt hiệu bông đùa về ông: “Kẻ lang thang giàu nhất châu Âu”. Toàn bộ sổ sách tính toán tiền nong trong đế quốc đinamit khổng lồ của mình, ông đều tự đảm nhiệm hết. Ông vừa là Tổng Giám đốc vừa là kế toán trưởng, vừa là nhà công nghệ vừa là kỹ sư trưởng, vừa là nhân viên văn phòng, vừa là thư ký... ở nhà máy nào của ông cũng có một phòng thí nghiệm, phòng khi ông đến đột xuất vẫn có chỗ để làm tiếp thí nghiệm.

A. Nobel chưa từng có vợ (chắc là do cá tính khó ai chịu nổi của ông). Ông là người hay cáu gắt và thích cô độc, kỳ cục và đầy mâu thuẫn, suốt đời sầu não. Trong con người ông dường như kết hợp một cách giống nhau những đặc điểm không thể hòa hợp được của cá tính con người: đó là sự thành đạt kỳ diệu của một nhà tư bản và sự bất lực một cách kinh ngạc của một con người, lòng khát khao lợi nhuận và sự hững hờ với mọi ban thưởng, tình yêu hòa bình và tính hiếu chiến, chán nản, u sầu và sự say sưa.

Ông say mê nghiên cứu và sản xuất đến mức thường quên ăn, mặc dù ông là người có sức khỏe kém. Tình yêu phụ nữ chưa bao giờ đến với ông; ông chỉ luôn để ý tìm kiếm mà không kết quả một cô vừa làm thư ký vừa là nhà kinh tế, phù hợp với ông về mặt kiến thức trí tuệ cũng như trình độ ngoại ngữ.

Vô số những bức thư dần dà cho ta thấy được hình ảnh của A. Nobel: vừa sùng Đạo vừa khinh rẻ người chết, vừa tàn bạo, tham lam vừa rộng rãi một cách thành tâm... "Những việc tôi làm quả thật khủng khiếp nhưng lại thú vị, lại hoàn toàn mang tính chất kỹ thuật đến mức trở nên lôi cuốn gấp đôi”. Ông chưa bao giờ kiên trì chính kiến chính trị của mình và cũng không thể là chiến sĩ hòa bình như người ta suy ra từ di chúc của ông. Đối với lời kêu gọi tổ chức các đại hội hòa bình của nữ văn sĩ người Áo Bécta Phon Dútnơ, ông đã trả lời: "Các nhà máy đinamit của tôi sẽ chấm dứt chiến tranh nhanh hơn mọi đại hội của các vị. Vào cái ngày mà hai quân đội có thể tiêu diệt nhau trong vài giây đồng hồ thì tất cả các dân tộc văn minh bị nỗi sợ hãi bao trùm sẽ giải trừ hết quân đội của mình.... Thế rồi ông vẫn di chúc lại một phần tài sản cho những người tổ chức các đại hội hòa bình, và khi còn sống ông đã từng trợ cấp cho một vài người làm việc đó….

Ông thường tự cho mình là ''nhà dân chủ xã hội ôn hòa'', nhưng lại hay nói về phong trào công nhân với sự phẫn nộ, ông rất coi khinh bọn bồi bút ba hoa nhưng bản thân ông, do khâm phục nhà thơ trữ tình người Anh Pơxi Seli, đã viết bằng tiếng Anh nhiều bản trường ca dài và khá hay; một trong những bản trường ca ấy đã mô tả chính ông. Ông giữ mình để khỏi tham gia vào chính trị nhưng lại đưa ra một sơ đồ quản lý Nhà nước. Vừa là nhà nghiên cứu vừa là nhà sáng chế, A. Nobel bao giờ cũng cố gắng đăng ký ngay sáng chế của mình và áp dụng ngay tập tức nó vào sản xuất. Mặc dù ông theo  nhiều mục đích, tấm gương đó của ông vẫn đáng để chúng ta ngày nay noi theo.

TS.V.M CHIU CHIUNHICH

(T.TH lược dịch tự tạp chí Khimiai Zhizn, 5 - 1983) – KH – ĐS số

22-23, 1-2-1983




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390126046743750/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận