MỸ THUẬT TRUNG CỔ
Năm 313, Hoàng đế Constantinus I (288 - 337) tuyên bố lấy Đạo Thiên chúa làm Quốc đạo ở đế quốc La Mã. Đây là lúc chấm dứt nền mỹ thuật Hy La rực rỡ thay vào đó là một nền mỹ thuật Trung cổ, xa dần thực tế, phụng sự chính quyền quân chủ chuyên chế và nhà thờ. Phong kiến Trung cổ và một số giáo lý hà khắc cho rằng, những đam mê vẻ đẹp nơi thân thể con người là nguyên nhân đẩy loài người xuống vực thẳm tội lỗi và sa đọa. Vì thế nghệ thuật Trung cổ nói chung và mỹ thuật Trung cổ ở Châu Âu nói riêng mang tính hướng thượng, ngợi ca vẻ đẹp thánh thiện, xa lánh những tình cảm đổi thay chốc lát, tôn vinh những vẻ đẹp vĩnh hằng. Đó là các dòng nghệ thuật Byzantin, Romal Gothique. Dù có quá nghiêm trang và trói buộc tình cảm con người, nhưng những dòng nghệ thuật Trung cổ với những đức tin và lòng say mê của các nghệ sĩ đã có những đóng góp rất quan trọng. Trong thời kỳ này đã ra đời nhiều kỳ quan kiến trúc, nhiều tranh ghép mảnh (mosaique) và tranh kính (vitrail) tuyệt đẹp.
Năm 395 dưới thời Hoàng đế Téodesius, đế quốc La Mã phân đôi: Đông La Mã và Tây La Mã. Trước hết là nghệ thuật Byzantin ngự trị hàng nghìn năm tại Đông La Mã (với Kinh đô là Byzance) và nhiều nước liên bang. Nghệ thuật Byzantin phát triển mạnh mẽ nhờ tiếp thu các yếu tố mỹ thuật phương Đông rất phong phú và đa dạng, nổi tiếng như nhà thờ Sainte Sophie (Haghia Sophia - thế kỷ VI) ở Constantinople (tên khác của thành phố Byzance từ 330 - 1453 và từ 1453 đến nay là Istanbul) và nhà thờ Saint Marc (thế kỷ XI) ở Venise.
Nghệ thuật Roman xuất phát từ Tây đế quốc La Mã có Kinh đô Roma với những nóc vòm nguy nga hình bán nguyệt mang vẻ thâm nghiêm với ánh sáng thâm u huyền bí. Loại hình nghệ thuật này phát triển ở Italia, miền Nam nước Pháp và một số nước Tây Âu, cực thịnh vào khoảng thế kỷ XI - XII. Một số công trình mang phong cách Roman tiêu biểu như: Quần thể kiến trúc tôn giáo ở Piza (thế kỷ XI - XII) với Tháp nghiêng nổi tiếng, Nhà thờ Modena (1099) ở Italia, Nhà thờ Saint Sernin (thế kỷ XII) và Đền Madeleine (thế kỷ XII) ở Pháp; Nhà thờ Worms (thế kỷ XII - XIII) ở Đức, Nhà thờ Durham (thế kỷ XII) ở Anh, Nhà thờ Toumai (thế kỷ XII - XIII) ở Bỉ, Nhà thờ Saint Jacques (1078 - 1130) ở Tây Ban Nha... Và cuối cùng, như một sự láy lại trong các công trình kết hợp giữa các phong cách Roman và Byzantin xuất hiện ở nhiều nơi như Thánh đường Hồi giáo Suleymaniye hùng vĩ (thế kỷ XVI) ở Isatanbul, nhà thờ Sacré-Coeur (1876) rất đồ sộ trên đồi Montmartre ở Paris và nhà thờ Đức Mẹ Đồng Trinh (đầu thế kỷ XX) ở Washington, Mỹ.
Đặc biệt là nghệ thuật Gothique, đó là thứ nghệ thuật Thiên Chúa Giáo đặc sắc nhất ra đời ở Pháp từ thế kỷ XII, sau đó lan rộng ra nhiều nước, rất bay bổng trong tạo hình, các công trình kiến trúc vươn cao vào bầu trời với ánh sáng chan hòa. Mở đầu là nhà thờ Saint Denis (1132). Tiếp theo là nhà thờ Đức Bà Paris (1245) nổi tiếng đã đi vào tác phẩm văn học của Victor Hugo; các nhà thờ Amiens (1269), Riems (1331), Chartres (thế kỷ XIII) vô cùng lộng lẫy với hệ thống tranh kính tuyệt vời ở Pháp; Cung điện Halles (thế kỷ XIII) ở Bỉ, Nhà thờ Saint Martin (1248), cao vào loại bậc nhất thế giới ở Cologne Đức, Thành Carcassonne (thế kỷ XIII) ở vùng Midi miền Nam nước Pháp, Nhà thờ Saint Nazaire (thế kỷ XIII), Nhà thờ Saint Guy thuộc cung Vua Hradcany, một công trình rất lộng lẫy bên dòng Sông Vltava ở Praha Czech. Ngoài ra phong cách Gothique còn thể hiện ở các nhà thờ và tu viện như Nhà thờ Salisbury (thế kỷ XIII) ở Anh, Teledo (1227) và Leon (đầu thế kỷ XIII) ở Tây Ban Nha. Mãi sau này phong cách Gothique vẫn được yêu mến và thể hiện ở nhiều nơi trên thế giới như Tháp đồng hồ Big Ben và Tu viện Westminster (thế kỷ XIX) nổi tiếng ở London, Anh hay nhà thờ Saint Peter và nhà thờ Saint Paul (thế kỷ XX) tại Washington, Hoa Kỳ,v.v…