Tài liệu: Trường phái mỹ thuật

Tài liệu
Trường phái mỹ thuật

Nội dung

TRƯỜNG PHÁI MỸ THUẬT

 

Sau cách mạng Pháp (1789) đặc biệt là các thế kỷ XIX, XX thủ đô Paris được xem là Thủ đô ánh Sáng, hấp dẫn và hội tụ nhiều văn nghệ sĩ của các nước trên thế giới. Ở đây xuất hiện rất nhiều trường phái mỹ thuật mới.

Tân Cổ Điển (Neo - Classisme). Một đại biểu Tân Cổ Điển có lối vẽ nuột nà óng ánh, hết sức tỷ mỉ và cao sang đó là nhà văn kiêm họa sĩ Anne - Louis Girodet Trioson (1767-1824) với bức tranh Tôn vinh các anh hùng nước Pháp (1801, Điện Mahnaison). Đứng đầu trường phái này là hai thầy trò Louis David (1748 - 1825) và Ingres (1780 - 1867). Đây là hai cột trụ tài ba cuối cùng của chủ nghĩa cổ điển Pháp. Tác phẩm tiêu biểu của họ như: Cái chết của Marat (1793, Bảo tàng Hoàng Gia Bruxelles), một tác phẩm mang đề tài cách mạng của David; Cung Phi (1814) và Nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ (1863) ở Bảo tàng Louvre của Ingres, một cây bút xem “hình họa là danh dự của họa sĩ”.

Lãng Mạn (Romantisme) với các nhà điêu khắc Rude (1784 - 1855), Barye (1796 - 1875), Carpeaux (1827 - 1875), Rodin (1840 - 1871), Bartholdi (1834 - 1904), Dalou (1838 - 1902) và hai họa sĩ lãng mạn Pháp là Gericault (1791 - 1824) và Delacroix (1798 - 1863). Họ sáng tác với phong cách bay bổng tung hoành và với một khối lượng tác phẩm rất lớn. Trong số đó nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Lễ xuất phát của những người tình nguyện (1792), phù điêu cao của Rude ở Khải Hoàn Môn Ngôi sao Paris; Những thị dân thành Calais (1885 -1995) tượng đồng của Rodin (bảo tàng Rodin); Nữ thần Tự Do dẫn dắt nhân dân (1830) tranh của Delacroix (Bảo tàng Louvre); Thần Tự Do soi sáng Thế giới tượng của Bartholdi ở New York...

Trong khi đó họa sĩ Gustave Moreau (1826 - 1898) tìm ra lối vẽ riêng với những chấm màu rất tỷ mỉ về đề tài thần thoại như bức Jupiter và Sémélé (1895). Tác phẩm này như một gợi ý cho khuynh hướng Sắc Điểm sau này.

Hiện Thực (Realisme) với Jean Francois Millet (1814 - 1875), Honoré Daumier (1808 - 1879) và Gustave Courbet (1819 - 1877). Những người đã tuyên bố, tranh mình không phải là nơi của các ông hoàng bà chúa mà là chỗ cho những người lao động bình dị: Chị chăn cừu (Millet), Phu đập đá (Courbet) hoặc cảnh thôn dã Tiếng chuông chiều (Millet). Họ phản ánh hiện thực cuộc sống một cách trung thành.

Đặc biệt là từ những năm 70 của thế kỷ XIX, xuất hiện trường phái Ấn Tượng (Impressionnisme). Mở đầu là bức tranh Ấn tượng Mặt trời mọc (1873) của Claude Monet (1840 - 1926). Khuynh hướng Ấn Tượng thu hút nhiều họa sĩ như Alfred Sisley (1839 - 1899), Camille Pissaro(1830 - 1903), Augste Renoir (1841 - 1919), Eduard Manet (1832-1883), Fréderic Bazille (1841 - 1870), Edgar Degas (1834 - 1917), Armand Guillaumin (1841 - 1927), Gustave Catllebotte (1848-1894), Charles Angrand (1854 - 1926), Jean Beraud (1849 - 1936), Pièrre Bonnard (1867 - 1947), Marry Cassatt (1844 - 1926)... Những người mà vẽ đối với họ như là niềm vui được hít thở, được đắm mình trong một không gian tràn ngập ánh sáng. Họ mang những khát vọng được khắc ghi vĩnh hằng sự phù du của những cảnh vật thoảng qua, một lối vẽ giàu chất thơ, dễ cảm nhận. Từ Pháp phái họa này ảnh hưởng tới nhiều hoạ sĩ ở các nước như Walter Sickert (1860-1942) ở Anh, Lovis Corinth ở Đức (1858-1925), James Whistler (1834-1903) ở Mỹ và một số họa sĩ Nhật. Lịch sử Ấn Tượng như một xu thế nhìn nhận hơn là một kỹ thuật thể hiện. Vì vậy nhiều phong trào hội hoạ hiện đại đã bắt nguồn từ Ấn Tượng. Đối với những họa sĩ Ấn Tượng thuần túy như Monet, Sisley thì cảm xúc (Sensation) là phần tử cơ bản của hội hoạ. Khi cảm xúc nhường chỗ cho ý tưởng (Idee) ta thấy lối vẽ Tân Ấn Tượng (Neo-Impressionisme) qua nhiều tranh của Paul Gauguin (1848-1903), Vicent Van Gogh (1853-1890), trong đó bao gồm cả phái Sắc Điểm của các họa sĩ Georger Seurat (1859-1891), Paul Signac (1863-1935), Henri - Edmond Cross (1856-1910) và Maximilien Luce (1858-1941), những người đã tìm cách ứng dụng kết quả phân tích quang phổ của ánh sáng trong vật lý học hiện đại.

Paul Cézanne (1839-1906) cũng là người được xếp vào số những hoạ sĩ Ấn Tượng, nhưng ông ưa gam màu mạnh, thích tìm tòi những vẻ đẹp bền vững của hình khối, kết quả Paul Cézanne đã dẫn vào một lối vẽ đi xa hơn tiến tới mở đầu cho cuộc cách mạng mới: Lập Thể (Cubisme). Tiếp theo là Georges Braque (1882- 1963), Pablo Picasso (1881-1973), Fernand Léger (1881 -1955), André Lhote (1885-1962), Marcoussis (1878 - 1 949), Juan Gris (1887 - 1927). . . Mỗi người một vẻ nhưng đều là những đại biểu xuất sắc của phong trào Lập Thể, một phong trào gây nhiều chấn động, đặc biệt được tranh luận nhiều nhất trong lịch sử mỹ thuật xưa nay.

Cũng vào thời đó người ta phát hiện ra một lối vẻ êm ái trong lành, pha chút ngây thơ con trẻ của những người ít học vẽ trong các trường mỹ thuật, phần nhiều là số hoạ sĩ chủ nhật vẽ chơi như Ivan Generalic, Seraphine, Louis Vinvin, Camille Bombois, Grandma Moses, Hanny Lithy... Trong số đó nổi tiếng và được ca ngợi nhiều hơn cả, là họa sĩ Pháp Henri Rousseau (1844-1910) và lối vẽ này về sau được gọi là Hội họa Hồn Nhiên (Peinture Naùve).

Cùng với phong trào hội họa trên, Biểu Hiện (Expressionisme) là một dòng hội họa lớn của những nghệ sĩ đề cao những cảm xúc mạnh mẽ của mình trước các đối tượng. Khuynh hướng này xuất hiện từ khoảng 1880 ở Pháp và Đức. Bắt đầu là lối vẽ đầy tâm trạng của Vincent Van Gogh. Ông đã mượn cảnh sắc xung quanh để bộc lộ tâm hồn mình. Khi hình sắc đó không đủ để biểu đạt ông sẵn sàng thay đổi, bóp méo, xô lệch hoặc tô màu một cách phi lý lạ lùng. Nghĩa là tính chủ quan của người nghệ sĩ giữ vai trò thống soái. Từ Pháp và Đức mỹ thuật Biểu Hiện đã bất chấp khen chê lan qua Bỉ, Hà Lan và nhiều nước khác. Các hoạ sĩ tiêu biểu như Cézanne, Gauguin, Picasso, Heckel, Baselitg. Đặc biệt là Kirchner (1880-1938) và Beckmann (1884-1950) ở Đức, Kokoska (1886-1980) ở Áo, Ensor (1860-1949) ở Bỉ và Munch (1863-1944) ở Hà Lan... cũng đã trở thành các đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa Biểu Hiện với nhiều tác phẩm tràn đầy tính Nhân đạo.

Dã Thú (Fauvisme), một trường phái hội hoạ với lối dùng màu sắc sặc sỡ vui tươi. Các họa sĩ vẽ theo phong cách Dã Thú như Albert Marquet (1875 - 1947), André Derain (1880-1954), Raoul Dufy (1877 - 1953)... Tiêu biểu cho nhóm Dã Thú và cũng là họa sĩ xuất sắc hơn cả là Henri Matisse (1869-1954). Tuy phong trào không kéo dài nhưng riêng Matisse, một người hơn nửa thế kỷ tung hoành trong hội hoạ với một không gian nghệ thuật đầy biến động vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp của mỹ thuật Dã Thú.

Từ đầu thế kỷ XX, nhiều phái hội họa thi nhau tìm đường lối mới. Phái thiên về nét, phái say về màu. Nhóm nào cũng muốn mở rộng chân trời nghệ thuật, đưa hội họa lên cao. Họ thi nhau vẽ, phê bình, tranh luận, ra tuyên ngôn kéo theo nhiều nhà thơ, nhà văn vào cuộc.

Siêu Thực (Surréalisme) với sự tham gia của Salvador Dali (1904-1 989), Juan Miro (1893-1983), Marc Chagall (1887-1985), Ren Franoois Magritte (1898-1967), Mai Ernst (1891 - 1976), Francis Picabia (1879- 1953), Paul Klee (1879- 1940), Anberto Giacometti (1901 - 1966). Phái họa này có nguồn gốc từ nhóm hội họa Siêu Hình (Pintura Metafisica) của Italia. Nhóm Siêu Hình xuất hiện vào khoảng đại chiến thế giới I (1914-1918) bao gồm Giorgio de Chirico (1888-1978), Giorgio Morandi (1890-1 964) và Cana. Các họa sĩ này muốn đi sâu khai thác những cảm xúc thần bí và cũng là phản ứng với xã hội công nghiệp duy lý đương thời. Trong số đó, nếu cây bút Chagall được hướng dẫn bởi một bàn tay thiên thần và một trái tim con trẻ (ý của Picasso), thì cây bút Siêu Thực của Dali đã được hướng dẫn bởi lòng tự yêu mình và sự đam mê chiếm lĩnh cái phi lý cụ thể.

Kết cấu (Constructivisme) với các chủ soái là Kasimir Malevitch (1878- 1935), Piet Mondrian (1872-1944). Họ tìm cách thể hiện tối giản những mảng màu sắc sáng tốt. Thể hiện kết cấu duy lý như một thứ tranh thờ của giới trí thức, rất trừu tượng.

Vị Lai (Futurisme), một phái họa hình thành với các họa sĩ Umberto Bocctoni (1882 -1916), Gino Severini (1883-1966), Giacomo Balla (1871 - 1958) và Carlo Carra (1881 -1966). Những người này chủ trương Tốc độ Năng lượng là bản chất của thời đại. Với một tốc độ cao thì mọi vật đều thay đổi hình ảnh. Chó chạy, ngựa phi thì thấy chúng nhiều chân, chiến trận thì thấy hình ảnh chồng chất hỗn loạn... Vị Lai là nhóm họa sĩ ồn ào nhất, ra nhiều tuyên ngôn với tham vọng muốn tạo một nền mỹ thuật ngày mai, phủ nhận hết các nền văn hoá nghệ thuật cổ truyền.

Đa Đa (Dadaisme) đầu tiên là bức tranh có vẻ bôi bác: Mona Lisa có râu (1919) của Marcel Duchamp (1887-1968). Các họa sĩ khác của nhóm Đa Đa: Max Ernst (1891-1976), Jean Arp (1887- 1966), Picabia, Chwitter, Hugo Ball. Tristan Tzara (1896 - 1963), một nhà văn Pháp gốc Rumani, thủ lĩnh nhóm Đa Đa. Những họa sĩ này đến với Đa Đa như một thử nghiệm trong một hiện tượng hội họa và văn học kinh dị để sau đó nhanh chóng rời bỏ và chuyển sang vẽ theo khuynh hướng Trừu Tượng hoặc Siêu Thực.

Trừu Tượng (Abstractionnime) một dòng hội họa mang đến cho người xem sự khó hiểu và những cảm nhận khác nhau. Trong đó các họa sĩ cho rằng màu sắc, đường nét, bố cục tự nó đã chứa đựng đầy đủ văn phạm ngữ nghĩa của một thứ ngôn ngữ mỹ thuật thuần tuý, gợi mở sự suy tưởng khám phá. Một cái gì đó gần như nhạc không lời trong Âm nhạc. Các khuynh hướng mỹ thuật Hiện Đại nói chung và mỹ thuật Trừu Tượng nói riêng muốn để người xem được tham gia vào việc sáng tạo. Tự do cho người cầm bút bao nhiêu thì cũng tự do cho người thưởng thức bấy nhiêu. Những người đi đầu trong phong trào Trừu Tượng có Wassily Kandinsky(1866-1944), Paul Klee (1879-1940). Marcel Duchamp (1887-1968), Jackson Pollock (1912-1956); ở đây ta thấy có mặt cả Kazimir Malevitch và kiến trúc sư người Đức Walter Gropius (1883-1969) - người đứng đầu trường phái Bauhaus ở Weimar và Dessau ở Berlin từ 1919-1933. Hội họa Trừu Tượng phổ biến ở Châu Âu, Châu Mỹ những năm 50 thế kỷ XX và cuối thế kỷ này lại xuất hiện ở nhiều nước Châu Á - Thái Bình Dương.

Tượng Trưng (Symbolisme) với Gustav Klin (1862-1918) họa sĩ Áo và các bạn. Với một lối vẽ nhiều tìm kiếm và khám phá, thời gian đầu không được đón nhận nhưng giờ đây đã nổi tiếng thế giới và được nhiều người yêu mến.

Sắp đặt (Installationnisme), một dòng nghệ thuật sắp xếp thẩm mỹ. Trưng bầy các vật thể, bao gồm cả không gian, ý tưởng cá thân, rất đa dạng về chất liệu và hình thức, đầy chất ngẫu hứng mà người nghệ sĩ tạo ra để mọi người có thể cảm nhận được những đặc điểm chủ yếu của đời sống đương đại. Mở đầu là Marcel Duchamp với các tác phẩm khác thường Chín chiếc khuôn malique (Neuf moules Malique, 1914 - 1915). Dù không rầm rộ như các trường phái khác, nhưng gần một thế kỷ qua nhiều lớp hoạ sĩ khắp nơi đã tìm cách thể hiện nghệ thuật Sắp Đặt.

Từ cuối những năm 50 đến những năm 70 của thế kỷ XX ở Mỹ và Anh xuất hiện mỹ thuật Pop - Art sau đó là Italia. Đây là phong trào nghệ thuật dân dã muốn phản ứng lại các loại nghệ thuật bác học, trừu tượng, khó hiểu. Đại biểu của Pop -Art là Robert Rauschenberg (s. 1925), Andy Warhol (1928-1987), Jasper Johns (s.1930), Arman (s.1928), Pol Bury(s.1922). Ngoài ra còn một số họa sĩ khác như Hamilton Richard, Johns Blake và nhà tạc tượng Claes Oldenburg...

Song song với các trường phái mỹ thuật nói trêu, từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thế giới chứng kiến nhiều tranh tượng rất đồ sộ chịu ảnh hưởng của các trường phái mỹ thuật hiện đại. Ở Mehico, Đức, Anh, Tây Ban Nha. . . xuất hiện nhiều nghệ sĩ tài ba trong đó có Diego Rivera (1886-1957), David Alfaro Siqueiros (1896-1974), José Clemente Orozco (1883-1949), Henry Moore (1898-1986), thể hiện những bức tranh có kích thước rất lớn từ 1.000 m2 đến 4.000 m2 lấy đề tài dân tộc, lịch sử, xã hội. Với cách vẽ Đồng Hiện tầm vóc lớn lao, như tranh Hành khúc nhân loại của Rivera, tượng khổng lồ Nữ thần Tự do soi sáng Thế giới (1886) ở New York của Auguste Bartholdi (1834-1904). Loại tác phẩm này gọi là Nghệ thuật hoành tráng (Arts Monumentale).

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/173-02-633386875131562500/Luoc-khao-ve-My-thuat-the-gioi/Truong-phai...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận