MỸ THUẬT PHƯƠNG ĐÔNG
Mỹ thuật Phương Đông có vô vàn các tác phẩm, những công trình mang đậm tính tôn giáo hoặc cung đình.
Trước hết ở Ấn Độ, từ hơn 2000 năm Tr.CN, đã hình thành nền văn minh do người Arian xây dựng. Từ đó, đã hình thành Trường ca Vêđa, cơ sở của Đạo Bàlamôn để sau đó biến thành Đạo Hindu. Ấn Độ không những là nơi xuất hiện rất sớm Đạo phật, Đạo Jain (thế kỷ VI Tr.CN) mà còn là nơi Đạo Hồi phát triển mạnh, từ khi các Hoàng đế Moghols gốc Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Ấn Độ (thế kỷ XVI). Việc nhiều tôn giáo thi nhau gây ảnh hưởng ở Ấn Độ đã tạo nên ở đây một nền mỹ thuật phong phú đa màu sắc.
Đạo Phật về sau đã phát triển qua Trung Quốc và nhiều nước Châu Á. Trung Quốc có nền văn minh sông Hoàng Hà với các giáo lý của Khổng Tử và Lão Tử từ thời Chiến Quốc (thế kỷ V Tr.CN) đã ngự trị ở đây hàng nghìn năm. Đầu Công Nguyên, Trung Quốc thời Đông Hán, đã đón Đạo Phật từ Ấn Độ. Đạo Phật phát triển mạnh ở Trung Quốc vào thời Lục Triều và thời Đường. Đạo Phật và Đạo Hindu cũng đã phát triển qua các nước ở Đông Á và Đông Nam Á.
Mỹ thuật Phật giáo và Hindu giáo kết hợp với mỹ thuật truyền thống của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Campuchia, Thailand, Myanmar, Indonesia... đã tạo ra muôn vàn tác phẩm và công trình mỹ thuật độc đáo đặc biệt là vô số tượng, đền, chùa, tháp... Suốt hơn 2000 năm qua những tác phẩm đó đã phủ lên hầu khắp các nước Đông và Nam Á một tấm thảm nghệ thuật vô cùng lộng lẫy, rất đa dạng và huyền bí. Từ những tác phầm nhỏ bé nhất cho đến những công trình kỳ vĩ nhất vừa mang vẻ đẹp linh thiêng mà phồn thực của mỹ thuật Ấn Độ, vừa mang tính chất tinh xảo, siêu quần của mỹ thuật Trung Hoa.
Sau đây là một số công trình tôn giáo tiêu biểu.
Trước hết ở Ấn Độ có Stupa Sanchi, một quần thể gồm hàng vạn Bảo tháp được xây dựng dưới thời vị Vua sùng Đạo Phật Asoka (236 - 178 Tr.CN) thuộc vương Triều Morya; Ajanta, một tổ hợp 30 chùa hang với những bích họa nôi tiếng thế giới (thể kỷ II TR.CN - thế kỷ VII); Chùa Kailasa, một công trình vĩ đại ở Ellora (thế kỷ VIII); Tháp Kutupminar hùng vĩ (thế kỷ XII) và đặc biệt là quần thể 85 ngôi đền Hinđu giáo ở Khajuraho (thế kỷ X) được xây dựng dưới thời vua Dhanga thuộc Vương triều Chadella. Nổi tiếng thế giới về nhiều bức tượng đặc tả cảnh nam nữ giao hoan ở Đền Vishvanatha.
Qua Trung Quốc ta gặp Tượng Phật ở Bạch Môn (thế kỷ VIII) thuộc vùng Lạc Sơn, một pho tượng ngồi khổng lồ bằng đá vào loại lớn nhất thế giới (cao 71m) được đục vào trong núi. Phong cách này còn thể hiện ở Apganistan. Chùa Phật Quang ở Ngữ Đài Sơn. Nhiều chùa hang ở Long Môn, Vân Cương rất nổi tiếng về tượng mô tả cuộc đời Đức Phật.
Nhật Bản có Tượng Phật Đaibutsu ở Nara, một pho tượng đồng vào loại nặng nhất thế giới (500 tấn).
Ở Việt Nam có bức tượng gỗ rất đẹp và tinh xảo Phật Bà nghìn mắt nghìn tay (thế kỷ XVII) ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh và Thánh địa Mỹ Sơn (thế kỷ VIII - XIII), gồm khoảng 70 ngôi đền ở Quảng Nam, một quần thể kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao của Vương quốc Chămpa cổ mang phong cách Hindu giáo được xếp là di sản văn hóa thế giới.
Ở Indonesia có Borobudur (thế kỷ VIII), một kỳ quan mang phong cách Hindu giáo nhưng để tưởng niệm Phật, bao gồm 73 Stupa làm thành một Đền Núi rất hùng vĩ. Và Loro Giong Grang gồm hàng trăm ngôi đền lớn nhỏ tuyệt đẹp (thế kỷ IX) thể hiện các đề tài từ sử thi Ramayana của Hindu giáo.
Tới Campuchia có Angkor Wat (đầu thế kỷ XII), một kỳ quan Hinđu giáo của người Khmer được xây dưới thời Vua Suryavaman II (1112-1152) một công trình tôn giáo thuộc tầm cỡ lớn nhất thế giới. Và một công trình Phật giáo rất nổi tiếng Angkor Thom (cuối thế kỷ XII) dưới thời Jayavarman VII (1181-1201). Ở đây, có hàng nghìn tượng phù điêu và hơn 200 khuôn mặt Vua - Phật khổng lồ được tạc trên 50 ngọn tháp, gần một nghìn năm nay gửi vào không gian sâu thẳm cái nhìn hiền triết và bí ẩn. Cuối cùng phải kể đến rừng đền (thế kỷ X) thuộc Thành cổ Anuradhapura của Xrylanca và hàng vạn tượng Phật, chùa, tháp lộng lẫy ánh vàng như Vat Arun (thế kỷ XVII), Vat Phrakeo (thế kỷ XVIII) ở Bankok Thailand, Chwedagon ở Rangoon Myanmar. Tất cả đã từng làm đắm say biết bao thế hệ.
Nghệ thuật cung đình, miếu mạo, lăng tẩm của các quốc gia phong kiến phương Đông cũng nổi tiếng nguy nga và tráng lệ.
Ngoài Thành Babylone danh tiếng với Vườn treo Babylone là kỳ quan Thế giới Cổ đại, còn rất nhiều công trình bất hủ. Ở Ấn Độ có Thành Paterbua Sicri, Điện Lankila, Điện Man Singh ở Gwalior, Điện Rouge và căng Taj Mahal (1845) ở Agra. Đặc biệt Taj Mahal còn nguyên vẹn được mệnh danh là Viên ngọc vĩ đại, hay Giấc mơ của đá cẩm thạch. Lăng được xây dựng bởi nhà Vua Chah Djahan (1628 - 1666) nổi tiếng quyền uy và đa tình, đã xây cho Hoàng hậu chết trẻ là Mumtaz Mahall, người mà ông vô cùng yêu quý và tiếc thương.
Ở Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành. Một công trình có một không hai dài 6.350km, được xây dựng từ trước đó, nhưng chủ yếu là dưới thời nhà Tần (221 - 206 TR.CN). Sau đó được tu chỉnh xây thêm trong nhiều giai đoạn đến tận đời nhà Minh (1368 - 1644), Cung điện Potala (thế kỷ XVII) thuộc Thủ phủ Lhassa của Tibet (Tây Tạng), một công trình Phật giáo nổi tiếng trên dãy Hymalaya, mái nhà thế giới. Và Lăng Tần Thủy Hoàng, một kỳ quan thế giới mới được phát hiện vào cuối thế kỷ XX. Lăng có quy mô rất đồ sộ với hơn 6.000 binh mã bằng đất nung rất thực và đa dạng. Tần Thủy Hoàng người đầu tiên có công thống nhất Trung Quốc từ 7 nước: Tần, Tề, Yên, Sở, Hàn, Triệu, Ngụy. Lúc sống ông ghê gớm làm vậy và khi chết còn rền vang đến thế.
Về mỹ thuật, dòng quốc họa Trung Hoa cũng có nhiều đóng góp đặc sắc cho kho tàng mỹ thuật thế giới. Hội hoa Trung Quốc khác biệt với hội họa Châu Âu cả về quan niệm và phương pháp thể hiện, lưu danh nhiều họa sĩ. Trước hết là danh họa thời Lục Triều Cố Khai Chi (341 - 402) và nhà lý luận cự phách thời Nam Bắc Triều Tạ Hách (479 – 502), tác giả của Lục pháp luận nổi tiếng. Tiếp theo là nhà thơ kiêm họa sĩ lớn Triều Đường là Vương Duy (699 - 759), một ông trùm về tranh thủy mặc. Mỹ thuật Trung Quốc phát triển rất mạnh vào Triều Đường và có nhiều họa sĩ danh tiếng như: Diên Lập Bản, Hàn Cán, Chu Phỏng, Lý Tư Huấn, Ngô Đạo Tử. Ngoài tranh quốc họa truyền thống, thời kỳ này xuất hiện nhiều bích họa Phật giáo.
Qua các triều đại sau Tống, Nguyên, Minh, Thanh lưu danh nhiều họa sĩ như: Lý Thành, Phạm Khoan, Mã Viễn, Lưu Tùng Niên, Trương Ngạn Viễn, Tô Đông Pha, Trương Trạch Đoan, Đỗng Kỳ Xương, Ngô Xương Thạc. Thời Mãn Thanh có Nhiệm Bá Niên (1839 - 1895), người có biệt tài vẽ chim và hoa. Sau này các họa sĩ Ngô Tác Nhân, Lý Khả Nhiễm, nhất là Tề Bạch Thạch (1863 - 1957) và Từ Bi Hồng (1895 - 1958) là những họa sĩ tài ba được ca ngợi nhiều.
Đóng góp đáng kể cho mỹ thuật Phương Đông còn có các họa sĩ khắc gỗ màu Nhật Bản thời cực thịnh thế kỷ XVIII, XIX như Harunobu Suzuki (1725-1770), Utamaro Kitagawa (1753 - 1806), Hokusai Katsushika (1760 - 1849), Hyroshige Ando (1797 - 1858)... Xa hơn nữa có các họa sĩ Fugiwara Takanobu (1142 - 1205), Toyo Sesshu (1420 - 1506), Tohaku Hasegawa (1539 - 1610), Korin Ogata (1658 - 1710). Nghệ thuật Nhật Bản còn thể hiện trong vườn đá, một thú chơi rất tinh tế và tao nhã. Từ rất sớm, họ đã biết kết hợp cảnh quan môi trường với kiến trúc bằng loại hình Vườn Nhật Bản ((Japanese Garden).
Ở Việt Nam ngoài vô số tượng tuyệt đẹp trong các đình, chùa, đền, miếu, lăng, tẩm suốt từ Bắc đến Nam còn có một số dòng tranh dân gian như: Tranh Hàng Trống (Hà Nội), Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), Tranh Làng Sình (Huế)... và các loại tranh thờ ở miền núi. Nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại bắt đầu từ Trường Mỹ thuật Đông Dương (L’école des Beaux Arts I'Indochine) thành lập (1925) với vị Hiệu trưởng đầu tiên người Pháp là Victor Tardieu (1870 - 1937). Nơi đây đã kết hợp mỹ thuật truyền thống với các phương pháp thể hiện phương Tây, chịu ảnh hưởng của mỹ thuật Pháp. Từ đó có nhiều họa sĩ xuất sắc đại biểu như Lê Huy Miến (1870 - 1943), họa sĩ Việt Nam đầu tiên được đào tạo ở Paris, Nam Sơn (1890 - 1973), người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, Lê Phổ (1906 - 1980), Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993), Tô Ngọc Vân (1906 - 1954), Trần Văn Cẩn (1911 - 1994), Nguyễn Phan Chánh (1892 - 1984), Nguyễn Tư Nghiêm (s.1922), Dương Bích Liên (1924 - 1988), Nguyễn Sáng (1923 - 1988), Bùi Xuân Phái (1920 - 1988)... Và một đội ngũ rất đông đảo những người sáng tác mỹ thuật từ các khóa của trường Mỹ thuật Đông Dương đến ngày nay.