MỸ THUẬT VIỆT NAM HIỆN ĐẠI (1925 - 1945)
Tháng 11 - 1925 Trường Mỹ thuật Đông Dương khai giảng khoá đầu. Hoạ sĩ Victor Tardieu (1870 - 1937) là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường (1925- 1937). Năm 1927, hoạ sĩ Nam Sơn là người Việt Nam đầu tiên được phong Giáo sư Mỹ thuật. Sách "Các trường Nghệ thuật Đông Dương", Paris -1937. Ở trang 16 đã ghi rõ: "Việc dạy vẽ hình hoạ và trang trí do một giáo sư Mỹ thuật chuyên ngành bậc hai, ông Nam Sơn là một trong hai người sáng lập trường - L’enseignement du Dessin es des Art Decoratifs est assure par un Professeur techníque de 2 classe M.Nam Son, qui est un des deus Fondateurs de L’ecole'' (Sách này hiện lưu tại Thư viện Quốc gia M. 10692). Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là trường Đại học Mỹ thuật đầu tiên ở nước ta (1925-1945) đào tạo chính quy, chương trình bài bản khoa học, có hướng kết hợp giữa phương pháp Âu Tây và truyền thống bản địa. Trong Đề cương Mỹ thuật (1923), Nam Sơn viết: "Mỹ thuật Việt Nam: Lập nên một trường Đại học để đào tạo lấy nghệ sĩ có tài duy trì lấy nền tảng Mỹ Thuật của tổ tiên để lại, ngõ hầu cải tạo, sáng tác lấy một nền Mỹ Thuật Đông Phương có cá tính Việt Nam…”. Chủ trương chú trọng đào tạo nghệ sĩ, để xây dựng một nền nghệ thuật mới phát huy được truyền thống của dân tộc. Góp vào thức tỉnh tiềm năng Mỹ thuật truyền thống, đang cần đến một hệ thống phương pháp kỹ thuật để đổi mới theo thời đại. Các hoạ sĩ còn tìm về cội nguồn dân tộc, sáng tác những tác phẩm mới, phát triển mỹ thuật theo hướng Dân tộc - Hiện đại, là động lực quan trọng, tạo ra bước ngoặt lịch sử mỹ thuật Việt Nam, từ Truyền thống sang Hiện đại.
Giáo sư Hoạ sĩ Nam Sơn (1890-1973) đứng vững trên các loại hình, thể loại chất liệu mới diễn tả phong phú các sắc thái hiện thực. Các bức: Chân dung cô gái Việt Nam (màu dầu 1923), Chân dung Cụ đồ nho Sĩ Đức (sơn dầu 1923), Về chợ (lụa -1927), Cò trắng và cá vàng (khắc gỗ -1931), Xuân du ngoạn cảnh đồ (bột màu -1933), Thiếu nữ (lụa - 1935), Một Thiếu nữ Nông thôn (lụa - 1935), Vị tế chi tiền (lụa -1933), Phong cảnh Chùa Trầm (màu dầu -1933)... đều có bút pháp chủ động với phong cách riêng. Nam Sơn là hoạ sĩ Việt Nam đi tiên phong đưa sáng tác hội hoạ của mình tham dự các triển lãm mỹ thuật Quốc tế: các năm 1930, 1931, 1932, 1934, 1935, 1936 tại Paris; năm 1931 tại Roma, và năm 1943 tại Nhật Bản. Tác phẩm hội hoạ của ông là dấu ấn quan trọng của Mỹ Thuật Việt Nam hội nhập với thế giới. Nam Sơn tham dự (Salon de Paris 1930) triển lãm Quốc tế do Hội Hoạ sĩ Pháp (Société des Artistes Francais) với tranh Chợ gạo bên sông Hồng (mực nho -1930) phản ánh sinh động cảnh sinh hoạt chợ bên Sông Hồng. Các nhân vật với hình họa vững chắc, kết hợp chủ động phương pháp hội họa Âu Tây với truyền thống, giữa diễn tả và gợi tả. Người đàn ông đầu chít khăn sẫm, lưng để trần chắc khoẻ, người đàn bà gánh gạo từ men sông lên, đội chiếc nón rộng vành, y phục truyền thống Bắc Hà. Ông là người Việt Nam đầu tiên được Bảo tàng quốc gia Pháp mua tranh này. Nam Sơn còn là người Việt Nam đầu tiên viết sách Hội hoạ Trung Hoa (La Peinture Chinoise - 1930 ) bằng tiếng Pháp. Năm 1931, Nam Sơn sáng tác tranh Cò trắng và cá vàng (khắc gỗ bảy màu) dự triển lãm Quốc tế được giải thưởng tại Roma. Nam Sơn tham dự Triển lãm Quốc tế Paris (1932) bức Chân dung mẹ tôi màu dầu được giải Huy chương bạc (Medaille d' Argent) của Hội hoạ sĩ Pháp.
Những hoạ sĩ được đào tạo từ Trường Mỹ thuật Đông Dương nổi lên như Hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892-1984). Tranh Chơi ô ăn quan (1931) dự Triển lãm đấu xảo thuộc địa Paris 1931 được chú ý. Từ đó ông chuyên sáng tác và nổi tiếng về tranh lụa, dùng lụa phản ánh hiện thực, đã khẳng định phong cách và khuynh hướng nghệ thuật hiện thực dân tộc. Các tranh lụa: Rửa rau cầu ao (lụa-1931), Em bé chơi chim (1931), Hai thiếu nữ đội nón thúng quai thao (1932), Thiếu nữ chải tóc (1933), Hái rau muống (1934), Lên đồng (lụa - 1935), Trốn tìm (1939), Rửa khoai (1938), Cô gái và con trâu (1938), Chơi cá (1939)... Tranh ông cho ta những sắc thái êm ả, thanh thản, bình dị mà trữ tình. Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân (1906 -1954 ) có tranh dự triển lãm đấu xảo thuộc địa Quốc tế Paris (1931). Năm 1932, tại Salon các họa sĩ Pháp (1932), bức Lá thư (lụa) được tặng (Mention Honorable) - chứng chỉ vẻ vang. Nổi tiếng với tác phẩm Thuyền trên Sông Hương (1935). Các tranh vẽ ở Angkor và Bangkok (1936-1938). Tranh màu dầu Tô Ngọc Vân lộng lẫy óng chuốt, nổi bật trong các triển lãm Mỹ thuật Hà Nội. Các tranh màu dầu: Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Thiếu nữ bên hoa sen (1943), Hai Thiếu nữ và em bé (1944)... Nghệ thuật vững vàng về hình khối, màu sắc sơn dầu tươi vui, hài hoà, trong sáng, trữ tình, thanh thoát và đằm thắm. Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) là người cách tân xuất sắc, đưa sơn mài lên vị trí đỉnh cao. Các tác phẩm của ông chủ yếu phản ánh về đề tài Thiếu nữ và cảnh trí. Vườn xuân và thiếu nữ (1939), Chùa Thày (1939-1940), Bên Đầm Sen (1938), Bình phong Khoai nước và cảnh (1940), Thiếu nữ bên hoa Phù Dung (1944), Hai thiếu nữ (1944), Chiều hôm những ánh vàng (1944), Thiếu nữ bên Hồ Hoàn Kiếm (1943-1944)... Thế giới sơn mài của Nguyễn Gia Trí vừa thực vừa huyền ảo trong đó gợi niềm khát khao vô tận về cái đẹp nghệ thuật. Tranh sơn mài của ông đạt tới đỉnh cao trong những năm 1939-1944. Nguyễn Gia Trí còn có các tranh màu dầu Bến Hồng Quảng (1943), Sông Đà (1944); Phụ bản Kiều 1941 và các minh hoạ trên báo Phong Hóa, ngày nay. Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn (1911- 1994): Bức Vinh quy (sơn mài -1936). Các bức: Em gái tôi (sơn dầu), Cha và con (lụa), Đi làm đồng (lụa). Cảnh bờ Sông Hồng (Khắc gỗ màu) được giải ngoại hạng Triển lãm do Hội SADEAI (1937). Các tranh sáng tác năm 1940: Chợ hoa (lụa), Bến Sông Hồng (lụa), Gánh lúa (lụa) và Ngư dân (màu dầu). Năm 1943 tham gia phòng tranh của nhóm Foyer de I’Art annamite (gọi tắt là FARTA) lần I vào tháng 3/1943, với Em Thuý (màu dầu 1943) là tranh xuất sắc trong số ít hội hoạ chân dung hiện đại Việt Nam, và bức: Gội đầu - khắc gỗ 1943) đoạt giải nhất. Bức Hai thiếu nữ trước bình phong (lụa 1944) và Bên ao sen (màu dầu 1944) tại FARTA lần hai vào năm 1944. Bức Nắng trong vườn (màu dầu) triển lãm SALON UNIQUE Duy nhất - năm 1944.
Một loạt các sáng tác với các tên tuổi hình thành từ trước cách mạng. Các tác giả, tác phẩm giai đoạn 1925 - 1935: Lê Phổ (1906-1980): Phong cảnh Bắc kỳ (Bình phong-sơn ta 1930), Bà quan (màu dầu - 1931), Những người phụ nữ trẻ (màu dầu - 1931), Thiếu nữ ngồi (màu dầu - 1934). Mai Trung Thứ (1906-1980): Thiếu nữ (màu dầu - 1930), Chân dung cô Phượng (màu dầu - 1934). Công Văn Trung (1911- 2003): Phong cảnh chùa (sơn khắc - 1931 )… An Sơn Đỗ Đức Thuận (1898-1970): Thuyền trên bến Sông Hồng (khắc gỗ mầu -1931) tả một cảnh sinh hoạt trên bến dưới thuyền tấp nập. Lê Thị Lựu (1911-1988): Dưng bóng cây chuối (màu dầu 1931), Đi lễ chùa (màu dầu 1931). Trần Bình Lộc (1914-1941): Đền và sông núi (màu dầu 1932), Thuyền Hạ Long (màu dầu -1935). Vũ Cao Đàm (1908-2000): Em bé cài tóc. Nguyễn Cát Tường (khoá IV- 1928-1933): bức Chị em (màu dầu - 1935). Lê Văn Đệ (1906-1966): Thiếu nữ (lụa - 1934), Người con gái Việt Nam (đồng 1929) giai đoạn 1935 - 1945: Nguyễn Đỗ Cung (1912 - 1977): Chợ nóng thôn (màu dầu 1936), nhạy cảm về phản ánh thiên nhiên, Cây chuối (màu dầu 1936) triển lãm năm 1936 - SADEAL, được giải ngoại hạng. Các tranh Con đường làng (màu dầu -1936), Cổng làng (màu dầu - 1940), Đọc trang Lịch sử (màu dầu -1936) đều cảm xúc cảnh thực. Những năm ở Huế (1941 - 1943), ông vẽ phong cảnh các Lăng Tẩm, những dặng cây trầm tĩnh bên kiến trúc cổ u buồn của Cố đô: Cổng thành Huế (bột màu-1941), Kinh thành Huế (bột màu 1943), Phong cảnh Huế (bột màu 1943). Bức Từ Hải (phụ bản Kiều - 1942). Hoạ sĩ Lưu Văn Sìn (1905 - 1983): Thanh niên Thổ và con ngựa hồng (màu dầu - 1936), Đường đi bản Muốn (lụa) tả thật dịu dàng, xanh non của lúa, mây trắng trên đỉnh núi. Hoạ sĩ Nguyễn Khang (1911 - 1989): Đất nước (1939), Đánh cá đêm trăng (1943), Ngưu Lang - Chức Nữ (1943). Tôn Thất Đào: Phong cảnh Huế (màu dầu - 1939), Cổng Ngọ môn (màu dầu- 1940). Nguyễn Xuân Bái (Khoá IX, 1933 - 1938): Rước lên chùa (Sơn khắc, 6 tấm ghép - 1938). Nguyễn Văn Quế (Khoá X, 1934 - 1939) và Lê Quốc Lộc (1918 - 1987): bức Hội Chùa (sơn mài - 1939). Nguyễn Tường Lân: bức Thiên nhiên tả một cô gái khoả thân, hình thể mềm mại và mầu sắc xanh; các bức: Tiếng gà gáy sớm, Tắm bên hồ, Hai thiếu nữ trước bình phong (lụa), Hiện vẻ hoa (lụa - 1943) và các tranh bột màu tinh tế. Georges Khánh với tượng: Thiếu nữ. Phạm Hậu (1903 - 1995): Phong cảnh và ngựa trắng (sơn mài- 1939/1940), Gió mùa Hạ (sơn mài - 1940). Lương Xuân Nhị (1913) với Thiếu nữ đọc sách (màu dầu - 1940), Hoa hồng (màu dầu - 1940), Gia đình người thuyền chài (lụa - 1938), Thuyền mành (lụa - 1937) và Thiếu nữ chơi xuân (lụa - 1940). Phạm Gia Giang (1912 - 2003): Trung thu (phù điêu - 1937), Hạnh phúc (màu đắp - 1940). Nguyễn Thị Nhung (Khoá VIII, 1932 - 1937): Thiếu nữ và hoa cúc (lụa - 1940), Thiếu nữ (lụa 1940). Nguyễn Tiến Chung (1914 - 1976) với các bức: Hai thiếu nữ đi trên đồng lúa (sơn mài - 1940), Đi chợ Tết (lụa - 1940), và Gặt (lụa - 1943). Nguyễn Văn Tỵ (1917- 1992) với: Thiếu nữ và biển (sơn màu - 1940), Cô gái Mường (khắc gỗ màu 1943). Hoàng Lập Ngôn (1910) bức: Thiếu nữ (sơn dầu - 1944). Vũ Đăng Bốn (Khoá III, 1927 - 1932): Phong cảnh ở Hậu Giám (khắc gỗ màu - 1940). Trịnh Hữu Ngọc (1917 - 1977): Tĩnh vật (màu dầu-1944). Sỹ Ngọc (1919 - 1990). Hoàng Tích Chù (1912-2003): Cảnh nông thôn. Huỳnh Văn Thuận (Khoá XV, 1939 - 1944): Buổi sáng ở hàng Xanh (màu dầu-1940). Nguyễn Văn Bình (1917 - 2004): Tre và chuối (sơn mài - 1944). Nguyễn Trọng Hợp (1918 - 2000) với bức: Chăn trâu (sơn mài - 1944). Phạm Hầu (1920 - 1944): Cô đơn (giải nhất triển lãm Đông Kinh - 1940), ông còn sáng tác thơ, và mất sớm mới 24 tuổi. Nguyễn Tư Nghiêm (Khoá XV, 1941 - 1945) bức: Con bò (sơn dầu - 1944). Trần Phúc Duyên (Khoá XVI, 1942 - 1945): Thiếu nữ (sơn mài - 1940). Nguyễn Huyền (1915 - 1994): Bão táp (lụa - 1941). Trần Văn Thọ: Thiếu nữ Mường tắm (sơn dầu - 1940).
Giai đoạn 1923 - 1943 xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm Mỹ thuật Đông Dương có giá trị, đánh dấu bước phát triển quan trọng của Mỹ thuật Việt Nam trước cách mạng, làm hậu thuẫn cho bước phát triển tiếp sau.