ILIA METSNIKOV (1845 - 1916)
a- Thân thế:
Metsnikov sinh ngày 16 tháng 5 - 1845 ở tỉnh Kharkov, nước Cộng hòa Ukraina. Metsnikov có một người mẹ thương yêu con rất mực. Bà đã có lần tâm sự: ''Ngoài bố, thì các con là tình yêu, là hạnh phúc, là niềm hy vọng lớn lao nhất của đời mẹ''. Metsnikov yêu thiên nhiên ngay từ bé. Lên tám tuổi, cậu đã bắt đầu sưu tập các lá cây rừng. 11 tuổi, đã mô tả được cuộc sống của thủy tức. Năm 1861, vào lúc 16 tuổi, cậu tốt nghiệp trung học vào loại xuất sắc và được nhận vào trường Đại học Tổng hợp Kharkov. Ngay năm sau, cậu sinh viên 17 tuổi đã trình bày được một công trình nhỏ mô tả ''Một số hiện tượng về đời sống thủy tức''. Sau khi tốt nghiệp Đại học, trong 5 - 6 năm liền, Metsnikov đã được mẹ cho phép tiêu số tiền nhỏ nhoi của gia đình dành dụm được để bắt đầu đi “chu du thế giới”, học thêm ngoài đời.
Thoạt đầu Metsnikov đến Đảo Helgoland (Đức) trên Hắc Hải. Trong thư gửi mẹ, Metsnikov đã viết những lời lẽ rất cảm động: ''Con chỉ ăn uống qua loa ở bất cứ đâu và tiêu không quá 30 côpếch mỗi ngày. Tuy vậy, con vẫn rất sung sướng và hạnh phúc, vì đã thu được một số kết quả tốt. Con đã không để lãng phí số tiền mà mẹ đã dành cho con, với tất cả tình thương của mẹ''.
Năm 19 tuổi (1864) Metsnikov đến thành phố Ghét xen ở Đức và trình bày tại đây hai báo cáo khá hấp dẫn về “Động vật Đảo Helgoland”. Năm sau, năm 1865, một vinh dự bất ngờ đến với Metsnikov. Anh được phong hàm Giáo sư. Lúc đó, anh mới 20 tuổi.
Hè 1865, Metsnikov tiếp tục nghiên cứu ở Gertingghen, rồi Munich (Áo).
Năm 1867, anh lên Petersbourg và lại nổi tiếng ngay, nhờ một báo cáo trình bày tại Hội nghị khoa học lần thứ nhất của Hội Tự nhiên học thành phố về sự phát triển phôi của một số động vật.
Năm 1869, Metsnikov được tặng giải thưởng khoa học Karl Ber và được cử về dạy môn động học ở trường Đại học Tổng hợp Odessa.
Năm 1887, Metsnikov đi Paris gặp Pasteur (Pastơ) và được mời cộng tác để chuẩn bị thành lập Viện Pasteur đầu tiên ở Paris vào năm 1888. Metsnikov đã ở lại làm việc tại đó 28 năm liền. Ông mất tại Paris năm 1916, thọ 61 tuổi.
b. Sự nghiệp:
Thời đó, loài người chưa biết các sinh vật chống đỡ với các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể như thế nào.
Năm 1883, lúc 23 tuổi, có một lần Metsnikov đã cắt nhổ những gai hoa hồng, đem thả thử vào chậu đang nuôi ấu trùng sao biển. Qua một đêm, ông phát hiện là ấu trùng đã “Ăn tươi nuốt sống” các mẫu gai nhỏ.
Tiếp tục thí nghiệm, Metsnikov thử đâm đầu ngòi bút vào trong cơ thể sao biển và thấy ngay các tế bào cũng có hiện tượng thu nạp những hạt mực vào trong mình. Ông đã lập luận, có thể các tế bào của cơ thể, kể cả của người cũng làm như vậy đối với mầm bệnh chăng?
Từ đấy, ông tích cực và chủ động nghiên cứu sâu vào hiện tượng mà sau này được gọi là ''thực bào''. Chín năm sau, ông thông báo về kết quả thực nghiệm của mình trong tác phẩm: Bệnh học so sánh của quá trình viêm tấy. Ông khẳng định: ''Để chống các tác nhân gây bệnh, cơ thể có phản ứng thực bào (phagocytosis). Phản ứng này thường gặp ở mọi thực bào (tế bào ăn), sống tự do (như Amíp) hay trong hệ tuần hoàn (như bạch cầu)”.
Quá trình miễn dịch (chống bệnh tật truyền nhiễm) được xây dựng trên khả năng thực bào của bạch cầu đối với các vi trùng, vi khuẩn gây bệnh''. Thông báo của Metsnikov đã gây một làn sóng tranh luận sôi nổi và gay gắt.
Cuối cùng chân lý đã thắng. Năm 1908, nghĩa là 20 năm sau, ông đã cùng Ehrlich nhận giải thưởng Nobel về y học. Metsnikov là người Nga thứ hai nhận vinh dự này, sau Pavlov 4 năm. Còn Paul hiện ra các “phản độc tố” (antitoxin).
Các tác nhân gây bệnh lọt được vào cơ thể thường tấn công bằng hai cách:
1. Sinh sôi nảy nở thành hàng đàn hàng lũ, để tiêu diệt các tế bào của cơ thể (như ký sinh trùng sốt rét).
2. Tiết ra những chất độc (độc tố) như vi trùng uốn ván, để đầu độc cơ thể con bệnh.
Bạch cầu cũng phản công bằng hai cách:
Ăn thịt mầm bệnh (hiện tượng thực bào đã được Metsnikov phát hiện) và sản xuất phản độc tố để trung hòa và vô hiệu hóa độc tố của vi trùng – vi khuẩn, như Ehrlich đã chứng minh.
Những phát hiện của ông và Ehrlich 100 năm về trước, ngày nay bỗng nhiên trở thành thời sự nóng hổi với sự xuất hiện và hoành hành ghê rợn của căn bệnh thế kỷ ''hội chứng suy nhược hệ miễn dịch (hay tập nhiễm)'' bệnh AIDS.
Hệ miễn dịch giữ nhiệm vụ nhận diện và tiêu diệt các kháng nguyên xâm nhập cơ thể. Kháng nguyên là bất cứ chất gì có hại cho cơ thể mà cơ thể cần có phản ứng để chống lại. Thường thì kháng nguyên là những chất chứa Protein của một cơ thể lạ (chẳng hạn như vi khuẩn, vi rút gây bệnh) xâm nhập vào cơ thể. Nhiều loại bạch cầu khác nhau (tên gọi chung là “limphô bào”), hình thành trong các xương máu (tủy đỏ của xương) rồi được tung đi khắp cơ thể qua máu và bạch huyết, là những chiến sĩ tạo tính miễn dịch của động vật, trong đó có người. Limphô bào có 3 chức năng: Nhận dạng kháng nguyên; phá hủy kháng nguyên và “nhớ” quy trình chống phá kháng nguyên. Chúng chia làm 2 nhóm chính: nhóm limphô bào T hay ''T-bào'' và nhóm limphô bào B hay ''B-bào''. B-bào chịu trách nhiệm sản xuất các kháng thể để tiêu diệt vi khuẩn và virut lạ (kháng thể còn gọi là globulin miễn dịch). Cơ thể người chẳng hạn có thể sản xuất khoảng 100.000 kháng thể khác nhau, để chống khoảng 100.000 tác nhân gây bệnh khác nhau.
T-bào chịu trách nhiệm loại bỏ mọi cơ thể lạ được cấy ghép vào cơ thể, chẳng hạn các ổ tế bào ung thư. Rất có thể đa số tế bào ung thư đã bị T-bào giết chết một cách âm thầm lặng lẽ trong suốt thời gian ủ bệnh; cho tới khi nhiều điều kiện bất lợi đã khiến T-bào làm việc không xuể nữa, để tế bào ung thư bùng nổ và di căn đến mọi nơi trong cơ thể rồi phát triển để làm chết người bệnh.
Như vậy, các virut gây bệnh AIDS (gọi tắt là HIV) tấn công trực tiếp và tiêu diệt hệ miễn dịch B-bào và T-bào, tất nhiên đã hủy hoại mọi lực lượng để chống chọi với bệnh của cơ thể, nên tử vong là cầm chắc 100%.
GS. LÊ QUANG LONG