NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH CỔ TRUYỂN
Từ những hình vẽ khắc, chạm trên vách đá hang Đồng Nội, hay các đồ Gốm xa xưa của nền Văn hoá Hoà Bình, cách nay 10.000 năm đến nền Văn minh Đông Sơn với đồ Gốm, đồ Đồng nổi tiếng: Thạp đồng Đào Thịnh, Trống đồng Ngọc Lũ... cho đến các thời từ S.CN, nổi bật là các Hợp thể nghệ thuật Kiến Trúc – Điêu Khắc – Trang trí trong các Tháp, Chùa, Đền, Đình, Miếu mang đậm bản sắc dân tộc, nghệ thuật tạo hình cổ truyền Việt Nam đã giữ vị trí quan trọng trong khu vực và thế giới.
Từ các Vua Hùng dựng nước qua thời An Dương Vương, thời Hai Bà Trưng, đến Lý, Trần, Lê với quá trình xây dựng đất nước, đã để lại trong lòng các thời kỳ đó biết bao dấu tích nghệ thuật. Trong 1000 năm Bắc thuộc những dấu tích nghệ thuật còn đứt đoạn, trông chờ khảo cổ học phát hiện.
Những Đền Tháp với nghệ thuật Chămpa nằm rải rác ở Quảng Nam, Đà Nẵng và các nơi khác dọc Trung Trung bộ, nay còn thấy là những di tích về các Hợp thể Kiến trúc Nghệ thuật tạo hình - Trang trí – Đền Tháp Chămpa. Khu Đền Tháp Mỹ Sơn phát triển liên tục nhiều phong cách khác nhau, qua từng giai đoạn lịch sử, từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII, của Vương quốc Chămpa cổ. Điển hình là Phong cách Mỹ Sơn (E1) từ đầu thế kỷ VII đến đầu thế kỷ VIII, Phong cách Hòa Lai từ thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX. Phong cách Đồng Dương từ giữa thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X, Phong cách Mỹ Sơn (A1) thế kỷ X, Phong cách Ponagar từ thế kỷ XI, Phong cách Bình Định thế kỷ XII-XIII. Khu Đền Tháp Mỹ Sơn (Liệt hạng Văn hoá thế giới) tập trung nhiều nhất các công trình Bút ký và tác phẩm Điêu khắc đặc trưng nhất của nghệ thuật tạo hình Chămpa. Nó được thể hiện ở Kiến trúc Đền Tháp; xây cất bằng cách xếp từng viên gạch được mài khít, chồng xếp, gắn kết bền chặt với nhau. Kỹ thuật kết dính đó đến nay vẫn còn là điều bí ẩn và nó đã tạo nên những Đền Tháp đẹp, tráng lệ mang phong cách riêng độc đáo. Giá trị của Hợp thể nghệ thuật Mỹ Sơn còn nổi rõ ở Nghệ thuật Điêu khắc, chạm nổi trên đá, trên tường cột, và nhiều chỗ cũng bằng kỹ thuật xếp gạch liền kết với tường kiến trúc. Có nhiều hình tượng các Thần linh, Vũ nữ, Tu sĩ, các Vật tế lễ, các Linh vật muông thú... Tháp Bà Ponagar ở Nha Trang thờ Thánh Mẫu Thiên Y-a-na (một cách gọi khác của người Việt) với các tượng Nữ thần của Ponagar, tượng Vũ nữ cưỡi voi, bộ Sinh Thục Khí Linga-Yôni còn nguyên màu. Hiện này, Bảo tàng Chàm Đà Nẵng lưu giữ nhiều tác phẩm Điêu khắc Chăm.
Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, mở ra một thời kỳ mới. Thời Phong kiến tự chủ từ thế kỷ X đến XIX với các vương triều Lý, Trần, Lê đến Nguyễn có các kinh đô Thăng Long, Lam Kinh, Huế với nhiều công trình trên khắp đất nước là các hợp thể Kiến trúc Nghệ thuật tạo hình: Chùa, Tháp, Đền, Đình, Miếu, Thành. Các loại Tượng thờ (Phật, Thánh, vật linh, tượng Hậu), với nghệ thuật chạm khắc gỗ hoa văn. Mô típ trang trí trên các chất liệu đồ gỗ, đồ sơn, đồng đá và gốm giữ vị trí quan trọng. Các công trình lớn được ghi trong sử sách như Tứ đại khí ở Tháp Phổ Minh, Chùa Một Cột, Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền. Các kiến trúc Chùa - Tháp cao lớn, và hệ thống các tượng Phật nổi tiếng như ở Kinh Bắc có Chùa Dâu, Chùa Giạm (có Cột tháp đá lớn), chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp đều có tháp đá cao. Ở Quảng Ninh với quần thể Chùa Tháp Yên Tử, Quỳnh Lâm ở Thái Bình, Chùa Keo có các chuông lớn. Ở Hà Tây có Chùa Tây Phương, chùa Mía có Tháp lớn ở trước. Ở Hà Nam: chùa Tháp Chương Sơn, Tháp Chùa Long Đội Sơn (Sùng Thiện Diên Linh: mười ba tầng chọc trời), Tháp Bình Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Ở Kinh đô Thăng Long: Chùa Thắng Nghiêm, Chùa Chân Giáo, Chùa Một Cột sừng sững như cột trụ chống trời. Tháp Chùa Báo Thiêng, Tháp. Chiêu Ân chín tầng chót vót. Các chùa lớn: Chùa Láng, Chùa Lý Quốc Sư, Bà Tấm, Chùa Vạn Phúc, Chùa Quán Sứ. Hoặc ở Hưng Yên với: Chùa Hương Lãng, Chùa Đại Bi... Có các kiến trúc Hoàng Thành kinh đô cổ Thăng Long đến Huế. Còn có các Lăng Tẩm của các thời với nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc nổi tiếng (Tượng tròn, Chạm khắc, Hoa văn, Mô típ trang trí). Ta có thể kể hàng loạt các tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao: Tượng A Di Đà nổi tiếng ở Chùa Phật Tích (Thời Lý): Tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay Chùa Bút Tháp (thế kỷ XVII). Hệ thống Tượng Phật nổi tiếng ở Chùa Tây Phương, Chùa Mía (Sơn Tây – thế kỷ XVIII). Tượng Phật (đổ đồng) ở: Chùa Quan Thánh, Chùa Thanh Nhàn (Sóc Sơn). Các Chùa Tứ Pháp Chùa Dâu (Bắc Ninh), Chùa Đại Bi (Hưng Yên) với Tượng Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Vũ, Pháp Điện.
Nghệ thuật còn có các Phù điêu chạm khắc gỗ, đá trong nhiều Đền, Đình làng Việt Nam từ thế kỷ XVI đến hết thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, với các đề tài phong phú đa dạng về tâm linh, thờ tự đến ca ngợi lao động sản xuất, sinh hoạt, vui chơi. Các hình tượng Thánh, Tiên, Nhân thần trong Đền; các Thần hoàng thờ trong Đình làng. Còn có nhiều hình tượng: vật linh, tứ quý, võ sĩ, lao động sản xuất, phong tục, vui chơi, trai gái lạc quan yêu đời... trong Đình làng, thông qua nghệ thuật tạo hình mà các nghệ sĩ Dân gian đã sáng tạo nên những tác phẩm vô giá. Một bề dày của kho tàng Nghệ thuật tạo hình Truyền thống là Điêu khắc gỗ, đá phong phú đa dạng về các hình tượng được sáng tạo.
Có thể kể:
Hình tượng Rồng có rất nhiều trong các di tích nghệ thuật truyền thống. Đến các hình tượng Tiên: Tiên nữ dâng hoa, chung quanh là giàn bát âm, chạm đá (Chùa Phật Tích - Bắc Ninh, 1057), Tiên nữ lan can thành bậc đá (Tháp Chương Sơn). Tiên nữ, chạm gỗ, (Chùa Thái Lạc - Hưng Yên, thể kỷ XIII - XIV) thể hiện hai tiên nữ cưỡi chim châu đầu vào nhau đăng đối đang dâng bình hoa sen. Tiên nữ, bệ đá (Chùa Hoa Long - thế kỷ XIV). Tiên cưỡi rồng, chạm gỗ ở các nơi như: (Đình Lỗ Hạnh - Bắc Giang 1576, Đình Thuỵ Phiêu - Hà Tây, 1531, Đình Phong Cốc - Quảng Ninh, thế kỷ XVII). Tiên cánh Phượng, chạm gỗ (Đình Vua Lê – Ninh Bình, 1691 và Đình Phong Cốc - Quảng Ninh, thế kỷ XVII). Rồng Tiên quần hội, chạm gỗ (Đình Liên Hiệp - Hà Tây, 1663).
Hình tượng: Dàn nhạc (Đền Lê Khôi - Hà Tĩnh, thế kỷ XVIII). Tấu Nhạc thể hiện các tiên nữ cánh Phượng đánh đàn, và Phỗng đội toà sen chạm gỗ (Đền Tam Lang - Hà Tĩnh, 1763). Hình Lân trên bệ chạm hoa sen, chạm đá (Chùa Phật Tích - Bắc Ninh, 1057). Kéo đuôi Lân (Đình Vị Hạ - Hà Nam, 1685). Lân Hổ Đại vương ra đời (Đình Thổ Tang - Vĩnh Phúc, thế kỷ XVII). Các hình tượng Hổ, Voi và Ngựa trong các chạm khắc: Cưỡi Hổ (Đình Vị Hạ - Hà Nam 1685). Tóm đuôi hổ (Đình Chẩy - Hà Nam thế kỷ XVII, Đình Tây Đằng - Hà Tây gỗ thế kỷ XVI). Đấu Hổ (Đình Tây Đằng - Hà Tây, gỗ thế kỷ XVI). Tráng sĩ đánh Hổ (Đình Chẩy – Hà Nam, thế kỷ XVII). Võ sĩ vờn Hổ (Đền Trung Đô - Lao Cai). Săn Hổ (Đình Thổ Tang - Vĩnh Phúc, thế kỷ XVII). Người đâm thú (Đền Vua Đinh – Ninh Bình, 1696). Voi đấu Hổ (Đình Chẩy - Hà Nam, thế kỷ XVII). Tóm đuôi voi (Đình Chẩy - Hà Nam, thế kỷ XVII). Đua Voi (Đình Nghè Giám - Hải Dương, thế kỷ XVII). Dắt ngựa (Đình Hoành Sơn - Nghệ An, 1672). Bát ngựa (Đình Thôn Đình Bảng - Bắc Ninh, thế kỷ XIX).
Các trò chơi dân gian, với các bức chạm gỗ: Đấu vật (Đình Xổm - Phú Thọ, 1694), (Đình Hoàng Xá - Hà Tây, 1694). Cưỡi ngựa xem đấu vật (Đình Phùng - Hà Tây, thế kỷ XVII). Chọi gà (Đình An Hoà - Hà Nam, 1685; Đình Liên Hiệp - Hà Tây, 1663). Đánh cờ chạm gỗ (Đình Ngọc Canh - Vĩnh phúc, thế kỷ XVII; Đình Liên Hiệp - Hà Tây, 1663; Đền Tam Lang - Hà Tĩnh, 1673; Đình Hoành Sơn - Nghệ An, 1672). Đá cầu (Đình Liên Hiệp - Hà Tây, 1663, Đình Phùng - Hà Tây, thế kỷ XVII). Chèo thuyền, chạm gỗ (Đình Phù Lưu - Bắc Ninh thế kỷ XVII, Đình Hương Canh - Vĩnh Phúc thế kỷ XVII, Đình Tam Lang - Hà Tĩnh, 1763). Các cảnh sinh hoạt, vui chơi, lễ rước, học hành đỗ đạt, Cảnh sinh hoạt chạm gỗ (Đình Hương Canh - Vĩnh Phúc, thế kỷ XVII). Uống ruọu (Đình Ngọc Canh - Vĩnh Phúc, thể kỷ XVII, Đình Liên Hiệp - Hà Tây, 1663; Đình Hoàng Xá – Hà Tây, 1694). Hội Rước, chạm gỗ (Đình Quang Húc - Hà Tây, thế kỷ XVII; Đình Hoành Sơn - Nghệ An, 1672). Trai gái tình tự chạm gỗ (Đình Tây Đằng - Hà Tây, thế kỷ XVI). Trai gái vui đùa chạm gỗ (Đình Hưng Lộc - Nam Định, thế kỷ XVII) Cho con bú, chạm gỗ (Chùa Cụ Trữ - Nam Định). Kim bảng toàn trung, chạm gỗ (Đình Hoành Sơn - Nghệ An, 1672). Năm con cùng đỗ một khoa, chạm gỗ (Đình Hoành Sơn - Nghệ An, 1672). Tứ vị quan âm cưỡi phượng chạm gỗ (Chùa Cụ Trữ - Nam Định, thế kỷ XVII). Quốc Tổ Lạc Long Quân chạm khắc gỗ sơn son thếp vàng (Đình Bình Đà - Hà Tây, thế kỷ XIX), Quốc Tổ ở chính giữa, các lớp binh võ phía sau thành 4 tầng theo lối viễn cận phương Đông truyền thống...
Mỹ thuật truyền thống còn có các Làng nghề, Phố nghề với các phường thợ Thủ công: Mỹ nghệ Sơn ta, Khảm, đồ Mộc, chạm khắc, đục tượng, đồ Gốm, đồ Đồng, Kim hoàn, làm ra sản phẩm, và còn là nguồn đáp ứng vào các công việc xây dựng các công trình hợp thể: Kiến trúc, Nghệ thuật tạo hình và Trang trí.
Đặc biệt còn có các dòng Tranh Dân gian: Các dòng như Đông Hồ (Kinh Bắc), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (xứ Đoài), Làng Sình (Huế). Còn thấy cả Tranh Dân gian ở Nghệ An (như bức: Giảng học đồ và Ngoại quốc đồ ở Đền Độc Lôi huyện Nam Đàn. Hoặc những Tranh thờ ở các dân tộc miền núi... Tranh dân gian phản ánh nhiều mặt về văn hoá, sinh hoạt, sản xuất, những phong tục cổ truyền, các nhân vật lịch sử dân tộc như: Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung...Các tranh sinh hoạt như: Đánh ghen, Hứng dừa...Tranh bộ Tứ bình Tố nữ: Cầm, Kỳ, Thi, Họa; Tứ quý: Mai, Lan, Cúc, Trúc; Tứ thời: Xuân-Hạ-Thu-Đông ca ngợi bốn mùa. Các tranh về ngày Tết: Du xuân, Các thú vui chơi, Tăng gia sản xuất, Các tranh: Gà, Vịt, Lợn của nhà nông. Hoặc phản ánh đời sống xã hội như: bức Chợ quê phản ảnh cảnh: mua bán, cảnh chè chén, đánh bạc, ăn xin, hành khất, bói toán... Với nhiều cảnh, nhiều hạng người. Một số tranh phê phán những thói hư tật xấu những bất công của xã hội như: Đám cưới chuột, Thầy đồ cóc, Hội đồng hương chính, hoặc Giai tứ khoái, Gái bảy nghề. Tranh Hội Tây, đã đả kích và lên án mạnh mẽ bọn thực dân. Bộ sách Tranh dân gian xuất bản năm 1910: Kỹ thuật của dân Nam còn gọi Bách khoa thư văn hoá vật chất của người Nam; Bách khoa thư về các cử chỉ hàng ngày, công cụ đồ dùng, và các nghề của dân Nam ở Bắc Kỳ. Do Henry Oger (Hăngri Ôgiê) người Pháp tổ chức làm. Toàn bộ gồm hơn 4000 hình vẽ, do các nghệ nhân Việt Nam vẽ, khắc và in tại Đình Hàng Gai và ở chùa Vũ Thạch - Hà Nội trong hai năm (1908 - 1909).
Mỹ thuật tại Kinh đô Huế với nhiều công trình: hợp thể Kiến trúc, Trang trí và Nghệ thuật tạo hình truyền thống. Từ kiến trúc Hoàng thành đến các Lăng Tẩm được xây dựng. Do có sự giao lưu tiếp xúc với nghệ thuật phương Tây, xây dựng Lăng - Tẩm ở Huế đã có những đổi mới Điển hình là Lăng Khải Định (1926-1931) kiến trúc, trang trí và các tượng tròn theo những tiếp thu mới những tượng: Quan hầu, Lính hầu, Voi, Ngựa đặt ở sân chầu tượng tả chân Vua Khải Định (bằng đồng - 1922) đặt ở Điện Khải Thành kỹ thuật bê tông cốt sắt đã thay thế chất liệu gỗ (hay vải lụa) kỹ thuật ghép mảnh sành, sứ, thuỷ tinh màu với những đề tài: Tứ linh, Tứ quý, Bát bửu, Bát quái... thể hiện sinh động. Cung An Định (1918) xuất hiện Bích hoạ vẽ bằng màu dầu. Những công trình mới xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như: Nhà thờ Kim Sơn - Phát Diệm (Ninh Bình) kết hợp những yếu tố truyền thống và yếu tố mới bên ngoài du nhập vào. Các kiến trúc mới như Nhà Hát lớn (Hà Nội); Dinh Toàn quyền Đông Dương ở Sài Gòn, và các dinh thự, công sở, theo kiểu mới.