MỸ THUẬT VIỆT NAM CẬN ĐẠI (1884 - 1925)
Cuối thế kỷ XIX, Lê Văn Miến (1870-1943) là một trường hợp cá biệt, ông là người Việt Nam đầu tiên học mỹ thuật ở Pari, vẽ tranh sơn dầu theo hội hoạ mới. Bức Chân dung Cụ Tú Mền (Nguyễn Vĩnh Mận), màu dầu (0,54 m x 0,63 m); hai bên có hai hàng chữ nho kiểu Á đông: “Thành Thái Mậu Tuất niên tả chân, thị niên lục thập tứ tuế”, “Tự Đức Đinh Mão khoa Tú Tài, niên canh ất vị, tam thập tam tuế” (Nội dung chữ: vào năm Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái vẽ truyền thần, năm cụ Tú 64 tuổi - cụ Tú đỗ khoa Tú Tài năm Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức, cách bức vẽ này đã 33 năm). Do vậy ta xác định bức vẽ này là vào năm 1898. Còn một bức sơn dầu (do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập), không thấy đề tên tranh, không đề năm vẽ, không ký tên tác giả. Bảo tàng đã tự xác định: tác giả là Lê Văn Miến, đặt tên tranh là Bình Văn, và định năm vẽ (lúc đầu là 1896, sau đổi là 1905). Khoảng vào năm 1902-1903 ông có vẽ 2 bức (màu dầu) chân dung Bố và Mẹ mình. Một số tranh: Chân dung Hoàng Cao Khải (sơn dầu), Chân dung Vua Khải Định (màu đầu), Vợ chồng Hồ Đắc Trung (màu dầu), Chân dung Menderes (Măng Đơ Rét) (màu dầu), Cầu Tràng Tiền Huế (bột màu); Điện Ngọc Trai (thuốc nước). Lê Văn Miến là người đi trước, nhưng chỉ là cá biệt.
Từ 1887 vắt sang hai mươi năm đầu thế kỷ XX, người Pháp có mở ra các trường đào tạo, trong đó có các trường Mỹ nghệ ở Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Gia Định và Hà Nội. Lập các Hội, các tổ chức nghiên cứu Văn hoá nghệ thuật tại Việt Nam, mở ra các triển lãm thuộc địa ở Hà Nội và cả Paris. Do vậy, vô hình chung đã khuyến khích phát triển về văn hoá nghệ thuật cả hai phía. Văn minh phương Tây cùng với văn hoá nghệ thuật phương Tây (Pháp) mới lạ, hấp dẫn đã thu hút thế hệ trẻ Việt Nam đang khao khát đổi mới, đã thôi thúc những người tự học hội hoạ, điêu khắc. Trong ''Vạn sự khởi đầu nan" đó nổi lên Nam Sơn (1890 - 1973, tức Nguyễn Vạn Thọ). Từ năm 1918-1923, Nam Sơn nổi tiếng tranh vẽ mực nho và minh hoạ sách, báo, Tạp chí. Tại Triển lãm đấu xảo 1923, đã có tác phẩm mỹ thuật mới (do Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức). Bức màu dầu nổi tiếng: Chân dung Cụ đồ nho Sĩ Đức (được tặng DIPLOM - Salon D’Art Annamite De 1923 Hanoi- Peintures à L’huile). Thể hiện chân dung một sĩ phu Bắc Hà, ánh mắt kiên nghị, đầu chít khăn trắng để tang những nghĩa sĩ hy sinh của phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Sự diễn tả sinh động gương mặt, bàn tay, chòm râu, tính cách, thần thái đầy sinh khí, uyên thâm, rừng rực lòng yêu nước. Từ Đấu xảo thuộc địa (1923) đi trọn thế kỷ, ''Chân dung Cụ đồ nho Sĩ Đức'' của Nam Sơn vẫn là tác phẩm xuất sắc nhất về hội họa chân dung Việt Nam. Tại triển lãm còn thấy Hoạ sĩ Thăng Trần Phềnh với hai bức sơn dầu: Hai bà Trưng và Phạm Ngũ Lão rất được chú ý. Điêu khắc của Nguyễn Đức Thục: Em bé ngồi học, Sỹ nông công thương. Đó là kết quả mới trong sáng tạo Mỹ Thuật Việt Nam.
Những năm 1921-1923, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã vẽ tranh đả kích chế độ thực dân Pháp, đăng trên Người cùng khổ, kêu gọi tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam và các nước thuộc địa chống lại đế quốc thực dân. Tranh rất có giá trị về nội dung và nghệ thuật.
Năm 1922, Victor Tardieu được Giải thưởng Đông Dương, sang Hà Nội. Sự gặp gỡ qua cuộc xem tranh của Nam Sơn, đã khiến Victor Tardieu cảm mến, hai người trở nên thân thiết. Trước nhiều cái mới, hoạ sĩ Nam Sơn ước mơ mở một trường Mỹ thuật để đào tạo được nhiều hoạ sĩ, điêu khắc cho đất nước. Ông dựng Đề cương Mỹ thuật Việt Nam (1923), chủ động đề xuất, và vận động Victor Tardieu ủng hộ. Lúc đầu Victor Tardieu do dự, ngần ngại bởi không có dự định trong chuyến đi Đông Dương này. Song trước sự thâm nhập khám phá nền Mỹ thuật truyền thống Việt Nam, trân trọng lòng quả cảm, niềm vui sống, óc sáng tạo của Việt Nam, cùng với sự nhiệt tình của Nam Sơn, người có tài năng và hoài bão lớn cho xứ sở, đã khích lệ Victor Tardieu đồng tình, đã làm báo cáo và vận động, đề nghị chính phủ Pháp và chính quyền thuộc địa Đông Dương cho thành lập một trường Mỹ thuật. Nghị định thành lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương, do Toàn Quyền Đông Dương Merlin ký phê chuẩn 27/10/1924. Đó là kết quả lớn của Victor Tardieu và Nam Sơn, hai người đồng sáng lập trường Mỹ Thuật Đông Dương. Sau đó Victor Tardieu đã đưa Nam Sơn sang Pháp học mỹ thuật ở Paris (1924-1925) tại: Trường Mỹ thuật Paris (école des Beaux-Arts de Paris) và trường Trang trí quốc gia Paris, được các hoạ sĩ nổi tiếng của Pháp hướng dẫn như: Jean Pierre Laurens (thuộc trường phái ingres), và Felix Aubert (nhà trang trí kiệt xuất). Nam Sơn tiếp xúc với nghệ thuật tạo hình Pháp và thế giới tại Bảo tàng Louvre, và các thư viện ở Paris. Victor Tardieu cùng Nam Sơn tiến hành kế hoạch với những công việc chuẩn bị để khai trường. Hai người đã hết mình cho sự nghiệp đào tạo; cũng như duy trì hoạt động, trước nhiều sóng gió, bất chấp mọi sự khó khăn. Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập và khai giảng đào tạo nhiều thế hệ hoạ sỹ điêu khắc, mở ra thời kỳ mới của Mỹ thuật Việt Nam.