NỮ BÁC HỌC SOPHIA VASILEVNA KOVALEVSKAIA
(15-1-1850 – 29-1-1891)
Bà Sophia Vasilevna Kovalevskaia - nhà toán học người Nga xuất sắc, người phụ nữ đầu tiên được phong chức Giáo sư ở Vương quốc Thụy Điển và được bầu làm Viện sĩ thông tấn của Viện Hàn Lâm khoa học Hoàng gia Petersbourg lúc bà 39 tuổi. Bà còn là nhà thiên văn xuất sắc, nhà văn và nhà chính luận có tư tưởng mới tiến bộ theo trường phái dân chủ cách mạng của Tsernưshevski N.G nửa sau thế kỷ XIX.
Bà ra đời rạng sáng 15-1-1850 tại khu Phố Xrêten cổ xưa ở Kinh đô Moskva của nước Nga, trong một gia đình quan chức lớn có học vấn cao. Bố là Vasili Vasilievits Krucôkrunovski và mẹ là Êlidavêta Phêdôrốvna Krucôkrunovskaia.
Ở thời ấy, Chính phủ Nga hoàng không cho phụ nữ vào học ở các trường Đại học. Để tiếp tục con đường khoa học, ngày 15-9-1868, Sôphia kết hôn giả với Vladimia Kôvalévski tại làng Palibinô và từ đó mang họ chồng: Sôphia Kôvalévskaia. Kôvalévskaia viết bài thơ Nàng chẳng hề nuối tiếc. Sang năm sau, năm 1869 cùng chồng sang Đức đến Heidelberg học chủ yếu về toán và vật lý. Đến năm 1870, bà chuyển đến Berlin theo học Giáo sư Vaiecstơrát. Tại đây, trường Đại học Tổng hợp Berlin cũng không cho phụ nữ vào học. Giáo sư Vaiecstơrat phải giao các bài giảng riêng cho Kovalevskaia học ở nhà. Cho mãi tới năm 1873, Kovalevskaia đã nghiên cứu về lý thuyết phương trình vi phân đạo hàm riêng và có tiếng vang từ đó. Công trình này đã bổ sung thêm cho công trình của Cauchy trước đây. Từ đây Bài toán Cauchy (một trong những bài toán cơ bản của lý thuyết phương trình vi phân) được gọi là Định lý Cauchy - Kovalevskaia và được đưa vào tất cả các giáo trình cơ bản của môn giải tích toán học.
Năm 1874, bà đã có ba công trình lớn, trong đó có công trình Bổ sung và nhận xét về nghiên cứu hình dáng vành sao Xatuếcnơ (Sao Thổ, hành tinh thứ sáu của hệ Mặt trời). Công trình thuộc loại khó về thiên văn học. Bà đã tính được độ ổn định của vành Xatuếcnơ và phát triển thêm công trình của Laplace trước đây. Đây là công trình duy nhất về thiên văn học. Với uy tín lớn của mình, Giáo sư Vaiecstơrát đã viết thư cho trường Đại học Tổng hợp Gớttingơn đề nghị cho Kovalevskaia được bảo vệ luận án. Sôphia Kovalevskaia đã được phong học vị Tiến sĩ triết học của ngành toán tại đây.
Đến tháng 9-1874, bà cùng chồng trở về Petersbourg. Tại đây, họ đã gặp nhà hóa học vĩ đại Mendeleev và làm quen với môi trường Bác học ở Viện Hàn Lâm Hoàng gia Petersbourg. Nhưng Kovalevski (chồng bà) vẫn không có chỗ đứng trong khoa học ở đây, còn Kovalevskaia thì bị các quan chức Nga hoàng liệt vào là: ''Người đàn bà theo chủ nghĩa hư vô'' nguy hiểm từ lâu. Trong gần sáu năm (1875 - 1880), vợ chồng bà phải tạm gác việc nghiên cứu khoa học và đi làm biên tập cho tờ báo Thời mới. Đây là thời kỳ họ chung sống êm ả nhất.
Thế rồi ngày 5-10-1878, Kovalevskaia sinh con gái đầu Lòng (và là duy nhất) đặt tên là bé Phupha. Đẻ xong bị ốm yếu dài ngày và đau tim nặng. Vợ chồng sống trong căn nhà riêng không sung túc lắm. Kovalevskaia vẫn khát khao được lao động sáng tạo ra cái gì đó bổ ích cho cuộc đời. Còn chồng bà lại quan niệm ngược lại rằng phụ nữ không có sứ mệnh sáng tạo mà phải biết ăn mặc lộng lẫy để làm nổi cái uyên bác của những công trình khoa học của chồng mình. Từ đó, hai người có những vết rạn nứt trong tình cảm. Kovalevskaia viết bài thơ Lời than vãn của đức ông chồng! Hai người hai chí hướng. Kovalevski ham làm giàu, vay tiền ở nhà băng để làm các công trình xây dựng. Kovalevski không thành đạt, bị vu cáo và bị đối xử tàn tệ. Anh hoang mang và thất vọng.
Khi đó, Kovalevskaia vẫn thiết tha với việc nghiên cứu khoa học. Rồi cuối năm 1880, Kovalevskaia đến gặp Viện sĩ Sêbưsév (người thầy và là nhà toán học lớn ở Petersbourg). Viện sĩ cho biết ý định cử nhà Bác học Thụy Điển Mittag Leffler vào chức Viện sĩ còn khuyết ở Viện Hàn Lâm Petersbourg và cứ Kovalevskaia đi nghe bài giảng của Vaiecstorat. Sôphia Kovalevskaia sung sướng nhưng lại rất buồn, thấy rằng ở Tổ quốc không ai tìm ra một chỗ đứng nào cho bà cả. Đầu năm 1881, vợ chồng bà chia tay nhau. Kovalevskaia cùng bé Phupha đi Berlin, còn Kovalevski trở về Odessa với người anh trai. Vợ chồng không có gì ràng buộc nhau nữa.
Tại Đức, Giáo sư Vaiecstorát đã đón gặp Kovalevskaia ở khách sạn và đưa bà trở về với khoa học. Giáo sư đề nghị với Mittag Leffler giúp Kovalevskaia làm quen với các nhà Bác học Pháp Poăngcarê và Hécmit (Viện sĩ Paris). Kovalevskaia đến Paris và được bầu làm hội viên Hội toán học Paris.
Thế rồi ngày 15-4-1883, một tin đột ngột như sét đánh với Sôphia, Kovalevski tự vẫn, chết bi thảm tại Moskva. Kovalevskaia đau xót mê man năm ngày liền, Bà trở về Nga, đến tháng 6-1883, mới trở lại Berlin. Các nhà Bác học bậc thầy và đàn anh cảm thương Sôphia Kôvalevskala một cách sâu sắc. Đến tháng 10-1883, bà tới trường Đại học Tổng hợp Stockholm theo lời mời của Giáo sư Mittag Leffler.
Do tài năng xuất chúng, Sôphia Kôvalevskaia được đón tiếp như ''Nàng công chúa của khoa học'' và trở thành người phụ nữ đầu tiên được phong chức Phó Giáo sư rồi Giáo sư của Vương quốc Thụy Điển (vào đầu 1884). Các từ điển Bách khoa bắt đầu ghi thêm một từ mới: Bà giáo sư Kovalevskaia. Kết bạn thân và gắn bó với nhà văn Anna Sáclốt Lepphle (em gái của Mittag Leffler), cộng tác viết văn với Anna Saclốt. Tiếp sang năm 1884 bắt đầu một thời kì sôi động nhất, bà viết tiểu thuyết Người theo chủ nghĩa hư vô với nhân vật chính là Tsernov, một hình tượng nghệ thuật sáng ngời về Tsernưshevski. Năm 1885, cho in công trình nghiên cứu về hình dáng vành Xatuếcnơ. Năm 1887, cùng Anna Sáclốt viết vở kịch Cuộc đấu tranh vì hạnh phúc.
Mùa Thu năm 1887 - nỗi cô đơn như cơn lốc đã xoáy sâu trong đời Sophia sau cái chết của người chị gái ANan Vasilevna Giacơla ở Paris. Năm 1888, hoàn thành công trình Về sự quay của một vật rắn xung quanh một điểm đứng yên và được giải thưởng của Viện Hàn Lâm khoa học Paris và Viện Hàn Lâm khoa học Thụy Điển. Ngày 7-11-1889 bà được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn Lâm khoa học Petersbourg và là nữ Viện sĩ đầu tiên của Viện.
Bước sang năm 1890, năm đầu sau những trận ốm đau, bệnh tật và da diết nhớ Tổ quốc, Sophia vẫn gắng sức viết cuốn Hồi ức về tuổi thơ. Bà đã dịch ra tiếng Thụy Điển và được đánh giá rất cao.
Suốt tám năm liền, Sophia Vasilevna Kovalevskaia nghiên cứu, giảng dạy và sáng tạo ở Trường Đại học Tổng hợp Stockholm. Bà đã viết và giảng dạy 12 giáo trình, làm biên tập cho tạp chí toán học Thụy Điển Acta Mathematica, hoàn thành nhiều tác phẩm văn học có giá trị lớn. Đây là thời kì vẻ vang nhất của cuộc đời nhà Bác học.
Ngày 29-1-1891 bà Sophia Kovalevskaia qua đời sau một cơn đau tim nặng, hưởng thọ 41 tuổi giữa lúc tài năng đang nở rộ (có tài liệu ghi ngày mất của bà là 10-2-1891).
Năm 1950 vào dịp kỉ niệm một trăm năm ngày sinh nhà Bác học, Viện Hàn Lâm khoa học Thụy Điển đã gởi sang cho Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô một tập tư liệu quan trọng. Đó là các bản sao chụp lại 99 bức thư trao đổi khoa học của Viện sĩ Vaiecstơrát gửi cho Sophia Kovaleskaia từ năm 1871 đến năm 1891. Những bức thư này do Viện sĩ Mittag Lefitler tìm thấy sau ngày mất của Kovaleskaia. Ông giữ gìn cẩn thận cùng với gần 420 bức thư trao đổi khoa học của Kovaleskaia với ông và với các nhà toán học khác. Toàn bộ nguyên bản các thư đó đang còn trong kho lưu trữ ở Viện toán học Stockholm mang tên Mittag Leffler.
Sau lúc bà mất, người ta đến gặp Viện sĩ Vaiecstơrát để xin lại những bức thư trao đổi của Sôphia Kovalevskaia đã gửi cho ông. Viện sĩ Vaiecstơrát với quan niệm cho rằng, cái còn lại mãi mãi phía sau mỗi con người đó là sự nghiệp chứ không phải là những mảnh đời riêng đáng quan tâm của con người đó; vì thế Viện sĩ đã không lưu trữ các thư từ của Kovalevskaia, ông đã đốt hết ngay sau ngày Kovalevskaia qua đời. Dẫu sao đây cũng là điều vô cùng đáng tiếc...
TS.NGUYỄN ĐỨC TRẠCH