NGHỆ THUẬT BAROQUE
TRONG CÁC NHÀ THỜ TRÊN THẾ GIỚI
Khi Hoàng đế Constantinus I lên ngôi (306 - 337), ông đã quyết định lấy Đạo Thiên Chúa làm Quốc Đạo ở đế quốc La Mã (313). Từ đó suốt hơn 1000 năm, tại đế quốc La Mã và nhiều nước Châu Âu các công trình kiến trúc nói chung và nhà thờ nói riêng đã được xây dựng theo các phong cách nghệ thuật Byzantin, Roman, Gotique.
Trải qua thời kỳ Phục Hưng, nghệ thuật đã phát triển rất rực rỡ bởi bao kỳ tích. Vào cuối thời kỳ này (Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII), ở Italia xuất hiện trào lưu nghệ thuật Baroque. Trước hết Baroque là một từ có nguồn gốc từ những Bồ Đào Nha để chỉ những Viên ngọc không có quy luật. Khi qua các nước, ý nghĩa của từ này có thay đổi ít nhiều. Riêng phong trào Baroque ở Italia được sự hậu thuẫn nhiệt thành của nhà thờ. Hoàng gia và tầng lớp trên giàu có muốn khai thác tính cầu kỳ, đa dạng, cường điệu và phóng túng để công trình nghệ thuật thêm tính lôi cuốn và chinh phục người xem. Nghệ thuật Baroque xâm nhập vào nhiều lĩnh vực như Hội họa, Kiến trúc, Điêu khắc, Sân khấu, Thơ ca, Âm nhạc... và lan rộng qua nhiều nước Âu - Mỹ. Tuy nhiên ở đây chỉ dừng lại ở Nghệ thuật Baroque của nhà thờ Thế giới.
Một trong những người mở đầu cho phong trào Baroque đó là họa sĩ Italia danh tiếng Annibal Carracci (1560 - 1609). Ông đã vẽ bức tranh trần hành lang chính của Điện Farnese ở Roma với kiểu vẽ rất lạ chưa từng thấy trước đó. Một loại tranh bích họa kết hợp với các phù điêu cao, nhiều hình vẽ không có sự lặp lại. Bức tranh đã được Annibal Carracci hoàn thành trong 7 năm (1597 - 1604). Theo nhà phê bình mỹ thuật Pháp Arnauld Brejon de Lavergnée thì tác phẩm này của Annibal Carracci đã ảnh hưởng đến toàn bộ diễn biến của hội họa và nghệ thuật Baroque Châu Âu và thế giới.
Trong kiến trúc nhà thờ, nghệ thuật Baroque đã phá vỡ những thức cột quá khô cứng và nghiêm trang trước đó bằng những thân cột vặn xoắn, uốn lượn đến lạ lùng của Gian Lorenzo Bernini (1598 - 1680). Những cột xoắn này được đặt tại điện chính của nhà thờ lớn nhất thế giới Saint Pièrre ở Roma. Tác phẩm này trông rất huyền ảo, tráng lệ và khoa trương đến kỳ lạ, cao tới 34m, được xây dựng trong khoảng 9 năm (1624 - 1633) được thời Giáo hoàng Urbain VIII (1568-1644).
Phong cách này của Bernini ảnh hưởng tới nhiều nhà thơ trên thế giới trong các thế kỷ XVII - XVIII. Trước hết phải kể đến Petro Tabulum rất hùng vĩ thuộc nhà thờ Baroque San Esteban ở Salamanca miền Tây Tây Ban Nha. Công trình nghệ thuật này là tác phẩm của kiến trúc sư nổi tiếng José de Churriguera (1668 - 1725). Ở đây những cột xoắn kiểu Bernini trước đây đã được phát triển và bổ sung các chi tiết trang trí, tượng và phù điêu đến mức đậm đặc. Mặt trước nhà thờ Murcie (1737) là một nét đại biểu của kiến trúc Baroque Tây Ban Nha rất hùng vĩ. Sau đó lại được đẩy tới đỉnh điểm của sự bề bộn chi tiết tại các nhà thờ ở Châu Mỹ La tinh như nhà thờ Baroque Sao Domingo ở Salvador, một công trình vô cùng lộng lẫy với vô số chi tiết được mạ vàng lấp lánh.
Vì sự lôi cuốn mãnh liệt của phong cách Baroque nên nhiều nhà thờ Roman và Gothique đã bổ sung nhiều yếu tố Baroque. Trong số đó phải kể đến Cung Thấu Minh (El Transparente). Một công trình do kiến trúc sư Narciso Tomé xây dựng từ 1721-1732 để bổ sung cho nhà thờ lớn Toledo, phía Tây Nam Madrid, Tây Ban Nha vốn được xây trước đó theo phong cách Gothique. Hoặc Hậu cung và phần trên gian giữa của nhà thờ Saint Jean Nepomucène (1733-1746) ở Munich (Đức) do hai anh em Cosmas Damian (1686-1739) và Egid Quirin Asam (1692 - 1750) thiết kế; Nhà thờ Ottobeurren đã được bổ sung nhiều chi tiết Baroque lộng lẫy vào thế kỷ XVIII do kiến trúc sư Johann Fischer (1692-1766) tiến hành.
Các nền văn hóa nghệ thuật của các dân tộc thường có sự giao lưu ảnh hưởng lẫn nhau. Trong sự tôn vinh đón nhận và hòa trộn tuyệt vời ấy, với phạm vi nhà thờ thế giới người ta nhắc nhiều đến Nhà thờ Tertiaires de Saint Francois ở thành phố Salvador trên bờ biển Atlantique của Braxin. Ở đây thể hiện sự kết hợp hài hòa của nghệ thuật Baroque Bồ Đào Nha và nghệ thuật cổ truyền Braxin. Nội thất của nhà thờ này chứa đựng một khối lượng tác phẩm điêu khắc khổng lồ và rất tinh xảo được thếp vàng và điểm màu lộng lẫy.
Một nhà thờ đặc biệt nữa là Nhà thờ San Francisco de Assis (1767). Đây là một công trình của kiến trúc sư vĩ đại Braxin Antonio Francisco Lisboa (1730-1814), một người lai sinh ở thành phố cổ Ouro Preto, bang Minas Geras.
Từ Braxin qua Bolivia có Nhà thờ San Francisco O La Paz được xây dựng từ năm 1743 ở Andet. Đây là nhà thờ Baroque đẹp nhất Bolivia. Phong cách lai hợp ấy ở mặt trước Hội Đức Chúa Jésus tại Equado. Những hoa văn đặc sắc, những chạm nổi rất ấn tượng, được thếp vàng và phối màu rất tài hoa và khéo léo thể hiện ở Nhà thờ Santa Maria Tonantzintla được xây dựng khoảng 1700 tại Mêhico.
Trở lại Châu Âu, tới quốc gia láng giềng của Italia là Áo ta gặp Nhà thờ Thánh Charles ở Vienne rất đồ sộ mang phong cách Baroque được xây dựng từ năm 1715 - 1737 theo thiết kế của kiến trúc sư Johann Bernhard Fischer Von Erlach (1656-1723). Áo là quốc gia ảnh hưởng trực tiếp tới phong trào Baroque ở Trung Âu để sau đó đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật Baroque Trung Âu là Nhà thờ Hành hương Chúa Cơ đốc chịu tội ở Wies (1744 - 1754) thuộc miền Baravia (Đức). Công trình này là tác phẩm của kiến trúc sư Baroque Đức Dominikus Zimmermann (1685-1766).
Qua Đông Âu nghệ thuật Baroque đã đạt tới trình độ tuyệt mỹ đó là Nhà thờ Thánh Nicolas (1703) ở Praha, Czech. Nhà thờ này do kiến trúc sư Christoph Dientzenhofer và con trai là kiến trúc sư nổi tiếng Kilian Ignaz (1689-1751) thiết kế và xây dựng. Theo nhà sử học Pháp Victor Tapié thì ''Đây là một trong những nhà thờ đẹp nhất Châu Âu''.
Nhiều họa sĩ Baroque đã lấy cảm hứng nghệ thuật từ đề tài tôn giáo và thần thoại. Trong những ngôi sao Baroque ấy phải kể đến Annibal Carracci, Caravaggio (1571-1610), Bernini (1598-1680), Baciccia (1639-1709), Andrea Pozzo (1642-1709) ở Italia; Paul Rubens (1577-1640) ở Bỉ; Giohan Gioocje Platze (1704-1761) ở Áo; El Greco (1541-1614) họa sĩ Tây Ban Nha gốc Hy Lạp (Crète).
Người Pháp thế kỷ XVII cũng đã sửng sốt khi xem bức tranh có lối diễn tả rất kỳ lạ Rước Chúa Hài đồng ra đền (1641) theo phong cách Baroque của họa sĩ Pháp Somon Vouet (1590-1649). Somon Vouet cùng với Charles Le Brun, người trang trí Cung điện Versailles ở Paris dưới thời Vua Louis XIV là những người đầu tiên đưa phong trào Baroque vào Pháp.
Mỹ thuật Baroque nói chung và hội họa Baroque nhà thờ Thiên Chúa giáo nói riêng chú trọng những xúc cảm mạnh mẽ của các nhân vật, những biến động không ngừng của đường nét và màu sắc như các tác phẩm: Thánh Pierre bị đóng đinh câu rút (1610) của Caravaggio; Cuộc phán xét cuối cùng (1616) của Paul Rubens; Lễ rửa tội của Chúa Cơ đốc (đầu thế kỷ XVII) của El Greco.
Về kiến trúc và điêu khắc có bộ ba vĩ đại của nghệ thuật Baroque Italia là Gian Lorenzo Bernini (1598-1680), Francesco Boromini(1599-1667) và Guarino Guarini (1624-1683) có rất nhiều công trình nổi tiếng ở Roma, Saint Lorenzol Turin… Đặc biệt trong đó Bernini và Borromini đã trang trí Quảng trường Navona tuyệt đẹp với đài phun nước Bốn dòng sông nổi tiếng thế giới. Riêng Bernini, một nghệ sĩ bậc thầy của nghệ thuật Baroque, còn là tác giả của cụm tượng Apllon và Daphné (1622- 1625) ở phòng trưng bày Borghèse và hàng cột hùng vĩ ôm lấy quảng trường nhà thờ Saint Pierre ở Roma.
Nhà viết sử mỹ thuật Pháp Francois Sauchal đã nói: ''Bernini là nghệ sĩ tối thượng của Đạo Thiên Chúa Baroque''. Chỉ riêng tác phẩm điêu khắc: Sự xuất thần của nữ Thánh Théresa (1645-1652) ở nhà thờ Santa Maria de la Victoria ở Roma đã là một kiệt tác. Bức tượng là khát vọng to lớn biểu đạt sự vận động trong các tác phẩm điêu khắc mà ý nghĩa này đã xuất hiện từ trước Công nguyên qua các tượng Laocoon hoặc Discobole của Myron. Danh họa Baciccia tức Gaulli (1639-1709) với bức tranh Sáng danh Chúa Jésus (1675) tại nhà thờ Gesu (Roma) đã hòa trộn các nhân vật điêu khắc với hội họa. Xóa nhòa ranh giới giữa không gian thực và không gian ảo tinh xảo với mức khó phân biệt, tạo ra ảo cảnh mênh mang kỳ lạ, hết sức ấn tượng. Đây thuộc một trong những tác phẩm ngợi ca nhà thờ trang nghiêm và tráng lệ nhất trong tất cả các tác phẩm Baroque thế kỷ XVII.
Kế tiếp Baciccia phải nhắc đến Andrea Pozzo, niềm tự hào của Đạo Thiên Chúa Giòng Tên. Ông đã vẽ bức tranh Thánh Ignatius lên Thiên đường (1686-1690) tại nhà thờ Thánh Ignatius ở Roma. Trong đó Andréa Pozzo đã dựng trên nền kiến trúc thực của nhà thờ một kiến trúc ảo như thật bằng cách vận dụng những bài toán tổng quát của lý thuyết phối cảnh nghiêng để hòa lẫn không gian thực với không gian trong tranh làm cho không gian nhà thờ như nhân lên gấp bội.
Giờ đây, nhìn lại phong trào Baroque các thế kỷ XVII, XVIII người ta không khỏi kinh ngạc là các nghệ sỹ Baroque đã để lại một khối lượng khổng lồ những kiệt tác mỹ thuật vô cùng đa dạng đến thế. Tuy nhiên, đối với nghệ thuật Baroque có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Trong khi một số người cho rằng nghệ thuật Baroque nói chung và nhà thờ Baroque nói riêng quá cầu kỳ diêm dúa, quá bề bộn chi tiết đến mức rắm rối. Những người khác lại cho rằng chưa có thứ nghệ thuật nào đi xa như nghệ thuật Baroque, Chính nó mới phù hợp với tính cách đa dạng và phong phú của loài người. Nó đưa con người tới chốn mộng mơ, bay bổng. Còn gì buồn chán hơn sự tẻ nhạt và giản đơn! Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nghệ thuật Baroque đã thấp thoáng xuất hiện từ ngàn xưa ở cả phương Đông và phương Tây. Ngoài các tác phẩm của thời kỳ Hy Lạp như Laocoon, Người ném đĩa thì: ở Phương Đông, một số yếu tố Baroque xuất hiện trong các công trình Hindu giáo và Phật giáo. Đại biểu như Cổng đền Angkor Thom hoành tráng và cầu kỳ bậc nhất thế giới được xây dựng dưới thời Vua Jayavarman VII (thế kỷ XII) ở Campuchia. Và gần đây như Nhà thờ Sagrada Familia ở Barcelona khởi xây từ 1884 của Antoni Gaudi (1852-1926), như một khát vọng vươn tới sự hoàn mỹ đa chiều, một lối kết hợp giữa nghệ thuật Baroque và nghệ thuật Siêu Thực chưa từng thấy. Tuy nhiên các thế kỷ XVII, XVIII nghệ thuật Baroque mới phát triển thành phong trào ở Châu Âu và Châu Mỹ. Phong trào Baroque này là một phản bác kỳ vọng Duy lý chủ nghĩa đang thịnh hành ở Phương Tây thời bấy giờ: Chủ nghĩa Duy lý xem "Tự nhiên là thuần nhất, hài hòa và có thể nhận biết”. Để chống lại, sự náo động của mỹ thuật Baroque muốn nhấn mạnh: tri thức là điều có thế mở mang nhưng không thế chiếm lĩnh hoàn toàn. Và giá trị triết học của mỹ thuật Baroque chính là ở chỗ đó. Theo đuổi nghệ thuật Baroque là theo đuổi sự tùy hứng và lai hợp đến chóng mặt của các phong cách và các nền văn hóa. Đây là một khởi đầu của việc bước ra khỏi lề thói, quy tắc truyền thống. Quá trình diễn biến của nghệ thuật Baroque không những thể hiện một phong cách mà còn thể hiện tính đa dạng thống nhất của thế giới. Nghệ thuật Baroque báo hiệu một tiên tri lạ lùng về sự đổi thay của thế giới mỹ thuật Cận đại và Hiện đại.
KTS. TS. NGUYỄN THU HẠNH