IVAN PETROVITS PAVLOV NHÀ BÁC HỌC VĨ ĐẠI
VỀ HỆ THẦN KINH CAO CẤP (1849 - 1936)
Ivan Petrovits Pavlốv - nhà sinh lý học Nga vĩ đại, người sáng tạo học thuyết duy vật về hoạt động thần kinh cấp cao.
Năm 1904, Pavlốv được giải thưởng Nobel. Các công trình của ông về phản xạ có điều kiện được sự công nhận rộng rãi của các nhà sinh lý học trên toàn thế giới.
Pavlốv được bầu là Viện sĩ Viện Hàn Lâm và nhiều hội khoa học khác của Thụy Điển, Đan Mạch, Áo, Pháp, Anh, Đức, Mỹ.
Lẽ dĩ nhiên, ở nước Nga, Pavlốv có uy tín rất lớn.
Ngay sau cuộc cách mạng tháng Mười, nước cộng hòa Xô Viết non trẻ đã phải đương đầu với biết bao khó khăn thử thách:
Nội chiến, sự can thiệp vũ trang từ bên ngoài, tình trạng kinh tế đổ nát. Và những cảnh tượng thường ngày: dòng người vô tận đứng xếp hàng trước các quầy bán thực phẩm, cả những khi các quầy hàng này vẫn đóng cửa im ỉm. Không đủ bánh mì, đồng tiền mất giá.
Có lần, trước các nhân viên của mình, Pavlốv nói:
Tình hình đất nước vô cùng khó khăn, chúng ta phải tự kiếm sống. Riêng tôi, hy vọng rằng bằng việc tăng gia trên mảnh vườn có thể nuôi được bản thân và gia đình. Tôi mong các đồng nghiệp hãy theo gương tôi làm như vậy.
Và cũng từ ngày đó, vào lúc sáng sớm và các buổi chiều tà, có thể nhìn thấy Pavlốv tay cầm xẻng đào bới trên mảnh đất hoang cách Viện không xa. Thật không ngờ, mảnh vườn đã cho một vụ tốt. Gia đình Pavlốv có thêm lương thực, thực phẩm.
Như vậy, một vấn đề đã được giải quyết. Lại xuất hiện những vấn đề mới: các phòng thí nghiệm của Viện không được sưởi ấm, khi làm việc vẫn phải mặc bành tô, đội mũ, không đủ các thiết bị cần thiết, chó để thí nghiệm ngày càng khó kiếm.
Các nhà khoa học Đức, Mỹ và nhiều nước khác muốn mời nhà sinh lý học vĩ đại tới làm việc tại đất nước mình; hứa sẽ đảm bảo mọi điều kiện cần thiết cho việc tiếp tục công trình của ông, Ivan Petrôvit không có ý định rời bỏ Tổ quốc.
Nhưng rồi nỗi buồn rầu thất vọng đã có lần xâm chiếm lòng ông. Ông hiểu rõ: trong nước đang giải quyết vấn đề quan trọng - ai thắng ai.
Hoặc là nhân dân bẻ gãy sườn của bọn tư sản hay bọn chúng bắt nhân dân phải quỳ gối làm nô lệ. Liệu có thể kiếm được chó để làm thí nghiệm hay không? Có điều ông luôn tâm niệm rằng, không thể ngừng các công trình nghiên cứu khoa học. Và mùa hè năm 1920, Pavlốv đề nghị Chính phủ Liên Xô cho phép ông ra nước ngoài để tiếp tục nghiên cứu khoa học.
Đối với ông, những ngày chờ đợi câu trả lời thật nặng nề, ông hiểu rằng sẽ không thể sống thiếu Tổ quốc. Và chính vì thế, Ivan Petrôvich dễ dàng chấp thuận khi Brônch Bruêvis Chánh văn phòng Chính phủ được sự ủy nhiệm của Lénine đến với ông và khuyên ông ở lại. Brônch Bruêvits hỏi Pavlốv có yêu cầu gì, ông trả lời ngắn gọn:
- Chỉ có một điều - khả năng tiếp tục các công trình khoa học. Cũng thời gian đó, tại Petrograd "ủy ban giúp đỡ Giáo sư Ivan Pavlốv" được thành lập.
Có thể dẫn lại hồi ký của nhà văn Anh Herbert Wells, đến thăm nước Nga vào tháng 9 - 1920. Sau khi trở về Wells viết cuốn Nước Nga trong bóng tối. Nhà văn cảm nhận được những gì đã nhìn thấy ở nước Nga non trẻ này.
"Một trong những cảm tưởng bất bình thường nhất của tôi là cuộc gặp gỡ tại trụ sở Hội khoa học với một số thành viên đại diện của nền khoa học Nga, những người đã bị kiệt sức bởi bao điều lo lắng và sự thiếu thốn. Tôi cũng nhìn thấy ngài Pavlốv, người được giải thưởng Nobel và một số nhà Bác học nổi tiếng thế giới... Họ không có máy mới, không đủ giấy viết, những thí nghiệm không được sưởi ẩm. Thật lạ lùng, họ vẫn miệt mài làm việc. Mà họ làm việc có kết quả. Với trí năng và sự khéo léo hiếm thấy, Pavlốv tiếp tục nghiên cứu hoạt động thần kinh cấp cao của động vật... ý tưởng khoa học thật là tuyệt vời. Nếu như mùa đông này Petrograd bị chết đói thì các thành viên của Hội khoa học cũng sẽ chết. Tuy nhiên, họ không hề nói với tôi về khả năng được cung cấp các loại thực phẩm. Tất cả họ đều rất mong muốn nhận được tài liệu khoa học: kiến thức đối với họ còn quý hơn bánh mì...
Pavlốv vẫn tiếp tục công trình nghiên cứu tuyệt vời của mình - trong chiếc áo bành tô đã cũ, trong phòng làm việc đó đây còn ngổn ngang khoai tây và cà rốt do chính Pavlốv trồng được trong thời gian rỗi". Ngày 24 tháng Giêng năm 1921, V.I.Lénine đã phê duyệt kết luận đánh giá của ủy ban do Gorki đứng đầu trong đó nhấn mạnh "... Công trình khoa học đồ sộ của Viện sĩ I.P. Pavlốv có ý nghĩa lớn lao đối với nhân dân lao động trên toàn thế giới...'', và sự cần thiết "trong một thời gian ngắn nhất, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để Viện sĩ Pavlốv và các đồng nghiệp của ông tiến hành công tác khoa học".
Sau này Pavlốv đã viết về thời điểm đó trong cuộc sống của mình:
“Lénine đã đánh giá đúng sự thành thật và lòng nhiệt tình của tôi, nỗi lo lắng của tôi đối với vận mệnh của Tổ quốc... Người đã chỉ thị cho cấp dưới của mình thực hiện việc cải thiện đáng kể điều kiện sống và làm việc của tôi, và những việc đó đã được thực hiện không chậm trễ trong những ngày vô cùng khó khăn đối với đất nước".
Khi mọi mặt của cuộc sống ở nước Nga bắt đầu ổn định, các nhà khoa học từ Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Bỉ, Anh, Thụy Điển, Đức và nhiều nước khác lại đến với Pavlốv để học tập, tiếp xúc với trường phái của nhà sinh lý học vĩ đại. Cũng trong thời gian đó, theo kế hoạch của Pavlốv trạm nghiên cứu sinh vật học ở Kôntusi, gần Lêningrad đã được xây dựng, sau này trở thành trung tâm Quốc tế nghiên cứu hoạt động thần kinh cấp cao.
Chính Pavlốv cũng nhiều lần đi nước ngoài: Phần Lan, Mỹ, Anh, Italia... Ông đọc bài giảng tham luận tại các hội nghị. Ông phấn khởi thông báo với các đồng nghiệp và đông đảo công chúng ở nước ngoài về những nghiên cứu mới nhất, những phát minh trong lĩnh vực sinh lý học động vật.
Trong lễ mừng sinh nhật tám mươi tuổi của mình, ông nói ''Tôi rất muốn sống lâu, sống đến trăm tuổi hoặc hơn nữa! Tôi muốn sống lâu bởi vì các phòng thí nghiệm của tôi phát triển mạnh hơn bất cứ lúc nào. Chính quyền Xô Viết đã cung cấp hàng triệu rúp cho việc thực hiện các công trình khoa học của tôi, cho việc xây dựng những thí nghiệm. Tôi tin rằng, các biện pháp khuyến khích những người nghiên cứu sinh lý học sẽ đạt được mục tiêu, và môn khoa học của tôi đặc biệt phát triển trên mảnh đất quê hương".
Vào năm 1934, Herbert Wells lại tới thăm nước Nga Xô Viết, Wells gặp lại Pavlốv. Nhắc lại cuộc gặp gỡ lần trước, Ivan Petrovits hỏi: ''Cuốn Nước Nga trong bóng tối của Ngài đâu rồi?'' Wells chưa tìm được câu trả lời. Sau này, Wells đã trả lời trong một cuốn sách mới. . .
''... Những nghiên cứu được tiến hành ở Viện sinh lý học mang tên Pavlốv gần Leningrad là những công trình có giá trị thế giới... Người ta đã đảm bảo mọi thứ cần thiết cho công tác nghiên cứu khoa học. Tôi thấy ông già (chỉ Pavlôv) rất phấn chấn, khuôn mặt hồng hào và mái tóc bạc trắng - nếu như Bớcnaso cũng chải tóc và sửa bộ râu cằm thì khó mà phân biệt được giữa hai người. Những công trình của Pavlốv là một bằng chứng sinh động chứng tỏ tiềm năng khoa học to lớn của nhân dân Nga".
Tháng 8 năm 1935, tại Cung Tavirichév ở Lêningrad đã khai mạc Hội nghị các nhà Sinh lý học Quốc tế lần thứ 15 có đại biểu từ 52 nước tới dự. Trong buổi tiếp các đại biểu dự Hội nghị, Pavlốv nói với các vị khách nước ngoài:
"Các vị đã được nghe, được thấy ở Tổ quốc tôi, khoa học có vị trí lớn lao biết chừng nào...
Các vị đều biết, từ đầu đến cuối, tôi là một người thực nghiệm. Toàn bộ cuộc đời tôi cũng là những cuộc thực nghiệm. Chính phủ chúng tôi cũng là người thực nghiệm nhưng ở phạm trù cao hơn không thể so sánh. Tôi ao ước sống mãi để nhìn thấy thắng lợi của cuộc thực nghiệm mang tính lịch sử xã hội đó”.
Lúc đó, Pavlốv tròn 86 tuổi.
Theo tạp chí Xpatahich Tháng 6-1936
KH-ĐS số 21 (1-11-1986) Đ.Đ.H (dịch)