HÌNH ẢNH CỦA CON NGƯỜI TRONG HỘI HỌA
VÀ ĐIÊU KHẮC THẾ GIỚI
Trong các nền nghệ thuật từ xưa đến nay, con người luôn là hình ảnh đậm đà nhất. Trong lịch sử nghệ thuật con người đã từng sáng tạo không biết bao nhiêu tác phẩm tuyệt vời. Trong các hang động nổi tiếng thế giới như: Lascaux (Pháp), Altamira (Tây Ban Nha), Tassili (Châu Phi), Ajanta (Ấn Độ), Đôn Hoàng (Trung Quốc)… đã có hàng nghìn bức tranh với những hình chạm khắc ghi lại những cảnh sinh hoạt của con người rất sinh động và mang sức truyền cảm mãnh liệt.
Nghệ thuật ra đời từ khát vọng, từ niềm tin và từ cuộc sống bình thường; dù là thể loại gì, khi đã trở thành tiếng nói của nghệ thuật thì đều có sức lay động sâu xa và huyền bí đến phi thường. Người ta kể rằng, nhà tạc tượng cổ Hy Lạp Phidias (thế kỷ thứ V Tr.CN) đã kinh hoàng kính cẩn trước vẻ đẹp uy nghi của bức tượng Thần Zeus bằng vàng và ngà voi cao 12m do chính ông tạc ra ở Olympia. Không biết bao nhiêu người đã thán phục và ngợi ca vẻ đẹp của bức tượng kỳ vĩ Thần Apol1on cao 36m được dựng lên trên Đảo Rhodes, Hy Lạp. Biết bao nhiêu thế hệ những người theo đạo Jaina ở Ấn Độ đã ngưỡng mộ nghiêng mình trước bức tượng Thánh Bahubah (thế kỷ thứ VIII) bằng đá nguyên khối cao 17m, ở Kanataka. Người Nhật Bản suốt hơn một nghìn ba trăm năm nay vẫn thờ cúng và gìn giữ pho tượng đồng nặng bậc nhất thế giới (500 tấn): tượng Phật Daibutsu (thế kỷ VIII) tại Nara. Và ở Cămpuchia, nụ cười hiền triết của hơn 200 khuôn mặt Vua – Phật khổng lồ trên 50 ngọn tháp của Angkor Thom (cuối thế kỷ XII) vẫn mãi làm đắm say lòng người.
Vẻ đẹp con người thể hiện trong nghệ thuật tạo hình vô cùng phong phú và đa dạng: con người trong nghệ thuật Lưỡng Hà thường mạnh mẽ, oai hùng; trong nghệ thuật Hy Lạp, La Mã cổ đại khỏe mạnh và cân đối đến mức lý tưởng; trong nghệ thuật Byzantin, Roman, Gothique mang vẻ siêu cao thánh thiện; trong nghệ thuật Phục Hưng vừa có tính siêu cao của nghệ thuật Hy-La vừa mang vẻ trần gian gần gũi và đầy sức quyến rũ. Chúng ta yêu mến, nâng niu vẻ đẹp chuẩn mực của con người trong nghệ thuật cổ điển Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Đức...; vẻ đẹp bay bổng và đa dạng của con người trong nghệ thuật Baroque Bỉ, Áo Italia...; vẻ đẹp độc đáo kỳ lạ của con người trong nghệ thuật Olmeque, Inca, Tolteque và Maya. Và vẻ đẹp huyền bí Phương Đông, kiều diễm, duyên dáng, siêu quần trong nghệ thuật Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản... Cuối cùng là vẻ đẹp phồn thực, linh thiêng trong những hình ảnh con người của nghệ thuật Ấn Độ.
Những nét cao quý trong một con người đã được các nghệ sĩ tạo hình tôn vinh và ngợi ca như lòng dũng cảm, tính tự tin cao độ: Tượng David (1506) của Michelangielo; vẻ đẹp trí tuệ qua tranh Trường Athenes (1513) của Raphaet ở Vatican là khát vọng tự do ở Tượng Nữ Thần Tự do (cuối thế kỷ XIX) của Barthodi ở New York; là lòng dũng cảm, tình yêu đối với đất nước, tinh thần chiến thắng bạo tàn như tượng Người mẹ Tổ Quốc trên đồi Mamajev (1963- 1967) ở Volgagrad (Nga) của Vutretitr, Matrosov. . .
Đặc biệt, hình ảnh người phụ nữ được các nghệ sĩ mọi thời đại hết sức quan tâm miêu tả với lòng say mê đặc biệt; bất chấp trong sự nghiệp sáng tác của mình phải chịu nhiều tai tiếng, khi công chúng chưa hiểu ra tính trong sáng và chân thực của tác phẩm. Nhiều người đã khóc vì xúc động khi ngắm vẻ đẹp Aphrodite Milo hay Aphrodite Cyrene (khoảng thế kỷ thứ II, III Tr.CN). Người ta bàng hoàng trước vẻ đẹp trắng trong của người đẹp trong bức tranh khỏa thân Venus giáng sinh (1486) của Botticelli, hay trước vẻ đẹp tràn đầy trong thanh thản của người phụ nữ trong bức tranh khỏa thân Venus ngủ (1477) của Giorgione. Không phải là chuyện thế kỷ XXI mà cách đây 2400 năm vào thế kỷ thứ IV Tr.CN – Aristotlel một triết gia vĩ đại của Hy Lạp cổ, người đặt nền móng cho triết học Châu Âu đã nói: “Trong tất cả những gì tạo hóa sinh ra, con người là sản phẩm tuyệt vời nhất, đáng ca ngợi nhất. Điều đó đã dọn đường về mặt tư tưởng cho những sáng tạo cũng như thưởng thức nghệ thuật, để nghệ thuật từ rất sớm không bị trói buộc quá khắt khe bởi những định kiến cộng đồng. Chính vì vậy mà các nghệ sỹ Hy Lạp cổ đã tôn vinh vẻ đẹp của các vị thánh thần và để thánh thần được mang vẻ đẹp thân thể của chính con người.
Trong thế giới ''Người đẹp trong tranh'' có khi ta bắt gặp cái đẹp thanh cao, xa vời, bí ẩn lúc ngắm Mona Lisa (1505) của Leonardo da Vinci, khi lại bắt gặp vẻ đẹp rực rỡ nồng nàn La Phocnarina hay vẻ đẹp thánh thiện mà gần gũi, ấm áp đôn hậu và bao dung che chở trong tranh Đức mẹ Sixtine (1513) của Raphael.
Bên cạnh vẻ đẹp nhung lụa cung đình như Cung phi (1814) của Ingres, ta lại thấy cả vẻ thô vụng quê mùa nhưng đằm thắm như Danáe (1647) của Rembrandt.
Nhiều vẻ đẹp trong tranh đã là đề tài cho rất nhiều các tác phẩm văn học như Venus giáng sinh (1486) của Botticelli đi vào tiểu thuyết Người tình tuyệt vời của nhà văn Frank Slaughter, Maja khỏa thân của danh họa Francisco de Goya đã đi vào tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mỹ Samuel Edward. Trong các tiểu thuyết Giải mã Da Vinci của nhà văn Mỹ Dan Brawn, Khát vọng sống của nhà văn Mỹ Stoun, Mặt trăng và đồng sáu xu của nhà văn Anh William Somerset Maugham đều có lần lượt bóng dáng cuộc đời và các nhân vật trong tranh của Leonardo Da Vinci, Vincent Van Gogh, Paul Gauguin v.v. . .
Đề tài tình yêu nam nữ được thể hiện nồng nhiệt qua nhiều thế hệ nghệ sĩ. Các tác phẩm về tình yêu nam nữ được các nghệ sĩ thể hiện: một mặt sự tín ngưỡng, phồn thực; mặt khác cũng muốn chống lại những giáo lý hà khắc kiểu Trung cổ ở phương Tây, trái với quy luật tình cảm. Các vị vua chúa quan lại của nhiều triều đại cả phương Tây lẫn phương Đông thường chăn dắt dân chúng theo những giáo lý rất khắt khe, trong khi mở cửa các cung điện, người ta thấy họ lại đang sống theo một thứ đạo đức khác. Các văn nhân nghệ sĩ trên khắp thế giới trong một không gian hiện đại cởi mở hơn, muốn Thiên Đường ở ngay chốn Trần Gian chứ không phải chỉ ở chốn Cao Xanh. Họ đã sáng tạo những người đẹp khỏa thân như trong các tác phẩm Venus soi gương của Velazquez, Nữ Thần Săn bắn đi tắm của Bouchér, vẻ đẹp là cả một sự tích. Cảnh thanh liêm nam nữ khỏa thân vui chơi dập dìu dưới nắng xuân trong bức Vườn xuân thanh cao của họa sĩ kiêm nhà văn Flamande Carel Van Mander (1548-1660), cảnh trai gái trao nhau cái hôn nồng cháy trong bức tượng Mùa Xuân vĩnh viễn của nhà tạc tượng Pháp Rodin mãi mãi sẽ là bài ca bất tận về thân thể và tâm hồn con người, về tình yêu lý tưởng và tình yêu trần thế đẹp đẽ. Trên Trống đồng Ngọc Lũ, Thạp đồng Đào Thịnh cách đây hơn 2000 năm của Việt Nam (văn hóa Đông Sơn), trên nhiều phù điêu, quần tượng ở nhiều ngôi đền ở Konarak và Khajuraho Ấn Độ, trên nhiều tranh khắc gỗ màu của Trung Quốc và Nhật Bản... đều thấy thể hiện cảnh nam nữ giao hoan. Đấy là những khát vọng tự nhiên, nhân đạo thậm chí thiêng liêng thần thánh. Con người và vẻ đẹp của con người mãi mãi là điều kỳ diệu mà hội họa và điêu khắc không ngừng hướng tới.
Họa sĩ TRƯƠNG THẢO