POLYCLÈTE (480/475 - 420 TR.CN)
Polyclète, nhà điêu khắc Hy Lạp quê ở Sicyone (Péloponèse) nhưng sống ở Athènes và làm việc tại đó.
Ông đã áp dụng phong cách Chryséléphantine để thể hiện tượng Thần Héra đặt tại đền Argos. Đó là tác phẩm cuối đời của ông. (Chrysé tiếng Hy Lạp có nghĩa là vàng, Eléphantine tiếng Hy Lạp là ngà voi).
Một loại tượng thịnh hành ở Athènes vào thời cổ: đầu tay chân bằng đá... và thân bằng gỗ mạ vàng hoặc ngược lại.
Ông chú trọng đến các lực sĩ thân hình khỏe mạnh, cân đối. Tượng của ông đa số lấy mẫu ở các lực sĩ điền kinh Olympic mà Pausanias nhà văn Hy Lạp (200 Tr.CN) đã từng tả và nhắc đến.
Đứng đầu trường phái cổ điển của miền Bắc Péloponèse đang thời cực thịnh, người ta vẫn luôn luôn ví ông như một Phidias. Trong lịch sử mỹ thuật Hy Lạp Cổ đại, Polyclète được xem là nhà điêu khắc mẫu mực của cân đối và hài hòa. Ông xem điêu khắc tả hình thể con người như một bản nhạc, hợp xướng các giai trệu phải đáp xứng nhau, mọi quy luật về cân bằng trong một bức tượng phải được tôn trọng như các module trong kiến trúc mà kiến trúc sư nào cũng phải tuân thủ, các bộ phận của một tác phẩm điêu khắc phải cùng thở một nhịp đập thống nhất, hòa đồng với nhau... và khăng khít với nhau bằng một quy luật bó buộc.
Ông đã viết một tác phẩm nghiên cứu về phương pháp cân xứng trong điêu khắc. Tác phẩm này đã thất lạc, nhưng nguyên tắc ấy vẫn còn lưu lại trong các tác phẩm của ông.
Ông đã dựng thành chỉ số luật cân xứng ấy. Tiếng Hy Lạp gọi là canõn, có nghĩa là luật.
Con người cân đối lấy đầu làm mức đo, tỷ lệ, thân bằng bảy đầu. Luôn luôn lấy tỷ tệ tay để rà lại các phần trong cơ thể (dactyle).
Theo thuyết Vũ trụ của Platon (triết gia Hy Lạp 427-348 Tr.CN) con người là một phần nhỏ của Vũ trụ lớn, do đó các thành phần cấu tạo của mọi thể vật từ con người, kiến trúc v.v... đều phải khuôn theo quy luật cân bằng và hài hòa của Vũ trụ. Polyclète cho rằng, nghệ thuật điêu khắc phải chấp nhận luật ấy và phải chặt chẽ xem đó là một kim chỉ nam trong sáng tác.
Không biết hiện nay trong các bảo tàng lớn của thế giới, số lượng tác phẩm của Polyclète còn lưu lại bao nhiêu; chỉ biết trong số còn lại đếm đầu ngón tay, những tác phẩm tiêu biểu như Diadumène hiện nay chỉ phổ biến bằng tượng chép lại thời La Mã Doryphore (sáng tác năm 450 - 440 Tr.CN), tượng chép lại thời La Mã hiện bày ở Bảo tàng Naples...
Tác phẩm Cyniskos được nhắc đến nhưng không rõ lai lịch. Hiện ở Bảo tàng British có tượng Lực sĩ Westmacoff dựa vào lực sĩ Cyniskos de Mantinée, dáng đứng nghỉ như mọi tượng của Polyclète; nhưng vẫn thấy cái thớ thịt, ngực đùi, chân nở nang với khả năng năng động của người mẫu.
Trong hai tượng Diadumène và Dolyphone, chúng ta thấy hai lực sĩ trong tư thế đứng nghỉ. Polyclète đã diễn tả được cái sống lành mạnh, tươi trẻ của con người Hy Lạp… động tác rất cao quý và đẹp nhưng các nhà bình luận am hiểu vẫn cho rằng nét mặt của hai pho tượng lạnh lùng và không có sắc thái cá tính, điều đó có lẽ Polyclète không muốn đưa một khuôn mặt đời thường cụ thể vào một thân người mà ông đã đưa thành một cái đẹp cân đối mẫu mực, một module lý tưởng về con người?
Còn một tác phẩm của Polyclète, đã đưa Polyclète lên đỉnh cao của nghệ thuật, đó là tượng Amazone dephèse hiện còn bản sao bày ở bảo tàng Berlin và Capitole ở Roma. Bức tượng tả một thân hình nữ cân đối quá khuôn vàng thước ngọc, tiêu chuẩn hóa cái đẹp đến thành khô khan…tuy vậy đây vẫn là dấu ấn của một bậc thầy để lại cho đời sau. Đó là một lời khuyên răn mẫu mực, lúc cần người ta phải nghiên cứu đến.
Họa sĩ TRẦN DUY