Tài liệu: Phidias (khoảng 500 – 400 Tr.CN)

Tài liệu
Phidias (khoảng 500 – 400 Tr.CN)

Nội dung

PHIDIAS (KHOẢNG 500 – 400 Tr.CN)

 

Nói đến Phidias, không thể không nói đến Péricles - nhà chính trị lỗi lạc của Hy Lạp, người bạn đã tạo điều kiện để Phidias thực hiện được những sáng tạo nghệ thuật, cống hiến lớn lao cho đất nước Hy Lạp.

Theo tài liệu của J. Defradas và của Ch.Picard Manuel d'archéologie Greque - La sculpture:

'' bạn của Péricles nên khi Péncles bị phế truất, Phidias đã bị những kẻ thủ chính trị của Péricles vu cáo, và bị truy tố trước tòa vì tội bất minh trong việc sử dụng vàng và ngà voi trong công trình Athéna-Parthénos. Tiếp đó, Phidias bị khép vào tội khi Thần (impiété) vì đã tạc chân dung của mình lên mặt chiếc khiên của nữ thần Athéna, và Péricles trong phù điêu chiến thắng nữ thần quân Amazones”.

Theo từ điển danh nhân (Plesse Univesitain de France, 1958) ông bị ám sát trong ngục, nghi là bị giết bằng thuốc độc.

Cùng sự việc này Carl Grim-herg trong Histoire Univeselle tập 2, trang 97 chỉ viết: ''Hình như nhà nghệ sĩ vĩ đại này đã chết trong khám giam''.

Péricles đã thanh minh trước tòa chính ông là người đã cùng với Phidias trông nom việc đúc tượng vàng nữ Thần Athéna. Nhưng Phidias vẫn bị bỏ ngục, vì mục đích kẻ thù của Périclès là nhân việc này để làm nhục và hạ uy danh của Périclès.

Cùng với Phidias, một số nhà bác học, khoa học triết gia cũng bị vu cáo và bị trả thù; cùng với họ, thời đại Hoàng kim của Hy Lạp đã bị nhiều tổn thất.

Phidias chưa tròn 30 tuổi đời, đứng trước người đương thời, như một bậc thầy với chương trình to lớn, những suy nghĩ táo bạo về bố cục, về thể hiện mang tính hoành tráng, những sáng tạo độc đáo mang tính nghệ thuật và nhân tính.

Phidias đã dùng nghệ thuật để nói lên tính tư tưởng ưu việt của thời đại, đồng thời diễn đạt gửi gắm tâm hồn của mình vào tác phẩm, một tâm hồn khát khao chân, thiện, mỹ.

Phidias lao động nghệ thuật như thở khí trời, như hấp thụ lẽ sống: ông không hề mệt mỏi vì chưa hoàn thành pho tượng Athéna khổng lồ bằng đồng cao 10 thước, đã bắt tay ngay vào việc tạc những pho tượng Nữ Thần Athéna khác; tiếp đó hoàn thành công trình đền Acrople vào năm 454 Tr.CN, năm năm sau ông sáng tác tượng Athéna - Lemnia, biểu trưng lòng biết ơn của dân Athéna đối với nữ Thần.

Cùng thời, Phidias tiến thành cụm tượng Déméter và Persephone hiện ở Bảo tàng quốc gia Athéna.

Phidias được Périclès mời về phụ trách công trình đền Acropole ở Athéna (447-432 Tr.CN) là một công trình to lớn, quan trọng nên được Péricles huy động nhân lực, tài lực, vật lực đầy đủ để có thể thực hiện tính tư tưởng, tính thời đại của thể chế Athénes.

Theo lời Plutarque nhà văn Hy Lạp (50 S.CN), Phidias là linh hồn của công trường; ông chỉ huy, điều khiển, giải quyết mọi công việc của công trường từ sáng tác nghệ thuật đến khâu xây dựng cơ bản.

Ông làm công việc của người kiến trúc sư, nhà điêu khắc, khi cần ông cầm bút phác họa mọi chi tiết về hình và bố cục.

Các phù điêu kể lại những chiến công của Athéna thắng quân Perse, nữ quân Amazònes; những trang sử của thần dân Athéna hào hùng và bi thảm, những tráng ca và bi ca của chiến tranh thành Troie; những mệt mỏi, đau thương do chiến tranh Médique mang lại cho người dân Hy Lạp... mặc dù họ chiến thắng.

Tư tưởng mang tính nhân văn của Phidias đã đưa con người vào hình các Thần Thánh, và kể cả đá của Phidias... cũng là đá được ông truyền hơi thở và cái sống của da thịt con người (tượng Thésée).

Nhưng cái sáng tạo và thiên tài của Phidias là ông đã nói lên được bằng cái rắn của đá, sự mềm mại uyển chuyển của thân thể các nữ đồng trinh qua làn vải mỏng, nếp lụa buông rủ dọc người theo động tác sinh động đến mức người xem có thể cảm thấy tách được lớp vải là chạm được vào da thịt gợi cảm của người nữ đồng trinh.

Với cách diễn tả ấy, Phidias chỉ dùng vải mỏng phủ lên người, nếp lụa uốn lượn theo đường cong của thân người để tạo dáng và diễn tả da thịt con người không cần phải khỏa thân! Bức phù điêu bằng đá dài trên 159 thước tả hàng trăm con người, dáng điệu khác nhau, duyên dáng không giống nhau, đoàn ngựa phi không con nào giống con nào, những kỵ binh không ai giống ai, từ áo, đến giày đến mũ.... Phidias đã cách điệu hóa cái thật, đưa cái thật vào hình tượng của nghệ thuật, của cái đẹp, lồng cái sống của con người vào thế giới thần thoại,  đưa ưu tư lo lắng, khắc khoải của con người thật vào Thần Zeus, đưa tính dân tộc đồng hòa với tính sáng tạo của mình. Phidias thiên tài của nhân loại người nghệ sĩ toàn diện, người trí thức ưu tú, đã dùng đá ngôn ngữ độc nhất để nói lên cái muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, nét tư tưởng của thời đại, tính nhân văn của con người cùng với tính mỹ thiện huyền thoại của thần thánh.

Nhưng bất cứ ở đâu trên các tác phẩm hoành tráng của ông, người ta vẫn đọc được nét tế nhị cao quý của tâm hồn Phidias, một con người luôn luôn ấp ủ những ước mơ nghệ thuật to lớn, sống động và đầy tính nhân văn.

Họa sỹ TRẦN DUY

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/175-02-633386880468750000/Nghe-thuat-tao-hinh-Tac-giaTac-pham-cua-th...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận