Tài liệu: Hôn lễ cực kỳ long trọng

Tài liệu
Hôn lễ cực kỳ long trọng

Nội dung

HÔN LỄ CỰC KỲ LONG TRỌNG

 

Tại một vùng lãnh thổ của Iran, những cư dân ở đây cho đến nay vẫn lưu giữ được lễ tục hôn nhân truyền thống. Thông thường, một tuần trước khi hôn lễ cử hành, những người dân trong thôn đến tập trung trước cửa nhà chú rể, những người phụ nữ cùng đồng thanh hát lên những bài dân ca vui vẻ, còn có cả người hát bè trầm để đệm thêm vào.

Sáng sớm hôm cử hành hôn lễ, theo như phong tục của người dân địa phương, người ta đem chú rể tới nhà tắm để tắm nước thơm, tắm xong đưa chú rể về nhà, mặc cho chú rể bộ đồ lễ phục: áo ngoài dài, chiếc váy bằng vải chéo to và rộng cùng một đôi giày theo kiểu Iran. Sau khi đã được trang điểm xong xuôi, những chàng trai trẻ trong thôn sẽ công kênh chú rể lên; rồi vừa nâng chú rể vừa hôn lên đầu, lên mặt và hôn vào tay của chú rể, rồi mọi người còn không ngừng tưới nước hoa quả lên người anh ta, sau đó lại mang anh ta đi khắp đường lớn ngõ nhỏ trong thôn.

Khi đó, trên khắp các mái nhà người người đều chen nhau đứng chật, các thiếu nữ mặc những bộ quần áo sặc sỡ có dệt kèm kim tuyến và mang đầy trên người các đồ trang sức bằng vàng óng ánh, từ trên các mái nhà đổ đường và mật lên người chú rể, còn đi trước chú rể là một đội ngũ những đứa trẻ tay múa chân nhảy vui vẻ, hòa nhịp nhạc, tiếng hát tiếng cười hòa trộn thành một hợp xướng vô cùng náo nhiệt.

Đổ đường, mật lên người chú rể là một nghi thức đặc biệt dùng trong hôn lễ. Người ta đổ rất nhiều, đến mức đoàn người đi cùng chú rể cơ hồ như đi trên một con đường được rải bằng đường và mật. Trong một đám cưới như vậy mỗi người trong thôn cần phải đổ lên chú rể khoảng 5kg đường. Vào ngày đó, những ông già bà cả, những người tàn tật ốm yếu cũng cố nhờ người thân đưa lên trên mái nhà dùng đôi bàn tay gầy yếu rắc lấy đôi chút Đường, mật lên người chú rể để bày tỏ sự chúc mừng hạnh phúc.

Cuối cùng, người ta đem chú rể lên một đám đất cao, khi đó, các loại, nhạc cụ cùng hòa tấu. Người  người từ trên các mái nhà ùa cả xuống, các cô gái trẻ cùng nhiều phụ nữ khác vây lấy chú rể vòng trong vòng ngoài rồi tất cả cùng nhau ca hát, nhảy múa vui chơi thả sức.

Đúng 4 giờ chiều, đội ngũ của chú rể lại xuất hiện. Lần này các thiếu nữ sẽ là những người đi đầu. Họ vừa đi vừa hát những bài dân ca tình tứ mê đắm lòng người và cuối cùng người ta đem chú rể lên mái nhà của gia đình anh ta, còn những người khác trong thôn từ lớn đến bé lại trèo lên trên các mái nhà và nhất tề hướng sự quan sát của mình về phía chú rể. Lúc này có mấy người đứng vây quanh chú rể, còn mấy người khác giúp chú rể thay trang phục, mặc lên người anh ta một bộ áo đất xen kim tuyến, chiếc áo đó gọi là “áo gặp mặt”. Vào thời điểm ấy, những người phụ nữ từ các nóc nhà của mình cùng nhất tề cất cao tiếng hát hát bài Bài ca mặc áo. Mỗi một gia đình ở thôn làng đó đều có một “chiếc áo gặp mặt” được nhiều thế hệ trong gia đình gìn giữ và lưu truyền lại. Những người đàn ông trong gia tộc, ngày kết hôn đều phải mặc chiếc áo đó. Chiếc áo này là một vật vô cùng quý giá, nó được mọi người coi là “vật thiêng” trong gia đình. Chú rể, vừa khoác xong chiếc áo quý, đường và mật lại từ khắp bốn phía dội đến, khốn khổ cho chú rể, anh ta chỉ còn biết dùng tay ôm lấy đầu và mặt mà thôi.

Bộ lễ phục mà nhà trai mang đến nhà gái là một bộ lễ phục hết sức quý giá, nó được dệt bằng kim tuyến và có lịch sử lâu dài hàng trăm năm. Cô dâu sẽ mặc bộ lễ phục đó để về nhà chồng. Bộ lễ phục của cô dâu gồm vải và đồ trang sức có trọng lượng đạt kỷ lục: 40 kg. Với bộ lễ phục khác thường đó cô dâu đi lại rất khó khăn, phải có nhiều thiếu nữ khác đi bên cạnh để giúp đỡ. Đi đầu đám rước là dàn nhạc hơi vừa đi vừa thổi.

Với bộ quần áo ''trang trọng'' như vừa mô tả trên, cô dâu từ khi bước vào cổng nhà chồng cho tới khi hôn lễ kết thúc còn phải làm rất nhiều nghi lễ. Trong khi tiến hành tất cả các nghi lễ đó cô dâu hoàn toàn phải đứng. Tổng cộng cô dâu sẽ phải đứng như vậy khoảng 12 giờ đồng hồ. Nhiều cô dâu do không chịu nổi sức nặng của bộ áo váy đã ngã gục. Những cô gái phù dâu luôn phải tìm cách giúp đỡ cho cô. Theo những người địa phương đó cũng là một cách họ thử sức khỏe của cô dâu.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1065-02-633390298106275000/Phong-tuc-ve-cuoi-xin-hon-nhan/Hon-le-cuc...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận