Tài liệu: Praxitèle (395 – 320 Tr.CN)

Tài liệu
Praxitèle (395 – 320 Tr.CN)

Nội dung

PRAXITÈLE (395 – 320 TRCN)

 

Sinh tại Athènes, Praxitèle chào đời trong tiếng búa đục tượng của cha là Céphisodore, sau là thầy của Praxitèle. Giòng Praxitèle, cha truyền con nối làm nghề điêu khắc ở Athènes.

Theo tài liệu của J. Defradas, người ta biết rất ít về đời riêng của Praxitèle (on connait peu de détail de sa vie). Praxitèle có một người yêu tên Phryné, đã giúp ông trong việc đứng mẫu để tạc tượng Aphrodite.

Sống trong thời đại mà Athènes chịu ảnh hưởng không nhỏ tư tưởng của Platon, ông là người đã sớm nhận thấy những bất công của Athènes nhất là sau cái chết của Socrate. Platon đưa ra thuyết cái đẹp toàn thiện, khuyên mọi người hướng về cái tâm (Idée) vì ông xem tâm là phản ảnh của (“thế giới toàn thiện" (Souyerain Biên) là cái gốc của cuộc sống. Tư tưởng Platon đã ảnh hưởng sâu sắc đến lớp trẻ Athènes, trong số ấy có Praxitète; do đó tác phẩm của Praxitèle không đề cập đến những đề tài chính trị, chiến tranh, các chính khách đương thời. Praxitèle chỉ nói đến cái đẹp, cái thanh thản của cuộc sống, cái dịu dàng duyên dáng của con người... mặc dù vậy, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên tác phẩm của ông, trong đôi mắt, trên nếp môi, một cái gì buồn thầm lặng đã thấm vào cuộc sống của Athène, và cả của Praxitèle.

Praxitèle hướng về cái đẹp hoàn thiện, cái tâm, có nghĩa là tuổi trẻ và tình yêu; ông khai thác ở đề tài ấy cái sống thực của con người, ở đấy tính nhân văn của Praxitèle không mang tính hoành tráng của Phidias; nhân vật của Praxitèle dịu dàng hơn, con người đời thường hơn nên dễ hội nhập với chiều sâu  của tâm hồn con người.

Praxitèle thể hiện tuổi trẻ khi cơ thể con người đang nẩy nở, đang độ sống như một mầm xuân. Người mẫu được truyền vào tác phẩm của ông chưa định tuổi đời, chưa định hình cái trẻ nên vô cùng sinh động. Ông không tạc người thành đá... mà ông đã đưa máu, thịt, hơi ấm của con người vào đá... để cho người xem có cảm xúc rằng ngày mai, hoặc xa hơn nữa, con người đẹp được ghi lại khoảnh khắc trong đá... sẽ còn trưởng thành và sẽ còn tươi đẹp hơn!

Praxitèle làm sống đá, đến mức ông đã tạo cho tượng những động tác ngoài khuôn mức trọng tâm của vật thể. Tượng của ông có khi nghiêng đổ về một bên, về phía sau, trọng tâm chỉ đổ xuống một điểm hoặc chân phải hoặc chân trái, thân lọt ra ngoài trọng tâm v.v... Vì vậy tượng của ông luôn luôn tỳ vào những điểm tựa một thân cây như Apollon Saurcoctone, Erôs de thespies (hiện đang bày ở Bảo tàng Louvre).

Khi đưa thân hình người yêu của mình là Phryné lên thành tác phẩm Aphrodite Cnide, Praxitèle đã bị người đương thời dị nghị… nhưng Praxitèle không còn tìm đâu ra một người mẫu thân thuộc để tả hết cái đẹp của chủ đề!

Tượng này được sao lại nhiều mẫu (bày ở Bảo tàng Vatican, Munich… ở Louvre). Praxitèle tạc từ khối đá cẩm thạch của núi Paros nổi tiếng, nên cái trong và mịn màng của đá đã tả được cái sống của da thịt nữ Thần trong động tác vừa bỏ áo ngoài để chuẩn bị tắm...

Ở tượng Aphrodite Arles (hiện bày ở Louvre) nữ Thần chưa bỏ hết áo... vải choàng vừa tuột đến hông, đã để lộ một thân hình toàn mỹ, các đường cong gợi cảm, hình khối ẩn hiện tuyệt diệu tất cả thân hình ăn nhịp với khuôn mặt trái xoan, đôi mắt như nhìn vào một điểm vô định, xa vắng và sinh động hơn nữa là đôi môi gần như cười... một nụ cười nửa miệt thị nửa kín đáo kiêu kỳ.

Có thể đó là một thái độ của Praxitèle khi ông nhìn cuộc sống hỗn loạn, mất kỷ cương thời của Athènes chăng?

Hiện các bảo tàng chỉ lưu lại đa số các bản sao... chứng tỏ rằng tác phẩm của Praxitèlè đã lưu lạc và mất khá nhiều: Hemès Psychopompe, le Satyre Versant à boire, le Satyre au repos, Aponon ly keios, Aponon Sauroctone v.v...

Họa sĩ TRẦN DUY

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/175-02-633386881242187500/Nghe-thuat-tao-hinh-Tac-giaTac-pham-cua-th...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận