ALPHONSE BERTILON (1853 - 1914)
NHÀ KHOA HỌC HÌNH SỰ NỔI TIẾNG
Nỗi bất hạnh của nhà phát minh
Alphonse Bertilon (Anphôngxơ Béctilông, 1853 - 1914) sinh trưởng trong một gia đình có mong muốn hiểu biết về quy luật tự nhiên, xã hội rất cao. Bố là Tiến sĩ Lui Adon Bertilon, Phó Chủ tịch Hội nhân chủng học Paris.
Bertilon chính thức vào làm thư ký từ ngày 15 - 3 - 1879: Lịch sử đã chọn anh rất chính xác, đặt anh vào một góc bụi bặm của quân cảnh sát Paris. Vào những ngày tháng 7-1879, mặc dù bị mệt nhoài do nóng nực của thành Paris, Bertilon vẫn ngồi đến mụ người để lập thẻ và chẳng biết mình đã lập đến thẻ thứ bao nhiêu, ba nghìn hay bốn nghìn. Bỗng nhiên xuất hiện trong đầu anh một ý nghĩ, và ý nghĩ đó đã nảy sinh - như lời anh thừa nhận sau này khi thành người nổi tiếng - xuất phát từ nhận thức về sự vô ích trừu tượng của công việc anh đang làm cùng với những ký ức về thời niên thiếu. Bertilon tự hỏi mình vì sao lại tốn thời gian, tập trung tiền của và sự cố gắng của con người một cách vô ích để truy tìm tội phạm bằng các phương pháp cũ, thô sơ, không hoàn thiện; trong khi khoa học tự nhiên đã xác định được khả năng dựa vào kích thước của cơ thể để phân biệt người này với người khác một cách chính xác.
Cuối tháng 7, khi Bertilon tiến hành so sánh những bức ảnh của bọn tội phạm bị bắt, các thư ký khác đã cười chế giễu và vô cùng ngạc nhiên trước việc làm ''vô ích'' này. Để gây thú vui chung, người ta cho Bertilon tiến hành việc đó. Với lòng kiên nhẫn, sau mấy tuần, anh đo được rất chiều tội phạm bị bắt. Đo chiều cao cơ thể, chiều dài và thể tích đầu, chiều dài tay, ngón tay, bàn chân. Bertilon khẳng định được rằng, kích thước của từng phần riêng biệt có thể trùng nhau; nhưng kích thước của 4 hoặc 5 phần trên cơ thể không bao giờ trùng lặp một lúc. Vào trung tuần tháng 8, Bertilon viết một bản báo cáo trong đó nêu cách xác định bọn tội phạm một cách chính xác. Bản cáo này Bertilon gửi cho Lui Andrie, người được cử giữ chức Quận trưởng cảnh sát Thành Paris, nhưng không được trả lời.
Bertilon tiếp tục làm việc. Mỗi buổi sáng trước giờ làm, anh thường đến thăm trại giam. Ở đây, mặc dù được phép tiến hành đo kích thước của bọn tội phạm, Bertilon cũng bị nhiều người chế giễu. Đến ngày 1 - 10 - 1879, anh được thăng cấp, lúc này anh lại chuyển cho Quận trưởng Lui Andrie bản báo cáo thứ hai; trong đó dựa vào quy luật kétle, tác giả chỉ ra rằng: Lấy xác suất trùng hợp về chiều cao cơ thể con người là 4:1, thì chiều cao cộng với một kích thước nào đấy (ví dụ chiều cao cộng với kích thước từ đầu đến ngang thắt lưng) cho xác suất trùng lặp là 16: 1. Nếu đo 11 chỉ số thì xác suất là 4 191 304:1 hoặc 14 chỉ số thì xác suất trùng lặp sẽ là 286 435 456: 1. Sự chọn lọc các phần trên cơ thể để đo rất rộng rãi: ngoài chiều cao cơ thể, có thể đo chiều dài, chiều rộng của đầu, chiều dài của ngón tay, cẳng tay, cánh tay, bàn chân,... Bertilon viết: ''Tất cả các phương pháp xác định tội phạm đang tồn tại không hoàn thiện, không đủ độ tin cậy, dễ dẫn đến sai sót. Phương pháp của tác giả gây niềm tin tuyệt đối và loại trừ được sai sót”. Ngoài ra, Bertilon còn đặt ra hệ thống lập thẻ đăng ký tội phạm với các chỉ số kích thước của các phần trên cơ thể chúng. Nhờ hệ thống đó mà chỉ sau mấy phút, có thể xác định được số liệu về tên tội phạm bị bắt có ở trong tàng thư đó hay không.
Học tập kinh nghiệm phân chia các chỉ số nhân chủng học của bố mình thành nhóm có kích thước lớn, trung bình, nhỏ, Bertilon thấy rất đơn giản. Ví dụ chia 90.000 thẻ khác nhau, sao cho bất kỳ thẻ nào cũng có thể tìm được một cách dễ dàng. Nếu ở vị trí thứ nhất là chỉ số chiều dài của đầu và các chỉ số đó được chia thành 3 nhóm, thì trong mỗi nhóm sẽ có 30.000 thẻ ở vị trí thứ hai là chỉ số chiều rộng của đầu, theo phương pháp này thì có 9 nhóm trong mỗi nhóm có 10.000 thẻ. Trường hợp đo 11 kích thước thì trong một ô cửa tủ đựng thẻ sẽ có từ 3 đến 12 thẻ. Điều đó đối với Bertilon rất đơn giản. Do thiếu sót về trình độ học vấn nên anh không thể trình bày ý nghĩ của mình một cách rõ ràng. Tin tưởng vào lẽ phải của mình, tác giả vẫn nóng lòng chờ đợi trả lời.
Rồi ngày mong mỏi đã đến, Bertilon được Quận trưởng Lui Andrie mời đến phòng làm việc. Anh hồi hộp bước qua phòng của sếp, trong lòng mang nỗi thất vọng lớn. Lui Andrie là một nhà chính trị trong số những người theo Đảng cộng hòa. Chưa bao giờ ông quan tâm đến thống kê, toán học và hiểu biết rất kém về hoạt động của cảnh sát. Chính vì không hiểu báo cáo của Bertilon, nên Lui Andrie đã chuyển bản báo cáo cho Guyxtavơ tư lệnh cảnh sát điều tra tội phạm Paris.
Maxơ là sĩ quan có kinh nghiệm nên rất coi thường các nhà lý luận và bất cứ cơ sở lý luận nào. Maxơ là người hoạt động thực tế, bắt đầu sự nghiệp trong lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm từ một quan chức bậc thấp. Là một sĩ quan cảnh sát (ở Pháp tất cả các lực lượng làm công tác an ninh quốc gia và trật tự luật đều gọi chung bằng một cái tên Police), Maxơ trở lên có danh tiếng nhờ việc điều tra một vụ án giết người ở Paris là ''vụ án Vuabô'' xảy ra năm 1869:
Dưới đáy giếng người ta phát hiện một gói bọc bằng vải nhựa trong đó có một tử thi được chia thành nhiều phần. Sự việc đó làm cho cả Paris náo động xôn xao. Maxơ nhờ tài quan sát và trí phán đoán của mình, không những tìm ra lối đi từ hiện trường đến nơi ở của một người thợ may tên là Vuabô; mà còn chứng minh được, chính tên này đã phân chia tử thi thành nhiều phần trong phòng của hắn. Phương pháp Maxo sử dụng để phát hiện ra điều đó đã chứng minh được khả năng suy diễn của ông. Xuất phát từ nhận định: sự phân chia tử thi gây chảy máu ra ngoài rất nhiều, nên Maxơ đã quan sát, xem xét sàn gỗ trong phòng Vuabô nhưng nền nhà đã được rửa kỹ không phát hiện được vết máu. Maxơ nhận thấy nền gỗ không bằng phẳng. Trong lúc có mặt Vuabô, ông đã đổ nước ra nền gỗ, sau đó bẩy các thanh gỗ tại những nơi có nước đọng. Phía dưới các thanh gỗ này có rất nhiều máu khô. Vuabô buộc phải công nhận là đã lấy của và giết người bạn thân của mình, rồi chia tử thi thành nhiều phần.
Maxơ điều tra nhiều vụ án bằng phương pháp suy luận. Phương pháp này vẫn giữ vai trò quan trọng trong khoa học hình sự hiện đại ngày nay, nhưng ông quá tin vào kinh nghiệm, vào trực giác và “trí nhớ chụp ảnh'' của mình nên đã bác bỏ đề nghị của Bertilon. Trong bức thư gửi cho Lui Andrie, Maxơ viết rằng ngành cảnh sát không phải là nơi để các nhà lý luận tiến hành thực nghiệm, và Quận trưởng Andrie cũng tán thành với sếp của mình.
Quận trưởng gặp lại Bertilon: Bertilon! Tôi cho rằng anh là thư ký hạng thứ 20 và làm việc với chúng tôi mới có 8 tháng. Thế mà anh lại muốn có phát minh? Bản báo cáo của anh là câu chuyện tiếu lâm... ''Bertilon trả lời, không kiên quyết lắm: ''ngài Quận trưởng, nếu ngài cho phép...''
Andrie đã cho phép. Nhưng do quá hồi hộp nên Bertilon không thể trình bày lưu loát những ý nghĩ của mình. Quận trưởng ngắt lời người thư ký một cách thô bạo và cảnh cáo rằng, nếu Bertilon không từ bỏ những ý nghĩ đó thì sẽ lập tức bị thải hồi. Bertilon lòng tràn ngập cay đắng, trở về góc làm việc của mình. Andrie yêu cầu người bố quan tâm đến Bertilon để con trai ông hoàn thành công việc được giao và không can thiệp vào công việc của người khác, khi việc đó không liên quan đến mình.
Tiến sĩ Lui Adon Bertilon phải chịu đựng thất vọng và bao phút cay đắng của con, liền gọi Bertilon đến bắt giải thích. Người cha bực tức cầm lấy bản báo cáo của con, nhưng đọc xong ông lập tức trấn tĩnh ngay: "Tha lỗi cho cha, cha đã mất hy vọng là con có thể tìm ra đường sống của mình. Vậy mà bản báo cáo này lại là con đường đi riêng của con. Đây là khoa học được áp dụng vào thực tiễn. Còn đối với cảnh sát thì là một cuộc cách mạng. Bố sẽ giải thích tất cho Andne... Ông ấy cần phải hiểu…”
Hôm sau Adon Bertilon đến thăm quận trưởng và thuyết phục ông ta, về công việc của người con. Andrie dao động nhưng do tự ái cá nhân nên không thay đổi quyết định ban đầu. Chỉ còn khả năng cuối cùng: Andrie không thể mãi mãi là Quận trưởng; phải chờ ngày về hưu của ông ta. Bertilon đã tìm ra con đường đi chính xác, song không được phép đi theo con đường đó.
Buổi bình minh của khoa học hình sự đã bắt đầu.
Vinh quang của nhà Bác học trẻ
Thất vọng vì quyết định của Lui Andrie nhưng Tiến sĩ Adon Betilon vẫn không nản. Ông liên tục nhờ người thuyết phục những nhà lãnh đạo ngành cảnh sát Paris cho thực nghiệm phương pháp của con trai mình. Dịp may đã đến. Đầu năm 1881, Lui Andrie về hưu, Quận trưởng mới Camơcác được bổ nhiệm. Nếu về sau có ai đó nói rằng, Camơcác là người chỉ huy biết nhìn xa trông rộng, hiểu rõ được tư tưởng của Alphonse Bertilon thì có lẽ cũng hơi thái quá. Tuy là nhà chính trị nhưng Camơcác đã có thời gian làm Giám đốc trường đào tạo cảnh sát Paris, và tuy không hiểu tư tưởng của Bertilon hơn người tiền bối của mình; nhưng nể lời luật sư, bạn thân của Adon Bertilon, ông cho mời Alplonse Bertilon đến phòng làm việc và cho phép viên thư ký thực hiện phương pháp xác định tội phạm của anh. Nghe quận trưởng mới tuyên bố: “Tốt! Tôi hoan nghênh những sáng kiến của anh. Từ tuần sau tôi cho phép anh thực hiện phương pháp xác định tội phạm của mình trong thời gian 3 tháng. Phương pháp của anh sẽ được công nhận nếu thu được kết quả trong thời gian này''. Bertilon lo lắng vì hiểu rằng, khó có thể thành công khi kiểm tra phát minh khoa học trong một thời gian ngặt nghèo như vậy.
Cùng với hai thư ký khác giúp việc, Bertilon mải miết làm việc suốt ngày đêm, quên đi cả cái giá lạnh của mùa Đông năm 1881. Số thẻ Bertilon lập được sau khi đo kích thước các phần thân thể bọn tội phạm ngày một nhiều. Đầu tháng 1 năm 1883: 500 thẻ, trung tuần tháng 1:1000 thẻ; đầu tháng 2: 1600 thẻ, trung tuần tháng 2:1800 thẻ. Nhưng kết quả xác định vẫn là con số 0. Bertilon lòng bồn chồn lo lắng.
Thế rồi ngày 20 - 2 - 1883 khi tiến hành đo kích thước tên tội phạm Đuyông, Bertilon thấy quen mặt và hình như anh đã đo kích thước tên này ở đâu rồi. Các thư ký đo kích thước và đưa cho anh những số liệu: Độ dài đầu: 157mm; chiều rộng đầu: 156mm; ngón tay giữa dài 114mm; ngón tay út: 88 mm và kích thước độ dài đầu của Đuypông thuộc loại “trung bình”. Lật tìm lại số thẻ cũ đã lập và so sánh các kích thước mới đo, Bertilon thấy kẻ phạm tội mới này với con người tên là Matanh bị bắt ngày 15 - 12 -1882 về tội trộm cắp là một. Ngồi trước bàn hỏi cung có chứng kiến của nhiều viên chức cảnh sát khác, Bertilon tuyên bố: ''Anh đã khai gian để lẩn tránh hình phạt và tiền án. Các kích thước đo trên thân thể anh chứng tỏ anh không phải Đuypông mà là Matanh đã bị bắt ngày 15 - 12 - 1582 về tội trộm cắp”. Kẻ phạm tội tái mặt, chúi đầu nhận tội. Quận trưởng Camơcác đích thân đến bắt tay chúc mừng người thư ký trẻ tuổi. Hôm ấy là ngày 20-2-1883.
Ngày hôm sau các báo Paris đua nhau đăng về vụ án Duypông (Matanh) và phương pháp xác định tội phạm mới của Bertilon.
Kết quả thu được về sau càng khẳng định tư tưởng của nhà phát minh trẻ tuổi: 3 tháng cuối năm 1883, Bertilon đã phát hiện 26 trường hợp kẻ phạm tội cải trang, khai gian đổi họ tên để trốn tránh hình phạt và tiền án. Đến năm 1884, con số những kẻ phạm tội trốn tránh được Bertilon phát hiện bằng phương pháp của mình đã lên tới 300. Bộ nội vụ Anh đề nghị Bộ nội vụ Pháp cho mời Adon Bertilon sang nước Anh trình bày phương pháp mới. Các báo Anh ca ngợi Bertilon là ''nhà Bác học Pháp trẻ tuổi đã phát minh ra phương pháp xác định tội phạm”, ''phương pháp thiên tài Bertilon'' và cho rằng ''cảnh sát Pháp đã đi trước toàn thế giới”.
Năm 1885 Camơcác về hưu, Graxông lên nhận chức Quận trưởng mới. Cũng năm đó, ngày 1 - 2 - 1885 Bộ trưởng Bộ nội vụ Pháp chính thức bổ nhiệm Alphonse Bertilon làm Giám đốc trung tâm điều tra tội phạm và đưa ''phương pháp nhân chủng học xác định con người” - như Bertilon gọi tên phương pháp của mình - vào áp dụng chính thức để xác định kẻ phạm tội trong lực lượng cảnh sát Pháp thay cho các phương pháp cũ.
Chính phủ Pháp tặng nhiều phần thưởng cao quý cho Bertilon. Lie Brôla viết: ''Phương pháp Bertilon được xây dựng bằng cách đo những phần xác định trên cơ thể con người là một phát minh vĩ đại và thiên tài nhất ở thế kỷ XIX trong ngành cảnh sát. Nhờ nhà Bác học Pháp, không chỉ nước Pháp mà trên toàn thế giới có thể tránh được những sai sót khi xác định tội phạm. Muôn năm phương pháp Bertilon”.
Tục ngữ Pháp có câu: “Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi!” Dù có bị ngăn trở thế nào đi nữa, khoa học và lịch sử vẫn cứ tiến. Tên tuổi Bertilon vĩnh viễn đi vào lịch sử nước Pháp và năm 1883 được coi là năm khai sinh bộ môn khoa học hình sự: khoa học phát hiện, điều tra và phòng ngừa tội phạm.
KS. LÊ XUÂN YÊM - GS. LÊ THUẦN