Tài liệu: Hôn lễ của người Triều Tiên

Tài liệu
Hôn lễ của người Triều Tiên

Nội dung

HÔN LỄ CỦA NGƯỜI TRIỀU TIÊN

 

Tập tục kết hôn của người Triều Tiên theo truyền thống phần nhiều thông qua các bà mối và cha mẹ là những người quyết định. Ở Triều Tiên không những người cùng dòng họ không được kết hôn mà ở nhiều vùng người cùng làng cũng bị cấm không được kết hôn với nhau.

Theo tục lệ, phái nam sẽ ngỏ ý cầu hôn trước với phái nữ. Người phụ nữ chủ gia đình qua sự môi giới của bà mối sẽ gặp mặt cô dâu tương lai trước rồi về nhà bàn bạc với chồng để quyết định hôn nhân cho con trai.

Hôn lễ của người Triều Tiên được tiến hành theo mấy cách thức chính: theo nghi thức truyền thống, theo nghi thức hiện đại và theo nghi thức Thiên Chúa giáo, Đạo giáo hoặc Phật giáo. Hôn lễ theo truyền thống có các bước như: “Nạp thái”, “Nạp cát”, “Thỉnh kỳ”, “Nạp trưng”, ''Nghinh thân". Nghi lễ “Nạp thái” là phía nhà trai sửa lễ vật để đến đặt vấn đề hôn nhân với nhà gái. “Nạp cát” là nghi lễ chọn ngày lành tháng tốt mà gặp nhau bàn chuyện hôn nhân. ''Thỉnh kỳ” là thủ tục nhà trai thông qua bà mối hỏi nhà gái ngày ấn định cử hành hôn lễ, xem ngày ấy có được không. ''Nạp trưng'' là nghi lễ nhà trai mang sính lễ đến nhà gái. ''Nghinh thân'' nghi thức chú rể đến nhà gái đón cô dâu về (lễ đón dâu). Khi đón dâu, chú rể cưỡi ngựa hoặc ngồi kiệu đi đón. Tại nhà cô dâu, người ta sẽ tổ chức “Hôn lễ chú rể”. Sau khi chú rể đến, khi đại lễ chưa tiến hành, chú rể chưa được vào nhà, trước tiên phải qua nghỉ tạm tại một nhà hàng xóm gần nhà cô dâu. Khi giờ tốt vừa đến, chú rể đầu đội khăn sa, mình mặc lễ phục, lưng buộc dải đai bước vào sân nhà cô dâu. Trong sân nhà gái đã trải sẵn một chiếc chiếu, trên chiếu có đặt một chiếc bàn thờ, trên bàn đặt một đôi gà, hai đài nến, hai vò rượu cùng xôi, bánh trứng, táo và hạnh. Chú rể mang theo một mô hình con nhạn tạo màu sắc sặc sỡ tiến lên trước bàn thờ và đặt con nhạn lên đó, sau đó quỳ vái. Nghi lễ đó gọi là ''điện nhạn'' hay “chiến nhạn” ý chỉ chú rể, cô dâu cùng yêu thương kính trọng nhau không bao giờ chia lìa giống như những con nhạn vậy. Sau lễ ''điện nhạn", họ tiến hành lễ ''rửa tay cô dâu", lễ cô dâu chú rể vái nhau, uống rượu trao chén và nghi thức vào tiệc mừng.

Đêm tân hôn sẽ diễn ra tại nhà gái, sáng sớm hôm sau chú rể sẽ làm công việc thăm hỏi bố mẹ vợ, thăm hỏi họ hàng bà con, bè bạn phía nhà vợ. Ba ngày sau, cô dâu sẽ lên kiệu theo chồng về nhà. Việc này gọi là “tân hành”. Sau khi về đến nhà chú rể, nhà trai sẽ tổ chức ''hôn lễ cô dâu''. Cô dâu mặc áo cưới, mang các loại thực phẩm và đồ lễ đi thăm hỏi toàn thể đại gia đình nhà chồng. Ngày hôm sau cô còn phải chuẩn bị đồ lễ để ra mắt ông bà và bố mẹ chồng.

Ngày nay, ở Triều Tiên, hôn lễ đã tiến hành giản lược rất nhiều so với hôn lễ truyền thống, tuy nhiên nó vẫn được tổ chức một cách long trọng và nhiều nghi thức.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1065-02-633390299291275000/Phong-tuc-ve-cuoi-xin-hon-nhan/Hon-le-cua...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận