MICHELANGELO (1475 - 1564)
Ông tên thật là Michelangelo Buonarotti, sinh ra ở một gia đình quyền thế ở thành phố Caprese. Bố tên là Lodoyico di Leonardo Buonarotti Simoni một luật gia nổi tiếng ở Florence. Michelangelo là một nhà điêu khắc, một họa sĩ, một kiến trúc sư, một kỹ sư... và là một nhà thơ ông là một trong những gương mặt sáng nhất của Italia thời Phục hưng, một danh nhân toàn diện và là bậc thầy lớn nhất của lịch sử nghệ thuật nhân loại.
Năm 14 tuổi ông đã đến làm việc ở xưởng họa của Dominico Ghirlandajo, ở đó ông chịu ảnh hưởng lớn của họa sĩ Đức Martin Schôngauer.
Trước Michelangelo năm mươi năm, những nghệ sĩ đàn anh như Brunelleschi và Masaccio, Donatello và Aiberti v.v... đều nuôi hoài bão đạt được tiêu chuẩn cái đẹp của nghệ thuật Hy Lạp: Riêng Michelangelo, không những ông đã vượt được lên nghệ thuật kinh điển ấy, mà ông còn đi xa hơn nữa, bằng cách ông đã đưa vào tác phẩm của ông tính nhân văn thuần nhị của nghệ thuật cổ Hy Lạp hòa đồng với tinh thần thánh thiện của Đạo Gia Tô đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa chính trị, tư tưởng của châu Âu đương thời.
Trong thời còn niên thiếu ấy, ông đã được mọi người để ý khi ông bắt tay vẽ bức Tentation de saint Antoine dựa theo Schongauer. Năm 1489 được; ông vào học tại trường Điêu khắc do Laurent le Magnifique đỡ đầu, và nhà điêu khắc Bertoldo hướng dẫn. Ở đó, Michelangelo đã nắm bắt được tất cả những đặc tính của kho tác phẩm điêu khắc Cổ Hy Lạp.
Michelangeo đã chịu ảnh hưởng rất lớn tính hiện thực của Masaccio, một danh họa Italia (1401 - 1428), người đã dạy cho Michelangelo cách diễn tả nét mặt, sắc thái vui buồn, giận dữ của nhân vật trong tranh, đồng thời tính hoành tráng trong bố cục và thể hiện.
Michelangelo rất khâm phục vì nhận ra ở Bartoldo những nét của Donatello. Ông chịu sự giúp đỡ của gia đình Médicis... cho đến năm Laurent le Magnifque chết (1542).
Vì ở gia đình Laurent le Magnifique, Michelangelo đã biết Giovani, con của Laurent sau này sẽ thành Giáo hoàng Léon X. Cùng thời gian ấy ông lui tới tu viện San Spirito nghiên cứu cơ thể học, triết học và văn học.
Bước ngoặt lớn của đời ông là trong thời gian ấy ông kết bạn cùng Pie de la Mirandole (1463-1494) một nhà tư tưởng lớn của thời kỳ Phục hưng ở Italia; chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng cải cách của Savanarole (1452-1498). Michelangelo đã thể hiện ở tác phẩm của ông tính trỗi dậy và phản kháng cường quyền... tính nhân văn của thời đại. Hai thế kỷ trước đó có Dante (1265-1321) với Thần Khúc (Comédie Divine); Pétrarque (1304-1374), người cha của tư tưởng nhân văn, người chủ trương; con người cần có thể lực, và tự do... tự do không biên giới (libre de tout frein); Giovanni Boccacio (1313-1375) với Mười ngày (Décameron).
Dòng tư tưởng này đã có ảnh hưởng quyết định đến thời kỳ Phục hưng ở Italia, ảnh hưởng đến nội dung tác phẩm của toàn bộ nghệ sĩ lớn của thời kỳ Phục hưng, Botticelli đã minh họa Divine Comédie; Michelangelo vô cùng ngưỡng mộ Dante... và do đó khi sáng tác Jugement demier ở nhà thờ Sixtine, Michelangelo đã chuyển Divine Comédie thành hội họa... Thậm chí, Michelangelo đã đưa những suy nghĩ của ông về savonarole vào trong Thánh thể Jésus người đang vung tay phán xét trong Jugement demier, có người cho rằng ở mặt của Jésus có nét giống Savonarole!
Một phần vì tài năng, một phần vì tính Michelangelo thiếu dịu dàng, nên ông bị bạn bè ghẹn ty và thù ghét; nhân một cuộc cãi vã với một người bạn cùng trường. Piétro Torrigiano, đi đến ẩu đả ông đã bị đánh gẫy sống mũi. Tai nạn này đã để lại cho ông nhiều hối tiếc và đau đớn suốt đời.
Năm 1496, sau khi ở với Hồng y giáo chủ Riario, ông đến Roma và ở đó gần năm năm; ông đã được tiếp cận với nền điêu khắc Hy Lạp vừa được khai quật, nhất là tượng Apollon du Belvédère. Lúc ấy ông vừa mới 21 tuổi, ông đã được sứ thần Pháp ở Italia, Hồng y giáo chủ Villier de la Groslaye đặt một hợp đồng quan trọng: Tạc một số tượng cẩm thạch Đức mẹ và thi hài chúa Jésus cho nhà thờ của triều đình Pháp đóng ở Saint Pièrre. Đề tài này tiếng Italia gọi là Piéta (tình mẫu tử). Michelangelo đã để ra gần 5 năm để hoàn thành tác phẩm này. Cụm tượng lúc được đưa ra bày, có nhiều ý kiến cho rằng Đức mẹ quá trẻ để có một người con 35 tuổi.
Michelangelo trả lời: một phụ nữ càng trong trắng bao nhiêu, càng trẻ mãi bấy nhiêu (plus une femme est pure, plus elle parâit jeune – Carl Grimberg).
Michelangelo đã phần nào chịu ảnh hưởng của Léonardo da Vinci trong cách đặc tả nét mặt dịu hiền cao quý của Đức mẹ, với bàn tay trái mở ra, cử chỉ Léonardo vẫn dùng để diễn tả sự chấp nhận của con người trước định mệnh.
Ở đây, chúng ta thấy Jésus cũng như mọi xác chết người thường, như những con người đã đau khổ và đã chết! Chiếc khăn liệm buông rủ xuống thành nếp không đắp kín tay chân người chết.
Đôi mắt người mẹ nhắm lại, không nhìn con càng nói lên sự đau khổ đã thấm sâu vào tâm hồn người mẹ.
Piéta là tác phẩm lớn đầu tiên, thành quả thai nghén của một tâm hồn trong sáng, tươi trẻ đầy tài năng. Vào những năm 1501 - 1504, với một khối đá mà nhà điêu khắc Agostino di Duccio đã bỏ lại vì bị coi là quả bé cho một bức tượng có tầm cỡ; Michelangelo đã bắt tay vào việc sinh ra David, người anh hùng của dân Hébreux đã chiến thắng người khổng lồ Goliath.
Bức tượng bằng đá cẩm thạch cao 4 thước, quả là một người khổng lồ bằng đá! Do tảng đá hẹp, ông phải tùy vào sự hạn chế của nguyên liệu để tạo bố cục pho tượng, tạo dáng tay chân để sử dụng được hết khả năng của khối đá.
Đức mẹ Đồng trinh và Chúa Hài đồng cũng được sáng tác trong thời gian này, ở độ tuổi ông đã nhận thức được tầm cao quý, mẫu mực của nghệ thuật cổ điển Hy-La.
Tác phẩm này đã được các thương gia thành phố Bruges đặt để cúng cho nhà thờ Đức Bà (Notre Dame).
Với tượng Đức mẹ và Hài đồng này, Michelangelo đã trở lại với dáng dịu hiền ban phước và lòng tin của Đức mẹ. Trạng thái tâm hồn này chỉ thoáng qua đời ông, vì ông luôn luôn nghĩ đến cái đau khổ, quằn quại của con người hơn là cái vui tươi bình thản... Sau này, những ý nghĩ ấy sẽ thấy rất rõ, đậm nét trong việc thể hiện bức Jugement demier.
Lúc này ông đã nổi tiếng, tên tuổi ông được các giới quyền thế ở Florence, Roma... đều biết đến. Và năm 1505, nhận lời đề cử của kiến trúc sư Giuliano da Sangalo, Đức Giáo hoàng Julius II mời và giao ông việc tạc một số tượng cho mộ của ông ta. Theo ý đồ của Giáo hoàng Julius II, ông muốn ngôi mộ có một không hai sẽ nói lên với hậu thế cái hoài bão to lớn của mình, đưa ông lên thành một đấng bất tử! Trong những ngày ở Roma, Michelangelo tìm thấy ở điện Titus, một cụm tượng cổ Laocoon (hiện bày ở Bảo tàng Vatican) tượng tả nét mặt đau đớn của ba cha con Laocoon, đúng hơn là nét mặt lột tả cái đau đớn, tuyệt vọng giành giật cái sống khỏi cái chết của họ...
Tự cảm thấy có nhiều tương cảm với nỗi đau khổ của người trong tượng, nên Michelangelo hầu như đã quên cái đẹp nuột nà, dễ dãi của Apollon du Belvédère.
Nếu việc được Giáo hoàng Julius II đặt làm ngôi mộ khiến cho Michelangelo vô cùng hài lòng, thì chính cũng vì tiến hành làm ngôi mộ này mà Michelangelo vấp phải những bi kịch... mà sau về già, ông tự trách là đã tiêu hủy cuộc đời thanh xuân của ông vào công trình này. Xuân năm 1506, trong lúc Michelangelo đang chờ đá cẩm thạch từ Carrare chuyển về để làm việc, thì bỗng Julius II đột ngột hủy bỏ chương trình. Michelangelo rất buồn bực và từ giã Roma. Công trình cứ dang dở kéo đài cho đến năm 1545... Tuy có hoàn thành nhưng kết quả không mấy hoàn chỉnh.
Michelangelo biết rằng phục vụ Julius II có nghĩa là phục vụ một người kiêu căng và nhiều tham vọng; nhưng Julius II lại là người tạo cho Michelangelo nhiều đều kiện để làm việc, thực hiện những sáng tạo to lớn của ông; mâu thuẫn ấy không thể nào không ẩn giấu trong các tác phẩm của ông ở điêu khắc cũng như ở hội họa. Ở mộ Julius II, Michelangelo đã dựng lên một khuôn mặt Moise, người đã lãnh đạo nhân dân Do Thái chống chính quyền nô lệ Ai Cập thế kỷ XIII Tr. CN, người tuân lệnh Chúa Yahvé, dựng lên Thánh lệnh Torah cho người Do Thái. Một con người vĩ đại trong Thánh Kinh, cũng là con người phải trải qua nhiều thử thách đau khổ trong trọng trách dìu dắt dân Do Thái đi tìm miền đất hứa.
Hình tượng Julius II được Michelangelo lồng vào nhân vật Moise, mang tính cương nghị, quả quyết, nhưng đau khổ, đơn độc, và đầy nộ khí lúc nhân dân Do Thái khi sao nhãng lời Thánh truyền! Có thể là Julius II là người mẫu vô tình của Michelangelo trong lúc tạc tượng Moise. Thêm vào cụm tượng ấy, hiện nay còn lưu lại ở Bảo tàng Louvre hai tượng người nô lệ, có thể là ở mộ Julius II. Hai người nô lệ bị trói... phải chăng là kiếp con người ? Một người đang giãy giụa để đánh tháo gỡ một mình; người kia tỏ ra bất lực và tuyệt vọng nhận lấy số phận của kiếp người. Hai nét mặt nói lên sự đau khổ và bất lực trước định mệnh! Hai nét mặt để diễn tả một khuôn mặt của Julius II.
Có nhiều nguyên nhân khiến công trình bị đứt quãng, có thể vì Julius II đã tiến hành một lúc nhiều công trình quá to lớn, nhất là Thánh thất Saint Pierre, đã ngốn hết công quỹ của Vatican; có thể do cá tính bất khuất của Michelangelo đã làm cho Julius II bất bình, hoặc có thể do Donato d'Angelo Bramante một kiến trúc sư thân cận của Julius II, người đã được Giáo hoàng ủy nhiệm trùng tu Thánh thất Saint Pièrre; vì bất đồng quan điểm đã xúi Julius II loại bỏ Michelangelo. Sau một cuộc cãi cọ với Julius II, ông bỏ đi và đến Florence. Julius II cho gọi ông mấy lần, ông từ chối, sau đó ông nhận lời hoàn thành với điều kiện chỉ làm việc ở Florence. Julius II không chấp nhận và nhất thiết buộc ông phải ở gần Đức Giáo hoàng để làm việc, nếu không dọa sẽ có những điều chẳng lành cho Florence.
Tháng 11 năm 1506, đức Giáo hoàng Julius II gặp Michelangelo ở Bologne, giải hòa với ông và đề nghị ông tạc tượng Julius II bằng đồng đặt tại nhà thờ San Petronio, Michelangelo vừa bắt tay vào công trình thì năm 1513 Julius II từ trần. Những người kế nghiệp Julius II đề nghị Michelangelo tiếp tục công trình cho đến năm 1520 mới hoàn thành.
Lúc sinh thời, tuy có nhiều bất đồng với Michelangelo, nhưng Julius II rất mến phục tài nghệ và tư cách của ông; Julius II biết rằng: cái vĩ đại của ông cần phải có cái thiên tài vô song của Michelangelo.
Năm 1508, ông cho mời Michelangelo và yêu cầu trang trí trần nhà thờ Sixtine. Michelangelo đáp lời: ông là một điêu khắc chứ không phải là một họa sĩ; tuy nói vậy ông vẫn bắt lay vào việc. Trần Thánh thất Sixtine dài 40 thước và ngang 13 thước; không liền một diện. Trần là một chiếc vòm vì kỹ thuật kiến trúc phải chia ra trên 40 mảng hình dáng và kích thước không giống nhau! Riêng việc chọn đề tài và phân bố đề tài cho 40 khung hình cũng đã là một việc làm phức tạp và khó khăn.
Việc thể hiện lại càng khó khăn hơn. Michelangelo tự làm lấy giàn giáo, vì ông phải nằm ngửa để vẽ.
Suốt 4 năm trời làm việc, sơn, màu vẽ rơi đầy mặt, đầy mồm và quần áo. Ông làm việc một mình không cần người giúp việc hoặc môn đệ! Ông sống ngót một nghìn năm trăm ngày với ba trăm bốn mươi nhân vật rút ra từ Kinh Cựu Ước và Kinh Tân Ước cùng Thánh Kinh Tạo Thiên Lập Địa (Génèse), có hôm Giáo hoàng Julius II đến xem, ông không tiếp vẫn nằm vẽ; Giáo hoàng nhận xét nên chữa bỏ chỗ này chỗ nọ, ông bỏ ngoài tai, hoặc chữa lấy lòng lễ phép... Sau đó lại vẽ tiếp theo ý ông.
Bích họa ở trần Thánh thất Sixtine nói lên ý Chúa đối với con người; ô giữa của vòm, Michelangelo dành cho bức tạo sinh con người (Création). Đức Chúa trời bay trong không trung bằng một phép màu nhiệm không dùng đến đôi cánh như mọi Thiên thần. Đức Chúa trời là một người cao tuổi, đẹp, quắc thước và đương bệ. Nhiều người nhận thấy có nét hao hao giống Michelangelo.
Adam - con người đầu tiên thụ nhận sự sống của Chúa trời... nét mặt đăm chiêu suy nghĩ, tuy có nhìn về phía người đã ban cho mình sự sống; nhưng người cha của nhân loại hình như đã đoán trước được nỗi đau khổ của kiếp người, nên đôi mắt có phần u uẩn, bàn tay trái đưa lên để nhận hơi sống của Chúa cũng có đôi phần uể oải... vì luôn luôn Michelangelo vẫn thấy ở đời sống con người một kiếp đời đày đọa đau khổ, một sự ràng buộc vô hình con người vào với chướng nghiệp của nó.
Cạnh tranh tạo sinh con người là tranh mà con người, tác phẩm của Chúa trời, lại chính bị Chúa trời đuổi khỏi Thiên đường, cùng với Eva. Tiếp đó là tranh nạn Hồng thủy (déluge). Phải chăng theo ông, Đức Chúa trời đã tạo ra con người để tiếp đó đọa đầy và lâm khổ nó?
Sự chấp nhận Thiên Chúa giáo ở Michelangelo là sự chấp nhận đầy đối kháng... và chỉ là một lý do giúp ông diễn tả nội tâm của ông đối với ngoại giới; và ngay đối với Giáo hội, và chỉ là cái cớ để ông bầy tỏ sự ngưỡng mộ và ca ngợi cái tuyệt mỹ của cơ thể con người mà thôi!
Từ năm 1516 đến năm 1534 ông sống ở Florence và sáng tác cho lăng mộ dòng họ Médicis, ở San Lorenzo. Mộ cô sáu tượng thành một cụm nói lên dòng tư duy của Michelangelo, về sự nghiệp của Julien và Laurent; về thời gian và không gian (hình tượng Ngày và Đêm.. . Rạng đông và hoàng hôn). Sự nghiệp của Laurent và Julien được truyền lại hậu thế là nhờ hai bức tượng này... Michelangelo đã đặt Laurent ngồi ở một tư thế suy tư, đăm chiêu; đôi mắt như nhìn vào lịch sử, vào ngày mai và vào cả nội tâm của đời mình.
Tượng Julien là tượng của sự tươi trẻ và sống động.
Tượng Laurent là của trí tuệ và tư duy. Nhưng cũng vào những năm này, đời sống chính trị ở miền trung bộ Italia có nhiều biến động. Năm 1527 Hoàng đế Charles Quint đưa quân vây chiếm Roma, Giáo hoàng Clément VII bị bắt giữ. Michelangelo là người tham gia tích cực phong trào dân chủ.
Nhưng Giáo hoàng Clément VII tìm cách thỏa hiệp với Charles Quint để trở lại nắm chính quyền, phe chống đối bị đàn áp... Michelangelo phải bỏ trốn. Vì mến mộ tài của Michelangelo, đức Giáo hoàng ra lệnh ân xá cho ông với điều kiện ông phải hoàn thành lăng mộ gia đình Médicis.
Hoàn chỉnh ngôi mộ này với những bức tượng, Michelangelo muốn nói lên nỗi đau khổ của mình trước những bi kịch của Italia đương thời.
Tiếp đó, ông hoàn thành một số tượng Piéta; một bày ở đỉnh vòm điện Florence, tượng Piéta Palestrina và Piéta Rondonani. Trong cái rối ren, hưng vong của thời cuộc, ông cố tìm về cái yên lắng của tâm hồn có đượm phần tuyệt vọng và đau khổ.
Năm 1534, Michelangelo trở về Roma, Giáo hoàng Paul III Farnèse mời ông phụ trách về kiến trúc, hội họa và điêu khắc tại Vatican. Michelangelo trong những năm 1536 - 1541 đã hoàn thành tác phẩm cuối đời mình. Bức Phán xét cuối cùng (Jugement demier), bức bích họa chiếm hết tường của Thánh đường Sixtine dài mười bẩy thước, chiều cao mười ba thước. Khi sáng tác tranh này. Michelangelo đã sống lại những ký ức ở Pisae, các bích họa của Signorelli ở Orvieto, nhất là Divine Comédie của Dante.
Toàn tranh màu ngả về hung đỏ… trên nền xanh lơ nhạt, sắc độ đậm nhạt cùng màu, phong phú. Lần đầu tiên người ta thấy đức Chúa Jésus có một cử chỉ quyết liệt, trần toàn thân, một thân hình tráng kiện, trẻ đẹp, vung tay chỉ về phía những linh hồn tội lỗi phán: "Các người hãy tránh xa ta ra!”. Cử chỉ ấy của chúa Jésus chính là sự công phẫn của Savonarole trước sự thoái hóa của Giáo hội Vatican... với chiếc mũi to, nét mặt của Chúa cũng có phần hao hao giống Savonarole. Sau lưng Chúa là Đức Mẹ, dáng hoảng hốt nép mình vào con. Người ta tưởng như nghe được hồi kèn thức tỉnh của các Thiên thần. . . Các mồ mở nắp... linh hồn người chết thoát ra. Kẻ được lên thiên đàng, người xuống hỏa ngục do những quỷ sứ kéo - một cảnh khủng khiếp mà con người bị đầy ải, giãy giụa của tội lỗi trong một cơn lốc trừng phạt.
Khi tranh được đưa đến công chúng, mọi người khiếp đảm kêu lên: quá nhiều thân hình trần truồng trong Thánh cung Sixtine.
Năm 1555, Giáo hoàng Paul IV Caraffa lên ngôi, chỉnh đốn ''thuần phong mỹ tục" bằng ý muốn xóa bỏ bức tranh. Nhưng cũng có người phản đối, nên Paul IV đành chủ trương cho một số người quá trần truồng trong tranh mặc áo...
Tất nhiên Michelangelo không nhận làm công việc ấy; Giáo hoàng đành ủy nhiệm một họa sĩ khác khoác khăn, lấp vải những chỗ ''hở hang'' của các nhân vật trong tranh.
Suốt đời ông, không thấy có tài liệu nào khác nói đến những quan hệ riêng tư; ông không có gia đình, trên các đường phố của Roma, người ta thấy ông lủi thủi cô độc đi một mình như đã từng đi trong suốt cuộc đời của ông.
Mãi trong những năm cuối đời, ông mới biết, quen, và yêu một phụ nữ tên là Victoria Colonna, quả phụ của Quận công Pescara. Mối quan hệ đẹp đẽ cao thượng này đã giúp ông viết một số thơ ca. Victoria Colonna là một thi sĩ đồng thời là một người am hiểu về hội họa. Bà đã trao đổi với Michelangelo về nền hội họa phương Bắc mà bà rất thích vì tính hiện thực và màu sắc lắng đọng của nó... Điều ấy đã giúp Michelangelo sáng tác hai bức họa ở nhà thờ Pauline và Vatican năm 1542 - 1545, đó là hai bức La Crucifi cation de Saint Pierre, La conver-sion de Saint Paul.
Lúc này Michelangelo đã yếu mệt, nên không còn sức để sáng tác về điêu khắc. Ông đã dần dần chuyển sang những đề tài kiến trúc như nhà thờ Médicis mặt tiền của nhà thờ San Lorenzo ở Florence, thư viện Laurentienne... mãi đến năm 1560 mới hoàn thành do Anmanari đảm trách.
Cosme I de Médicis mấy lần rước ông về Florence nhưng ông từ chối, Cathérine de Médicis nhờ ông làm cho Henri II một phù điêu nổi... Và ông đã ủy thác cho học trò Daniel Voltena thi công dưới sự trông nom của ông.
Tác phẩm trước những năm lâm chung của ông là tượng Mise au Tombeau. Ông kiệt sức không hoàn thành được và trao lại cho học trò mình Tibério Caliagni hoàn thành (1555).
Ngày 18 tháng hai năm 1564, ông mất tại Roma, thọ 89 tuổi.
Đức Giáo hoàng muốn mai táng ông tại nhà thờ Saint Pierre... nhưng theo lời trăng trối, ông muốn về nằm trên mảnh đất quê hương của mình La Toscane...
Thi hài ông được chôn cất tại Giáo đường Santa Croce.
Một nghệ sĩ tài năng, một tâm hồn cao quý Michelangelo đã để lại một sự nghiệp đồ sộ cho người đương thời và cho hậu thế. Tác phẩm ông mang dấu hiệu của sự thành hình trường phái Baroque, trường phái của năng động, của canh tân, của hiện thực, của nhịp điệu (Rhythme) và của con người quả cảm tư duy và đau khổ.
Họa sĩ TRẦN DUY