Tài liệu: Sigmund Freud (1856 - 1939)

Tài liệu
Sigmund Freud (1856 - 1939)

Nội dung

SIGMUND FREUD (1856 - 1939)

 

Sigmund Freud (Sigmund Phrớt) sinh ra và lớn lên trong một gia đình Do Thái trung lưu ở thủ đô Viên (nước Áo). Từ nhỏ, Freud đã quan tâm đến các vấn đề trí tuệ và trở thành một chàng trai rất tích cực và cần mẫn; có nhiều hứa hẹn đạt tới danh vọng, Freud đã trải cuộc đời sóng gió và liên tục trong 40 năm, đã thường xuyên tiến hành việc tự phân tâm trên chính mình.

Freud sống trong thời đại Nữ hoàng Anh Victoria, mà đặc điểm nổi bật là sự ức chế tình dục. Freud cũng đã kinh qua chiến tranh thế giới lần thứ nhất làm tàn lụi cả Châu Âu, chịu đựng làn sóng chống Do Thái dâng trào vào thời đó. Các hành động đàn áp tình dục và khủng bố chính trị - xã hội đã để lại dấu ấn sâu sắc và dai dẳng trên cả quan niệm về bản chất con người của ông.

Vào cuối thế kỷ XIX, Freud là một thầy thuốc chuyên chữa các bệnh tâm thần ở Viên. Trong quá trình hành nghề, ông đã gặp nhiều bệnh nhân rối loạn cơ thể (bại liệt từng phần, kinh giật, mất khả năng nghe...) mà không tìm ra nguyên nhân vật chất; chỉ biết là nhiều khi do những rối loạn về cảm xúc gây nên, như trong hội chứng cuồng loạn hay hixtêri. Có lần, một bạn đồng nghiệp của Freud tên là Joseph Bauer (Giôdép Bôe) nhận xét là, các triệu chứng cuồng loạn của một nữ bệnh nhân (nhức đầu nặng và mất cảm giác ở tay) đã thuyên giảm rõ rệt khi bà ta được dịp kể lể dông dài và thoải mái về tâm trạng bực dọc và bị ức chế của mình.

Bauer không thú vị lắm với phương pháp“chữa bệnh bằng kể lể” đó, nhưng Freud thì rất quan tâm đến nó và đã nghiên cứu phát triển nó thành một liệu pháp mới mà ông đặt tên là ''phân tâm'' (Psychoanalysis), hay ''tâm lý liệu pháp'' (Psycho therapy). ''Lý thuyết phân tâm'' mà Freud giới thiệu kỹ trong các năm 1901, 1924, 1940, bắt nguồn từ các kinh nghiệm phân tâm người bệnh của ông qua mấy thập kỷ chữa bệnh tâm thần. Phân tâm học gắng giải thích nhân cách, động cơ hành động và rối loạn tâm thần bằng cách tập trung tìm hiểu các kinh nghiệm sống lúc còn nhỏ, các xung đột nội tâm thầm kín, các biện pháp riêng tư bị che giấu mà mỗi cá nhân đã cố sử dụng để tự giải quyết các mắc míu về tình dục và chống đỡ các áp lực trong cuộc sống bản thân.

Lúc đầu, chẳng ai chú ý đến học thuyết của Freud. Tác phẩm đầu tay của ông Cách giải thích các giấc mơ hay Cách lý giải mộng mị chỉ in có 600 quyển, mà phải mất tới 8 năm mới bán hết. Về sau, tình hình có khá hơn, nhưng không lúc nào gọi được là “dứt điểm”. Đa số người đương thời không tán thành Freud về 3 điểm:

1. Khi lập luận rằng, hành động con người do những nhân tố vô thức (mà chủ nhân không ý thức được) điều khiển, Freud đã mặc nhiên gợi ý rằng con người thực sự không làm chủ được tình cảm và trí tuệ của mình.

2. Khi khẳng định rằng con người trưởng thành là do con người thơ ấu quyết định ngay từ đầu, Freud đã mặc nhiên tước bỏ quyền tự quyết một cách có ý thức của con người khi đã khôn lớn.

3. Khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cách giải quyết các ham muốn tình dục, Freud đã vi phạm các chỉ tiêu đạo đức đương thời. Cho nên, lý thuyết của Freud đã gặp không ít lời phê phán, chỉ trích, chê bai và cả châm biếm, mỉa mai, ngay cả sau khi công trình của ông được thừa nhận. Một người bạn của Freud đã ghi trong hồi ký. ''Thời đó, hễ nhắc đến tên Freud là mọi người đều cười rộ lên, như khi nghe chuyện hài hước! Freud, cái anh chàng dở hơi đã viết một quyển sách gì đó về mộng mị chứ gì! Người nhắc đến Freud trước mặt quý bà thường bị xem là thiếu lịch sự, không tế nhị... Quý bà thường đỏ mặt khi nghe nhắc đến tên Freud…! (Donn, 1988, trang 57).

Sau đây là một vài ý nghĩ của Freud:

1. Về cấu trúc của nhân cách

Freud chia nhân cách ra 3 nhân tố: cái “id”, cái “ego” và cái “siêu ego”.

1.1 ''id'' là nhân tố nguyên sơ, thuộc về bản năng của nhân cách, hoạt động theo nguyên tắc lạc thú. Đó là bình chứa của mọi nhu cầu sinh học thô kệch, như ăn, ngủ, phóng uế, giao hợp...

Đó là nguồn năng lực của con người, đòi hỏi được thỏa mãn tức thời, và gây mọi suy nghĩ thô thiển, vô lý, phi lôgic, buông tuồng.

1.2. ''Ego'' là nhân tố làm ra các quyết định, và hoạt động theo nguyên tắc thực tại. ''Ego'' dung hòa cái đòi hỏi phải được thỏa mãn ngay cả cái cần nhân nhượng với thực tại xã hội, với những tiêu chuẩn và ước mong phù hợp với đạo đức. ''Ego'' cân nhắc các chuẩn mực xã hội, phong tục, tập quán, lễ nghi đương thời và quyết định nên hành động như thế nào cho phải phép. ''Ego'' làm việc theo nguyên lý thực tại, nghĩa là tìm cách trì hoãn sự thỏa mãn các nhu cầu nguyên sơ cho tới khi gặp tình huống thuận lợi. Để khỏi gây rối, Ego phải chế ngự mọi nhu cầu bất trị. Nói như Freud ''Ego'' là ''chàng kỵ sĩ, phải chế ngự sức mạnh lớn hơn của con ngựa bất kham'' (1923).

Về lâu về dài, thì ''Ego'' cũng ham muốn thỏa mãn đến tối đa mọi nhu cầu thô sơ của cơ thể, qua một quá trình tư duy thứ cấp, hợp lý và thực tế hơn, hướng tới “giải quyết vấn đề”.

Ego cố gắng tránh các tác dụng tiêu cực của xã hội (hay đại diện của xã hội), chẳng hạn sự trừng phạt do cha, mẹ hoặc thầy cô, bằng cách “hành động sao cho phải đạo”.

''Ego'' còn cố gắng đạt những mục tiêu xa, bằng cách tạm thời trì hoãn sự thỏa mãn các dục vọng thấp.

1.3. ''Siêu Ego'' là nhân tố đạo đức của nhân cách, bao gồm mọi khái niệm xã hội về cái đúng - cái sai. Trong suốt cuộc đời, và nhất là trong tuổi thơ, con người được huấn luyện để nhận biết cái gì đúng, cái gì sai. Siêu Ego hình thành từ Ego và tách khỏi Ego ở 3 - 5 năm tuổi. Đôi khi, siêu Ego đòi hỏi quá nhiều ở con người:

Ta trở thành khắt khe, quá mặc cảm về tội lỗi.

2. Về các mức độ ý thức:

Freud phân biệt 3 mức độ: thức, ý thức và tiềm ý thức.

2.1. Ý thức là phần ta biết ở một thời điểm nhất định.

Chẳng hạn, trong khoảnh khắc này, ta đang ý thức được nội dung của bài viết về Freud và có thể có cảm giác bắt đầu thấy mệt và đói.

2.2. “Tiềm thức” là phần nằm dưới mức ý thức, mà ta có thể dễ dàng loại bỏ, chẳng hạn như “Đêm qua, ta ăn gì nhỉ?” hoặc “Cô gái gặp hôm qua cũng đẹp ấy chứ!”…

2.3. “Vô thức” (hay “vô ý thức”) là phần ta hiện không nghĩ tới, nhưng lại rất quan trọng đối với hành động. thức bao gồm các ký ức, các kiến thức, hay kinh nghiệm cũ, các ham muốn đang tạm ngủ... (chẳng một tai biến đã qua, lòng đố kỵ ngầm với một người thân, ham muốn tình dục bị che đậy dưới một lớp vỏ thanh cao...). Nhân cách có thể ví với một tảng băng trôi, trong đó phần ngập dưới nước (id và một phần Ego, một phần Siêu Ego), lớn hơn nhiều so với phần nổi trên mặt nước (phần còn lại của Ego và siêu Ego).

 

3. Xung đột và tính độc đoán của Tình dục và Bạo lực.

Theo Freud, hành động là kết quả của những xung đột thường xuyên bên trong giữa id và Ego, siêu Ego.

Chẳng hạn, ta rất muốn choảng cho thằng cùng làm việc một trận nên thân, nhưng xã hội lại không dung thứ chuyện đó. Và vậy là có sự xung đột ở bên trong ta, giữa id và Ego.

Freud cho rằng, các xung đột giữa Ego – siêu Ego và dục vọng - bạo lực là có tính chất quyết định đối với nhân cách, vì đó là những nhu cầu cơ bản mạnh nhất và bị xã hội kiềm chế nhất. Nếu ta đói hay khát, chẳng có gì cấm ta ăn hoặc uống (tất nhiên phải có đủ tiền); còn nếu ta gặp một người đẹp mà có những ham muốn tình dục cần thỏa mãn ngay, thì thường xã hội không cho phép và yếu tố đạo đức trong con người ngăn cấm ta thực hiện ý muốn đó.

4. Các cơ chế lo lắng và tự vệ.

Đa số xung đột bên trong là thực tiễn và được giải quyết chóng vánh, theo hướng thuận hoặc nghịch. Tuy nhiên, cũng có những xung đột kéo dài hàng tuần, hàng tháng, hàng năm; thậm chí suốt đời, gây nên trạng thái căng thẳng tiềm ẩn (nhất là các nhu cầu tình dục và bạo lực). Sự căng thẳng giấu giếm đó dẫn tới sự bồn chồn, lo lắng, có thể chuyển từ tiềm thức sang ý thức, thành một thứ ám ảnh do lo sợ.

+ Cái id thắng và dẫn tới những hành động “bỉ ổi”, bị xã hội chê bai hoặc trừng trị.

+ Cái siêu Ego thắng và dẫn tới sự tự lên án mình về những hành động thực tế hay trong ý nghĩ. Bồn chồn, lo lắng là một trạng thái tâm lý cực kỳ khó chịu mà cơ thể cố loại trừ bằng các biện pháp tự vệ. ''Tự vệ'' bao gồm một loạt phản ứng vô ý thức để loại bỏ các cảm xúc gây khó chịu, như lo lắng hoặc tự  thấy mình có lỗi. ''Lý luận'' chẳng hạn (rationalization) sẽ tạo ra những lý do giả tạo nhưng lý trí vẫn có thể chấp nhận được, để bào chữa cho một việc làm sai trái. Thí dụ, sau khi đã lừa đảo ai trong kinh doanh, người ta có thể lập luận là “mọi người đều làm như thế cả!”.

Song biện pháp tự vệ thông dụng nhất vẫn là ''trấn áp'' hay “chế ngự” (repression), nghĩa là chôn giấu các suy nghĩ khó chịu vào sâu trong tiềm thức. Một số tác giả gọi đó là sự ''lãng quên có động cơ'' (motivated forgetting). Chẳng hạn, cố quên một hình phạt sắp thi hành, hoặc sự tồn tại của một kẻ đáng ghét.

Sự trấn áp lo lắng có thể được thực hiện qua hiện tượng ''chiếu'' (projectíon), nghĩa là gán ghép những suy nghĩ, cảm xúc hoặc động cơ của mình cho người khác. Thí dụ khi ta ham muốn một phụ nữ nào đó thì ta gán cho người ấy ý đồ muốn ve vãn ta.

Còn có hiện tượng “đổi chỗ”, nghĩa là hướng các xảm xúc của mình (thường là tức giận) chệch sang một mục tiêu “thế mạng”. Chẳng hạn, giận ai mà không dám nói ra thì “đánh chó, chửi mèo”, ném đĩa bát, hất đổ cốc chén hoặc bàn ghế...

Một hình thức tự vệ quen thuộc nữa là ''tự nhận dạng'' (Indentification). Thí dụ, tham gia một đoàn thể hoặc một tổ chức có danh tiếng...

5. Sự hình thành nhân cách:

Theo Freud, “trẻ con chính là cha đẻ của người lớn”.

Nhân cách hình thành lúc 5 tuổi, ở các giai đoạn mà ông gọi là các giai đoạn: "tâm thần - tình dục'' (psychosexual stages).

Đó là những giai đoạn phát triển tập trung vào tình dục, về sau sẽ in dấu sâu đậm vào nhân cách người lớn, như giai đoạn thỏa mãn dục vọng của miệng, hậu môn, cơ quan sinh dục v.v...

+ Giai đoạn về miệng (0 - 1 tuổi): nguồn dục vọng là mồm, khi bú, cắn, mút, nhai...

+ Giai đoạn hậu môn (1 - 3 tuổi): nguồn dục vọng là phóng uế hoặc giữ phân lại trong trực tràng...

+ Giai đoạn dương vật (3 - 6 tuổi): nguồn dục vọng là cơ quan sinh dục của bản thân (nhìn, sờ mó, vọc...).

''Phức hệ Edip'' hình thành (con trai yêu mẹ, ghen cha; con gái yêu cha, ghen mẹ...).

Quan điểm của Freud là khuyến khích các dục vọng đó, để nhân cách đứa trẻ phát triển đầy đủ.

+ Giai đoạn sinh dục: từ 5 tuổi đến tuổi dậy thì, các biểu hiện tình dục của đứa trẻ bị lấn áp và biến dạng thành việc mở rộng giao thiệp ra ngoài phạm vi gia đình. Từ tuổi dậy thì, dục vọng tái hiện, nhưng hướng về người khác giới.

Freud cho rằng, nền móng của nhân cách người lớn được xây dựng từ các kinh nghiệm thỏa mãn dục vọng thời thơ ấu. Chính xu hướng quá đề cao vai trò tình dục trong sự hình thành thân cách của Freud đã gây những tranh luận nặng nề nhất giữa ông với 2 ''đồng nghiệp'' xuất sắc của ông là Young, Addler (lăng Etlơ), về sau họ đã tách rời ông, để xây dựng những học thuyết riêng của mình về nhân cách, ít lệ thuộc vào tình dục hơn.

6. Đánh giá Freud và học thuyết của ông:

Học thuyết Freud có ba ưu điểm:

6.1. Đã chứng minh được rằng tiềm thức (các lực vô thức) có thể ảnh hưởng đến hành vi.

6.2. Đã xác định các xung đột bên trong cơ thể gây trạng thái căng thẳng về tâm thần.

6.3. Đã chứng minh được rằng các kinh nghiệm sống thời trẻ thơ có thể ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách người lớn.

Tuy nhiên, học thuyết Freud còn nhiều điểm có thể tranh luận thêm.

6.4. Nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự kiểm nghiệm giả thuyết.

Các dấu hiệu phân tâm học rất khó kiểm nghiệm một cách chính xác và cụ thể.

6.5. Dẫn chứng về sự đúng đắn của các quan điểm phân tâm học thường bị chê là ''không thích đáng''. Học thuyết Freud xây dựng chủ yếu trên những khảo sát bệnh án, do bản thân thầy thuốc lập ra, theo cách nhìn chủ quan của riêng mình.

Không những thế, đối tượng nghiên cứu là những người bị bệnh tâm thần, nên không thể đại diện cho nhân loại lành mạnh.

6.6. Đa số các nhà nghiên cứu khách quan cho rằng Freud đã bị quan điểm tình dục ám ảnh. Freud cho rằng ''lòng ham muốn dương vật'' của đàn bà đã  làm cho họ mặc cảm thấy mình thấp kém hơn đàn ông. Freud còn cho rằng phụ nữ có siêu Ego yếu kém hơn nam giới và cũng dễ mắc bệnh tâm thần hơn. Freud phủ nhận các kinh nghiệm ''bị đàn ông quấy rối, ức hiếp về tình đục lúc còn nhỏ dại'' của các bệnh nhân nữ, vì cho rằng sự thỏa mãn tình dục chính là điều họ ước mong. Cách tiếp cận vấn đề tình dục của Freud là thiên về đề cao đàn ông.

Thực ra, ta có thể dễ dàng chê cười lòng tin của Freud vào ''sự thèm khát của phụ nữ đối với dương vật đàn ông”. Song cần nhớ là Freud đã xây dựng phân tâm học cách đây một thế kỷ.

Ta không nên đòi hỏi các máy bay đầu tiên của anh em Wright bay tốt như Boing hay Airbus hiện đại. Trong tâm lý học nói riêng, trước đây chưa có học thuyết nào có thực chất và ảnh hưởng như học thuyết Freud, ngoại trừ chủ nghĩa hành vi.

GS. LÊ QUANG LONG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390169831431250/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận