D.L.IVANỐVSKI (1864 - 1920)
Sự phát hiện và nghiên cứu virus là công lao của một loạt các nhà Bác học mà người tiên phong là Ivanốvski. Thật ra, trước khi nhận thức được sự tồn tại của virus, con người đã sớm biết sử dụng chúng; chẳng hạn trong việc chủng phòng bệnh đậu mùa của Jenner, hay chủng vắc xin chống bệnh chó dại của Pasteur. Năm 1887, một sinh viên Nga 23 tuổi của trường Đại học Tổng hợp Petersbourg tên là Ivanốvski được cử đến Krưm và Moldavia để nghiên cứu bệnh khảm thuốc lá. Khi cây mắc bệnh, có những đốm màu lục nhạt lan rộng dần trên lá, làm lá tàn úa và héo rủ xuống.
Soi lá bị ''khảm" dưới kính hiển vi thì không thấy nấm, không thấy vi khuẩn. Nhưng nếu lấy lá bị khảm vò nát rồi bôi chất nước đó lên lá lành thì lá lành sẽ nhuốm khảm ngay. Nước ép lá khảm bao giờ cũng gây bệnh khảm lá dù đã đem lọc qua các ống lọc, vốn vẫn giữ lại được nấm sợi, nấm men, vi khuẩn...
Ivanốvski phán đoán: mầm bệnh chắc là một hóa chất. Anh lấy dịch lọc của lá vừa mới nhiễm bệnh bôi lên lá lành, và khi lá lành vừa mới chớm bệnh, anh lại lọc dịch bôi lên lá lành, cứ thế lặp đi lặp lại về số lần để ''pha loãng'' chất độc. Nhưng chất độc dù pha loãng mấy vẫn gây được bệnh. Năm 1892, Ivanốvski công bố kết quả nghiên cứu qua 5 năm trong một báo cáo, với lời khẳng định: Trong lá khảm và có lẽ cả ở nhiều nơi khác trong thiên nhiên có những sinh vật, những ''mầm sống" hẳn hoi, lọt qua được các ống lọc vi khuẩn. 5 năm sau, năm 1897, nhà vi sinh vật học Hà Lan M.W.Beijerinck, (Bêgiêrin, 1851 - 1931) đề nghị gọi những mầm sống đó là ''Virus'' (chữ La tinh, virus = nọc độc). Cũng năm 1897, hai nhà khoa học Đức là F.Loeffler và P. Frosch thông báo là cả bệnh lở mồm long móng ở đại gia súc có lẽ cũng do virus gây nên. 20 năm sau (1917), Hérelle (1873 - 1949) xác định là ngay chính vi khuẩn cũng bị virus tấn công, và đề nghị gọi chúng là "Virus ăn vi khuẩn" (bacteriophage, gọi tắt là “phage”).
Đến thập kỷ 30, M.Schleinger chứng minh virus chỉ gồm một phân tử ADN (hay ARN) bọc trong một vỏ Protein. Năm 1935, W.M. Stanley làm được virus kết thành tinh thể, như các hạt muối ăn. Nếu cho vào lọ khô thì có thể cất được lâu, nhưng nếu lấy ra để bôi vào lá thì bệnh khảm lại xuất hiện ngay.
Nhờ phát hiện của Ivanốvski, ngày nay ta đã biết nhiều loại virus có thể gây hại cho thực vật (khảm thuốc lá, cà chua, đu đủ, lúa...) cũng như gây nhiều bệnh hiểm nghèo ở động vật và người (dại, cúm, quai bị, bại liệt trẻ em, viêm gan B, viêm não Nhật Bản v.v...).
Năm 1984, hai nhà Bác học Luc Montagnier và Robert Gallo cũng đã phân lập được virus gây bệnh AIDS, mà hai ông gọi là ''virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch đạt được ở người'' (viết tắt là HIV), mở đường cho việc nghiên cứu phòng chống căn bệnh thế kỷ ghê gớm nhất đối với loài người hiện nay.
Đặc biệt, từ những năm 40, M.Delbruck ở Mỹ đã mở đường cho việc sử dụng virus làm phương tiện nghiên cứu di truyền học phân tử trong khi lai tạo, tái tổ hợp gen, chế tạo những giống loài mới... và khai sinh cho thời đại ''công nghệ sinh học...”. Năm 1969, Delbruck đã được tặng giải Nobel, cùng với A.Hershey ở Mỹ và S.Luria, cũng ở Mỹ.
GS. LÊ QUANG LONG