Tài liệu: Thomas Hunt Morgan (1866 - 1945)

Tài liệu
Thomas Hunt Morgan (1866 - 1945)

Nội dung

THOMAS HUNT MORGAN

(1866 - 1945)

 

a. Thân thế:

Morgan sinh ngày 25 - 9 - 1866 tại Bang Kentucky. Năm 20 tuổi (1886), Morgan tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; và năm 24 tuổi (1890) ông đã nhận học vị Tiến sỹ khoa học.

Năm 25 tuổi (1891), Morgan được cử làm Giáo sư ở trường Đại học Tổng hợp bang Côlumbia ở Mỹ. Các công trình nghiên cứu của Morgan đã đem lại cho ông nhiều vinh quang ngay lúc sinh thời, như được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn Lâm Nga năm 1924 (lúc 58 tuổi); được bầu làm Chủ tịch Viện Hàn Lâm khoa học Mỹ (từ năm 1927 đến năm 1931); được mời làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô từ năm 1932. Đặc biệt, Morgan đã được tặng giải thưởng Nobel về sinh lý học năm 1933, lúc ông 67 tuổi. Morgan mất tại Mỹ, năm 1945, thọ 79 tuổi.

b. Sự nghiệp:

Thoạt đầu, từ năm 1890, lúc mới 24 tuổi, Morgan chuyên nghiên cứu về phôi sinh học thực nghiệm. Mãi tới mười mấy năm sau, Morgan mới chuyển dần sự chú ý sang các vấn đề di truyền. Ông vốn là người chống các kết luận của Mendel được hồi sinh từ đầu thế kỷ XX. Lúc đầu, Morgan định làm một số thí nghiệm để bác bỏ các kết luận đó. Năm 1909, Morgan quyết định chọn ruồi giấm làm đối tượng vì ruồi giấm bé (chỉ dài 3 - 4mm), dễ nuôi, dễ xử lý, có vòng đời ngắn (10 - 14 ngày) lại sinh đẻ nhiều và nhanh (200 - 700 trứng mỗi lứa). Ruồi giấm chỉ có 4 cặp nhiễm sắc thể lớn, biến đổi ngoại hình phong phú và dễ thấy. Con cái bé hơn con đực, bụng tròn hơn, khi lai, không sợ nhầm lẫn bố, mẹ. Morgan chọn hai dòng thuần thân đen - cánh cụt và thân xám cánh dài, tiếp đó là ruồi dấm mắt đỏ và ruồi dấm mắt trắng dễ cho lai nhau. Công trình được công bố một năm sau, năm 1910, trong bài Di truyền liên kết với giới tính ở ruồi dấm. Kết quả thật bất ngờ: đáng lẽ phụ họa với một số nhà khoa học đương thời ''chôn vùi'' Mendel, thì Morgan đã ''cứu nguy'' cho ông tổ của ngành di truyền. Một nhược điểm lớn của Mendel là đã đưa ra những ''nhân tố di truyền'' mơ hồ và thần bí, xem chúng như vật chất của các tính trạng di truyền. Các nghiên cứu của Morgan đã xác nhận các ''nhân tố di truyền'' đó là có thật, nhìn được dưới kính hiển vi, dưới dạng những cấu trúc cụ thể gọi là gen, xếp hàng trên các đơn vị vật chất có số lượng xác định đối với mỗi loài sinh vật và gọi là nhiễm sắc thể.

Năm 1915, Morgan và những người cộng tác đã cho xuất bản cuốn Cơ chế của di truyền học Mendel để chứng minh sự đúng đắn về căn bản của các quy luật, mà Mendel đã phát hiện đúng vào nửa thế kỷ về trước trong tu viện ở Bruno. Morgan còn làm sáng tỏ cơ chế và quy luật các đột biến ngẫu nhiên và nhân tạo ở ruồi giấm, dưới tác động của các tác nhân ''tạo đột biến'' như nhiệt độ, phóng xạ và các hóa chất. Năm 1926, Morgan lại cho xuất bản tác phẩm Học thuyết về gen để trình bày rõ và sâu hơn nữa về cơ sở vật chất (nhiễm sắc thể và gen) của tính di truyền.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390170902056250/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận