TỤC CƯỚI CỦA NGƯỜI THẠP LUÔNG NÊPAN
Thạp Luông là một dân tộc thiểu số tập trung ở vùng bình nguyên phía Nam của Nêpan. Tộc này có trên 500.000 người (theo điều tra dân số năm 1972), chủ yếu sống dựa vào nghề nông và nghề cá.
Dân tộc Thạp Luông đã từng thịnh hành kiểu kết hôn rất lạ đó là: con trai 7 - 8 tuổi thường lấy cô gái 16, 17 tuổi. Tục kết hôn truyền thống này là để bổ sung tinh lực, tạo nên tình dục nữ tính, nhưng thực tế thường đem lại kết quả ngược lại. Với sự phổ cập về giáo dục tình dục, kết hôn kiểu này ngày một ít đi. Và số người lấy người bằng tuổi tăng lên.
Người cùng trong tộc Thạp Luông mới được lấy nhau. Đám cưới do bố mẹ đứng ra lo liệu, nhưng việc tự do yêu đương, tảo hôn, hoán hôn và thưởng hôn vẫn thường xảy ra. Tảo hôn là người con gái tự nguyện trốn gia đình để theo người yêu của mình. Hoán hôn là hai gia đình ước hẹn sẽ gả con cho nhau. Nếu không có con gái thì phải bỏ tiền, bỏ của ra đền bù đối phương, hoặc nếu không có con trai thì phải đền nhà gái làm công từ một đến hai năm để đền bù. Thưởng hôn là tìm cơ hội cướp người con gái hoặc ép người con gái bỏ chạy theo mình, tạo nên một hiện tượng thực tế là có một số cô gái mong được “cướp đi”. Bởi vậy, thực ra đây cũng là một dạng tảo hôn.
Cho dù là hôn nhân theo kiểu nào, thậm chí một số cô gái trốn theo trai thì cũng phải mời bố mẹ đứng ra tổ chức một hôn lễ chính thức, làm cỗ mời bạn bè thân thích hàng xóm, láng giềng để được xã hội công nhận.
Hôn lễ của người Thạp Luông rất độc đáo, phức tạp, dài dòng, bao gồm làm quen, kết thân và 6 lần hôn lễ tượng trưng. Nghi thức hôn lễ chính thức chia làm 3 giai đoạn, thời gian kéo dài khoảng một năm.
a. Làm quen
Người Thạp Luông thường đến chợ hoặc hội làng để tìm bạn đời. Khi người con trai cảm thấy thích một cô gái nào đó thì sẽ nhờ người làm mối hoặc bạn thân đứng ra làm quen. Phía đối phương đồng ý thì hai bên sẽ chính thức làm quen với nhau. Việc làm quen sẽ được tổ chức tại hai gia đình. Phía nữ đến nhà nam làm quen trước. Người con trai được làm quen sẽ chuẩn bị một mâm bạc hoặc mâm đồng, trong đó có cau, bánh, lúa và tiền Rupi để đưa cho khách bên nhà gái đến. Khi khách nhà gái đến, nhà trai sẽ biếu cho mỗi người một món quà. Nếu nhà gái đồng ý thì hai gia đình sẽ tìm hiểu về tổ tiên, gia phả của nhau. Nếu không có quan hệ gia tộc gần gũi thì nhà trai sẽ cùng bàn bạc về lễ vật ăn hỏi với nhà gái. Sau đó, sẽ đến làm quen với nhà gái. Người con gái được làm quen sẽ bưng một cái hũ đựng đầy nước sạch đi đến giữa đám khách nhà trai, đặt hũ nước xuống, đứng nghiêm, để thẳng tay xuống. Mọi người phía nhà trai tỏ ý hài lòng thì cô gái sẽ lấy nước trong hũ vẩy xuống. Trong lễ làm quen, hai bên đều phải làm cỗ. Cỗ phải có cá, thịt, rượu để biểu thị lòng thành dâng lên Thánh, Thần và biểu thị sự trân trọng việc hôn lễ.
Sau hai lần làm quen, nếu hai bên hài lòng thì nhà trai sẽ tổ chức nghi thức kết thân. Hai bên sẽ chúc mừng nhau, Nhà trai đãi khách cá, thịt, rượu. Ăn uống no say xong, tất cả sẽ thưởng thức văn nghệ múa hát thâu đêm.
Ngày hôm sau hai bên tặng quà, chúc mừng cho nhau. Nhà trai sau đó phải chuẩn bị cho cô dâu khăn voan hồng, đồ nữ trang, thóc lúa, chuối tiêu, sữa chua, 44 quả cau và một số tiền ngặt. Đợi một năm sau, chọn ngày đẹp nhà trai lại giao lễ vật làm tin: 16 quả cau bọc giấy đỏ, chính thức bàn bạc ngày cưới.
b. Sáu lần nghi thức hôn lễ mang tính chất tượng trưng trước lễ cưới
Trước lễ cưới hai ngày, chú rể phải sửa sang cho chỉnh tề, cùng với bạn gái và cô bác mặc áo sợi đỏ mang vỏ sò, bát sứ và đồ cúng đến bờ sông Thánh làm nghi thức kết hôn với Thần nước. Nghi thức là dùng vỏ sò mang đến múc 5 lần nước rồi lần lượt đổ trở lại sông. Trong hai chiếc bát sứ, mỗi chiếc để một quả cau cho đầy nước vào rồi đặt xuống đất sau đó hiến cho Thần nước một con bồ câu. Cuối cùng, chú rể dùng một chân dẫm vỡ hai chiếc bát sứ biểu thị sự chung thủy không thay lòng đổi dạ.
Cô dâu cũng phải tham gia một nghi thức như vậy. Có điều từ khi ra khỏi nhà cho đến khi kết thúc nghi thức, cô dâu phải kêu khóc sướt mướt. Khóc càng to, càng bi thương thì được coi là càng tốt.
Hôn lễ tượng trưng thứ 2 là kết hôn với cây mãng cầu. Nghi thức hôn lễ này do chú rể làm. Chú rể sẽ quét lên cây mãng cầu 3 lượt nước vôi đỏ, đi quanh cây ba vòng đồng thời dùng chỉ quấn vào cây 3 vòng rồi lại ôm cây mãng cầu 3 lần. Nghi lễ đó nhằm biểu thị hôn nhân của họ sum suê, tươi tốt trái đậu trĩu cành như cây mãng cầu.
Tương tự, chú rể, cô dâu còn phải lần lượt tổ chức nghi thức hôn lễ tượng trưng với vỏ sò, thần trăng, thần Mặt trời đàn tế, v.v... Sau khi hoàn thành 6 lần nghi thức hôn lễ thì mới được làm nghi thức hôn lễ chính thức.
c. Hôn lễ dân tộc Thạp Luông
Chỉ được tổ chức vào tháng 11 và 12 lịch Nêpan. Chú rể trước khi ra khỏi cửa đi đón dâu sẽ được 5 cô gái đã có chồng trang điểm hộ. Mẹ của chú rể phải tự tay bón cho con trai một hớp nước để con trai mình mồm miệng lanh lợi. Tiếp đó bà đứng sau chú rể vỗ tay một cái biểu thị chúc con trai hạnh phúc.
Những người khách được nhà gái mời đến ai nấy đều đem đến một món quà đặc biệt: mẩm cây chuối tiêu và tự tay trồng vào hai bên đường của sân (vườn nhà gái).
Hôn lễ bắt đầu, cô dâu, chú rể bắt đều đặt hũ nước Thánh xuống, vòng 3 vòng. Sau đó, thợ cắt tóc sẽ chích ngón tay út lấy một giọt máu cho vào bát. Cô dâu, chú rể sẽ lấy máu trong bát viết tên ba người tiền bối lên một chiếc lá mãng cầu. Thầy cúng tế sẽ buộc vào vai cô dâu, chú rể mỗi người một chiếc. Chú rể sẽ xin bố vợ ban thưởng cho mình đứa con gái của ông. Bố vợ sẽ cầm tay con gái mình để vào tay chú rể. Cô dâu, chú rể và bạn bè thân hữu của hai bên vòng quanh cây chuối tiêu 3 vòng. Thày cúng đốt huyết thư thành tro rồi rắc lên đầu đôi vợ chồng trẻ để biểu thị tổ tiên chúc họ trăm năm hạnh phúc. Cuối cùng chú rể sẽ tận tay bôi chất ''chu sa'' màu đỏ lên trên đầu của cô dâu. Cô dâu từ đó sẽ có tổ ấm mới.
Lễ cưới kết thúc, khách khứa ăn uống, ca múa, nói cười vui vẻ. Ngày hôm sau, chú rể đón cô dâu về nhưng trong vòng một tháng đầu, chú rể và cô dâu vẫn không được chung phòng.