MARIE CURIE SKLODOWSKA (1867 - 1934)
Nhà nữ Bác học người Ba Lan quốc tịch Pháp, Mari Quiri Sklodowska đã có một cuộc đời và sự nghiệp thật là kỳ diệu.
Bà sinh ra tại Warszawa vào thời mà nước Ba Lan còn nằm dưới ách thống trị của Nga hoàng, trong một gia đình trí thức. Bố tốt nghiệp Đại học ở Nga, về dạy học và làm hiệu phó một trường trung học, mẹ là hiệu trưởng một trường nữ học. Năm mười sáu tuổi tốt nghiệp trung học với huy chương vàng, sau do mẹ mất sớm và kinh tế gia đình khó khăn; Mari Quiri Sklodowska đã phải đi làm gia sư cho một gia đình điền chủ giàu có ở nông thôn. Tại đây, cô thiếu nữ xinh đẹp mười chín tuổi đã có mối tình đầu với chàng sinh viên đẹp trai con nhà chủ, nhưng bố mẹ chàng trai từ chối không cho con mình lấy một cô gia sư chẳng có của hồi môn và chàng trai đã thiếu nghị lực để bảo vệ hạnh phúc của mình.
Năm 1891, với số vốn ít ỏi dành dụm trong những năm làm gia sư, cùng sự giúp đỡ của người chị cả đã tốt nghiệp Bác sĩ y khoa ở Pháp, Mari sang Paris và vào học trường Đại học Sorbonne nổi tiếng. Cô sinh viên hai mươi bốn tuổi đã miệt mài học tập. Năm 1893, cô đã đỗ đầu với tấm bằng Cử nhân vật lý; năm 1894, cô đỗ thứ nhì bằng Cử nhân toán học. Do có năng khiếu ngoại ngữ hiếm có, cô đã có thể nói thạo tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Đức. Cô quyết tâm chuẩn bị một luận văn Tiến sỹ vật lý, nhưng muốn vậy phải có chỗ để tiến hành thử nghiệm.
Một nhà Bác học Ba Lan đi ngang qua Paris đã giới thiệu cô đến làm việc tại phòng thí nghiệm của trường vật lý và hóa học Paris mà trưởng phòng là Pie Quiri, một Giáo sư ba mươi lăm tuổi đã nổi tiếng về những phát minh về hiện tượng áp điện (piézoélectricité); về cái cân vô cùng nhạy bén mang tên “Cân Quiri”, định luật về từ tính mang tên ''Định luật Quiri''. Nhà vật lý tài ba này là người có tâm hồn nghệ sĩ, thỉnh thoảng viết văn, làm thơ và đã nhất quyết khước từ huân chương mà người ta đề nghị tặng ông. Hai tấm lòng thiết tha yêu khoa học, hai tâm hồn đa cảm đã gặp nhau và ngày 26 tháng 7 năm 1895, họ đã tổ chức lễ cưới. Hai năm sau, ngày 12 tháng 9 năm 1897, một cô bé xinh đẹp ra đời mang tên ten Quiri, và 37 năm sau đã trở thành một nhà Bác học được tặng giải Nobel về hóa học.
Lúc sinh con đầu lòng cũng là lúc Mari Quiri vừa đỗ đầu kỳ thi Thạc sĩ vật lý và chuẩn bị luận văn Tiến sĩ vật lý. Vấn đề quan trọng trước tiên là xác định hướng nghiên cứu. Hai năm trước, năm 1895, nhà vật lý Pháp Hăngri Bêccơren đã tìm ra hiện tượng phóng xạ của nguyên tố Urani. Lẽ nào Urani lại là nguyên tố duy nhất phát ra tia phóng xạ? Hai vợ chồng Pie và Mari Quiri đi sâu vào phân tích quặng Pếchblăng, làm hàng nghìn thí nghiệm, hàng nghìn phép đo đạc và cuối cùng vào tháng 7 năm 1898 đã phát hiện ra một nguyên tố phóng xạ mới có hoạt tính phóng xạ lớn gấp nhiều lần nguyên tố phóng xạ Urani mà ông bà đề nghị đặt tên là Pôlôni. Đó là nguyên tố mang tên quê hương Ba Lan - kỷ niệm về Tổ quốc yêu dấu của bà Mari Quiri.
5 tháng sau, hai ông bà lại công bố việc khám phá ra một chất phóng xạ mới nữa mạnh hơn Pôlôni rất nhiều lần, ông bà đề nghị đặt tên là Rađi.
Từ số tiền tiết kiệm ít ỏi, họ đã mua lại của Chính phủ áo một tấn quặng Pếchblắng (với giá rẻ), và từ một tấn quặng ấy, sau bốn năm trời mệt mài trong một nhà kho cũ kỹ tồi tàn; năm 1902 họ đã tách ly ra được một phần mười gam Rađi nguyên chất và tính được trọng lượng nguyên tử là 226. Công sức và tài năng của hai người đã được đền bù một cách xứng đáng. Năm 1903, Viện Hàn Lâm khoa học Thụy Điển tặng ông bà Pie và Mari Quiri giải thưởng Nobel về vật lý cùng với nhà Bác học người Pháp Hăngri Bêccơren. Ngày 25 tháng 6 năm 1903, trường Đại học Paris tặng bà Mari Quiri danh hiệu Tiến sĩ khoa học vật lý hạng xuất sắc.
Cuối năm 1904, cô gái thứ hai ra đời mang tên Evơ, sau này theo nghề viết văn và là tác giả cuốn sách Nữ Bác học Mari Quiri đã được dịch ra hai mươi lăm thứ tiếng và phát hành ở nhiều nước. Trong lúc hạnh phúc gia đình đang êm ấm thì một tai họa ập đến: ngày 19 tháng 4 năm 1906, một ngày trời mưa tầm tã, Pie Quiri qua đời vì tai nạn do một chiếc xe ngựa chở nặng đã đè lên người khi ông qua đường đi đến Viện Hàn Lâm khoa học.
Sau đấy, với nghị lực phi thường, Mari Quiri đã vượt lên mọi đau khổ và thay chồng làm Giáo sư trường Đại học Sorbonne. Bà là người phụ nữ Pháp đầu tiên giảng dạy ở bậc Đại học. Người phụ nữ 39 tuổi vừa nuôi hai con nhỏ, vừa dạy Đại học, vừa nghiên cứu khoa học. Tới năm 1911, bà được tặng giải thưởng Nobel lần thứ hai. Chính phủ Pháp tặng bà huân chương Bắc đẩu Bội tinh, nhưng nhớ lại thái độ của chồng trước đây, bà đã từ chối không nhận.
Năm 1914, công việc xây cất Viện Rađiom ở Paris hoàn thành và bà Mari Quiri được bổ nhiệm làm Giám đốc. Đây là cơ sở đầu tiên trên thế giới sử dụng chất phóng xạ Rađi để điều trị bệnh ung thư và Viện Rađiom ở Paris đã mở đầu cho biết bao Viện Rađiom khác ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Năm 1922, bà được bầu vào Viện Hàn Lâm Y học Pháp. Cũng năm ấy, ủy ban Quốc tế hợp tác trí thức của Hội quốc liên ở Geneve bầu bà làm Phó Chủ tịch của tổ chức này. Phát biểu ý kiến trong buổi họp, bà đã nói: ''Tôi nghĩ rằng khoa học có một vẻ đẹp lớn lắm. Nhà Bác học trong phòng thí nghiệm không chỉ là một người có kỹ thuật - đó cũng là một đứa trẻ, đứng trước các hiện tượng thiên nhiên cũng xúc động như khi đọc một câu chuyện Thần tiên''.
Bà mất năm 1934, đúng vào năm mà con rể và con gái bà là Phơrêđêrich và Iren Glôliô Quiri được tặng giải thưởng Nobel về hóa học. Mặc dầu thời gian đã trôi đi hơn nửa thế kỷ, biết bao các phát minh khoa học vĩ đại đã ra đời, song nhân loại sẽ mãi mãi không quên người phụ nữ đã góp phần mở đầu cho nền khoa học nguyên tử của thế kỷ XX.
GS. - TSKH. ĐINH NGỌC LÂN