THIÊN TÁNG
Thiên táng là cách mai táng, phổ biến ở vùng Tây Tạng, Trung Quốc. Khi có người chết, những người thân trong gia đình cẩn thận cởi bỏ áo quần của người chết, để người chết ở tư thế ngồi, đầu gập xuống đầu gối, dùng vải trắng bó chặt lại, ở ngoài dùng dây thừng để buộc. Vào buổi sáng, ngày được coi là ngày lành đã được lựa chọn, người ta đem xác người chết đến nơi thiên táng. Địa điểm thiên táng thường ở sườn núi, có xây vài bậc bằng đá. Xác chết được đặt trên một bậc đá, người thân trong gia đình tưới một thứ nước như nước chè ra những nơi xung quanh và nghi thức thiên táng bắt đầu.
Mấy vị thầy chuyên làm nghề thiên táng đứng gần bậc đá, vừa niệm chú cầu cho linh hồn người chết được siêu thoát, vừa lấy dao cắt rời thi thể người chết. Từng mảnh thịt người chết được vứt vung vãi quanh dốc núi. Còn bộ xương được đập nát, dùng một loại bột trộn lẫn với máu vê thành từng viên làm mồi cho chim ưng, chim đại bàng ăn. Họ cho rằng, có làm như vậy mới không để lại một giọt máu nào trên mặt đất và tất cả thân xác người chết mới có thể hòa nhập vào thiên đường.
Trong lúc vị thầy thiên táng mổ xẻ thi thể người chết, những người dự thiên táng hun khói mù mịt để báo hiệu cho chim ưng và đại bàng biết. Ngay sau đó, những loài chim ăn thịt đã lũ lượt kéo đến, chúng sà xuống đậu trên sườn núi chầu chực, có những con chim cao tới hàng thước. Những vị thầy thiên táng sau khi làm xong công việc của mình huýt một tiếng sáo, lũ chim hám ăn lập tức xông vào tranh cướp nhau, chỉ trong thoáng chốc là sạch trơn. Những con quạ thì nhặt nhạnh các mẩu rơi vãi.
Trong cùng một ngày thiên táng có cả đàn ông và đàn bà thì đàn ông táng trước, đàn bà táng sau. Theo quan niệm của người địa phương nếu xương thịt người chết được chim dọn sạch sẽ có nghĩa là người đó lúc sống không có tội lỗi gì. Ngược lại thì kẻ quá cố lúc sống chắc không lấy gì làm trong sạch, trường hợp này người thân thích phải về nhà mời các vị sư đến cầu siêu.
Thiên táng là sản phẩm sau khi Phật giáo du nhập vào, còn tập tục thổ táng (chôn dưới đất) là tập tục phổ biến của người Tây Tạng có từ xa xưa. Những ngôi mộ của các Tạng Vương là một minh chứng cụ thể. Sau khi thiên táng thay cho thổ táng thì thổ táng trở thành một hình thức mai táng thấp hèn và họ cho rằng người bị thổ táng không thể hóa kiếp được. Do đó thổ táng chỉ dùng cho những kẻ có tội bị chết hoặc bị tội tử hình.