KARI LANDSTEINER (1868 - 1943)
a. Thân thế:
Landsteiner (Lanstainơ) sinh ngày 14 - 6- 1868 tại Viên, thủ đô nước Áo, trong một gia đình gốc Do Thái. Năm 23 tuổi (1891) anh tốt nghiệp khoa Y trường Đại học Tổng hợp Viên, và trở thành thầy thuốc kiêm nhà nghiên cứu.
Từ năm 1922, khi ông 54 tuổi, ông được mời làm Giáo sư tại Học viện Rốcphelơ. Landsteiner từ trần ngày 26 - 6 - 1943, thọ 75 tuổi.
b. Sự nghiệp:
Từ xa xưa, con người đã ý thức được giá trị của máu đối với sự sống, ở cuối thế kỷ thứ XV, có Giáo hoàng Innôxan VIII (1432 - 1492) đã uống máu của 3 tử tù trẻ tuổi, để mong được cường tráng. Năm 1665, Wilkins, một trong những người sáng lập ra Hội Hoàng gia Anh, thử hút máu tĩnh mạch của chó, rồi truyền vào tĩnh mạch đùi của chồn. Ông nhận xét là đã không gây nên tai biến gì.
Ngày 15 - 6- 1667, sau khi thí nghiệm nhiều lần trên nhiều loại động vật, J.B.Denys (Đơn ni, 1625 - 1704), đã truyền máu lấy từ động mạch cừu non vào tĩnh mạch một em trai 15 tuổi và cũng không gây tai biến. Sau đó, nhiều người đã làm theo và tỷ lệ chết tăng, nhưng thường được đổ lỗi tại bệnh quá nặng nên chết.
Tuy vậy, vào cuối thế kỷ thứ XIX, phần lớn các nước châu Âu đã ban hành các luật cấm truyền máu. Rõ ràng máu động vật khác máu người nên thường gây tử vong. Vì vậy nên năm 1818, một Bác sĩ sản khoa ở Anh là J.Blundell (Bơlunđel) đã thử truyền máu người, liên tiếp cho 20 bệnh nhân nặng. Để tránh đông máu, Blundell đã chế tạo dụng cụ để truyền thẳng máu từ động mạch người cho sang tĩnh mạch người nhận. Từ 1869, người ta đã biết hòa vào máu muối Natri phốt phát để chống đông (và từ 1914, hòa Natri xitrát). Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, truyền máu vẫn gây tử vong, do hồng cầu bị hủy hoại.
Năm 1900, Landsteiner lần đầu tiên đã thử trộn riêng rẽ nhiều hồng cầu của nhiều người, lần lượt với huyết thanh của nhiều người khác nhau và đã đánh dấu những trường hợp máu bị ngưng kết. Phân tích kết quả thí nghiệm ông đi đến kết luận: ''Hồng cầu có những kháng nguyên khác nhau, huyết thanh cũng có những kháng thể kháng nhau. Nếu một kháng nguyên gặp một kháng thể tương ứng thì máu sẽ bị ngưng”. Trên cơ sở đó, ông đã chia máu người thành 4 nhóm A, B, AB và O (nghĩa là không có cả A lẫn B). Nếu tiếp cho ''người nhận'' máu của những ''người cho'' thích hợp theo sơ đồ các nhóm máu nói trên thì việc truyền máu sẽ thành công. Năm 1930, Landsteiner đã nhận được giải thưởng Nobel, lúc đó ông đã 52 tuổi.
Năm 1940, Landsteiner đã cùng A.Wiener phát hiện thêm yếu tố RH khi thử truyền máu khỉ (Macacus Rhesus) cho thỏ.
Ngày nay, những người kế tục sự nghiệp của Landsteiner đã phát hiện thêm rất nhiều nhóm chưa biết, như hệ Lewis; hệ MN; hệ P; hệ Kell, hệ Di, hệ Do, hệ Duffy, hệ Kidd v.v...
GS. LÊ QUANG LONG