Tài liệu: Ernest Ruth Erford (1871 - 1937)

Tài liệu
Ernest Ruth Erford (1871 - 1937)

Nội dung

ERNEST RUTH ERFORD (1871 - 1937)

 

 

Ernest Rutherford sinh ngày 30-8-1871 tại Nelson (New Zealand), mất tại Cambridge (Anh) ngày 20-11-1937. Ông là một trong những gương mặt nổi bật nhất của đầu thế kỷ, tác giả của nhiều phát minh mới quan trọng. Nhà Bác học đã đề xướng những quan niệm mới cơ bản trong vật lý học. Ông đã bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý tại New Zealand, sau đấy sang Anh làm công tác nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của nhà vật lý người Anh nổi tiếng J.J.Thomson (1856 - 1940) người đã được tặng giải thưởng Nobel về vật lý năm 1906.

Những năm đầu thế kỷ XX là những năm mà ngành vật lý nguyên tử hiện đại vừa mới ra đời. Ở thế kỷ XIX người ta cho rằng, nguyên tử là thành phần cuối cùng cấu tạo nên vật chất, kích thước chỉ có một phần trăm triệu centimet (10-8cm) nhưng giống như những hòn bi đặc liên kết với nhau tạo nên các phân tử, tạo nên vật chất. Năm 1895 nhà Bác học người Đức Wilhelm Conraol Roentgen (1845 - 1923) phát minh ra tia X, năm 1896 nhà Bác học người Pháp Henri Becquerel (1852 - 1908) phát minh ra hiện tượng phóng xạ của Uranium. Nếu nguyên tử đã là những hòn bi đặc thì các tia X, tia phóng xạ ở đâu mà ra? Hai phát minh mới mẻ này đã gây nên một cuộc khủng hoảng trong vật lý học và buộc người ta phải xét lại quan niệm về cấu tạo của vật chất.

Lúc đầu, dưới sự hướng dẫn của Thomson, Ruthelford nghiên cứu về hiện tượng iôn hóa của chất khí, từ đấy ông đi đến việc giải thích hiện tượng phóng xạ là do các bức xạ iôn hóa phát ra từ nguyên tử. Các bức xạ này là các hạt eléctron tích điện âm (gọi là hạt bêta) và các hạt anpha tích điện dương. Ông đã làm thí nghiệm cho chùm hạt alpha bắn lên một lá vàng rất mỏng, đằng sau lá vàng đặt một tấm màn huỳnh quang. Nếu nguyên tử là hòn bi đặc thì trên màn huỳnh quang phải không có chấm sáng nhưng kết quả thí nghiệm cho thấy màn huỳnh quang đầy chấm sáng, chứng tỏ hạt alpha đã đi qua nguyên tử như qua chỗ chân không và đập lên màn huỳnh quang. Từ thí nghiệm ấy, ông đã đưa ra khái niệm cấu tạo hành tinh của nguyên tử. Ở giữa là hạt nhân, xung quanh có các électron tròn chạy quanh như hành tinh chạy quanh Mặt trời.

Chính dựa trên thí nghiệm của Rutherford mà nhà bác học Đan Mạch Niels Bohr (1885 - 1962) đã xây dựng nên lý thuyết hoàn chỉnh về cấu tạo hành tinh của nguyên tử.

Người ta thường gọi Rutherford là “người bắn phá nguyên tử” (le bombardeur de I'atome).

Năm 1919, ông đã làm thí nghiệm sau: dùng một chùm hạt anpha do chất phóng xạ thiên nhiên rađi  phát ra cho đập lên hạt nhân của Nitơ, thấy phóng ra hạt prôton (tức là hạt nhân của Hyđrô) và hạt nhân Nitơ biến thành hạt nhân của một nguyên tử mới là Ôxi. Đây là phản ứng hạt nhân đầu tiên được thực hiện trong lịch sử khoa học.

Nitơ + hạt alpha  ôxi + prôton.

Như vậy, Ruthelford đã làm được các việc kỳ diệu là biến đổi một chất này sang chất khác. Các nhà giả kim thuật thời Trung cổ ở Châu Âu đã mơ ước biến kim loại ra vàng. Lý thuyết về phản ứng hạt nhân của Ruthelford đã mở ra khả năng biến nguyên tố này thành nguyên tố khác: từ chì, đồng, sắt có thể qua bắn phá trở thành vàng... tất nhiên là với một hiệu suất rất thấp và không kinh tế. Với ý nghĩa ấy mà ông đã viết tác phẩm Giả kim thuật mới. Những tác phẩm nổi tiếng khác của ông là: Hiện tượng phóng xạ (1904), Biến đổi phóng xạ (1906), Lịch sử các tia Alpha trong các biến đổi hạt nhân (1912), Bức xạ phát ra từ các chất phóng xạ (1930).

Vì các phát minh của ông, Ruthelford đã được nhận giải thưởng Nobel về hóa học năm 1908 và nhiều danh hiệu cao quý khác. Ông được phong tước hiệu Huân tước (Lord) và khi mất được đưa vào Điện Westminster, nơi an nghỉ của các vĩ nhân nước Anh.

Nhà nữ Bác học Mari Curie viết: ''Rutherford bằng những phát minh của mình đã có những cống hiến vô giá cho nhân loại”. Niels Bohr viết: ''những phát minh của Rutherford đã đặt ông vào hàng những nhà Bác học lớn nhất của nhân loại”. Fridéric Jolio Curie viết: ''Lord Rutherford đã thực hiện giấc mơ ngàn đời của các nhà giả kim thuật bằng cách biến đổi nguyên tố này thành nguyên tố khác. Lý thuyết phản ứng hạt nhân vì biến đổi hạt nhân của ông đã mở đầu cho việc chinh phục nguồn năng lượng to lớn trong lòng hạt nhân nguyên tử sau này”.

GS.TSKH. ĐINH NGỌC LÂN




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390172502056250/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận