Tài liệu: Albert Einstein (14-3-1879 - 19- 4-1955)

Tài liệu
Albert Einstein (14-3-1879 - 19- 4-1955)

Nội dung

ALBERT ELNSTEIN

(14-3-1879 - 19- 4-1955)

 

Albert Einstein (Anbe Anhxtanh) sinh ngày 14 tháng 3 năm 1879 tại thành phố Unmơ, ở nước Đức. Tổ tiên ông làm nghề thủ công và tiểu thương. Cha ông, Abraham Einstein, là một người yêu đời, hiền hậu và có một ít khả năng về toán học. Mẹ ông là một phụ nữ có khiếu về âm nhạc.

Hồi nhỏ, cậu bé Einstein sống thầm lặng, lầm lì. Mãi đến khi 7 tuổi mới chỉ nói được những câu ngắn, ít nô đùa với trẻ cùng tuổi, thường thì hay đứng yên ở một góc nhà. Cậu bé lại có một cái gáy quá mất cân đối với toàn bộ thân thể... Thấy thế, cha mẹ ông không hiểu.

Khi đi học, Einstein rất thích môn toán, nhất là hình học phẳng Euclide. Môn toán này đã gây cho Einstein sự thích thú. Tích logic của nó đã thôi thúc Einstein khao khát đi tìm cái Duy lý. Về mặt sáng tạo sau này Einstein đã xây dựng các lý thuyết chính của ông trên khuôn mẫu của hình học.

Ông say sưa đọc các điều bí ẩn của khoa học trong các sách báo phổ biến. Và một sự kiện đã định được hướng hoài bão của ông đó là thí nghiệm của Michelson (Maikenxơn) về tốc độ ánh sáng… Trong lúc thời đại ông đang lúng túng trước những bí ẩn của bài toán ête: chất ête môi trường truyền sóng điện từ như khí quyển truyền sóng âm - có lôi kéo một phần ánh sáng... thì ông đã có một quyết định, một quyết định lịch sử: Không có chất ête nào cả, chất ête không tồn tại, mà ánh sáng truyền ngay trong chân không!

Chính lý thuyết tương đối của ông được xây dựng trên cái ête không tồn tại đó, nghĩa là trong chân không, với hai đặc điểm: 1) tốc độ ánh sáng là tốc độ vật lý lớn nhất. 2) tốc độ này cũng không phụ thuộc vào sự di chuyển của quan sát viên như trong cơ học Galilée (đặc tính này gọi là nguyên lý tương đối).

Với các hiện tượng ánh sáng, Einstein đã xông xáo đi vào sáng tạo khoa học thông qua những bí ẩn... Hương vị của cái bí ẩn quyến rũ ông, và để vượt lên, ông đã hướng theo ánh sáng duy lý của hình học Euclide. Lý thuyết tương đối hẹp của ông ra đời. Nó có mặt lần đầu tiên trên tờ báo An nan Phi Dich, tập 17, xêri 4, năm 1905. Đó là một tiếng nổ dữ dội của khoa học về không gian và thời gian. Einstein đã phá vỡ các khái niệm tuyệt đối của không gian và thời gian của Newton. Không gian và thời gian không phải bất di bất dịch như trong quan điểm của nhà khoa học tiền bối đó, mà trái lại. Có thể "co" lại tùy tình hình, ông đã thay không gian, thời gian tuyệt đối bằng không gian, thời gian tương đối).

Ông viết “Newton anh hãy tha thứ cho tôi….”

Các đại diện của khoa học chính thống thời bấy giờ đánh gia sự đảo lộn quan điểm về không gian, thời gian đó chỉ là một khoa học mù mờ, còn đáng nghi ngờ. Đa số các nhà khoa học đương thời đều phủ nhận công trình của ông. Tuy nhiên, Mác Plăngcơ, một nhà khoa học rất có uy tín, đã viết thư cho Einstein: "Nếu (chữ xiên do NHP) công trình của Ngài tỏ ra đúng đắn, thì đó là một sự báo trước của những trận địa khoa học mới mà chỉ có thế giới quan của Copemicus ngày xưa mới sánh nổi. . .". Nhưng ngay Plăngcơ cũng phải nói “nếu”.

Còn Einstein không dừng lại ở lý thuyết tương đối hẹp, vì lý thuyết này chỉ một liên quan đến các hệ quy, chiếu quán tính. Còn đối với các hệ quy chiếu phi quan tính thì sao? Bí ẩn của những hệ quy chiếu phi quán tính này lôi kéo ông, ông muốn khái quát công trình của mình sang loại hệ quy chiếu này. Và bây giờ thì cũng chính ánh sáng của hình học lại một lần nữa hướng ông lao thẳng tới một trong những pháo đài khủng khiếp nhất của vật lý học: trường hấp dẫn, với khái niệm bí ẩn nhất của nó là khái niệm khối lượng. Ông đi tìm loại hình học phi Euclide là hình học Rieman. Hình học này đã tạo cho ông con đường nối liền hệ quy chiếu phi quán tính với trường hấp dẫn. Con đường này, ông gọi là nguyên lý tương đương.

Xuất hiện một khoa học mới năm 1910: Lý thuyết tương đối tổng quát. Chúng tôi không đi sâu vào lý thuyết này với bao nhiêu rừng toán học quá sức rậm rạp của nó. Chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Không gian và thời gian không những có thể co lại như trong lý thuyết tương đối hẹp, mà còn có thể cong đi do vật chất.

Thời bấy giờ, người ta bị ám ảnh bởi câu hỏi: Chân lý Vũ trụ liệu có thể bí hiểm đến thế không? Vật chất liệu có thể làm cong không gian và thời gian hay không? Rồi năm 1917, hai đoàn khoa học theo quyết định của Hội Hoàng gia Anh - bắt đầu tìm cách giành giật cái bí ẩn đó của Vũ trụ đang nằm trên các trang giấy của Einstein, nhân kỳ Nhật thực năm ấy.

Ngày 29 tháng 5, hai đoàn khoa học đó quan sát bầu Trời tại Đảo Prinxipơ (Ghinê) và tại thành phố Xôbran (châu Phi), trong một khoảng khắc ngắn ngủi độ 330 giây... để xem liệu tia sáng các vì sao khi đi ngang qua Mặt trời có bị lệch hay không theo lý thuyết tương đối tổng quát của Einstein!

Kết quả là dương tính: góc tia sáng bị lệch đo được lấy trung bình bằng 1,79 giây. Còn con số trên bàn giấy Einstein - đã nằm yên chờ đợi suốt 8 năm là 1,75 giây!...

Quả thực, vật chất vận động trong một không gian lồi lõm chính do nó tạo ra!

Einstein đánh điện về cho mẹ: “Hôm nay nhiều tin tốt! Các đoàn nghiên cứu nước Anh quả thật đã chứng tỏ được sự lệch đường đi khi đi qua gần Mặt trời!”.

Tên tuổi và uy tín khoa học của Einstein đã bùng nổ một cách kinh hoàng trên toàn thế giới. Nhiều giai đoạn đã xây dựng trên những tư tưởng rất khó hiểu của Einstein, xung quanh thiên tài của Einstein mà người bình thường khó quan niệm được. Và các giai thoại đó đã làm cho Einstein trở nên bất tử, nhưng cũng là cái mà ít ai biết đến về thực chất!

Thuyết tương đối tổng quát là thành tựu cao nhất về Duy Lý Tất Định trong suốt là thẩm mỹ trong sáng tạo khoa học của Einstein.

Mà chính do cái đẹp của sự trong suốt của Duy Lý Tất Định đó ngay trong con tim của Einstein, mà trong lịch sử khoa học đã xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt và kéo dài giữa hai đỉnh cao nhất về khoa học đầu thế kỷ XX. Giữa Einstein một bên, và bên kia là nhà sáng tạo ra một môn khoa học mới là Cơ học lượng tử nhà khoa học Đan Mạch Niels Bohr.

Đây là một cuộc tranh luận giữa hai luồng tư tưởng khổng lồ đối nghịch nhau: Một đằng là cái Duy Lý Tất Định của các quy luật hấp dẫn trong không gian - thời gian vĩ mô lồi lõm của Vũ trụ bao la, còn đằng kia là cái Bất Định của các quy luật điện từ trong lòng vật chất vi mô với nguyên tử, hạt nhân. Trước cái Bất Định đó của Niels Bohr về chuyển động, về vị trí, năng lượng các hạt electron trong nguyên tử... Einstein đã cho đây chỉ là một điều “huyền bí” và phản ứng: “Chúa không chơi trò xúc xắc!”. Còn Bohr thì trả lời ''Tôi cảm thấy (tính bất định, NHP) điều đó ngay trên da thịt của tôi!”.

Và vẫn đeo đuổi lý tưởng đẹp đẽ về hình học hóa Vật lý học, ngay cuối đời mình, Einstein mơ một công trình thống nhất được tất cả hai trường vật lý, là trường hấp dẫn và trường điện từ trong cùng một khuôn khổ là trường thống nhất. Nhưng Einstein chưa gặp một thời điểm lịch sử như ngày nay của chúng ta, với nhiều tư liệu thực nghiệm phong phú trong các máy gia tốc đủ loại, để có thể đạt được sự thành công trong giấc mơ thống nhất của mình. Đối với ông, đây là một bi kịch tư tưởng. Ông viết cho người bạn Miudam: ''Từ lâu, những sự dày vò của toán học đã kẹp tôi vào giữa một cái ête tàn nhẫn và tôi không rút ra được, tôi không thể đi đâu được!”.

Ông được giải thưởng Nobel năm 1921. Nhưng ủy ban Stockholm rất khó xử trí vì hai nhà khoa học Đức là Lêna và Xtac Khơ - đã được giải thưởng Nobel từ trước - phản đối... Trước đây họ tuyên bố công khai ''Chúng tôi cho rằng Viện (một Viện khoa học của Đức, NHP) chúng ta sẽ là một thành trì chống lại tinh thần Á Đông trong khoa học. Quốc trưởng Hitler chúng ta đã lên án tinh thần Á Đông đó trong chính trị và trong kinh tế học, mà Quốc trưởng gọi là chủ nghĩa Mác xít. Nhưng nhờ những âm mưu có tính chất buôn bán, Einstein đã đem được tinh thần Á Đông này (tức là lý thuyết tương đối, NHP) vào trong khoa học tự nhiên. Chúng ta cần hiểu rằng, việc thừa kế một tinh thần như thế của tên Do Thái đối với người Đức chúng ta là một điều không xứng đáng”.

Bấy giờ họ dọa sẽ trả lại giải thưởng Nobel cho ủy ban Stockholm nếu ủy ban này trao giải thưởng Nobel về lý thuyết “Á Đông” đó cho Einstein.

Cuối cùng, sau bao nhiêu tranh luận, để tránh nói đến "tinh thần Á Đông" đó, ủy ban tuyên bố:

"Giải thưởng Nobel được trao cho Einstein trên cơ sở ông đã phát minh được định luật về hiện tượng quang điện và trên cơ sở những công trình khoa học ''khác" (dấu '' do NHP) trong lĩnh vực lý thuyết”.

Nhưng nói về Einstein không có nghĩa là chỉ nói về mặt các sáng tạo khoa học của ông. Những đỉnh cao về trí tuệ thường đi đôi với những đỉnh cao về nhân cách. Hướng đến cái trong sáng trong khoa học, Einstein đồng thời cũng luôn hướng tới cái trong sáng trong tâm hồn. Einstein là người yêu chuộng chính nghĩa đến cao độ. Ông thấy trách nhiệm của mình trong xã hội và đã cương quyết đấu tranh không khoan nhượng tới chủ nghĩa phát xít. Einstein là người khinh miệt đến cùng cực sự hung bạo, những tham vọng tầm thường... Con người Einstein là một sự nhất trí điển hình giữa cái trong sáng của tâm hồn và cái trong sáng của trí tuệ.

Và cũng chính vì thế, nên cuộc đời Einstein là một ví dụ điển hình về những nghịch lý và mâu thuẫn chua chát.

Einstein tích cực đấu tranh với chủ nghĩa phát xít. Ông từ giã nước Đức, quê hương ông, sang Bỉ và nói: ''Tôi sẽ không bao giờ trở về lại nước Đức, chừng nào ở đấy còn chủ nghĩa phát xít”. Đặt chân lên đất Bỉ, ông tuyên bố: ''Chừng nào mà tôi còn có khả năng, tôi chỉ ở trên một đất nước mà ở đấy tất cả các công dân đều được hưởng quyền tự do chính trị, hưởng được sự khoan dung và sự bình đẳng trước pháp luật, và ở đó có thái độ kính trọng đối với tất cả các niềm tin của mỗi công dân”.

Tưởng nhầm phát xít Đức có bom nguyên tử, ông tham gia vào việc chế tạo bom nguyên tử tại Mỹ để chống đỡ lại và lại bị xem là "người cha của bom nguyên tử'' giết người!

Năm 1930, trước sự suy sụp tinh thần của thanh niên, sự suy sụp của trình độ học tập của họ, ông viết: "Khi tinh thần nghiên cứu khoa học suy sụp thì đời sống tinh thần cũng sụp đổ như đặt trên cát và với những sụp đổ đó, cũng sẽ tàn lụi những khả năng phục vụ cho những phát triển tương lai”. Năm 1933, ông lại viết tiếp: “Dưới ánh sáng của các tia chớp của thời đại giông tố chúng ta, người ta có thể thấy người và vật một cách trần truồng. Mỗi nước và mỗi con người sẽ biểu lộ các điểm mạnh, các điểm yếu của mình, thậm chí cả những tham vọng. Các quy ước sẽ rụng như vỏ hạt khô”. Năm 1939, ông lại viết: "Phải chăng trong vòng 10 năm qua thế giới đã biến đổi sâu sắc, hay chỉ vì rất đơn giản là tôi đã già hơn 10 tuổi và đôi mắt tôi đã nhìn tất cả dưới một bức tranh tối sầm hơn? Thay đổi bản chất của Plutonium còn dễ hơn thay đổi bản chất con người!”.

Thất vọng trước thời cuộc, và mặc dầu đang ốm nặng, ông vẫn nói, không mỏi mệt: ''Khi đến thời điểm quyết liệt nhất thì tiếng nói của tôi lại không còn có trọng lượng nữa. Nhưng tôi chờ một thời điểm nghiêm trọng và tôi sẽ gào lên với tất cả sức lực của mình”.

Không may, thời điểm đó sẽ không bao giờ đến với ông. Rạng ngày 19 tháng 4 năm 1955, lúc 1 giờ 25 động mạch chủ của ông thủng vách và tim ông ngừng đập. Ông mất khi còn đang ngủ.

Trước linh cữu của ông, ông Ôtô Natan - một người bạn thân của ông đã đọc mấy vần thơ của Goethe với đại ý:

“… Tất cả, tất cả những gì do sức mạnh của cảm hứng,

Anh đã tạo ra trong bóng tối trời đêm,

Anh không mang xuống nấm mồ,

Anh nhường cho mọi người sức nóng tấm lòng anh.

Và tựa hồ như một Sao Chổi sáng ngời,

Bay vút đến chúng ta từ cả một rừng sao,

Anh mang đến tia lửa lòng anh,

Với ánh hào quang nghìn năm bất diệt ...''

Cả thế giới luyến tiếc Einstein. Tại Băng Đung, Hội nghị bắt đầu làm việc thì nghe tin Einstein mất. Thủ Tướng Nehru trên diễn đàn phát biểu: ''Tôi thương tiếc sâu sắc... Nhà Bác học vĩ đại nhất Einstein của thời đại chúng ta đã mất, một con người luôn luôn đi tìm chân lý và không bao giờ chịu nhân nhượng trước bất công và tội ác”.

Đã qua hơn nửa thế kỷ, từ ngày Einslein mất, Khoa học kỹ thuật thế giới đã đi khá xa… Nhưng khi nhìn lại những cống hiến vĩ đại của Einstein, con người mang lại cho nhân loại một bức tranh Vũ trụ mới, làm cơ sở cho những cải tạo lớn trong thế giới tự nhiên; khi nhìn lại con đường nghịch lý cay đắng của Einstein, nghịch lý giữa tài năng, lòng nhân đạo và số phận... chúng ta sẽ phải ngạc nhiên trước một chiều sâu của một trí tuệ trong suốt bao trùm lên các thời đại đã qua, cũng như sẽ phải vô cùng xúc động trước những hơi thở hết sức nồng nàn của một quả tim luôn luôn nóng bỏng vì lòng nhân đạo.

GS. NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390172804712500/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận