Tài liệu: Irène Joliót - Curie (1897 - 1936)

Tài liệu
Irène Joliót - Curie (1897 - 1936)

Nội dung

IRÈNE JOLIÓT – CURIE (1897 -  1936)

 

Lúc cô bé Irène Joliot Curie ra đời tại Paris ngày 12-9-1897, không ai dám đoán chắc rằng 37 năm sau, người phụ nữ mảnh mai và xinh đẹp ấy lại cùng với chồng được tặng giải thưởng Nobel về hóa học. Đương nhiên, điều chắc chắn là Irène và em gái là Eve Curie tuy mồ côi cha từ nhỏ nhưng đã được thừa hưởng một sự giáo dục thật là tuyệt vời của bà mẹ - nữ Bác học nổi tiếng Marie Curie. Tuy rất bận rộn với công việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở Đại học thay cho chồng, song bà Marie Curie đã hết sức quan tâm đến việc dạy dỗ con cái. Bà theo dõi mỗi bước tiến về toán học của Iren, khiếu văn học và âm nhạc của Evơ. Bà đã dạy con ham học, nhưng cũng ham thể thao, ham lao động chân tay, biết làm bếp và cũng biết vá may. Bà đã có một quyết định lạ kỳ: không bao giờ nói với hai đứa con côi về bố chúng. Bà muốn tránh cho các con những mơ màng nhớ nhung, đa sầu đa cảm, mà phải là những người sống có nghị lực, can đảm. Irène đã thừa hưởng của mẹ các đức tính quý báu ấy. Cô đã quyết là làm, dù khó khăn mấy cũng vượt qua để đạt được mục đích đã định.

Năm Irène tốt nghiệp tiểu học, bà Marie Curie đã tổ chức việc học tập của con khác với các lề thói cũ. Cùng với mười em nhỏ khác, Irène ngay từ năm đầu của bậc trung học đã được theo học những nhà Bác học nổi tiếng nhất của nước Pháp thời ấy như Paul Langevin (toán học), Jean Perrin (hóa học) còn về vật lý thì người thầy vừa giảng lý thuyết vừa hướng dẫn thí nghiệm lại chính là bà Marie Curie. Lúc này bà đã là nhà Bác học nổi tiếng hai lần được giải thưởng Nobel.

Năm 1925, Irène bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học về đề tài bức xạ alpha của chất phóng xạ thiên nhiên Pôlôni. Cũng trong năm ấy, chàng thanh niên 25 tuổi Frédéric Joliot được nhận một học bổng của quỹ ''Quyri'' và được vào làm phụ tá trong phòng thí nghiệm của bà Marie Curie dưới sự hướng dẫn của Irène Curie. Năm 1926, Irène Curie và Frédéric Joliot tổ chức lễ cưới và một năm sau, họ sinh cô con gái đầu lòng. Cô gái đó là Hélene Jôliot Curie Langevin - một nhà vật lý nổi tiếng, Giám đốc Viện nghiên cứu lớn thuộc ủy ban năng lượng nguyên tử Pháp sau này.

Hai vợ chồng Frédéric và Irène Curie bắt đầu công bố công trình nghiên cứu chung đầu tiên vào năm 1927. Những công trình nghiên cứu này đã dẫn đến một phát minh lớn: lần đầu tiên phát minh hiện tượng phóng xạ nhân tạo, chế tạo ra chất đồng vị phóng xạ nhân tạo. Đầu thế kỷ XX, ông bà Pie và Marie Curie đã phát minh ra chất phóng xạ thiên nhiên như radi, pôlôni, v.v... và chất radi đã được dùng để điều trị ung thư. Tuy nhiên, radi rất khó chế tạo và rất đắt: Một gam rađi giá đến trên một triệu phờrăng. Vào lúc ấy, cả nước Pháp chỉ có 1 gam radi và nước Mỹ có 6 gam. Hơn nữa, chất phóng xạ thiên nhiên thường thời gian sống dài, khó bảo vệ, khó sử dụng. Bằng cách bắn phá các hạt nhân đồng vị bền vững bằng bức xạ nguyên tử, Frédéric và Irène Curie đã mở đầu cho việc chế tạo ra hàng loạt chất đồng vị phóng xạ có thời gian sống ngắn như iốt - 131 (8 ngày) - phốt pho - 32 (15 ngày),v.v… Chúng đã được sử dụng một cách thuận tiện và rộng rãi để chẩn đoán và điều trị nhiều loại bệnh tật, từ bệnh về tuyến giáp đến các bệnh về gan, thận, tim, thần kinh, v.v... Các nhà khoa học đã đánh giá phát minh của hai ông bà Frédéric và Irène Curie là một trong những phát minh nhân đạo nhất của thế kỷ XX.

Sau khi bà Marie Curie mất vào năm 1934, Irène Curie đã được bổ nhiệm thay thế mẹ làm Giáo sư trường Đại học Sorbonne. Năm 1936, Chính phủ Bình dân do lãnh tụ Đảng xã hội Léon Blum làm Thủ tướng nắm quyền ở Pháp, bà Irène Curie được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục lãnh đạo việc nghiên cứu khoa học của cả nước. Tháng 9-1936, bà được mời sang Moskva thuyết trình trước các nhà khoa học Liên Xô về đề tài: ''Cấu trúc vật chất và hiện tượng phóng xạ nhân tạo”.

Năm 1938, sau khi hiện tượng phân hạch hạt nhân của Uran được Otto Hahn và các đồng sự phát minh ở Đức thì bà Irène Curie đã cùng với chồng và những nhà Bác học đầu tiên nghiên cứu về hiện tượng này ở Pháp.

Kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, sau khi nước Pháp được giải phóng khỏi ách phát xít Đức; theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp De Gaulle, cơ quan cao ủy nguyên tử Pháp được thành lập; Frédéric Joliot Curie được cử làm Cao ủy nguyên tử và Irène Joliot Curie là thành viên của cơ quan Cao ủy nguyên tử Pháp. Ngày 15-12-1948, dưới sự lãnh đạo của ông bà Frédéric và Irène Joliot Curie, lò phản ứng nguyên tử đầu tiên của Pháp mang tên Zoe được xây dựng thành công.

Trong những năm tháng sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi mà nguy cơ chiến tranh đe dọa tương lai của nhân loại, bà Irène Curie đã cùng chồng tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh cho hòa bình. Fréderic Joliot Curie, với tư cách Chủ tịch phong trào đấu tranh cho hoà bình thế giới, Chủ tịch Liên đoàn Khoa học thế giới, đã trở thành ngọn cờ tiêu biểu của trí thức tiến bộ đấu tranh cho hoà bình. Irène Curie đã luôn đứng bên cạnh chồng trong cuộc đấu tranh này. Cùng với chồng, bà đã được bầu vào Viện Hàn Lâm khoa học Pháp và là Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô, nhiều Viện Hàn Lâm khoa học của một số nước khác.

Bà Irène Joliot Curie mất ngày 17 tháng 3 năm 1956, và ngày 20 tháng 3 nước Pháp đã tổ chức quốc tang để vĩnh biệt một nhà Bác học đã có công lớn đối với nước Pháp và nhân loại.

GS. - TSKH. ĐINH NGỌC LÂN




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390175433462500/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận