Tài liệu: Dã táng

Tài liệu
Dã táng

Nội dung

DÃ TÁNG

 

Dã táng cũng là một hình thức thiên táng. Xưa kia người ta thường thấy tục này ở những khu vực xa xôi hẻo lánh của người du mục sinh sống. Người sau khi chết phải cởi hết quần áo, thân nhân tắm rửa cho thi thể. Sau đó dùng vải trắng bọc lại, mời Lạt Ma tụng Kinh xong, đem thi hài tới một nơi hoang vắng ít người qua lại, đặt người đó gối lên một cái gối nhỏ, tay cầm một quyển Kinh, dùng một mảnh vải sáng màu đậy lại, lấy đất hoặc đá đè bốn góc tấm vải, đợi cho qua, sói và các con thú khác đến ăn thịt. Hình thức táng này đã có từ rất cổ xưa ở Trung Quốc, vốn gọi là “Lộ thiên táng”. Thời đó bên cạnh người chết còn có các đồ trang sức, đồ ăn, đồ dùng trong sinh hoạt và sản xuất khác. Điều này nói lên rằng: thời cổ người ta đã từng cử hành những nghi lễ tương ứng để an ủi linh hồn người chết, sắp xếp cho người chết.

Tục dã táng của người dân tộc Mông Cổ quan trọng nhất là ba ngày sau khi chết, gia quyến hoặc bạn bè thân thiết phải tới nơi đặt xác quan sát, nếu thi thể đã bị thú ăn thịt được coi như người chết đã được “lên thiên đàng”, đem lại may mắn cho người sống. Ngược lại, tử thi vẫn còn nguyên như cũ thì cho là người đó khi sống có tội nên tội ác không mất đi. Họ lại phải mời thầy cúng đến niệm chú cầu khẩn cho vong linh người chết mau chóng được ''lên thiên đàng'', đồng thời phải đổ thêm dầu mỡ lên thi thể để thu hút thú rừng tới.

Còn có hình thức dã táng khác, họ đặt thi hài lên lưng ngựa, hoặc đặt lên xe ngựa, dù là xe ngựa hay lưng ngựa đều tìm cách cho ngựa chạy lồng lên cho tới khi hất tung xác xuống đất. Nếu xác chết rơi xuống đất theo thế nằm sấp thì mọi người vui mừng cho là người đó khi sống rất vẻ vang nên khi chết đã được ''lên thiên đàng''. Nếu xác rơi xuống đất ở thế ngửa mặt lên trời, mọi người buồn rầu cho rằng trời không dung nạp, người đó khi sống hẳn có tội, bạn bè người thân vì thế mà đau khổ, đành phải mời thầy cúng đến làm lễ cầu siêu. Họ cho rằng chỉ có làm thế người chết mới chuộc được tội. Vài ngày sau gia quyến phải tới nơi xác rơi xuống đó xem xét, nếu thi hài bị chim thú ăn hết thì họ tin rằng người chết cuối cùng đã ăn năn hối lỗi.

Người Mông Cổ trong suốt thời gian để tang người thân 49 hoặc 100 ngày không được cắt tóc, cạo râu, không được uống rượu, không ca hát vui chơi hội hè đình đám để bày tỏ sự thương tiếc tưởng nhớ người đã chết.

Ngày nay tập tục dã táng của người Mông Cổ đã mất dần, thay vào đó người ta dùng hình thức quan táng hoặc hỏa táng.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1079-02-633390317552368750/Tuc-le-mai-tang-va-nghi-thuc-mai-tang-cua...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận