Tài liệu: Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912 - 1982) nhà phẫu thuật Việt Nam có một không hai

Tài liệu
Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912 - 1982) nhà phẫu thuật Việt Nam có một không hai

Nội dung

GIÁO SƯ TÔN THẤT TÙNG (1912 - 1982)

NHÀ PHẪU THUẬT VIỆT NAM CÓ MỘT KHÔNG HAI

 

Quê ở Huế, nhưng từ năm 19 tuổi, Tôn Thất Tùng đã ra học ở trường Bưởi, lúc bấy giờ gọi là trường Trung học bảo hộ. Ông trọ tại số nhà 75 phố Hàng Bông, dạo ấy là nơi ở của Giáo sư Hồ Đắc Di.

Vào mùa Đông 1935, anh sinh viên y Tôn Thất Tùng mới 23 tuổi. Anh thường đến mổ xác người chết tại Viện giải phẫu do Giáo sư Huard phụ trách. Anh đã giải phẫu tích được tất cả các ống mật vào mạch máu ở trong gan bằng cái nạo. Giáo sư Đỗ Xuân Hợp, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Quân y nói: ''Tôi phụ trách hướng dẫn thực tập tại Viện Giải phẫu từ năm 1932, biết anh Tùng từ khi anh ấy còn là sinh viên năm thứ tư hay đến mổ xác!”. Sau đó, trong vòng 4 năm (1935 -1939), Tôn Thất Tùng bền bỉ mổ hơn 200 lá gan người chết. Từ đấy, anh viết bản luận án tốt nghiệp Bác sĩ y khoa nhan đề Cách phân chia các mạch máu trong gan. Bản luận án được tặng Huy chương bạc của trường Đại học Tổng hợp Paris. Lúc bấy giờ sau khi biết rõ các tĩnh mạch trong gan, nhà phẫu thuật Tôn Thất Tùng 27 tuổi đi đến giả thiết: Tìm kiếm tất cả các mạch máu ở trong gan, buộc chúng lại rồi mới cắt gan. Đó là phương pháp cắt gan có quy phạm.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ ở Hà Nội, cùng với anh em Việt Minh, Giáo sư Tùng đã tham gia cướp chính quyền ở Phủ Doãn. Chỉ cần nổ ba phát súng là ông Chánh y tế Nhật và ông Phó y tế Pháp bỏ chạy. Cách mạng thành công, Giáo sư Tùng được Chính phủ ta cử làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn và được Giáo sư Hồ Đắc Di, hiệu trưởng, mời tham gia giảng dạy tại trường Đại học Y dược Hà Nội.

Thường sau khi Giáo sư Tùng tiêm thuốc cho Bác Hồ, Bác hay giữ ông lại để hỏi chuyện công việc hay gia đình. Biết ông đã có con trai đầu lòng, Bác nói: ''Để tôi đặt tên cho cháu. Tên chú có họ mộc, nên đặt tên cho con chú là Bách''.

Kháng chiến bùng nổ, Giáo sư Tôn Thất Tùng rời Hà Nội, cùng Giáo sư Hồ Đắc Di dẫn đoàn mổ xẻ lưu động của trường Đại học Y Dược đi phục vụ quân đội.

Mùa Hè năm 1947, Giáo sư Hồ Đắc Di và Giáo sư Tôn Thất Tùng cùng 11 sinh viên xây dựng tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang) trường Đại học Y kháng chiến. Sau từng quãng thời gian giảng dạy, Giáo sư Tùng lại dẫn sinh viên đi tham gia mổ xẻ cho các thương bệnh binh trong các chiến dịch. Năm 1949, Giáo sư Đặng Văn Ngữ từ Tokyo trở về nước, đến Chiêm Hóa cũng góp sức xây dựng trường Y. Giáo sư Hoàng Tích Trí, Bộ trưởng bộ Y tế cũng dạy bộ môn vi trùng học ở đây.

            Năm 1954, ít lâu sau khi tham gia mổ xẻ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tự tay mình cứu sống mấy trăm thương binh, mổ ngay bên bờ suối, Giáo sư Tùng cùng đoàn mổ xẻ lưu động của trường Y, đã mang trở về Bệnh viện Phủ Doãn tất cả các dụng cụ mà đoàn đã mang đi ngay trong đêm nổ súng kháng chiến toàn quốc.

Để có thể dành hết tâm trí cho công việc chuyên môn, Giáo sư Tùng xin thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế mà ông được giao từ năm 1947. Bệnh viện Phủ Doãn trước Cách mạng gọi là Bệnh viện Yersin; từ năm 1958, gọi là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trong suốt mười năm ròng rã, hầu hết ngày nào Giáo sư cũng làm việc 12 tiếng đồng hồ. Có lần được ra nước ngoài, ông ngồi cả tuần trong thư viện, đọc tài liệu ngấu nghiến từ sáng sớm đến đêm khuya, quên cả ăn.

Năm 1958, Giáo sư tiến hành mổ ca tim đầu tiên ở Việt Nam đã thành công. Năm 1964, 10 năm sau giải phóng Thủ đô, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã cải tạo được bệnh viện cũ kỹ lỗi thời ấy thành một bệnh viện hiện đại có 350 giường và hơn 60 chuyên viên, trợ lý giúp việc. Năm 1965, lần đầu tiên ở nước ta, Giáo sư sử dụng thành công máy tim phổi nhân tạo trong khi mổ tim. Ngày 7-1-1961, ông cắt thùy gan phải của một người bệnh bị ung thư gan sơ phát chỉ có trong 6 phút.

Năm 1970, Giáo sư được Thủ Tướng Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ:

"Phát hiện tác hại của các chất diệt cỏ (các chất diệt lá cây) đặc biệt là chất dioxin, và nghiên cứu cách chữa tác hại đó cho nhân dân”.

Phương pháp Tôn Thất Tùng, một quá trình kéo dài 39 năm, từ mùa Đông 1935 đến mùa Thu 1974, cuối cùng mới được giới phẫu thuật quốc tế nhất trí thừa nhận là một phương pháp kinh điển về phẫu thuật gan. Sau ngày Hà Nội được giải phóng, Giáo sư Tùng mới được biết là vào năm 1952, Giáo sư Lortat-Jacob người Pháp đã thành công trong việc mổ gan có quy phạm bằng cách: trước khi cắt gan tìm và buộc tất cả các cuống mạch máu ở ngoài gan. Giáo sư Tùng lại muốn làm tiếp cái công việc bỏ dở từ năm 1939.

Năm 1977, Giáo sư Tôn Thất Tùng được Viện Hàn Lâm Phẫu thuật Paris tặng huy chương phẫu thuật Quốc tế mang tên Lannelongue. Đây là loại huy chương được đặt ra từ năm 1911 và 5 năm mới tặng một lần cho một người mà thôi, người đó hiển nhiên phải là nhà phẫu thuật xuất sắc nhất thế giới trong thời gian đó, Giáo sư Tôn Thất Tùng là người thứ 12 được tặng huy chương ấy.

Năm 1979, Nhà xuất bản Masson (Mátxông) ở Paris in một tác phẩm mới của Tôn Thất Tùng nhan đề: Phẫu thuật lớn và nhỏ về gan trong đó Giáo sư tổng kết 715 trường hợp cắt gan. Sau đó được Nhà xuất bản Moskva dịch sang tiếng Nga. Công trình của giáo sư Tùng được đưa vào tạp chí Chọn lọc Tài liệu sản và phẫu thuật (Obsterics and Surgery's Reader digest) xuất bản ở Mỹ... Phương pháp Tôn Thất Tùng được giới thiệu trong Bách khoa toàn thư về Nội thương Phẫu thuật của Pháp (Encyclopédie medico-chirutgicale).

Trong nhiều lĩnh vực khác, Tôn Thất Tùng cũng có những khám phá mới mẻ: sỏi đường mật ở Việt Nam không nằm trong túi mật như ở châu Âu mà lại nằm trong gan. Bệnh phù tụy ở Việt Nam không phải là do sỏi mà do giun đũa chui vào ống mật. Ông còn phát hiện và đặt tên cho một bệnh mới là bệnh Hêmôbilia nhiệt đới để phân biệt với chứng bệnh tương tự bên Âu-Mỹ.

Ngày 4-11-1981, Bệnh viện Việt Đức nhận được một em bé 7 tuổi không may bị xe điện nghiến nát hai cánh tay, một cẳng chân. Ngay sau đó ông đã xin cho em bé rủi ro kia hai cánh tay giả điện tử để cứu vãn tương lai của em.

Mùa Hè 1982, Giáo sư Tôn Thất Tùng và Bác sĩ Tôn Thất Bách[1] đến Italia dự Đại hội Quốc tế ngành gan-mật. Sau chuyến đi xa và làm việc quá căng thẳng, khi trở về nước, Giáo sư đột ngột qua đời do một cơn nhồi máu cơ tim lúc 11 giờ 45 phút ngày 7-5-1982 đúng vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ mà ông đã tích cực tham gia.

Đối với công lao to lớn của Giáo sư Tôn Thất Tùng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã ghi lại bằng những tặng thưởng cao quý nhất: danh hiệu Anh hùng lao động, hai lần Huân chương lao động nhất và hạng nhì, Huân chương Chiến sĩ hạng nhất và Huân chương Kháng chiến hạng ba. Sau khi qua đời Giáo sư được Nhà nước ta truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Giáo sư Tôn Thất Tùng có để lại một tác phẩm: Đường vào khoa học của tôi, do chính ông viết. Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản. Nhân dân ta tín nhiệm bầu Giáo sư làm đại biểu Quốc hội nhiều khóa liền. Tên của ông được đặt cho một phố ở Hà Nội và cả ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi Giáo sư Tôn Thất Tùng qua đời, chiều 23-5-1982, Hội Y học Việt Nam tại Pháp đã làm lễ cầu siêu cho Giáo sư tại chùa Trúc tâm ở ngoại ô Paris. Giáo sư Huard đến dự và nói rằng, ông cảm thấy hãnh diện trước ''Những cống hiến xuất sắc của Giáo sư Tôn Thất Tùng đối với y học thế giới cũng như đối với tình hữu nghị của nhân dân hai nước Pháp và Việt Nam''. Phương pháp mổ gan do Giáo sư đề xướng vẫn tiếp tục được phổ biến trên thế giới. Trong năm 1984, Giáo sư A.E. Paletto và Bác sĩ M.Salizoni (Golizônt) ở Tôrinô, giáo sư M. Giordani (Giócđani) ở Roma (Italia) đã sang làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) để học tập phương pháp cắt gan của Giáo sư Tôn Thất Tùng. Họ có mang theo cuốn sách nhan đề Le Rezediom epatiche (Lơ rezeđiom epatik), sách của Giáo sư dịch sang tiếng Italia.

Năm 1984, trong cuốn sách nhan đề Chất diệt cỏ trong chiến tranh, những hậu quả lâu dài về mặt sinh thái học và đối với cơ thể con người, Giáo sư Arthur H. Westing đã viết: ''Sách này được đề tặng vong linh Giáo sư Tôn Thất Tùng''.

GS. VŨ VĂN CHUYÊN




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390178962212500/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận