Tài liệu: Bồ Tùng Linh (1640-1715)

Tài liệu
Bồ Tùng Linh (1640-1715)

Nội dung

BỒ TÙNG LINH (1640-1715)

 

Tên chữ là Lưu Tiên và Kiếm Thần, hiệu Liễu Tuyền, người huyện Truy Xuyên, tỉnh Sơn Đông. Ông là nhà viết truyện ngắn truyền kỳ xuất sắc ở đời Thanh (Trung Quốc). Cuộc đời Bồ Tùng Linh trải qua nhiều lận đận, cho đến tận năm 72 tuổi (1711) mới đỗ Cống sinh (Tú tài). Với học vị nhỏ nhoi đó, cụ tân khoa chưa kịp thi thố tài năng gì thì bốn năm sau đã qua đời. Tác phẩm của ông còn lại khá phong phú, ngoài bộ Liêu trai trí dị còn có Văn tập (4 quyển); Thi tập (6 quyển); 14 vở ca khúc dân gian và ba vở kịch, trong đó có một số vở là chuyển thể từ các chuyện ngắn trong Liêu trai chí dị. Một nhà thơ nổi tiếng đương thời là Ngư Dương Lão Nhân (tức Vương Sĩ Trinh, tự Di Thượng, hiệu Nguyễn Đình, biệt hiệu Ngư Dương Sơn Nhân, người đất Tân Thành từng đậu Tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư) đã viết lời Đề từ cho tập truyện này:

Cô vọng ngôn chi, cô thích chi,

Đậu bằng qua giá, vũ như ti.

Liệu ưng yếm tác, nhân gian ngữ,

Ái thích thu phần quỷ xướng thi.

Nghĩa là:

Nói láo mà chơi nghe nói chơi!

Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi.

Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc,

Thơ thẩn nghe mà đọc mấy lời.

 (Bản dịch của Tản Đà)

Bộ Liêu trai chí dị gồm 431 truyện ngắn viết theo phong cách truyền kỳ, có nguồn gốc từ truyện Chí quái Lục triều hoặc sưu tầm trong dân gian, nhưng đã được tác giả gia công sáng tạo thêm nhiều.

Về mặt nội dung xã hội, Liêu trai chí dị phê phán mạnh mẽ bọn quan lại thống trị, phơi bày tệ lậu của chế độ khoa cử, đồng thời mô tả quan hệ yêu đương với ngòi bút phóng khoáng, gián tiếp thể hiện các nhu cầu tình cảm của con người. Xét trên phương diện tư duy nghệ thuật, tác giả đưa ra môtíp chàng thư sinh, cô gái đẹp, mối quan hệ tài tử giai nhân, việc ký thác truyện đời trong những cốt truyện ma quái, hư ảo, thần kỳ đã tạo nên sức hấp dẫn, sâu sắc. Các thiên truyện của Bồ Tùng Linh quả nhiên không phải chỉ là sự mô tả hiện thực theo lối sao chép mà chính là diễn tả cảm hứng, quan niệm hiện thực đời sống theo một bút pháp đặc trưng của loại hình truyền kỳ ở đây có sự pha tạp, chuyển hóa, thay đổi số phận con người với thế giới ma quỷ của hồ tinh, yêu quái, cây hoa, cô gái trong tranh... Phải chăng đó chính là cách hình dung thế giới để tạo nên tính đa nghĩa, đa tình đan quện giữa thực và kỳ, hiện hình và hư ảo, giữa thế giới trực quan và phần tâm linh chìm khuất, ẩn hiện trong màn sương vô thức. Cái thế giới hư ảo đó thực chất là hệ quy chiếu và là mặt âm bản của cuộc sống trần gian, trong đó có đầy đủ mọi trạng thái tình cảm tham, sân, si, ái, ố, hỷ, nộ; có mọi niềm vui hoan lạc và niềm thương, đau khổ bởi xa cách, chia lìa. Đặt trong tương quan chung, Liêu trai chí dị[1] có ý nghĩa điển hình của loại hình truyện truyền kỳ ở Trung Quốc nói riêng và cả vùng văn học phương Đông nói chung.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389423549565778/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận