Bồng ru và tắm cho bé
Chúng tôi đã nói khá kỹ về sự cần thiết đối với trẻ những xung động tâm lý tích cực đẩy nhanh quá trình phát triển thế giới cảm xúc và các giác quan của trẻ. Trẻ sơ sinh chưa có khả năng sử dụng thị giác và thính giác để tiếp nhận thế giới bao quanh. Mắt và tai chúng tuy đã hình thành đầy đủ nhưng hệ thống thần kinh chưa được rèn luyện để hoạt động cho nên chưa đưa được hình ảnh và âm thanh thu được vào vỏ não.
Trẻ mới sinh chỉ phân biệt được ánh sáng và bóng tối, chưa đủ sức nhìn lâu vật gì và phân biệt vật này với vật khác. Chúng tiếp nhận thế giới bên ngoài mới chỉ thông qua da (xúc giác) và chủ yếu là miệng. Vú mẹ, ngón tay của chúng và bất kỳ vật nào vớ được chúng đều đưa lên miệng. Ngay từ những ngày đầu tiên, trẻ đã phân biệt được cảm giác dễ chịu và khó chịu tuỳ theo vật tiếp xúc cứng hay mềm, nóng quá, lạnh hay ấm áp, vật hình dạng cố định hay chuyển động... Trong thời kỳ này, xung động từ bên ngoài lót vào cảm xúc của trẻ càng phong phú càng tốt, tất nhiên vẫn phải một giới hạn, đừng nhiều quá mức.
Đối với trẻ, thứ gì là dễ chịu? Được bú mẹ, được vuốt ve, được tắm, được ôm ấp. Tốt nhất là nếu chúng ta tạo được cho trẻ những điều kiện giống như khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ giúp trẻ đỡ cảm thấy thay đổi từ lúc chưa sinh đến lúc ra đời quá đột ngột, khiến chúng khó chịu. Nằm trong bụng mẹ, chúng lúc nào cũng được ấm áp, no và nước ối bao quanh khiến chúng cảm thấy êm ái. Trong đó chúng tha hồ cựa quậy, vung tay vung chân, muốn xoay chuyển thế nào cũng được, không lo mất thăng bằng. Thêm nữa khi mẹ đi, chúng được đưa đẩy nhịp nhàng và dễ chịu biết bao.
Xuất phát từ nhận xét trên, chúng ta đi đến kết luận rằng, người mẹ nên cố gắng đến mức tối đa, nhất là trong lúc trẻ thức, đảm bảo cho chúng những cảm giác như khi còn nằm trong bụng. Trước hết là sự tiếp xúc với thân thể và hơi ấm của mẹ. Rồi đến tiết tấu nhịp nhàng. Phải chăng chính vì thế mà ở nhiều nước phương Đông, kể cả ở Nhật là nước công nghiệp phát triển cao, cho đến nay vẫn còn tục bà mẹ địu con mỗi khi đi ra khỏi nhà.
Hiện nay khoa học chưa nghiên cứu đầy đủ về phản xạ của trẻ một tiếng đồng hồ sau khi ra đời. Ta nhận xét thấy trẻ sơ sinh gặp đầu gậy hay ngón tay người lớn đưa ra là túm chặt lấy giữ đến 30 - 60 giây mới chịu buông. Đó là bản năng của mọi cơ thể sống muốn tìm chỗ dựa ở một vật gì vững chãi. Chỗ dựa của bé trước hết là mẹ. Sợ ôm ấp con quá nhiều trong thời kỳ trứng nước này sẽ có hại là quan niệm không dựa trên cơ sở nào hết. Chưa nhà tâm lý học nào chứng minh được rằng mẹ ôm ấp con nhiều làm hư con?
Nụ cười xuất hiện trên môi bé từ tuần thứ sáu biểu lộ cảm giác thích thú đó. Cách làm bé thích nhất là bồng lên và đưa đẩy cánh tay. Một thích thú khác đối với bé là được tắm. Đây là thuận lợi cho chúng ta để giữ trẻ sạch sẽ. Một chậu to đầy nước đủ ấm tốt hơn nhiều so với hoa sen nước lạnh. Một số bà mẹ kiêng tắm cho con. Đó là do nghe lời khuyên cổ hủ phản khoa học của một số bà nội, bà ngoại. Và vấn đề chỉ được giải quyết nhờ ông bố. Các ông bố trẻ không thấy việc tắm rửa cho trẻ là điều phải kiêng kỵ.
Trong việc tắm táp cho trẻ cần có một số điểm đáng chú ý. Trước hết cần tắm đều đặn, hàng ngày và nếu có thể mỗi ngày hai lần. Và việc tắm phải trở thành một công việc thích thú cho cả con lẫn mẹ. Giữ sạch sẽ cho con cũng là một cách tạo cho trẻ thói quen giữ thân thể sạch sẽ sau này. Tâm trạng người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa con. Người mẹ tắm cho con mà trong lòng bực bội, bẳn gắt sẽ gây phản xạ tiêu cực đến con. Thậm chí quá tỉ mỉ tuân theo những “chỉ dẫn” trong sách biến việc tắm cho con thành một việc khô khan lạnh lùng cũng không tốt, làm trẻ sau này sợ tắm. Quy tắc cần nhớ là nói chung nên kéo dài những gì trẻ thích thú và hạn chế những gì trẻ không thích. Chẳng hạn trẻ mới sinh rất không muốn mẹ sát xà phòng lên đầu cho bé. Vậy bạn nên pha nước với xà phòng vào chậu, cho trẻ vùng vẫy một lát để quen rồi mới tưới nước đó lên đầu.
Tắm cũng như mặc quần áo cho bé cần làm cách nào biến thành sự thích thú cho bé. Đừng để trẻ sợ tắm, sợ thay quần áo.