Trẻ khóc
Các bà mẹ nuôi con dù ở độ tuổi nào và trình độ học vấn ra sao đều luôn băn khoăn trước hai giải pháp: khi con khóc có nên cho nó bú hay không? Nên cho nó ngậm vú cao su hay cứ mặc cho nó can đảm dần? Xin có lời khuyên: cái bạn hãy tạm gác sách hướng dẫn lại và thử cố nhìn mọi thứ bằng cặp mắt của trẻ.
Các bạn đừng sợ tiếng khóc và tiếng gào thét của trẻ. Chúng còn quá non nớt và chưa biết cách nào khác để thể hiện điều chúng mong muốn. Bạn hãy tìm cách phân biệt từng kiểu khóc, từng thứ gào thét của trẻ. Mỗi kiểu đều có sắc thái khác nhau. Người mẹ tinh ý nghe tiếng con kêu khóc có đoán chính xác con mình đang cần gì và đáp ứng ngay yêu cầu của con.
Chúng tôi không thể trình bầy ở đây từng sắc thái vì tiếng khóc của trẻ có hàng ngàn hàng vạn sắc thái khác nhau. Chúng tôi chỉ nêu bốn loại chính của tiếng khóc trẻ sơ sinh.
1. Gào thét biểu lộ vui mừng, cảm giác thỏa mãn và thèm hoạt động của trẻ. Loại khóc và gào này là một thứ tập được thân thể của chúng. Trẻ tập phát ra âm thanh thuộc các cường độ khác nhau từ tiếng gào vỡ nhà cho đến tiếng gù gù nhỏ. Trường hợp này hoàn toàn không cần đến sự can thiệp của người mẹ, trừ trường hợp mẹ muốn khuyến khích thêm sự tập dượt ấy. Trẻ hiếu động đang cần giải tỏa năng lượng, khí chất bị ghìm đọng trong cơ thể chúng thành tiếng thét gào. Và chúng mau phát triển hơn những trẻ lành và thụ động.
2. Kêu khóc do đau. Loại kêu khóc này thông thường ở âm vực cao, hay kèm theo vật vã hoặc cựa quậy. Thí dụ, nếu là đau bụng (do tiêu hóa) trẻ thường nâng cao hai chân. Nếu vì ánh sáng quá mạnh hay tiếng động quá to thì trẻ hay quay mặt để tránh. Đói cũng là nguyên nhân trẻ kêu khóc, đặc biệt trong vài tháng đầu tiên sau khi sinh. Người lớn đói có thể kiềm chế và kiên nhẫn đợi đến lúc có điều kiện ăn nhưng trẻ thì không thế. Bởi vậy chúng ta không thể đòi trẻ cố chịu. Hãy cho trẻ bú, nếu như bạn không chủ trương đợi đến đúng giờ quy định mới cho con bú.
Thuộc loại kêu khóc thứ hai còn có cả nỗi khó chịu khi trẻ cảm thấy bẩn trong người (nước đái, mồ hôi nhớp nhúa hay phân...). Tuy nhiên phần do bẩn mà trẻ kêu khóc thì ít mà chủ yếu do trẻ biết sắp phải thay tã phải chịu lạnh, nước sắp xối lên da thịt chúng, chúng kêu khóc trước.
Tóm lại, loại kêu khóc thứ hai này biểu lộ trẻ đang khó chịu và cần được loại trừ nỗi khó chịu. Bạn cần hiểu được nguyên nhân nào tạo nên sự khó chịu và giúp trẻ giải tỏa.
3. Không thấy ai chú ý đến, trẻ giận dữ khóc thét lên, giẫy giụa chân hay rất mạnh thậm chí rung cả giường. Bạn đừng hốt hoảng. Việc “xì hơi” ra ngoài những cảm xúc tiêu cực kiểu như vậy rất có lợi cho sức khỏe của trẻ. Chúng hy vọng khóc và kêu gào sẽ buộc lớn người (trước hết là mẹ) phải quan tâm đến chúng. Bạn hãy làm chúng thất vọng bằng cách để mặc chúng gào khóc cho đến mệt thì thôi. Nếu như bạn “dẹp” cơn giận giữ của trẻ bằng cách ôm ấp, vuốt ve thì sẽ tạo nếp rất không tốt. Nếu bạn kiên quyết “phớt lờ” lần sau chúng chỉ gào lên chút ít rồi thôi và tự tìm lấy cảm giác “dễ chịu” bằng cách nào đó: mút ngón tay, cựa quậy để tạo cảm giác dễ chịu, hoặc mân mê bộ phận sinh dục của chúng một cách bản năng.
4. Khóc vì buồn. Đó là khi trẻ cảm thấy mất tự tin, không còn cảm giác an toàn và thấy cô đơn. Loại kêu khóc này, nhân viên các nhà hộ sinh và những cơ sở điều trị biết rất rõ. Bởi vậy trẻ chưa đầy năm mà phải nằm viện, rất cần có mẹ bên cạnh thường xuyên. Xa mẹ bao giờ cũng tạo nên “stress” cho trẻ, làm thần kinh chúng bị tổn thương. Cần nói thêm rằng loại kêu khóc này dễ bị nhiều bà mẹ tưởng lầm là loại “tập cho khỏe phổi” và không quan tâm đến. Đối với loại kêu khóc vì buồn bã này, người mẹ nên bồng con lên nựng và vuốt ve trìu mến. Chỉ cách đó mới giải tỏa cho trẻ cảm giác mất an toàn và cô đơn rất có hại cho tâm lý trẻ sau này.