Tài liệu: Bướng bỉnh của tuổi thơ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Biểu hiện của sự bướng bỉnh này chúng ta bắt đầu nhận thấy ngay từ khi trẻ mới 3-4 tháng tuổi
Bướng bỉnh của tuổi thơ

Nội dung

Bướng bỉnh của tuổi thơ

Biểu hiện của sự bướng bỉnh này chúng ta bắt đầu nhận thấy ngay từ khi trẻ mới 3-4 tháng tuổi. Đa số trường hợp thái độ bướng bỉnh này diễn ra vô ý thức, trẻ cưỡng lại một số hành động nào đó của người lớn theo cách bản năng. Chẳng hạn, khi bé bị ngăn trở một cử chỉ nào, bé thấy đau hoặc khó chịu trong người (như khi mẹ lấy bông thấm nước mũi hoặc tai cho bé) hoặc gặp một việc gì trái với điều bé chờ đợi.

Dần dần mối quan hệ tình cảm được thiết lập bình thường. Nhưng đến cuối tháng tuổi thứ bảy, những phản ứng kiểu như vậy tất nhiên không giảm mà tăng lên. Chỉ cần mẹ đi ngang qua không nhìn bé một cái, hoặc mẹ giằng đồ chơi đang trong tay bé, bắt bé ăn v.v… là bé phản kháng quyết liệt ngay.

Sau năm tuổi thứ nhất, trong từ vựng ngôn ngữ của bé đã hình thành một cách vững chãi từ “ứ!”.Thời kỳ này được gọi là thời kỳ “phản kháng” kéo dài cho đến tuổi đi học.

Sự “phản kháng” thông thường được biểu lộ qua thái độ ngồi bệt xuống đất, la hét, đạp hai chân, đánh người lớn. Ở nhiều đứa trẻ những hành vi phản kháng kiểu này nối tiếp nhau thành cả một chuỗi. Các bạn khó chịu nhưng than ôi, đấy lại là hiện tượng tự nhiên của sự phát triển bình thường của trẻ.

Xung đột với người xung quanh bằng hành vi phản kháng và thái độ bướng bỉnh chính là biểu hiện của một quá trình vất vả nhận thức thế giới bao quanh. Quá trình này khởi đầu từ sự phản kháng để dần dần tiến tới tự nhận thức và cuối cùng là ý thức được nhân phẩm và lòng tự trọng của bản thân trẻ. Nhiều thứ lúc này làm ta bực bội chính là mầm mống tạo nên cho trẻ sau này lòng can đảm, nghị lực và nhiều phẩm chất quý giá khác giúp chúng đương đầu với cuộc đời trong tương lai. Và lúc này đây nó mới lờ mờ ý thức được nhân cách và chưa đủ sức điều khiển tình cảm của bản thân.

Vậy thái độ cha mẹ nên thế nào trước sự bướng bỉnh, phản kháng này của con? Trước hết chúng ta phải hiểu rằng trẻ bướng bỉnh, phản kháng không phải do chúng thích phản kháng, mà vì chúng rơi vào những hoàn cảnh trái ý chúng chưa đủ sức đối phó. Phản kháng của chúng xuất hiện bất thần, chưa thông qua suy tính gì hết. Hành vi của chúng không nhằm đạt tới gì hết, bởi vì trẻ chưa ý thức được chúng phản kháng thế để làm gì. Nhưng nếu người lớn không có thái độ đúng thì sự phản kháng đó sẽ thành nếp và là một phương tiện để ép người lớn sau này.

Phản kháng của trẻ xuất hiện trong hai trường hợp. Một là, khi người lớn bắt trẻ làm điều gì nó không muốn, hay là, khi trẻ đòi mà không được thoả mãn. Chẳng hạn, lấy đồ chơi trong tay bé, bắt bé mặc áo đẹp để đi chơi với mẹ. Khi đi chơi thì mẹ bắt bé theo lối này trong khi bé lại thích đi lối kia. Bé đòi ăn kem, nhưng mẹ bảo sắp đến bữa cơm rồi, không cho bé ăn. Tất cả điều đó trái với ý muốn của bé và làm tổn thương điều bé mong ước.

Sự phản kháng không hướng vào đồ vật (cái thìa, con búp bê) mà vào người lớn. Thái độ phản kháng không có nghĩa bé thù địch với cha hay mẹ nói chung mà chỉ cưỡng lại một hành động nào đó cụ thể lúc ấy của người lớn. Do đấy, khi sự phản kháng kết thúc bé vẫn cười với mẹ như thường, thậm chí còn ngoan ngoãn hơn lúc vừa rồi. Nói cách khác, sự phản kháng không hướng vào người nào mà vào một hành động, một tình huống, một thái độ cưỡng bức của người lớn.

Xuất phát từ nguyên nhân tâm lý trẻ thơ ấy mà chúng ta tìm ra thái độ thích hợp. Trước hết cần ngăn ngừa thái độ phản kháng của bé. Không phải bằng cách “cậu muốn gì cũng chiều”. Nguyên nhân của phản kháng nằm trong sự căng thẳng tâm lý của bé. Và chúng ta cần tập cách giải toả tình trạng căng thẳng ấy.

Điều kiện đầu tiên để tạo thăng bằng tâm lý cho bé là không khí bình thản, đầm ấm giữa những thành viên trong gia đình. Trong giai đoạn phát triển này cũng giống giai đoạn dậy thì sau này, trẻ rất cần tình cảm yêu thương của mọi thành viên trong gia đình, rất cần được thấy rõ nó có thể yên tâm dựa vào chúng ta.

Không nên để trẻ cảm thấy cô đơn, không nên để lộ những hình phạt của người lớn đặt trẻ vào thế cô lập. Cần tạo cho trẻ thoải mái, được tự điều chỉnh và tiếp nhận những xung động tinh thần mang tính tích cực từ bên ngoài tác động tới. Cần cho phép trẻ tự thu thập kinh nghiệm và trừ trường hợp thật cần thiết, đừng bắt trẻ ngừng cuộc chơi chúng đang hào hứng.

Kinh nghiệm cho thấy gia đình nào bố mẹ quá quan tâm đến con cái, chăm chút giáo dục con quá nhiều, trẻ lại bướng bỉnh hơn những gia đình trẻ được hưởng một sự tự do hợp lý.

Nhưng nếu không ngăn chặn được trước và sự phản kháng đã bộc lộ ra rồi thì nhất thiết không được dùng bạo lực đàn áp. Có nguy cơ tạo nên sự hằn thù của đối với người lớn. Tốt nhất là để mặc cho sự phản kháng ấy bộc lộ hết sức. Tất nhiên khi gặp trường hợp này, chúng ta rất khó tự kiềm chế và nhẫn nại đợi cho cơn phản kháng của trẻ chấm dứt. Dù sao thì bạn hãy cố gắng tuân theo nguyên tắc: để cho trẻ tự ngừng. Nguyên tắc này không những phù hợp với khả năng của trẻ mà còn giúp cha mẹ tập kiên nhẫn và bình tĩnh tính toán những hành động tiếp theo.

Chúng tôi tự cho phép đưa ra một số lời khuyên cụ thể. Để chấm dứt cơn phản kháng của trẻ, các bạn cần có thái độ không cứng rắn quá, nhưng cũng không nên mềm yếu quá. Tốt nhất là đánh lạc hướng chú ý của trẻ sang thứ khác, để giải tỏa sự căng thẳng kia. Cho nên đừng lên lớp thuyết giáo, bảo trẻ phải biết điều và đừng làm xấu mặt bố mẹ, mà chỉ đơn giản đưa trẻ sang phòng bên cạnh, để nó ngồi một mình. Trước khi đưa có thể lắc nhẹ con một cái, nếu không đưa sang phòng khác, có thể để mặc nó một mình trong phòng, mọi người bỏ ra hết. Trẻ không còn đối tượng phản kháng sẽ nguôi dần. Nhất là nếu có thứ gì chơi, nó sẽ chuyển sang thứ đó và quên, cơn phản kháng chấm dứt!

Sau đó, như chúng tôi đã nêu, bạn nên làm ra vẻ như chính bé tự thôi và vừa qua chỉ là một sự hiểu lầm chốc lát không đáng gì. Thật dại dột nếu khi trẻ đã thôi, không hờn nữa là bạn vẫn tức và tiếp tục đay nghiến. Lúc này thái độ coi nhẹ cơn hờn của trẻ, trở lại thương yêu dịu dàng với trẻ, càng mau giúp trẻ lấy lại trạng thái cân bằng tâm lý đã mất đi lúc trước.

Chúng tôi cũng tha thiết khuyên các bậc cha mẹ, sau cơn hờn của trẻ, đừng bắt chúng hứa lần sau không lặp lại nữa. Bởi trẻ vào độ tuổi đó chưa đủ sức giữ lời hứa kia. Riêng chúng ta thì nên rút kinh nghiệm để hiểu thêm trẻ và lần sau biết cách ngăn cản trước một cách khéo léo không để trẻ lên cơn hờn như vừa rồi nữa. Ngăn chặn không có nghĩa là nuông chiều, bỏ qua những yêu cầu đối với trẻ.

Chính qua những mối quan hệ qua lại giữa cha mẹ và con chan chứa những khám phá lý thú nhưng không tránh khỏi những mâu thuẫn và buồn bực, trẻ trưởng thành đã đành mà bản thân cha mẹ cũng giàu thêm kinh nghiệm, giúp cho cuộc sống của chúng ta phong phú hơn, khôn ngoan hơn, và cả cha mẹ lẫn con cái đều hạnh phúc hơn.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4313-02-633737429025658332/Nam-nam-qui-bau-cua-dua-Con/Buong-binh-cu...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận