Tránh để da bị cháy nắng vào mùa hè
Mùa hè là mùa của các bạn gái, là khi các bạn có thể phô diễn được vẻ đẹp tự nhiên, rạng ngời của mình trong các hoạt động ngoài trời sôi nổi, đầy sức sống. Ánh mặt trời rực rỡ của mùa hè luôn mang lại cho chúng ta cảm giác tươi mới, rộn ràng. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết rằng, trong ánh sáng mặt trời có rất nhiều tia tử ngoại, có thể gây tổn hại cho da, nhất là bàn da mỏng manh của các thiếu nữ đang tuổi mới lớn.
Tia tử ngoại còn được gọi là tia UV, là một tia sáng không nhìn thấy được và được xem là kẻ thù lớn nhất đối với sắc đẹp của nữ giới. Các tia tử ngoại cũng giống như những sát thủ vô hình, luôn hiện hữu xung quanh chúng ta, làm tổn hại, gây đen sạm và lão hóa da.
Các tia tử ngoại có bước sóng dài ngắn khác nhau và được chia thành: UVA - Tia tử ngoại có bước sóng dài; UVB - Tia tử ngoại có bước sóng trung bình và UVC - Tia tử ngoại có bước sóng ngắn. Tia UVA có thể xâm nhập sâu vào bề mặt da, làm đứt gãy hoặc dãn các tổ chức xơ, khiến da khô, dãn tạo thành các nếp nhăn, dẫn đến tình trạng lão hóa. Khi các tia UVB xâm nhập vào bề mặt da, có thể làm sinh ra các “đốm đỏ” trên da. Tia UVC lại thường bị không khí trong bầu khí quyển cản lại nên ít gây tổn hại đến da của chúng ta. Thời gian trong không khí có nhiều tia tử ngoại nhất là từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, đặc biệt và tháng 6 ở những nơi mà ánh mặt trời luôn chiếu gay gắt. Bạn gái cần cố gắng để bảo vệ làn da của mình, phòng chống tác hại của các tia tử ngoại trong thời gian này. Tuy nhiên, ngay cả trong những ngày mùa đông lạnh giá, khi bạn không thể nhìn thấy mặt trời thì trong không khí vẫn có một lượng tương đối các tia tử ngoại. Thời gian các tia tử ngoại chiếu xuống mặt đất mạnh nhất trong ngày và từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Vì vậy, bạn gái cần có có ý thức bảo vệ làn da của mình thường xuyên và liên tục, không phân biệt mùa đông hay mùa hè nhưng cần đặc biệt coi trọng vấn đề này trong những ngày hè nóng bức.
Vậy chúng ta nên làm thế nào để da không bị cháy nắng, tổn hại quá nhiều bởi ánh sáng mặt trời?
- Hạn chế ra nắng trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều hàng ngày.
- Luôn mang theo mũ, nón hoặc ô, mặc áo chống nắng mỗi khi đi ra ngoài.
- Sử dụng sản phẩm kem chống nắng phù hợp với loại da của mình.
Chỉ số chống nắng hay còn gọi là SPF, là số liệu cho thấy sản phẩm đó có khả năng chống nắng tốt hay không. Thông thường, chỉ số chống nắng càng cao thì khả năng chống nắng của sản phẩm càng tốt hơn. Giả sử một người đứng dưới nắng sẽ xuất hiện đốm đỏ trên da sau khoảng 10 phút, nhưng nếu được thoa kem chống nắng thì thời gian sẽ xuất hiện đốm đỏ trên da là 100 phút. Vậy chỉ số SPF = 100/10 = 10; cũng có nghĩa là sau khi thoa kem, da của bạn có khả năng chịu nắng gấp 10 lần bình thường.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì những người châu Á nên chọn sử dụng loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 10 -15 là phù hợp. Nếu đi bơi ngoài trời hoặc chơi bóng trên bãi biển, bạn nên chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 20 trở lên để tránh bị tổn thương da.
Ngoài ra, về mùa hè, cơ thể dễ ra nhiều mồ hôi nên dù đã thoa kem chống nắng thì bạn cũng chỉ nên hoạt động với một lượng vừa phải để lượng mồ hôi thoát ra có thể được bổ sung kịp thời.