Tài liệu: Đứa trẻ là thành viên của gia đình

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Chúng ta bước lên một bậc cao hơn và xét đến nhóm thứ tư của những nhu cầu tâm lý, tức là sự hình thành vai trò xã hội của đứa trẻ
Đứa trẻ là thành viên của gia đình

Nội dung

Đứa trẻ là thành viên của gia đình

Chúng ta bước lên một bậc cao hơn và xét đến nhóm thứ tư của những nhu cầu tâm lý, tức là sự hình thành vai trò xã hội của đứa trẻ. Như đã nói ở trên, những cảm giác sâu xa gắn liền đứa trẻ với người mẹ từ tháng thứ bảy đến tháng thứ chín đạt đỉnh điểm vào cuối năm tuổi thứ nhất. Năm tuổi thứ hai và thứ ba là thời kỳ trẻ hòa rộng ra cả gia đình. Không phải chuyện đứa trẻ bắt đầu nhận ra cha, bà, cô bác. Nó nhận ra từng người từ lâu và đã phân biệt được họ. Nhưng chỉ sau khi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên và tiếp cận với thế giới đồ vật, trẻ mới bắt đầu có thái độ khác nhau đối với từng thành viên trong gia đình, tuỳ theo thái độ của mỗi người đối với nó, cụ thể là cách phản ứng của họ đối với hoạt động của nó.

Nói cách khác, trẻ bắt đầu nhận ra vị trí của từng thành viên trong gia đình. Nó hiểu dần vị trí của cha mẹ, ông, bà không phải qua cách xử sự giữa họ với nhau (mặc dù trước mặt đứa trẻ, mọi người đều phải giữ ý, tế nhị và tôn trọng lẫn nhau) mà trước hết qua cách mỗi người đối xử với trẻ thế nào. Song song với việc nhận thức những khác biệt ấy, đứa trẻ bắt đầu tự nhận thức bản thân nó.

Cuối năm tuổi thứ hai, việc tự nhận thức nói trên đã tiến triển rất nhanh đến mức bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn giữa trẻ và các thành viên khác trong gia đình: Trẻ bắt đầu thỉnh thoảng trở nên bướng bỉnh và phản đối người khác. Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập kỹ hơn trong đoạn sau.

Cách nhìn nhận của người lớn đối với trẻ cũng dần dần phân hoá. Có người bảo nó “bướng”, “hay sinh sự” hoặc “được nuông chiều quá hay nhõng nhẽo”. Có điều lạ là đôi khi trẻ tỏ ra biết cách thích ứng với từng người giống như diễn viên nhập vai vậy.

Nếu như trong năm tuổi đầu tiên, trẻ mới chỉ là một bộ phận dính liền vào mẹ, rời khỏi mẹ là không dám đi đâu, làm gì thì sang năm tuổi thứ hai và thứ ba, trẻ dần dần tự lập, trở thành một nhân cách tương đối rõ nét. Cuối thời kỳ này, nó đã cảm thấy là một thành viên thật sự của gia đình và bắt đầu đòi người lớn phải đối xử với nó bình đẳng, tôn trọng. Do đấy mà sang năm tuổi thứ ba, trẻ đã khẳng định một cách đàng hoàng nhiều điều, chẳng hạn chúng tuyên bố “bao giờ lớn con sẽ cưới mẹ” nếu là trẻ trai, hoặc nếu là trẻ gái, thì câu tuyên bố lại là “con sẽ đẻ bốn em bé và sẽ đi cùng với cha sang châu Phi!”

Chúng tôi sẽ không đi quá xa như những nhà phân tâm học nhìn thấy trong những câu tuyên bố thơ ngây đó biểu hiện của thiên hướng vô thức trong tâm lý trẻ trai muốn thế chân ông bố và trẻ gái muốn thế chân bà mẹ, hưởng thụ những ưu đãi mà bố dành cho mẹ hoặc mẹ dành cho bố.

Nhưng cũng không nên bỏ qua sự hình thành trong tâm lý trẻ sự hiểu biết về chức năng khác nhau giữa đàn ông và đàn bà, bố và mẹ, về ý nghĩa hôn nhân v.v..., mặc dù những hiểu biết ấy còn quá đơn giản, mang tính chất trẻ thơ.

Tuy nhiên, từ kết quả quan sát ấy ta có thể kết luận một cách rõ ràng điều chúng tôi đã nói ở trên: vốn kinh nghiệm trẻ thu lượm được trong quá trình giao tiếp với cha mẹ sẽ tạo thành cơ sở tinh thần cho việc tạo nên hình ảnh lý tưởng về người bạn đời sau này, cũng như về gia đình hạnh phúc.

Nếu chúng ta đi trước vài ba năm và quan sát xem trẻ chơi các trò chơi gì chúng ta sẽ có được nhiều suy nghĩ lý thú. Đôi khi chúng ta lạnh người khi thấy trẻ bắt chước chúng ta rất giỏi, buộc chúng ta phải tự hỏi: làm sao chúng tái hiện chính xác đến thế một số lời nói, cử chỉ của chúng ta, khi chúng “đóng vai” chúng ta, giả vờ làm bố hay làm mẹ. Thậm chí trẻ tái hiện được cả một số thói quen tốt cũng như xấu của chúng ta.

Chẳng hạn, đứa bé gái (giả vờ làm mẹ) mắng đứa bé trai (giả vờ làm bố): “Sao cứ đến bữa ăn thì chúi mũi vào báo mà đọc thế nhỉ? Anh thử một lần bỏ báo ra, ngồi ăn đàng hoàng, chuyện trò với vợ con xem nào? Đứa trẻ nam (đóng vai bố) thì bảo đứa trẻ gái (đóng vai mẹ): “Em với anh tối nay đi xem phim, mấy đứa con sẽ lại gào khóc đòi đi đến vỡ cả nhà cho mà xem!”

Trẻ không chi nhắc lại đúng từng câu từng chữ của chúng ta mà còn bắt chước đúng cả cách nhìn, giọng điệu. Và chẳng bao lâu sẽ đến một ngày những cử chỉ dáng điệu, cách xử sự của bố mẹ biến thành của chúng.

Làm cách nào để một mặt trẻ được tạo điều kiện tìm hiểu cuộc đời và chức năng khác nhau của mọi thành viên trong gia đình, mặt khác chúng không bắt chước riêng một người nào mà biết kết hợp tất cả những kinh nghiệm ấy lại rồi tự hình thành nên một cá tính riêng không sao chép hoàn toàn ai hết?

Trong khi ta chưa tìm được phương pháp nào hiệu quả cao thì phương pháp tốt nhất hiện nay vẫn là cho trẻ tham gia vào cuộc sống chung của cả gia đình, để chúng tiếp xúc với tất cả mọi người chứ không chỉ quanh quẩn riêng với một hoặc hai người nào đó.

Ngồi ăn cùng với gia đình: ông bà, bố mẹ, cô bác còn bổ ích cho sự hình thành nhân cách của trẻ hơn là để cho chúng ngồi ăn riêng với những thức ăn đắt tiền nào béo bở nhất. Đặc biệt có lợi cho việc giúp đứa trẻ hình thành nhân cách là những cuộc đi nghỉ ngơi của cả gia đình ngoài trời hoặc nơi nghỉ mát. Vì trong những dịp đó mọi người không bận tâm vào việc làm ăn mà hoàn toàn dành thời giờ cho nhau.

Chúng tôi cho rằng rất cần cho trẻ biết bố mẹ làm việc ở đâu để trẻ thích thú được làm việc đó giúp bố mẹ, tuy chỉ là sự giúp đỡ mang tính tượng trưng. Thời này người ta bố trí cho trẻ tham quan môi trường lao động của bố mẹ. Tại trường phổ thông, người ta tiến hành công việc này. Ngày xưa, trẻ thường chỉ thấy bố mẹ trong công việc gia đình hoặc chăm sóc vườn tược mà thôi. Chúng tôi hoàn toàn không coi nhẹ những “bài học cuộc sống” ấy, nhưng lao động của bố mẹ trong gia đình chỉ chiếm một phần trong toàn bộ hoạt động xã hội của họ. Bởi vậy, chúng tôi tha thiết khuyên các cặp cha mẹ trẻ nên lợi dụng bất kỳ dịp nào để giúp con cái thấy được các mặt hoạt động của họ, dần dần nhiễm được thói quen lao động xã hội.

Nhân đây xin nói về thói quen, kỹ năng. Trong khi tiến hành những bài học đầu tiên về “kỹ năng nghề nghiệp”, không phải ta chỉ nên mà cần tập cho trẻ biết hỗ trợ người lớn, khiến trẻ hiểu được rằng việc nội trợ không phải chỉ là công việc thấp kém có thể coi thường. Nấu nước, giặt giũ, quét dọn nhà cửa cũng như cuốc xới mảnh vườn, chăm sóc cây cối hoặc sửa chữa những dụng cụ, bàn ghế giúp trẻ nhìn thấy bố mẹ trong lao động và chúng cũng nhiễm dần thói quen ưa lao động.

Cũng cần nói thêm rằng những dịp chuẩn bị đón ngày lễ, ngày tết, ngày kỷ niệm sinh nhật, ta lôi kéo trẻ vào cùng dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị những món ăn đặc trưng, trang trí cho ngày tết v.v... sẽ rất bổ ích cho chúng. Đặc biệt là nếu cha mẹ khuyến khích trẻ tự nghĩ ra cách đóng góp: trang trí cây thông Noel, làm một thứ quà gì đó tặng bố hoặc mẹ (hoặc ông, bà...) nhân ngày kỷ niệm sinh nhật chẳng hạn thì rất tốt.

Ở đây vấn đề không phải chỉ lao động. Trong lao động sản xuất để kiếm sống và duy trì cuộc sống còn có cả phần quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, bộc lộ tính cách từng người. Chính những thứ này cung cấp chất liệu phong phú cho trẻ, giúp chúng hiểu biết cuộc sống và tự hình thành nhân cách của chúng.

Các thành viên trong gia đình không chỉ làm việc cho xã hội, cho đất nước mà còn vì nhau. Họ đem tiền kiếm được về nhà và cùng nhau quyết định cách sử dụng những khoản tiền ấy cho việc ăn uống, may mặc, mua sắm, đi du lịch. Vấn đề chi tiêu trong gia đình gắn chặt với những mong muốn và hy vọng của từng thành viên. Tốt nhất nên để trẻ cùng tham gia bàn bạc và nhường cho chúng quyền quyết định những khoản chi tiêu liên quan đến chúng, chẳng hạn tạm chưa mua một thứ đồ chơi để mua thứ gì đó cần chung cho cả gia đình, vừa vui vừa tăng thêm ý thức của trẻ đối với gia đình hơn, khuyến khích chúng quan tâm đến những thành viên khác, giúp chúng mau trưởng thành về mặt tâm hồn. Trẻ cảm thấy đã trở thành một thành viên thực sự và bình đẳng với các thành viên khác, do đó cũng thấy được trách nhiệm của chúng.

Đấy cũng là cách củng cố gia đình với tính chất là tế bào của xã hội. Tất nhiên trẻ còn non nớt nhiều khi chưa hiểu hết hoạt động của cha mẹ, nhưng chính cha mẹ cần chủ động giúp chúng dần dần hiểu được.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4313-02-633737427704323772/Nam-nam-qui-bau-cua-dua-Con/Dua-tre-la-th...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận