Cảm giác vững tin của bé
Bây giờ chúng tôi chuyển sang nhu cầu tinh thần thứ ba của đứa trẻ - đó là nhu cầu liên hệ tình cảm với người xung quanh, hoặc nói cách khác, nhu cầu vững tin về cảm xúc của bản thân nó. Khi được bảy tháng tuổi, ở đứa trẻ phát triển bình thường nào cũng đột nhiên xuất hiện một nét đặc biệt, mới thoạt nhìn thì kỳ lạ, bỗng dưng nó gắn bó với một người lớn, quyến luyến người này hơn cả. Không trông thấy người đó nó khó chịu; người đó đi ngang qua mà không chú ý đến nó, nó khóc. Thường đó là người mẹ, nhưng không phải nhất thiết là người mẹ: bà, cô, bố, bác hàng xóm, cô trông trẻ... Tất nhiên, người mẹ đóng vai trò ấy là dễ nhất, đứa trẻ khỏi phải chọn, phải tìm trong một loạt những người khác.
Khoảng một tháng sau, tức là sang tháng thứ tám, trẻ bắt đầu hiểu rằng nó thuộc về “những người của nó”, nó tìm kiếm ở họ sự che chở trước bất cứ mối nguy hiểm nào. Ngược lại, có mặt “người ngoài”, nó cảm thấy không an toàn lắm.
Có lẽ vào thời kỳ này lần đầu tiên đứa trẻ có cảm giác phụ thuộc, và nghe ra thì ngược đời, nhưng cảm giác ấy lại là điều cần thiết để nó tự lập và độc lập một cách lành mạnh sau này. Qua quan sát, người ta đã chứng minh được rằng sự phụ thuộc cảm xúc ấy tạo cho đứa trẻ một thứ “hậu phương” hoặc một “bến cảng vững tin”, để từ đó, sau này nó sẽ xuất phát những chuyến đi đầy phiêu lưu nhằm nhận thức thế giới đồng thời cũng bắt đầu hình thành khái niệm “ngôi nhà của tôi” - một khái niệm đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống đứa trẻ.
Ta hãy nhớ lại vài cảnh quen thuộc trong sinh hoạt gia đình: đứa con nấp vào sau váy mẹ, nhưng vẫn hé mắt chăm chú nhìn theo dõi tất cả những gì diễn ra xung quanh. Còn nếu nó đã bám vào bố, thì chẳng những nó dám bắt tay Ông Già Tuyết, mà nó dám bắt tay cả một con quỷ lông xù?
Ở thị trấn nghỉ mát Lugasovit, bác sĩ trưởng Đamborxca của trại trẻ mồ côi đã tiến hành một thí nghiệm lý thú để quan sát những đứa trẻ dưới một tuổi được nuôi dạy ở điều kiện gia đình bình thường và ở điều kiện trại trẻ. Bà đưa ra một thứ đồ chơi “khủng khiếp” - một con gấu to, dữ tợn. Đứa trẻ được nuôi dạy ở gia đình ngồi trong lòng mẹ chỉ bối rối trong khoảnh khắc, mặc dù nó đang ở trong khung cảnh không quen thuộc - (phòng làm việc của bác sĩ), sau đó nó xem xét kỹ đồ chơi và chơi với con gấu. Còn đứa trẻ cũng ngần ấy tháng tuổi, được nuôi dạy ở trại trẻ, cũng ngồi trong lòng chị y tá, thêm nữa, nó lại quen với khung cảnh căn phòng làm việc rồi, nhưng nó hoảng hốt, ngay cả sau khi con gấu đã được cất đi cũng phải rất lâu mới dỗ được nó. Sự vững tin của đứa này và không vững tin của đứa kia tất nhiên không thể không ảnh hưởng tới cách xử sự về sau của đứa trẻ, tới thái độ của nó đối với mọi người, các đồ vật, các ý nghĩ...
Những đứa trẻ sống một thời gian dài trong môi trường nghèo nàn xúc cảm thường có những khiếm khuyết nghiêm trọng trong cách xử sự chăng những lúc thời thơ ấu, mà khi chúng đã lớn cũng vậy. Chúng rất khó gắn bó với mọi người, chúng thường không thể là chỗ dựa cho một ai, cũng như chúng ít cần đến sự nâng đỡ của người khác. Rất có thể một thanh niên như vậy sẽ may mắn gặp được một cô gái cũng giống anh ta, không cần sự đền đáp xúc cảm lắm. Nhưng con cái họ sẽ lớn lên trong hoàn cảnh như thế nào? Rồi chúng ta sẽ nói về những đứa trẻ này rằng các lệch lạc trong tính cách của chúng, trong xử sự của chúng là những hiện tượng “bẩm sinh”. Có lẽ sẽ đúng hơn nếu chúng ta nói rằng đây là một hiện tượng không trái quy luật, tình trạng nghèo nàn xúc cảm dựa trên không khí không thuận lợi trong gia đình và những điều kiện không lành mạnh của sự phát triển đứa trẻ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia.
Như chúng ta thấy, khoa học hiện đại đã phát hiện cho thế giới một chân lý cũ: đứa trẻ cần được yêu thương. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là chiều theo bất cứ ý thích nào của nó. Tình yêu thương phải qua mối giao tiếp đầu tiên với những người gần gũi, đứa trẻ có được cảm giác vững tin, nó tin rằng nó thuộc về một ai đó, mẹ nó và những người thân của nó không bao giờ bỏ nó, nó có thể tin cậy ở họ. Sẽ không tốt nếu tình yêu thương của người mẹ “không có phanh”. Tình yêu thương hài hoà của người mẹ phải đòi hỏi cao, hợp lý thậm chí nghiêm khắc. Không nên hy sinh cả sức lực và sức khoẻ của mình chỉ cốt sao con cái sống sướng hơn. Cũng có thể nếu người mẹ hy sinh hết thảy, con cái sẽ sống sướng hơn hiểu theo nghĩa là chúng muốn gì được nấy. Nhưng liệu chúng có hạnh phúc không? Chúng có trở nên những con người mạnh mẽ phát triển hài hoà không? Theo chúng tôi, sẽ có ích hơn cho đứa con nếu bố mẹ nó xây dựng trong gia đình những điều kiện để họ cảm thấy hạnh phúc cùng với con cái mình và trong con cái mình. Những ông bố bà mẹ hy sinh mình sẽ không bao giờ tạo được cho con một môi trường ở đó các mối liên hệ xúc cảm được thể hiện đầy đủ và toàn diện.
Chúng tôi thường được nghe các bậc cha mẹ phàn nàn rằng họ có quá ít thời gian dành cho con cái, chuyện kiếm ăn buộc họ phải dốc toàn bộ thời gian và sức lực vào công việc. Mặc dù trong những lời phàn nàn ấy có đôi chút sự thật, nhưng đó không phải là toàn bộ sự thật. Thành công của việc giáo dục không phụ thuộc vào số lượng thời gian người mẹ dành cho con, mà chủ yếu phụ thuộc vào thái độ người mẹ đối với con. Nói cách khác, đối với đứa trẻ thì điều quan trọng là nó nhận được ở người mẹ những xúc cảm gì, chứ không phải là nó được mặc chiếc áo nào và ngồi trên chiếc xe đạp nào để đi dạo.