Con vật mới đẻ và trẻ sơ sinh
Mấy năm gần đây, các nhà khoa học làm thí nghiệm trên loài vật và tìm ra hiện tượng “thời kỳ đột biến” của vật nhỏ. Thời kỳ này sự tiếp nhận thế giới xung quanh đặc biệt nhạy bén và ảnh hưởng hết sức quan trọng đến tâm lý về sau.
Chúng ta đều biết vào cuối năm tuổi đầu tiên, óc trẻ mới chỉ đạt 50% trọng lượng và đến cuối năm tuổi thứ ba đã đạt 80%. Tất cả những gì diễn ra xung quanh đứa trẻ trong khoảng thời gian này đều sẽ in dấu lâu dài trong suốt cuộc đời chúng.
Thí nghiệm của G.Haclao trên loài chó cho thấy nếu trong thời kỳ đột biến, chó con bị nuôi riêng, tách khỏi các chó khác và con người thì về sau, hành vi của chúng không bình thường. Lớn lên chúng thấy gì cũng sợ, lúc nào cũng nép vào góc nhà và lẩn tránh người và mọi con chó khác.
Sự phát triển “hành vi xã hội” của mỗi giống vật rất khác nhau. Loại chó sói chẳng hạn, trong hai ba tuần lễ đầu tiên, sói mẹ nói chung không rời con. Nhưng sau ba tuần lễ nó phải đi kiếm ăn và để con trong hang. Cũng từ lúc đó bắt đầu hình thành “định hướng xã hội” của sói con. Nó dần dần chơi với những con sói khác trong hang, nhất là những con sói cùng lứa tuổi, điều này tạo cho nó thói quen sau này đi thành đàn cùng với những con sói cùng độ tuổi.
Loài khỉ lại khác. Khỉ con ngay từ nhỏ đã tiếp xúc với khỉ lớn và sau này tạo thành thói quen cùng đi kiếm ăn với chúng. Cấu tạo đàn của khỉ gồm nhiều lứa tuổi khác nhau.
Đối với trẻ sơ sinh, thời kỳ đột biến vô cùng quan trọng. Quá trình hình thành “định hướng xã hội” của trẻ diễn ra trong khoảng thời gian từ khi trẻ biết nói cười đến khi chúng biết phân biệt người xung quanh. Thoạt đầu trẻ chỉ nhận được mặt mẹ nó. Cuối tháng thứ bảy, kết thúc bước thứ nhất trong quá trình “định hướng xã hội” và mở đầu bước thứ hai. Lúc này trẻ đã nhận mặt được người mẹ, những thành viên khác trong gia đình. Khi có người lạ đến chơi, trẻ hoảng hốt, phải đến khi có mẹ hay một thành viên trong gia đình, trẻ mới hết sợ và “vững tin”.
Cần tạo cho trẻ, ngay từ những tiếp nhận đầu tiên với thế giới bên ngoài, cảm thấy rằng thế giới bao quanh là an toàn đối với nó. Muốn vậy đến cuối năm tuổi thứ nhất trẻ cần phải biết:
- Phân biệt được người ruột thịt với người ngoài nhưng hay đến.
- Phản ứng được với thái độ của họ (cử chỉ và giọng nói).
- Phân biệt được thái độ khen chê.
- Gắn bó với mẹ hơn, cảm thấy an toàn khi có mẹ bên cạnh.
- Tìm sự che chở nơi mẹ và có khả năng khắc phục nỗi sợ khi mẹ đến.
- Rõ rệt phản ứng khi gặp tình trạng strees (do căng thẳng hay lo lắng).
Tóm lại, cuối năm tuổi đầu tiên, trẻ phải có đủ những tiền đề để chuyển dịch sinh lực của nó thành tính tích cực, thể hiện trong cử động và chơi.
Đứa trẻ luôn xa lánh mọi người, không thích chơi trò chơi gì chỉ là do nó không được tập tiếp xúc và nhận xung động tình cảm từ những người khác. Mà chỉ có trò chơi mới rèn cho trẻ quen phản ứng nhanh nhậy, phối hợp động tác của các bộ phận, tứ chi với nhau thái độ kiên trì và tư duy cụ thể.