Tài liệu: Những nếp ứng xử đầu tiên

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Chúng tôi đã lưu ý bạn đọc về tác dụng quan trọng của không khí lành mạnh trong gia đình đối với trẻ
Những nếp ứng xử đầu tiên

Nội dung

Những nếp ứng xử đầu tiên

Chúng tôi đã lưu ý bạn đọc về tác dụng quan trọng của không khí lành mạnh trong gia đình đối với trẻ. Không khí này ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành những nếp ứng xử đầu tiên của trẻ đối với mọi người xung quanh.

Nếu bạn muốn con bạn biết giữ gìn đồ chơi không xé sách báo, tranh ảnh, biết chơi xong thu dọn lại gọn gàng, ngăn nắp, biết cách lễ phép xin người khác thứ gì nó cần và biết cảm ơn người đã làm gì cho nó thì ngay từ đầu bạn đã phải suy nghĩ cách nào tế nhị và khéo léo củng cố trong óc con để thành nếp bất cứ một xử sự nào bạn cho là đáng khuyến khích.

Kiểu lý thuyết dài dòng, giải thích tỉ mẩn không có hiệu quả đối với trẻ trong giai đoạn này, chẳng hạn, đối với cuốn sách chỉ nên đưa khi thấy trẻ thích hình ảnh trong đó. Sách đưa trẻ không phải để nó chơi mà là để nó xem và chỉ xem trong lúc có mặt bạn ở đó. Sau đấy bạn phải lấy lại để cất đi. Trẻ sơ sinh chỉ có khả năng thích thú với bức tranh trong sách một phút, sau đó bản năng tò mò khiến trẻ muốn xem xét chất liệu làm thành cuốn sách và chúng lập tức xé ra... Sang năm tuổi thứ hai, trẻ quan tâm đến hình vẽ bên trong nhiều hơn, bạn có thể cho chúng giữ lâu thêm. Nhưng khi thấy chúng không hứng thú xem nữa, bạn phải lập tức thu lại ngay.

Nói cách khác, các bạn cần theo dõi để trẻ cảm nhận thành nếp rằng sách là để thoả mãn nhu cầu thị giác của chúng, không phải thứ đồ chơi để chúng quăng quật.

Các bậc cha mẹ thường bực dọc thấy con mình coi thường và lãnh đạm với những đồ chơi họ mua về để giáo dục chúng. Những bậc cha mẹ này hoảng hốt lo cho con mình sau này sẽ thành thứ người gì không biết mà ngay từ nhỏ đã thản nhiên giẫm lên đồ chơi, vứt bừa bãi trong phòng. Khốn nỗi tính gọn gàng, ngăn nắp đâu phải trời cho, mà là thói quen hình thành qua quá trình giáo dục. Không thể đòi hỏi ở trẻ nhiều quá. Mỗi đứa trẻ quan niệm khác nhau thế nào là sạch sẽ, thế nào ngăn nắp mà không cần hướng dẫn ti mỉ. Bởi vậy chỉ cần quát: “Chơi xong thì phải cất đi!” là hoàn toàn không đủ. Phải làm sao để khái niệm về trật tự gọn gàng trong óc trẻ gắn liền với cảm giác khoan khoái, chứ không phải với thứ gì trái ý chúng, bắt chúng giảm mất hào hứng khi chơi.

Bởi vậy, cần để trẻ có thời gian chuẩn bị. Chẳng hạn, bạn nói: “Sắp đến bữa ăn rồi, con còn phải rửa tay đấy. Chơi một lúc nữa thôi rồi hai mẹ con cùng dọn”. Sau đấy bạn phải giữ đúng lời hứa với con. Chuẩn bị dọn cơm nước, bạn ra nói dứt khoát với con: Đến lúc phải dọn dẹp đồ chơi rồi và bạn cùng với con thu dọn. Nếu bạn khéo léo thì đứa trẻ sẽ có cảm giác bạn giúp nó thu dọn chứ không phải nó giúp bạn. Cảm giác chủ động tạo cho nó niềm hứng thú.

Vấn đề quan trọng ở đây là đừng giở giọng dạy dỗ. Hứng thú của trẻ khi chơi quan trọng hơn là trật tự sắp xếp đồ chơi trong tủ. Trẻ quan niệm nhà của nó là nơi nó ở đồng thời là nơi nó chơi, giống như bạn quan niệm nhà bạn là nơi bạn ở đồng thời là nơi bạn làm việc. Trẻ coi đồ chơi là nhu cầu tự nhiên, nhà là nơi để chúng bày và chơi đồ chơi. Đó là chuyện tất nhiên!

Gia đình nào cha mẹ quá lo lắng đến trật tự, ngăn nắp sẽ làm trẻ không học theo cha mẹ được, bởi một lẽ đơn gian là chúng không thể coi đồ đạc của bố mẹ là thứ gì thân thiết với chúng. Trường hợp ấy giữa cha mẹ và con cái luôn luôn không ăn nhập.

Nếu trẻ không học được cách lễ phép xin (đề nghị, nhờ) người khác và không biết cách cảm ơn; nếu chúng luôn bướng bỉnh và không cần nghe hết, chỉ làm theo ý thích riêng thì rõ ràng cha mẹ nó đã không biết cách giáo dục. Trẻ thô lỗ trong cư xử không do chúng mà do cha mẹ.

Bất cứ phương pháp giáo dục nào cũng chỉ có hiệu quả khi dựa trên tình cảm gắn bó giữa con cái và cha mẹ. Trẻ rất thích bắt chước, thích học ở những người lạ chúng yêu quý. Dạy dỗ một cách lạnh lùng, dù đúng đến đâu đi nữa cũng không thể đem lại kết quả mong muốn. Trẻ chỉ yêu quý ai yêu quý chúng.

Chúng ngỏ lời xin, cảm ơn, nghe theo ai không phải vì bản thân chúng muốn mà vì cha mẹ chúng muốn chúng như thế, ông bà, chú bác chúng muốn thế. Và chúng rất yêu những người đó, muốn làm vừa lòng họ.

Nhưng không phải chỉ yêu quý mà còn phải có uy tín. Cha mẹ yêu con, ông bà yêu cháu nhưng không phải tình yêu ngang hàng mà vẫn phải có một khoảng cách, một sự khác biệt: lòng yêu quý của người lớn đối với trẻ con! Trẻ phải nhận thấy được thế cao của cha mẹ, ông bà và sung sướng được người lớn che chở, được cảm thấy an toàn. Nó biết gặp nguy hiểm có người che chở, khi gặp khó khăn có người giúp đỡ và nó không bao giờ bị bỏ rơi. Trước mặt đứa trẻ, cha mẹ là sức mạnh, là mềm tự hào: “Bố tớ khoẻ nhất tất cả nhé!” và “Mẹ tớ đẹp nhất tất cả nhé?”. Lòng tin cậy và tự hào về bố mẹ tạo nên điều kiện quan trọng bậc nhất giúp trẻ định hướng trong cuộc sống suốt thời gian từ khi ra đời đến tuổi trưởng thành, trở nên người lớn.

Con đường chúng tôi đề nghị với bạn đọc không thể bằng phẳng ngay cả đối với đứa trẻ lý tưởng nhất, trong một gia đình lý tưởng nhất. Điều này không có gì lạ. Từ vị trí hoàn toàn phụ thuộc người mẹ, trẻ dần dần tự lập và thành một con người tự chủ. Trên chặng đường này có biết bao trắc trở. Đứa trẻ luôn luôn thử phạm vi sự tự lập của nó đến đâu, việc gì nên làm, việc gì không nên làm, thứ gì có lợi cho tương lai của nó, thứ gì có hại? Cái “Tôi” của trẻ được hình thành dần dần không phải chỉ qua sự hợp tác mà qua cả những xung đột với người xung quanh. Thí dụ điển hình nhất về những khó khăn trên chặng đường từ thơ dại đến trưởng thành là cái mà chúng ta gọi là thói “bướng bỉnh”. Nỗi vất vả lớn nhất của người làm cha mẹ là khắc phục hiện tượng này ở con cái. Cho nên, chúng tôi thấy cần bàn kỹ về vấn đề ấy.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4313-02-633737428825333012/Nam-nam-qui-bau-cua-dua-Con/Nhung-nep-ung...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận