Con đường tiến tới tự lập
Chúng tôi đã nói ở trên, trước khi tự lập, trẻ phải qua bước phụ thuộc. Những tình cảm qua lại giữa trẻ và các thành viên khác trong gia đình tạo nên trong trẻ niềm tin, giúp chúng thoát dần tình trạng phụ thuộc vào cha mẹ, thu hoạch thêm những kinh nghiệm và hiểu biết riêng, cuối cùng, thành một thành viên tự lập, một nhân cách thực sự.
Không phải như vậy là gia đình giảm vai trò đối với trẻ. Vấn đề là ở chỗ khác: trẻ dần dần mở rộng hiểu biết ra những phạm vi rộng lớn hơn, không bó hẹp trong gia đình mà lan ra ngoài xã hội.
Quá trình hình thành ý thức tự lập là quá trình tự nhiên và cần thiết. Nếu như đứa trẻ 18 tháng tuổi bằng lòng chịu ngồi yên trong xe nôi vài phút để mẹ chạy vào cửa hàng mua bán thứ gì đó thì đến ba tuổi nó đã có thể xa mẹ vài tiếng đồng hồ trong vườn trẻ. Lên sáu nó đã có thể cùng bạn bè trong lớp học tiến hành một chuyến tham quan hay cắn trại suốt cả ngày. Đến năm mười một, mười hai tuổi trẻ đã có thể cảm thấy tự tin và đóng một vai trò hẳn hoi trong tập thể thiếu niên.
Điều chúng tôi nói ở trên không có nghĩa là cha mẹ “mất” dần đứa con. Mà mối quan hệ giữa cha mẹ và đứa con chuyển sang tính chất khác, bước vào giai đoạn khác. Đó là quan hệ giữa những người tự lập, gần giống quan hệ giữa người lớn với nhau. Ví dụ muốn hay không, đến một lúc nào đó con cái cũng phải trưởng thành. Bước tiến này diễn ra không đột ngột mà tiệm tiến, không phải do trẻ quyết định mà cũng không phải do cha mẹ đến một lúc nào đó bỗng nhiên tuyên bố: “Từ hôm nay con đã trưởng thành”.
Trẻ thoát khỏi sự phụ thuộc vào cha mẹ một cách tự nhiên, dần dần. Chính chúng cũng không ý thức được rõ ràng và cha mẹ cũng không để ý thấy. Tuy nhiên, quá trình ấy cũng không phải không có những bước nhảy vọt, bộc lộ qua những mâu thuẫn đầy kịch tính, thậm chí những khủng hoảng, ở nhiều mức độ khác nhau và mang tính chất khác nhau. Nếu như cha mẹ ngăn cản quá trình đó, hoặc cố tình kéo dài tình trạng phụ thuộc của con cái, tình hình chỉ thêm tồi tệ và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ sau này.
Ngay từ năm tuổi thứ hai, trẻ đã bắt đầu quan tâm đến những đứa trẻ khác cùng lứa. Thật ra việc trẻ thích chơi với bạn cùng tuổi lúc đầu không kéo dài, bởi chúng chưa có ý thức rằng bạn cũng là những con người như chúng mà chỉ coi bạn như một thứ đồ vật. Chính do đó mà trẻ ngồi với nhau lâu hơn một chút là thế nào cũng có một đứa không chịu và hét ầm lên. Phải sau ba năm tuổi, trẻ biết “nhịn nhau” mới chơi với nhau được lâu một cách hoà thuận. Cũng từ thời gian đó mối quan hệ giữa trẻ với “tập thể” mới dần dần được hình thành một cách êm thấm và tốt đẹp. Chúng có thể cùng chơi trò gì đó lâu một chút.
Lớn lên, trẻ đã biết “cộng tác” với nhau, thông cảm nhau. Chúng có thể chờ đợi nhau, cùng “phân vai” để chơi với nhau trong những trò “giả vờ” và cùng hưởng chung niềm vui.
Lên năm, trẻ đã có “bạn thân” trong lớp mẫu giáo. Và lên sáu, bắt đầu vào học lớp một, trẻ bước sang một thời kỳ phát triển mới: Chúng không chỉ cùng “chơi” nữa mà bắt đầu biết cùng làm việc nghiêm chỉnh.
Nhưng bây giờ chúng ta tạm gác các ngưỡng cửa đi học và quay lại về thời gian ý thức tự lập của trẻ bắt đầu hình thành, để dưới ánh sáng của những thành tựu khoa học mới đây về tâm lý, xem xét một số hiện tượng bất thường nhiều khi làm các bậc cha mẹ bực dọc và lúng túng. Cần nói ngay rằng chúng tôi không thể đưa ra lời khuyên cụ thể về tất cả mọi hiện tượng mà chỉ cố gắng tìm ra nguyên nhân tâm lý khiến trẻ có những thái độ kỳ quái trong độ tuổi trước khi đến trường. Bởi vì khi biết được nguyên nhân tâm lý nằm bên trong những hiện tượng đó, chúng ta sẽ biết cách chọn ra những giải pháp đúng đắn để khắc phục. Mỗi trẻ đều có đặc điểm riêng. Mỗi trẻ là một nhân cách và phải tuỳ nét riêng biệt đó của trẻ mà liệu cách xử lý. Không thể có “đơn thuốc” chung cho mọi trường hợp.
Cũng cần nói thêm điều này. Trong số những thái độ của trẻ khiến các bậc cha mẹ bực bội, khó chịu, tới đại đa số là kết quả tự nhiên sự phát triển của trẻ. Sự phát triển này không phải chỉ có những quy luật của nó mà cả những “động lực ngầm”. Về bệnh tật và tình trạng bệnh lý, những lệch lạc trong cơ thể trẻ, thói quen xấu và những “vi phạm” trầm trọng trong hành vi của trẻ đã có nhiều cuốn sách chuyên đề mà chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu để các bậc cha mẹ tìm đọc. Ở đây, chúng tôi chỉ bàn đến những “trục trặc” ở trẻ khoẻ mạnh và phát triển bình thường, không có nguyên nhân nằm trong thể trạng hoặc bệnh lý.