Ngủ của bé
Chúng ta hãy bắt đầu từ những chức năng sinh lý cơ bản: ăn, bài tiết, ngủ của trẻ. Không có gì là lạ khi “bộ ba” ấy là nơi lo lắng lớn nhất của cha mẹ ngay từ khi đứa trẻ ra đời.
Trong tháng tuổi đầu tiên, trẻ ngủ trung bình 20 tiếng một ngày đêm và chỉ thức trong quãng thời gian ngắn. Hơn nữa, sự chuyển tiếp từ ngủ sáng thức đêm ngược lại diễn ra không hoàn toàn rõ rệt. Sang tháng thứ hai thức và ngủ mới dần dần phân biệt. Trẻ ngủ ban đêm và thức ban ngày. Tháng thứ ba, trẻ ngủ trung bình 17- 18 giờ mỗi ngày đêm, riêng đêm thì ngủ 10 - 11 tiếng. Cuối năm tuổi thứ nhất, trẻ ngủ chi còn 15 tiếng. Độ dài giấc ngủ ban đêm gần như không thay đổi suốt trong ba năm đầu tiên. Chỉ thời gian thức ban ngày có tăng đôi chút.
Từ giữa năm tuổi thứ hai, trẻ chỉ ngủ một giấc ban ngày và thức thành hai quãng thời gian, mỗi quãng khoảng 5, 6 tiếng.
Sang năm tuổi thứ ba, trẻ ngủ trưa khoảng 2 đến 2 tiếng rưỡi và thời gian thức mỗi lần kéo dài tới 6 tiếng đồng hồ. Những thông số trên chỉ có giá trị tương đối, bởi mỗi trẻ có đặc điểm sinh lý khác nhau. Nhiều trẻ sang năm tuổi thứ ba hoàn toàn không ngủ ngày. Muốn biết trẻ có cần ngủ ban ngày hay không chúng ta có thể quan sát xem khi đặt nằm chúng có muốn ngủ hay không. Nếu như trẻ không ngủ ban ngày mà vẫn tỉnh táo, không có hiện tượng uể oải và đêm lại ngủ say sưa thì có thể không cần ép chúng ngủ ban ngày.
Giấc ngủ bình thường là do trạng thái thần kinh của trẻ và hiện tượng quãng thời gian trẻ ngủ thu hẹp dần kết quả của sự phát triển sinh lý của trẻ. Chúng ta thường hiểu như thế, nhưng thật ra chỉ đúng một phần.
Chúng ta cần tập cho trẻ ngủ đúng. Việc này hoàn toàn không khó nếu như các bạn theo những lời khuyên sau đây của chúng tôi.
Chỉ đặt trẻ lên giường khi chúng thật sự tỏ vẻ buồn ngủ. Trong lúc thay tã hoặc thay quần áo cho trẻ trước khi đặt lên giường, đừng nựng hoặc hỏi chuyện chúng. Nhất là đừng chọc cho chúng bực tức, thậm chí cho chúng khóc. Tốt nhất là mỗi lần đặt cho con ngủ người mẹ theo đúng một trình tự, tạo thành nếp cho trẻ. Sau này mỗi lần muốn đặt trẻ ngủ, cứ theo đúng trình tự ấy, phản xạ sẽ giúp đứa trẻ buồn ngủ.
Cần đặt trẻ ngủ một nơi nhất định, không thay đổi. Tốt nhất là trong chiếc giường nhỏ kê ở một vị trí cố định. Xin các bậc cha mẹ đặc biệt quan tâm đến vị trí ngủ của trẻ sao cho đủ thoáng khí. Áo quần mặc cho trẻ lúc chúng ngủ cũng cần quan tâm để không tạo nên phản xạ tự vệ của chúng trong lúc ngủ.
Nếu quấn nhiều áo quần quá, trẻ không cử động thoải mái được trong lúc ngủ, chúng sẽ khó chịu, cựa quậy luôn và nếu có ngủ thì giấc ngủ cũng không sâu mà chúng đổ mồ hôi.
Cũng có thể khi đặt trẻ nằm, mẹ ngồi bên cạnh một lúc, hát ru nhè nhẹ và cầm tay chúng để chúng yên tâm và thoải mái đi vào giấc ngủ. Đối với trẻ lớn hơn đôi chút, có thể hát ru hoặc kể một câu chuyện cổ tích ngắn rồi chúc con ngủ ngon.
Rất không nên tạo cho trẻ cảm giác là chúng ban ơn cho mẹ và đòi kể hết chuyện cổ tích này đến truyện cổ tích khác hoặc kéo dài thời gian vuốt ve của mẹ rất lâu, thậm chí nhõng nhẽo hoặc quấy khóc.
Ngay từ đầu các bạn nên giữ thái độ bình thản, trìu mến nhưng kiên quyết thì sau này trẻ sẽ không nhiễm những thói xấu như đòi hỏi, nhõng nhẽo.
Bây giờ đã đến lúc chúng ta đề cập đến những nguyên tắc chủ yếu trong việc tạo cho trẻ các thói quen tốt.
Nguyên tắc thứ nhất: khuyến khích những thói quen mà chung ta mong muốn ở trẻ: Để khuyến khích, chúng ta có thể sử dụng tất cả những thứ gì mà trẻ thích thú. Trẻ còn rất nhỏ thì thích được vuốt ve, được nhìn thấy nụ cười, tóm lại được thấy thái độ vui vẻ của người lớn. Đối với trẻ hai, ba, năm tuổi, thì ngoài thái độ kể trên, còn thêm lời nựng. Nếu như mỗi khi trẻ làm điều gì hợp với mong muốn của chúng ta, chúng ta nói với chúng: “Ôi, mẹ rất thích con mẹ làm như thế. Con ngoan lắm...” kèm theo là một nụ cười một vài cử chỉ vuốt ve. Cách động viên ấy còn hơn nhiều so với đưa chúng một nắm kẹo. Làm cách trên, bạn có thể yên tâm rằng trẻ gặp dịp thuận tiện là sẽ lặp lại hành vi đã được mẹ hoặc bố khen ngợi nói trên.
Các bạn hãy ghi nhớ rằng hình phạt chỉ có tác dụng ngăn chặn chứ không tạo nên được những thói quen tốt. Trong khi đó, khuyến khích, “động viên” mới giúp trẻ có những thói quen đúng đắn, mà cha mẹ nào chẳng muốn như thế.
Nguyên tắc thứ hai: tránh tất cá những nơi khó chịu, cán trớ trẻ tiếp nhận các thói quen tốt. Việc trẻ làm đúng, phù hợp với mong muốn của cha mẹ, không được để chúng làm trong tâm trạng sợ hãi, lo lắng, uất ức hoặc bất kỳ một phản ứng tâm lý mang tính tự vệ nào. Hiện tượng này thường xảy ra khi chúng buộc phải làm vì người lớn thô bạo cưỡng bức hoặc đe nẹt. Chẳng hạn bắt buộc ngủ coi là một hình phạt, ép chúng ăn khi chúng chưa đói, khi chúng khát đưa thứ nước quá chua, hoặc bắt chúng ngồi vào bô quá lạnh hay cập kênh. Cả trường hợp chúng đang chơi, người lớn thô lỗ can thiệp, bắt chúng làm thứ khác hoặc chơi trò chơi khác mà chúng chưa muốn...
Nhiều lần như thế, trẻ sẽ ăn ngủ, bài tiết một cách miễn cưỡng. Ăn không ngon miệng. Ngủ không say. Và cố nhiên để khỏi phải “ngồi bô”. Thậm chí ngay cả khi chơi, chúng cũng không còn chơi một cách hào hứng nữa.
Nguyên tắc cuối cùng: Loại trừ những hành vi nào của trẻ có khả năng tạo cho, chúng những thói quen xấu. Điều này có nghĩa đừng đùa giỡn với trẻ khi chúng không chịu đi nằm, đừng cười khi thấy trẻ dùng thìa đổ cháo lên bàn ăn; đừng nựng khi chúng giẫm nát đồ chơi. Vấn đề là ở chỗ, chỉ một lần thôi chúng ta vô tình tỏ ra vui vẻ (cười vui, nựng, vuốt ve) khi chúng phạm lỗi rồi sau đó chúng chỉ một lần thôi chúng ta lại giận dữ, mắng mỏ khi chúng làm cũng vẫn những cử chỉ ấy, chúng sẽ bối rối, không hiểu ra sao, người lớn muốn hay không muốn chúng làm cái việc ấy.
Từ ba nguyên tắc trên, chúng ta rút ra một nguyên lý chung: sự nhất quán trong thái độ. Sự nhất quán chỉ có thể thực hiện khi việc giáo dục trẻ được thường xuyên giao cho một người (thông thường là người mẹ ). Việc giáo dục sẽ rất khó khăn khi tất cả mọi thành viên trong gia đình đều nhúng tay vào và mỗi người lại có quan niệm riêng thế nào là tốt, thế nào là xấu, mặc dù tất cả đều yêu quý, đều mong muốn điều tốt cho đứa trẻ ngang nhau. Tốt nhất là các thành viên trong gia đình thống nhất trước một số quan niệm, thậm chí bàn trước thái độ cần có khi trẻ phạm lỗi gì. Sự nhất quán giúp trẻ mau chóng phân biệt được điều gì người lớn muốn thấy ở chúng và điều gì không muốn.
Cách khắc phục thói quen xấu ở trẻ cũng tiến hành giống như cách tạo thói quen tốt. Chỉ khác ở chỗ trình tự ngược lại. Trước hết cần phân tích nguyên nhân nào dẫn đến thói quen xấu ấy ở trẻ rồi loại trừ nguyên nhân. Chẳng hạn, trẻ có rung giường vì tiếng động ấy làm nó thích. Vậy thì phải kê giường sao để trẻ không thể rung được.
Hay trẻ quen thói nhõng nhẽo vì mỗi lần nó làm nũng, bà nó lại vội chạy đến dỗ dành, vuốt ve hoặc dúi cho nó cái kẹo. Nếu như bà thấy cháu bắt đầu hư, không chơi với nó nữa, để mặc nó một lúc, chắc chắn lần sau nó sẽ không dại gì mà “hư” nữa.
Đối với trẻ, cách khuyến khích tốt nhất là thái độ vui vẻ của người lớn, do đó hình phạt tốt nhất là thái độ khó chịu, không yêu chúng nữa.
Về cái hại của hình phạt thể xác (đánh đập) đã được nói nhiều, chúng tôi thấy không cần phân tích thêm gì nữa. Ngay cả thái độ suốt ngày mắng chửi con cũng vô cùng tai hại. Không hình phạt nào hiệu quả hơn là mỗi nét cau mặt và thôi không âu yếm con nữa.
Nhưng cũng phải nói rằng không phải cứ phạt là tốt dù là phạt theo cách “tình cảm”. Trẻ cần biết ai phạt, lỗi của nó ở đâu (trong thái độ nào và trong hoàn cảnh nào). Qua cách thưởng, phạt sẽ hình thành mối quan hệ giữa người giáo dục và người được giáo dục. Cho nên ai phạt là điều quan trọng. Chỉ cần người mẹ yêu quý cau mặt là trẻ đã đau khổ rồi. Nhưng nếu người nó vẫn ghét mà cau mặt với nó thì nó thản nhiên, thậm chí càng thích nữa. Mục đích của hình phạt đối với trẻ là gợi lên trong óc nó cảm giác biết lỗi và sự xấu hổ, sau khi nó làm một việc sai trái. Nếu hiệu quả đó không đạt, sự trừng phạt chỉ còn là một hành động bạo lực, không có tác dụng gì hết. Tất nhiên sự nhậy cảm của mỗi trẻ mỗi khác. Có đứa trẻ mẹ chỉ cần cau mặt là đã đau khổ và hối hận. (Đối với loại trẻ này thì hình phạt cao hơn lại nguy hiểm). Có trẻ phải dùng hình phạt nghiêm khắc hơn. Bởi vậy lại cần phải hiểu trẻ. Vấn đề cuối cùng không kém phần quan trọng là quan niệm hành vi thế nào xấu, hành vi thế nào tốt của trẻ. Trước khi phạt con, chúng ta cần tự hỏi: nó có biết việc nó vừa làm là sai không nó làm thế là do vô ý, do mải chơi, chẳng hạn đùa nghịch lỡ làm vỡ tách hay việc làm đó là do cố tình.
Nên nhớ rằng dụng ý xấu ở trẻ là cực kỳ hiếm. Đại đa số do chúng chưa có kinh nghiệm, còn vụng về, mải chơi. Cho nên chúng ta chỉ có thể kết luận trẻ cố tình làm sai, sau khi đã thẩm tra kỹ mọi lý do khác thấy đều không đứng vững.
Cũng còn một điều nữa xin đừng quên. Đó là phạt xong phải tha thứ. Vì chỉ bằng cách tha thứ (thể hiện rõ bằng lời nói hoặc thái độ) chúng ta mới tái lập được mối quan hệ tình cảm bình thường với trẻ. Chỉ sau khi được tha thứ, trẻ mới chấm dứt cảm giác hối hận và lấy lại được tâm trạng vui tươi, hồn nhiên. Nó mới lại tin rằng mọi người đã yêu nó như cũ? Việc tạo cho trẻ hết băn khoăn, lo lắng và thấy mọi người không để bụng về hành động sai trái của nó thêm nữa là điều vô cùng cần thiết. Trẻ càng trở nên nhạy cảm, hiểu rõ hơn người lớn muốn gì ở chúng và chúng sẽ cố gắng để người lớn hài lòng.