Bướng bỉnh và thói quen xấu ở trẻ
Thói “đỏng đảnh” hay những đòi hỏi oái ăm là hiện tượng chung cho mọi đứa trẻ. Đứa ít đứa nhiều, đứa làm cha mẹ bực mình ít, đứa làm cho cha mẹ bực mình nhiều. Có thể nói, không một đứa trẻ nào lại “lành như bụt” đến mức không bao giờ làm cha mẹ bực bội.
Vậy thói “đỏng đảnh” của trẻ là cái gì? Để ngắn gọn chúng tôi có thể nói, là khi trẻ đòi thứ gì hoặc làm chuyện gì đó không đúng như ý mong muốn, như chờ đợi của cha mẹ. Các bậc cha mẹ dễ cho những thái độ “đỏng đảnh” hoặc “tự ý” của trẻ là vi phạm nguyên tắc. Thật ra đó hoàn toàn chỉ là hiện tượng bình thường. Có khi trẻ phản ứng vượt khỏi ranh giới “hợp lý” hoặc cha mẹ không đủ kiên nhẫn chịu đựng. Những hiện tượng ấy đều do cha mẹ đòi ở trẻ những điều vượt quá khả năng của chúng.
Thông thường nhất là cha mẹ đòi trẻ làm một thứ gì đó, về mặt hợp lý thì rất đúng nhưng không hiểu vì sao trẻ không thực hiện được hoặc không thực hiện. Cha mẹ càng ép, trẻ càng cưỡng lại do bản năng tự vệ của chúng. Và kết quả nhiều khi quá đà, gây nên những hậu quả ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Tất cả những điều chúng tôi trình bày trên thật ra chỉ để các bậc cha mẹ hiểu ra rằng mỗi đứa trẻ là một con người “độc đoán” có những đặc điểm riêng của bản thân chúng, không thể hoàn toàn giống ai. Chúng có những nhu cầu riêng. Và không phải chỉ nhu cầu mà cả những khả năng riêng. Mỗi đứa trẻ đều có khí chất, đặc điểm tâm thế khác nhau. Nếu nắm được những nét “riêng” đấy của trẻ, chúng ta sẽ không buộc trẻ phải làm những gì trái với khí chất, vượt quá khả năng của chúng, hoặc chúng không thích. Hiểu được như thế cha mẹ sẽ ít bực dọc và nổi nóng hơn.
Tất nhiên không thể đòi hỏi các bậc cha mẹ hoàn toàn không mâu thuẫn với con cái. Bởi vì quá trình trưởng thành không chỉ đứa trẻ mà cả cha mẹ cũng tham gia. Mỗi bên đều tự chỉnh đốn. Và tất nhiên trong quá trình đó không thể không có những trục trặc khi bên này đi hơi nhanh và bên kia đi hơi chậm. Do đó mỗi khi trẻ không tuân theo “mệnh lệnh” của chúng ta, chúng ta hãy cố gắng kiềm chế, không để cơn nóng giận xâm nhập và có hành vi thô bạo. Trong việc giáo dục, nóng nảy không bao giờ tốt. Gặp trường hợp đó, tốt nhất là các bậc cha mẹ tự đặt câu hỏi: “Mình có đòi hỏi con cái điều vượt quá khả năng của nó hoặc trái với khí chất nó không?”
Rất nhiều khi xảy ra hiện tượng là cha mẹ nín nhịn, buông con quá lâu đến lúc thấy không thể được nữa mới “đột nhiên” sửa chữa sai lầm và trở nên cứng rắn với trẻ. Cần nói ngay rằng nuông trẻ quá, không đòi hỏi ở chúng điều gì hết sẽ tạo cho trẻ thờ ơ, uể oải và không kích thích được phẩm chất năng động là yếu tố rất cần thiết trong việc phát triển nhân cách của chúng. Nhưng đòi hỏi chúng nhiều quá, vượt khỏi khả năng của chúng lại nguy hiểm. Do sợ hãi, trẻ chỉ thực hiện mệnh lệnh của cha mẹ một cách thụ động cũng lại sẽ trở thành “thờ ơ” uể oải và sau này lớn lên tính cách sẽ bạc nhược. Hoặc ngược lại chúng sẽ trở thành cứng đầu cứng cổ. Hai thái cực đó đều tai hại ngang nhau.
Các sách không dẫn cách giáo dục trẻ em, nói chung đều đưa ra những chuẩn mực về cư xử của trẻ trong từng lứa tuổi. Vào độ tuổi nào thì trẻ làm được việc gì. Những cuốn sách ấy rất dễ tìm. Tuy nhiên, chuẩn mực nêu ra trong đó thường là đối với những trẻ phát triển bình thường, đúng hơn là trẻ “trung bình”. Chúng ta nên hiểu rằng trên thực tế, phạm vi đúng sai có thể đi rất xa so với chuẩn mực “trung bình” ấy. Bởi vậy, khi thấy con mình phát triển không đúng theo chuẩn mực nêu trong sách, chúng ta đừng vội lo lắng. Trường hợp lo lắng quá, chúng ta có thể tìm đến thầy thuốc hoặc chuyên gia tâm sinh lý trẻ em để hỏi. Nhưng điều tuyệt đối cần tránh là không bao giờ được nóng nảy, ngay cả khi chúng ta thấy rõ trẻ đi quá xa chuẩn mực. Không đem lại kết quả gì tốt đẹp mà chỉ tạo cho trẻ những phản ứng lệch lạc ảnh hưởng tai hại về sau.
Thường chúng ta bực bội nhất trong trường hợp nào? Khi trẻ không chịu ăn, không chịu ngủ, đòi ngồi bô trong khi chúng ta nghĩ rằng nó đã lớn! Nói cách khác, khi trẻ có nhu cầu bài tiết. Các bậc cha mẹ thường giận dữ khi thấy trẻ “bướng” bảo không chịu nghe. Chúng ta bực bội khi thấy trẻ quá nhút nhát, cái gì cũng sợ hoặc ngược lại, khi thấy chúng táo tợn, chẳng biết sợ cái gì hết. Hoặc trẻ hay quấy nhiễu, trẻ thản nhiên với mọi thứ xung quanh v.v và v.v...